Hải Di Nguyễn
Ngày 9/8 là Ngày Quốc tế Dân tộc Bản địa Thế giới (International Day of the World’s Indigenous Peoples).
Trong thư phản hồi của Việt Nam ngày 27/7/2023 cho thư tố giác của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ ngày 6/9/2022, họ nói Việt Nam không có người bản địa, và cũng không có cái gọi là người Thượng bản địa (indigenous Montagnards).
Việt Nam cũng phủ nhận có đàn áp người Thượng về vấn đề tôn giáo.
Nhóm Tin lành Buôn Dhiă cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo 22/8/2022.
Thư tố giác nói gì?
Thư tố giác được ký bởi bà Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng), ông Mumba Malila (Phó trưởng nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện), ông Clement Nyaletsossi Voule (Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội), và ông Fernand de Varennes (Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề thiểu số).
Thư nhắc tới cáo buộc rằng ông Čung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê, ba người Thượng theo đạo Tin Lành, bị đàn áp, bắt giữ tùy tiện, và tra hỏi không có luật sư, khi họ có các hoạt động cho Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8 hàng năm).
Thư tố giác cũng nói những hình phạt với ông Čung Niê, ông Y Thinh Niê, và ông Y Don Niê “không phải là trường hợp cá biệt” và trước đây chính quyền Việt Nam đã “bắt giữ, thẩm vấn, và đe dọa thành viên các nhóm tôn giáo độc lập khác nhau” khi tưởng niệm ngày này.
Họ nhắc tới một số trường hợp khác như ông Y Phô Êban, ông Y Siu Loar, ông Y Khen Buondap của các hệ phái Tin Lành; và các tín đồ Cao Đài độc lập.
Việt Nam phản hồi như thế nào?
Trong thư phản hồi ngày 27/7, Việt Nam phủ nhận mọi cáo buộc và nói ở Việt Nam “không ai bị bắt giữ tùy tiện hay trừng phạt vì thực hiện các quyền tự do hợp pháp, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tự do ngôn luận và quan điểm, tự do hội họp và lập hội”.
Về ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, Y Don Niê, nhà nước Việt Nam cáo buộc họ có “những hoạt động phức tạp liên quan đến tổ chức FULRO [nguyên văn viết là FURLO]”.
Như đã viết nhiều lần trên Mạch Sống (trong bài viết về Y Phic H’dok, Y Quynh Buondap, Y Arôn Êban, Y Dú Ksơr…), các tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên, khi bị chính quyền địa phương bắt giữ, đều luôn bị tra hỏi về FULRO và bị cáo buộc là hoạt động cho FULRO, dù họ đều khẳng định không có.
Thư phản hồi của nhà nước Việt Nam nói công an địa phương mời ba ông Y Cung Niê, Y Thinh Niê, và Y Don Niê lên làm việc và đó “là hoạt động bình thường của lực lượng công an Việt Nam” – “việc mời công dân lên nói chuyện không phải là bắt bớ nên theo luật không bắt buộc phải có luật sư”.
Phủ nhận đàn áp các nhóm Cao Đài và Tin Lành, thư khẳng định nhà nước Việt Nam “bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, quyền theo hoặc không theo tôn giáo, bảo đảm bình đẳng và không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng, và có luật pháp bảo vệ hoạt động của các tổ chức tôn giáo”.
Việt Nam có người bản địa không?
Thư phản hồi nói “ở Việt Nam không có người bản địa, cũng không tồn tại cái gọi là ‘người Thượng bản địa’ (indigenous Montagnards)”. Việt Nam nói Việt Nam có 54 sắc tộc cùng sinh sống, và từ “Montagnard” không được công nhận.
Trong phỏng vấn đăng trên RFA Tiếng Việt ngày 5/7/2023, TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999) cho biết:
“Đất nước mình tuy có lịch sử lâu dài, như người ta hay nói là 4000 năm, nhưng thực ra rất là mới.
“Hơn nữa, lịch sử lâu dài đó của Việt Nam thực sự chỉ tập trung ở phía Bắc, xung quanh sông Hồng. Còn dải đất miền Trung thì mới chỉ được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam sau này. Thanh Hóa, Nghệ An thì sớm hơn, còn từ Huế trở vào thì mới nhập vào lãnh thổ Việt Nam mấy trăm năm nay. Miền Nam thì gia nhập trễ nhất, có những khu vực mới nhập vào từ thế kỷ 19.
“Còn Tây Nguyên thì thực tế chỉ được “hội nhập” vào lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Trước đó thì quyền lực các vương triều phong kiến đối với Tây Nguyên rất lỏng lẻo, chỉ có tính chất tượng trưng, phủ dụ.
“Thành ra, nếu mình nói cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên không phải là người bản địa, hay người Khmer ở Miền Nam, người Chăm ở miền Trung không phải là người bản địa chỉ là cách nói hồ đồ, khiên cưỡng, không đúng với sự thật”.
TS. Nguyễn Văn Huy cũng nói:
“Ít nhất đã từng có hai cơ chế tôn trọng quyền của người bản địa như vậy. […] Sau khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam ra đời, ông Bảo Đại đặt ra quy chế “Hoàng triều Cương thổ”, tôn trọng tính tự trị của người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía bắc. […]
“Năm 1956, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh số 268/SL ngày 7/1/1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Nội dung của Sắc lệnh này đã chứng tỏ rất rõ là Việt Nam có người bản địa, dù văn bản này không nhắc tới khái niệm đó”.
Việt Nam đối xử với người bản địa như thế nào?
Người Thượng thôn K’rèn phản đối cưỡng chế đất làm dự án hồ Tà Hoét ở Lâm Đồng năm 2023.
Anh Y Quynh Buondap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói ngày 28/4/2023 “Bản thân tôi nhận thấy người Thượng ở Tây Nguyên chịu nhiều thiệt thòi, con người bị phân biệt đối xử, đất đai bị chính quyền tước đoạt, tôn giáo bị đàn áp”.
Anh Y Arôn Êban, người Êđê hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, nói ngày 19/5/2023 “Mình thờ phượng Chúa, đi nhóm của hội thánh độc lập, nếu chính quyền phát hiện được, họ mời lên đồn công an tra hỏi, thẩm vấn dù mình không làm gì cả” và “họ cáo buộc mình tuyên truyền về Tin Lành Đêga, xây dựng cơ sở ngầm của FULRO”.
Thế nhưng khi ghi danh học Kinh Thánh ở Hội thánh Tin Lành Miền nam Việt Nam (được nhà nước Việt Nam công nhận), anh bị từ chối vì bị coi là “phản động”.
Ngoài chuyện phân biệt đối xử và đàn áp về tôn giáo, người Thượng cũng bị chiếm đoạt đất.
“Chính quyền hứa là hợp đồng 20 năm hoặc 30 năm hoặc 15 năm sẽ trả lại cho người dân, nhưng sau giải phóng thì họ trưng dụng các đất đai đó… Người Kinh từ phía bắc có quyền phát nương làm rẫy, còn những người tại chỗ phát nương làm rẫy thì bị kiểm lâm và bị chính quyền tịch thu, bắt bỏ tù. Đó là những vấn đề kỳ thị rất rõ ràng”.
Nhiều người Thượng khi tham gia biểu tình đòi lại đất đai và đòi tự do tôn giáo bị giam giữ và đánh đập tra tấn.
Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từ Phú Yên, nói ngày 26/5/2023 “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng”.
Ông cũng nói trong một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn”.
Sau vụ xả súng ngày 11/6
Ngày 11/6/2023 vừa qua, đã có vụ xả súng tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, bao gồm công an xã, cán bộ xã, và người dân. Chánh văn phòng Bộ Công an Đặng Hồng Đức được dẫn lời là “nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số nghi phạm FULRO [bài gốc viết là Fulro] lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số”.
Trong một bài viết ngày 13/7, tôi đã viết về chuyện người Thượng bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ xả súng.
Anh Y Phic H’dok, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói “Việt Nam cần cởi mở và làm rõ ràng để các báo chí và quốc tế cùng tham gia điều tra làm rõ vụ việc”.
Anh Y Quynh Buondap cũng nói “tôi hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ có một thái độ tôn trọng hơn và ít phân biệt đối xử hơn, lắng nghe ý kiến của người Thượng bản địa và lắng nghe những mong muốn của họ để họ được có quyền nói lên những bức xúc hoặc những vấn đề họ đang cần giải quyết, phải giải quyết đúng vấn đề nguyện vọng của họ…”.
H.D.N.
Nguồn: machsongmedia