Tin nóng Biển Đông

 1. Biển Đông: Trung Quốc xây dựng đường băng mới trên đảo Tri Tôn, Hoàng Sa

Trọng Thành – RFI 17/08/2023 

Trung Quốc đang xây dựng đường băng mới trên một đảo tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hãng thông tấn Mỹ AP hôm qua, 16/08/2023, đưa ra nhận định nói trên dựa trên ảnh vệ tinh. 

Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC chụp đảo Tri Tôn, biển Đông, ngày 15/08/2023. AP – Planet Labs PBC

Đường băng đang xây dựng, có chiều dài hơn 600 mét, đủ để tiếp nhận máy bay với động cơ phản lực cánh quạt và drone, nhưng chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom không thể hạ cánh tại sân bay này. Các bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC, được AP phân tích, cho thấy quá trình xây dựng đường băng có thể đã bắt đầu ít nhất từ đầu tháng 08/2023. 

Trước công trình này, trên đảo Tri Tôn đã có một bến cảng nhỏ, cùng một sân bay trực thăng và một số trạm radar. Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công việc xây dựng trên đảo, ngoài tuyên bố mục tiêu đảm bảo an toàn hàng hải chung.

Tri Tôn là một trong các đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa, khoảng cách từ bờ biển Việt Nam và tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đến Tri Tôn gần như bằng nhau. Trung Quốc giành toàn bộ quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi hồi 1974.
Vào thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Cho đến trưa nay 17/08, về thông tin nói trên, một số báo trong nước loan tin ‘‘Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc xây đường băng’’ trên đảo Tri Tôn. Một số báo đăng bài, nhưng thông tin sau đó đã bị rút lại.

Philippines – Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh

Căng thẳng trong khu vực là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa tổng thống Philippines và lãnh đạo một đảng cầm quyền Nhật Bản. Theo CNN Philippines, tổng thống Ferdinand Marcos Jr., trong buổi tiếp chủ tịch đảng Komeito, ông Yamaguchi Natsuo, hôm qua tại dinh tổng thống, khẳng định Philippines – Nhật Bản không chỉ cần tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, mà còn cả lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Tổng thống Marcos nhấn mạnh đến ‘‘tính chất nghiêm trọng’’ của các vụ phóng tên lửa và thử vũ khí của Bắc Triều Tiên, đang làm gia tăng căng thẳng. Về phần mình, lãnh đạo đảng cầm quyền Nhật Bản nhấn mạnh đến các hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải.  

Tin thêm liên quan trên RFA 2023.08.16

Ảnh chụp vệ tinh đảo Tri Tôn năm 2017 (Hình minh họa)AMTI/CSIS

Trung Quốc dường như đang cho xây dựng một đường băng mới trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Tác giả Thomas Newdick thuộc trang tin The War Zone hôm 15/8 có bài viết với các hình ảnh vệ tinh mới nhất về khu vực đảo Tri Tôn nơi Trung Quốc đang tiến hành xây dựng công trình mới trong những tuần gần đây.

Bài báo cho biết, hiện chưa rõ mục đích của đường băng này là gì nhưng việc xây dựng một đường băng tại một vị trí rất gần với Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa là rất đang lưu ý.

Những bức ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng tốc độ xây dựng rất nhanh. Các hình ảnh vệ tinh từ Plane Labs mà The War Zone có được từ giữa tháng 7 không cho thấy những hoạt động xây dựng nào.

Ngoài đường băng, các hình ảnh vệ tinh chụp khu vực này còn cho thấy một nhà máy xi măng mới xuất hiện vào tháng trước. Trước đó, khu vực đảo Tri Tôn chỉ là một trạm quan sát có cờ Trung Quốc. Đảo này chỉ có một cảng nhỏ và chỗ đỗ cho máy bay trực thăng.

Đường băng hiện được đo có độ dài khoảng 2.000 feet (tương đương 600 mét) và rộng khoảng 45 feet (10 mét) và có thể sử dụng để cho máy bay cánh cố định hạ cánh và cất cánh. Công trình cũng có thể chứa máy bay trực thăng.

Bài báo trên The War Zone nhận định công trình cũng có thể chỉ là một con đường nhưng vào lúc này thì khả năng nhiều là đường băng.

Trung Quốc còn có một đường băng dài 9.000 feet (khoảng 3 km) trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

2. Tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ở Bãi Tư Chính của Việt Nam

RFA 2023.08.17

Tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5403 xuất hiện trong Bãi Tư Chính của Việt Nam vào sáng ngày 17/8/2023Twitter/RayPowell

Tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5403 vừa xuất hiện trong khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam vào sáng ngày 17/8 gần các lô dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành thăm dò và khai thác.

Chuyên gia Raymond Powell – Trưởng Dự án Myoushu, Trung tâm Gordian Knot Center for National Security Innovation, Đại học Stanford, trích dẫn các hình ảnh theo dõi tàu biển và đưa thông tin này trên Twitter vào cùng ngày.

Theo chuyên gia Raymond Powell, đây cũng chính là tàu hải cảnh đã xuất hiện ở vùng tài phán của Việt Nam vào các ngày 27 – 28/7 và 8 – 9/8 vừa qua.

Lần này, tàu kiểm ngư 270 của Việt Nam đang theo sát chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc, theo thông tin và hình ảnh được ông Raymond Powell đưa trên Twitter.

Trong các tháng vừa qua, Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, khảo sát và dân quân biển vào vùng biển của Việt Nam.

Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh lớn nhất thế giới là CCG 5901 vào vùng biển của Việt Nam và tiến gần tới các lô dầu khí của Việt Nam ở phía Nam.

Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng đoàn tàu hộ tống gồm hải cảnh và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi lại trong vùng nước này suốt 28 ngày.

Đội tàu này chỉ rời vùng biển Việt Nam vào hồi đầu tháng 6 vào khi giới chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc có các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.

Liên quan đến việc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 có mặt trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nước nhưng Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu này, đồng thời khẳng định đội tàu của mình hoạt động hợp pháp trong vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Mới đây, theo trang tin The War Zone, Trung Quốc dường như đang tiến hành xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

3. Vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng với tàu Philippines tại bãi Cỏ Mây

Nghiên cứu Biển Đông

Sự việc ngày 5/8 vừa qua là lần thứ hai Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn tàu tiếp tế Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây (lần đầu tiên ngày 16/11/2021); bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhiều lần sử dụng vòi rồng để ngăn cản, xua đuổi hoặc gây sức ép với tàu nước khác tại Biển Đông.

Trong sự việc Bãi Cỏ Mây lần này, Trung Quốc sử dụng đồng loạt nhiều kênh chính thống như Người phát ngôn của Cục Hải cảnh, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines. Những đơn vị này và đặc biệt là Bộ Ngoại giao không còn là cơ quan “dập lửa” sau khi Trung Quốc thực hiện hành động đáng phê phán mà hiện nay đã cùng phối hợp bào chữa và chỉ trích. Đồng thời, báo chí Trung Quốc cũng lên tiếng, xuất bản nhiều bài báo nhằm chỉ trích hoạt động của Philippines và ca ngợi trình độ răn đe của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

– Về Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường không công nhận, không tham gia của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích sự hiện diện của Mỹ đứng đằng sau Phán quyết, coi đó là một màn kịch chính trị bị thao túng. Thời báo Hoàn Cầu cho biết “chính sự ủng hộ và dung túng của Mỹ, thậm chí điều máy bay tàu chiến phối hợp trên biển với Philippines đồng thời nêu “Hiệp ước Phòng thủ chung” để đe dọa Trung Quốc… chính là nguyên nhân phát sinh của sự việc lần này”.

Sự việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng với Philippines tạo ra một số hệ lụy tiêu cực cho tình hình an ninh khu vực: (i) hình ảnh quốc gia Trung Quốc bị suy giảm, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc trong bối cảnh đàm phán COC tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới; (ii) các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tăng cường đoàn kết, tìm kiếm sự đồng thuận và đồng quan điểm trong những bất đồng với Trung Quốc; (iii) các quốc gia ngoài khu vực có thể hiện diện nhiều hơn tại Biển Đông nhằm răn đe các hoạt động và yêu sách của Trung Quốc, gia tăng nguy cơ va chạm và đối đầu. 

Sự việc Bãi Cỏ Mây cũng có thể dự báo hướng hành độngTrung Quốc có thể sẽ thực hiện tại khu vực khác trên Biển Đông.

– Trung Quốc luôn có dã tâm chiếm đóng và kiểm soát Bãi Cỏ Mây. Thời báo Hoàn Cầu cho biết “…sự tan rã tự nhiên của nó (tàu chiến) có thể là phương pháp nhẹ nhàng nhất để giải quyết vấn đề”. Với diện tích lớn và có đường bao quanh dài và thẳng, Trung Quốc dự định quy hoạch Bãi Cỏ Mây có ba khu cảng, trong đó phía Nam sẽ là nơi xây đường băng nếu được bồi đắp thành công.

– Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh khu vực bãi Tư Chính, đôi lúc còn áp sát nhà giàn của VN. Trong thời gian tới nếu Việt Nam thực hiện một số động thái làm “phật ý” Trung Quốc sẽ khiến nước này thực hiện các hoạt động tương tự thậm chí cứng rắn hơn đối với khu vực của VN.

This entry was posted in Biển Đông, Hoàng Sa. Bookmark the permalink.