Chữ lễ phải truy ở người lớn!

Mai Bá Kiếm

Hỗm rày, tôi không lên tiếng về những phát biểu ngây ngô của hoa hậu Ý Nhi, mà dư luận đã lên án nặng nề, vì tôi quan niệm “chữ lễ truy ở người lớn”. Người ta chửi đứa bé “đồ mất dạy” không phải là chửi nó, mà chửi má nó không biết dạy con!

Ý Nhi kể tên 3 người nổi tiếng ở Bình Định là “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”. Dư luận nói Ý Nhi hỗn, lẽ ra phải kính nhường: “Vua Quang Trung, nhà thơ Hàn Mặc Tử và em”. Tôi lại thông cảm cho Ý Nhi, vì Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã giành đi giữa thảm đỏ, lấn Thủ tướng Mã Lai đi ra mép thảm, thì Ý Nhi giành vị trí của vua Quang Trung và Hàn Mặc Tử là “noi gương sáng ngời” của vị cấp phép thi hoa hậu!

Ý Nhi hỏi “Khi BGK đã chọn em ở vị trí cao nhất, thì phải chứng tỏ em là một cô gái như thế nào thì họ mới đưa em đến vị trí đó đúng không ạ?” là nói theo luận đề nguyên nhân – hậu quả của bác Cả chứ ai: “mình phải như thế nào, người ta mới…”.

Khi Ý Nhi nói “Hoa hậu là một người có nhan sắc, tôi nghĩ là để hoa hậu chọn được một anh đại gia nào đó thì anh đại gia đó cũng phải là một người rất tinh tế, hữu duyên với nhau chứ không phải theo hướng quá tiêu cực như mọi người thường hay nghĩ”, dư luận chê cô hàm ý “gió tầng nào gặp mây tầng đó” thì có gì sai? Hàn Mặc Tử cùi còn mơ bán trăng, Ý Nhi không sợ lở, mơ lên 9 tầng mây bán là chuyện nhỏ.

Hà Nội và TPHCM luôn ô nhiễm, kẹt xe và ngập nước, mà lãnh đạo muốn biến thành Paris và Singapore, tại sao không cho Ý Nhi biến thành tiên, khi “lemon question” (chanh hỏi = chảnh): “Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới, thật sự là một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2 - 3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi”.

Tưởng mình cõi trên nên Ý Nhi coi bạn trang lứa là cõi dưới: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu”.

Dư luận chửi Ý Nhi trịch thượng, còn tôi phân tích câu thấy đây chỉ là phép so sánh không cùng đại lượng! Nếu theo phân loài sinh vật, thì Ý Nhi và bạn bè đồng trang lứa không phải “những con tương cận”!

Tôi biết các nhà báo hay bày trò “Khen cho mầy chết!”, Ý Nhi là nạn nhân của giáo dục học đường, của giáo huấn gia đình, của văn hóa xã hội. Chữ lễ phải truy ở người lớn!

M.B.K.

Nguồn: FB Mai Ba Kiem

 

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.