Vì sao Trung Quốc tức giận với chuyến thăm Mỹ của Phó Tổng thống Đài Loan?

BBC

Chụp lại hình ảnhPhó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đến khách sạn Lotte ở Manhattan ở Thành phố New York, Hoa Kỳ, ngày 12 tháng 8 năm 2023Nguồn hình ảnh: Reuters

Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan vào thứ Bảy, ngay sau khi Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) trở về Đài Bắc sau khi thực hiện hai điểm dừng chân tại Mỹ trong kế hoạch công du Paraguay, theo Reuters.

Ngoại giao quá cảnh này đã chọc giận Trung Quốc vì coi ông Lại là phần tử ly khai và “kẻ gây rối”.

Dưới đây là những vấn đề chính trong quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ, Hoa Kỳ-Trung Quốc và Đài Loan-Trung Quốc, cũng như lý do tại sao Trung Quốc tỏ ra rất bất mãn về chuyến thăm của Lại đến Mỹ. 

Vì sao Trung Quốc tức giận đến vậy?

Vấn đề Đài Loan là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với đảng cầm quyền  Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình kể từ khi chính phủ Cộng hòa Trung Hoa bị đánh bại và phải chạy tới hòn đảo này vào năm 1949, sau khi thua trong cuộc nội chiến với phe cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo.

Trung Quốc đã liên tục kêu gọi các quan chức Hoa Kỳ không tương tác với các lãnh đạo Đài Loan hoặc cho phép họ vào Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, xem việc này là ủng hộ cho mong muốn của Đài Loan được xem như là một thực thể độc lập khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc chưa từng từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan  vốn được cai trị bằng chế độ dân chủ vào tầm kiểm soát của mình. Vào năm 2005, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật, cho Bắc Kinh cơ sở pháp lý để thực hiện hành động quân sự nhắm vào Đài Loan nếu hòn đảo ly khai hay có dấu hiệu như vậy. 

Vì sao Bắc Kinh ghét ông Lại?

Trung Quốc tin rằng Lại là một phần tử ly khai vì những phát biểu trước đây của ông ấy về việc trở thành một “người làm việc” cho nền độc lập của Đài Loan, dù Lại nói rằng với tư cách là Trung Hoa Dân Quốc, họ đã là một quốc gia độc lập.

Trong khi Đài Loan và Hoa Kỳ nói rằng các chuyến đi quá cảnh tại Mỹ của Lại là thường lệ và không có lý do gì để Trung Quốc phản ứng căng thẳng, thì Bắc Kinh nói rằng các chuyến đi của Lại là để ông ta “dựa vào Mỹ để đòi độc lập” và là một “chiêu bài” để “giành lợi thế bầu cử địa phương thông qua các động thái không trung thực”.

Ông Lại là ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền Dân chủ tiến bộ cho cuộc bầu cử vào tháng Giêng năm sau và đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến.

Quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan là gì?

Vào năm 1979, Hoa Kỳ đã chấm dứt quan hệ chính thức với chính phủ tại Đài Bắc và thay vào đó, công nhận chính phủ ở Bắc Kinh. 

Hiệp ước quốc phòng Đài Loan-Hoa Kỳ cũng kết thúc cùng thời điểm.

Sau năm 1979, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã được điều chỉnh bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tạo cơ sở pháp lý để Mỹ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ, nhưng không yêu cầu Mỹ phải hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công.

Trong khi Hoa Kỳ đã lâu dài theo đuổi chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan.

Hoa Kỳ tiếp tục là nguồn cung cấp vũ khí quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, và tình trạng tranh chấp của Đài Loan là nguyên nhân gây hiềm khích thường xuyên giữa Bắc Kinh và Washington.

Vị trí và tình trạng ngoại giao của Đài Loan 

Chính phủ Đài Loan cho rằng vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa từng cai trị đảo này, nên họ không có quyền tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo hoặc lên tiếng hay đại diện cho nó trên trường thế giới, và rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.

Hiện tại chỉ có 13 quốc gia chính thức công nhận Đài Loan, bao gồm cả Paraguay.

Chính phủ Đài Loan nói rằng với tư cách là Trung Hoa Dân Quốc, đây là một quốc gia có chủ quyền và có quyền thiết lập quan hệ giữa các nước với nhau.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc

Rất tồi tệ.

Trung Quốc coi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là một người theo chủ nghĩa ly khai và đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi đàm phán của bà. 

Bà Thái nói rằng bà muốn hòa bình nhưng chính phủ của bà sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công.

Bà nói rằng Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “không lệ thuộc” vào nhau. Bắc Kinh nói rằng bà Thái Anh Văn phải chấp nhận rằng cả Trung Quốc và Đài Loan đều là một phần của “một Trung Quốc”.

Không bên nào công nhận lập trường của bên còn lại và Trung Quốc đã cắt đứt cơ chế đối thoại chính thức sau khi bà Thái Anh Văn lần đầu tiên đắc cử vào năm 2016.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

  

This entry was posted in Quan hệ Trung - Đài. Bookmark the permalink.