Cần cảnh báo sớm các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông*

Van Pham

Trước khi quyết định công bố thông tin về việc xây dựng ở đảo Tri Tôn hôm 03/8, đối tác và mình đã phải bàn luận rất căng thẳng, cân nhắc giữa việc cảnh báo sớm (thì còn có thể tác động thay đổi tính toán của Trung Quốc) và việc có thể khiến công chúng alarmed.

Thế nên việc dùng từ hết sức thận trọng. Trong hình ảnh vệ tinh được đối tác phân tích (nhưng không thể công bố do bản quyền đã thuộc về một nhóm khác), có một cấu trúc nhìn giống apron, nhưng vì at early stages nên về sau trong bài viết của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải xoá chi tiết đó đi. 

Đối tác của mình nói đúng. Việc phân tích chuyên sâu với nhau khác hẳn việc đưa ra công chúng. Quả nhiên suy đoán sẽ rất dễ bị biến thành khẳng định. 

Trong ảnh vệ tinh có một chi tiết mà hầu hết mọi người bỏ qua. Đó là một công trường xây dựng với nhà máy xi măng mà cách đây mấy tháng, đó vẫn còn là một bãi đất trống. Đó là sự có mặt của tàu cuốc. Nếu ai còn nhớ những gì đã xảy ra ở quần đảo Trường Sa, hẳn còn nhớ con tàu cuốc đã giúp Trung Quốc biến những đảo chìm thành đảo nổi nhân tạo. 

“History is full of unlikely people and unlikely events”. Năm 1988, khi Trung Quốc chỉ chiếm được 7 thực thể nhỏ đa phần chìm ở thuỷ triều cao, không ai tại thời điểm đó nghĩ Trung Quốc sẽ biến được thành những đảo nổi tiền đồn quân sự tại những điểm thắt chiến lược và phục vụ nhu cầu hậu cần cho các chiến dịch hoạt động vùng xám ở Biển Đông. 

Nên mình nói với một nhà báo: Trong khi mục đích xây dựng của Trung Quốc chỉ có thể suy đoán mà chưa thể kết luận, nhưng hoạt động xây dựng là rõ ràng và cảnh báo sớm thì còn có thể làm được gì đó để thay đổi. Hơn là đợi đến khi hoàn thành, khi đó chỉ còn là một câu chuyện nóng hấp dẫn về mặt truyền thông nhưng chẳng thể thay đổi được gì.

Và lần này thông tin đã được công bố từ sớm nhé. Năm xưa, bác Trần Công Trục nghi ngờ động cơ của Hoa Kỳ đợi đến khi Trung Quốc xây xong ở Trường Sa mới công bố thông tin, trong khi bác quên mất rằng hải quân Việt Nam đóng quân ở đó không xa. Trách nhiệm trước hết thuộc về Việt Nam, thuộc về người Việt đối với những gì mà mình tuyên bố là của mình. 

Thật ra Janes đã công bố việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo từ cuối năm 2013. Nhưng lúc đó có những chuyên gia Việt Nam lại nghĩ rằng vẫn chỉ là xây dựng bình thường, nên toàn lực tập trung vào vụ giàn khoan 981 năm 2014. Hồi đó có nhóm South China Sea News có thành viên người Việt để tâm cảnh báo và sau đó qua SCSN mà một số tờ báo lớn nhất của Đức cũng để ý. 

Sau này câu chuyện Trung Quốc xây đảo nhân tạo lên báo đại chúng các bác mới để ý. Nhưng thường báo đại chúng chỉ đưa những gì đã thành câu chuyện, khi đó thì đã trễ.

V.P.

Nguồn: FB Van Pham

* Tên bài do BVN đặt

Đọc thêm: 

Đảo Tri Tôn đã lên trang báo AP rồi đấy

Van Pham 17 August 

Ngày 22 tới đây sẽ diễn ra vòng đàm phán COC tiếp theo. Chắc Philippines sẽ đặt vụ Bãi Cỏ Mây trên bàn đàm phán. Việt Nam hẳn cũng nhất thiết phải đề cập vụ Tri Tôn. 

Nói về đảo Tri Tôn, đó không đơn thuần là vấn đề tranh chấp chủ quyền song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với một hòn đảo nằm trong quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng.

Đó là hòn đảo nằm phía Việt Nam của đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai bên vẫn đang đàm phán phân định, chỉ cách đảo Lý Sơn hơn 120 hải lý.

Đó là hòn đảo mà đi kèm với tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, biến một diện tích lớn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được hưởng hợp pháp theo UNCLOS thành vùng biển tranh chấp. Thậm chí, Mark Valencia cũng từng cho rằng một căn cứ pháp lý của Trung Quốc trong tranh chấp Bãi Tư Chính là yêu sách biển xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa.

Bởi vậy, đây không đơn thuần là tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là tranh chấp giữa Trung Quốc và UNCLOS, mà nếu để xảy ra tiền lệ Việt Nam thì cũng có thể xảy ra với bất kỳ nước Đông Nam Á nào. 

Cũng bởi vậy, quần đảo Hoàng Sa không thể nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của COC (mặc dù trên thực tế, nhiều người chỉ còn coi quá trình đàm phán COC là diễn đàn đối thoại với Trung Quốc, chứ không có hy vọng sẽ đạt được kết quả cuối cùng đúng nghĩa).

Nếu đã coi quá trình đàm phán COC là diễn đàn đối thoại với Trung Quốc, thì đây là dịp đặt câu hỏi với Trung Quốc về hoạt động xây dựng đang diễn ra ở đảo Tri Tôn.

Tính trung tâm của ASEAN không phải vì Biden có đến Jakarta mà được coi trọng hay không coi trọng. AUKUS, Bộ Tứ hay NATO mở rộng chỉ là những yếu tố tác động bên ngoài. Tính trung tâm của ASEAN trước hết do chính ASEAN quyết định, thể hiện qua việc khối có là chỗ dựa vững chắc cho quyền lợi hợp pháp của các nước thành viên, và giải quyết được những nguy cơ xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông.

V.P.

Nguồn: FB Van Pham

  

This entry was posted in Biển Đông, Hoàng Sa, UNCLOS. Bookmark the permalink.