Thư bạn đọc cổ vũ sinh viên nhiều tỉnh in mấy chữ “HS – TS – VN” trên đường phố

1. Góp ý với các bạn sinh viên yêu nước

Thân gởi các bạn trẻ Việt Nam yêu nước khắp nơi:

Mấy hôm nay lên trang boxitvn thấy các bạn dán khắp nơi dòng HS.TS.VN tôi thấy rất cảm phục tấm lòng yêu nước và hành động gan dạ của các bạn. Nhưng việc dán giấy như vậy cũng còn cái dở là vì hôm nay các bạn dán ngày mai người ta xé thì có ích gì. Phải làm sao mà thông tin của chúng ta đến được với những người dân còn đang thờ ơ với vận nước, chúng ta nên làm cái mà chính quyền không thể xóa đi được. Các bạn không thấy cách mà Khoan Cắt Bê Tông người ta làm sao? Miếng carton thì kiếm ở đâu cũng có, lấy dao rọc giấy mà tạo chữ HS.TS.VN trên tấm bìa đó thành những con chữ rỗng là việc rất dễ làm. Sau cùng ra chợ mua bình sơn xịt màu xanh vậy là xong. Khi cần lấy ra xịt một cái là ra nguyên dòng chữ rất tiện. Vậy nhé, tôi xin chúc các bạn thành công và vững tâm với những gì mình làm.

Nguyễn Hữu Dưỡng

2. Phá cường địch, báo hoàng ân

Năm xưa, có lần đi qua đường 3 tháng 2, quận 10, thành phố HCM, cháu tôi có hỏi: “Cậu ơi, đường 3 tháng 2 nghĩa là gì hở Cậu?” Tôi trả lời, “Chắc là một ngày nào đó trong lịch sử. Tuy nhiên, trước tháng 4 năm 1975, người Sài Gòn biết đến con đường này là đường Trần Quốc Toản”.

Cháu lại hỏi tiếp: “Thế Trần Quốc Toản là ai hở Cậu?”. Vui quá, tôi có dịp giãi bày: “Trần Quốc Toản là một vị anh hùng trẻ tuổi thời vua Trần Nhân Tông”. Và tôi kể luôn chuyện Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, và lá cờ thêu sáu chữ Phá cường địch, báo hoàng ân (tạm dịch – Đánh tan quân địch mạnh, báo ơn vua). Hai cậu cháu trở nên gần gũi hơn qua câu chuyện này.

* * *

Theo Việt Nam sử lược do sử gia Trần Trọng Kim biên soạn và chú thích (tập I, trang 146, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu xuất bản tại Sài Gòn):

“… Khi vua Nhân-Tông (1279-1293) hội các vương hầu ở Bình Than để bàn việc chống giặc, Trần Quốc Toản bấy giờ mới 15, 16 tuổi cũng theo ra hội. Vì còn nhỏ tuổi cho nên Quốc Toản không được dự bàn, Quốc Toản căm tức vô cùng, trong tay cầm quả cam bóp vỡ nát ra lúc nào không biết. Khi tan hội, ai nấy về lo sửa soạn binh thuyền, Quốc Toản về nhà tụ họp những người thân thuộc, sắm đồ khí giới, may lá cờ đề sáu chữ Phá cường địch, báo hoàng ân. Rồi đem quân đi đánh giặc…”

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, 1697, tập I, trang 59, Nxb. Khoa học xã hội):

“… Thượng tướng Quang Khải, Hoài văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh thành, Chương Dương”.

Trần Quốc Toản đã theo Trần Nhật Duật phá tan quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử (nay là xã Hàm Tử, huyện Giang Châu, tỉnh Hưng Yên), và theo Trần Quang Khải đánh bại quân Thoát Hoan ở Chương Dương (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, kể từ khi lập nước năm 2879 trước Tây lịch (theo Việt Nam sử lược), nước Việt Nam ta quả như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có”.

Thật vậy, chính vì truyền thống yêu nước truyền lại từ bao đời nên dù có bị ngoại xâm đô hộ cả nghìn năm, người Việt vẫn giữ được bản sắc của mình. Truyền thống yêu nước và giữ nước không chỉ nam giới, mà còn các bô lão qua Hội nghị Diên Hồng, những phụ nữ tưởng như chân yếu tay mềm như Hai Bà Trưng, bà Triệu, những thanh thiếu niên trẻ tuổi như Trần Quốc Toản, Ký Con, v.v. đều có.

Ngày nay, trước nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải và lãnh thổ, chúng ta lại thấy xuất hiện sáu chữ và tinh thần Trần Quốc Toản đang sống lại. Các em sinh viên tại Tây Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bình Dương, Hà Nội, Sài Gòn, Lạng Sơn đã góp phần đánh động lòng yêu nước bằng cách dán sáu chữ này khắp nơi, mặc dù “triều đình” đã bắt bớ, không cho biểu lộ lòng yêu nước, nhu nhược trong việc khẳng định chủ quyền, không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, và yếu hèn trong việc cho thuê rừng và khai thác Bauxite. Nhưng, sáu chữ này đã, đang, và sẽ xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam, và ngay cả trên không gian ảo, kêu gọi người Việt trong và ngoài nước cùng chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, quyết tâm chống kẻ nội gian tà đạo, đem lại tự do, bác ái, và sự trường tồn cho dân tộc.

Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam

Ngày 28 tháng 7 năm 2010

Lê Minh Thịnh

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.