Công ty CP Truyền thông Vietart kiện Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sách nhiễu

Thái Hạo

Hôm nay tòa sẽ tuyên án…

Đó là vụ Công ty CP Truyền thông Vietart kiện Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, vì đã “gây phiền hà thủ tục hành chính”. Đây là một vụ kiện thuộc loại “hàng hiếm” trong xã hội Việt Nam, vì hy hữu lắm mới có một doanh nghiệp đi kiện cơ quan nhà nước.

“Theo đơn khởi kiện, Vietart cho rằng, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, Sở VH&TT Hà Nội có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, vi phạm quy định tại điểm a và đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hậu quả là Vietart không đủ thời gian để bán vé, quảng cáo, chịu lỗ toàn bộ chi phí tổ chức chương trình. “Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé nhưng chỉ bán được 200 vé do không kịp thời gian quảng bá tới công chúng. Chúng tôi phải mang vé đi biếu, tặng, trung bình giá vé là 1.000 đồng”, đại diện Vietart cho biết” (Báo VietNamNet).

Tôi cho rằng hành xử này của doanh nghiệp Vietart (kiện) là văn minh.

Nhìn lại vụ “chuyến bay giải cứu”, nếu trước sự nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh, ăn chặn, trấn lột của một số cá nhân thuộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà chỉ cần một doanh nghiệp (tổ chức chuyến bay) đứng ra kiện họ thì hậu quả đã không khủng khiếp đến như chúng ta đã thấy. Lúc ấy, doanh nghiệp này có thể sẽ phải gánh chịu những thiệt thòi tiền t vì “ván đã đóng thuyền”, và vì việc đòi công lý hiện nay vẫn là một khó khăn muôn trùng, nhưng ít nhất nó đánh động xã hội, phơi bày trước dư luận những hành vi sai trái; và cũng khiến cho các cá nhân đang nắm quyền lực phải chùn tay mà không thể tiếp tục cư xử trái pháp luật với các doanh nghiệp khác được nữa. Nhưng tiếc thay các doanh nghiệp đã không đủ dũng khí để chọn cách ứng xử đầy khó khăn bất trắc nhưng văn minh này, mà lại chuồi theo một thói quen dễ dãi khác, là đưa hối lộ. Thế là từ những nạn nhân đáng được bênh vực và bảo vệ, họ đã bị đưa vào vòng lao lý để trở thành những tội nhân. Đó là một nỗi đau xót lớn không phải chỉ đối với riêng họ.

Trong vụ kiện này, có thể Công ty CP Truyền thông Vietart sẽ không thắng (không hẳn vì họ không đủ cơ sở), nhưng hành xử này phải trở thành thói quen xã hội, vì nó vừa xác lập lại tư thế cùng vị trí của doanh nghiệp (và người dân) trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước; vừa góp phần ngăn chặn được quốc nạn tham nhũng do tệ cửa quyền, nhũng nhiễu gây ra, giúp giảm thiểu những xấu xa tồi tệ, làm cho xã hội ngày một trở nên lành mạnh hơn.

Kết quả của vụ kiện đối với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội của Vietart trong ngày hôm nay sẽ có một ý nghĩa vô cùng to lớn, vì nó sẽ vừa nói lên cái thực tâm chống tham nhũng của Trung ương, vừa sẽ tạo nên sự tự tin cho người dân và doanh nghiệp khi quyết định “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, để từ nay có thể dõng dạc từ chối sự những nhiễu bằng một lá đơn sẵn mẫu trên tay mỗi khi đến chốn công đường.

Nội dung vụ kiện: https://vietnamnet.vn/so-van-hoa-va-the-thao-bi-kien-gay…

Cập nhật: Đã có kết quả: bác đơn kiện!


T.H.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Bộ máy chính quyền CS sách nhiễu dân. Bookmark the permalink.