Nỗi ám ảnh của Tập Cận Bình về an ninh – Tại sao Trung Quốc cố thủ trong nước và dương oai ở nước ngoài

Sheena Chestnut GreitensTạp chí Foreign Affairs, 28 tháng 7, 2023

Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tập trung vào việc đảm bảo an ninh cho chế độ của mình. Ông đã thanh trừng bất cứ ai có tiềm năng là đối thủ chính trị, tái cơ cấu quân đội và bộ máy an ninh nội bộ, xây dựng một nhà nước giám sát kiểu Orwell, và thúc đẩy thông qua các luật pháp mới với mục đích đàn áp mọi chống đối, phản biện, nhân danh an ninh quốc gia. Nền tảng cho tất cả những công cuộc cải cách này là cái mà Tập gọi là “khái niệm an ninh quốc gia toàn diện”, một khuôn khổ nhằm bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và chính quyền điều hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sự bảo vệ bao gồm cả chính cá nhân Tập. 

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 10 năm ngoái, tôi đã viết rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu phóng chiếu khái niệm đó ra nước ngoài thông qua chính sách đối ngoại, họ theo đuổi một đại chiến lược tập trung vào an ninh của chế độ. Trong nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài đối với sự ổn định trong nước và chống lại mọi thách thức có thể xảy ra đối với sự cai trị của ĐCSTQ, Bắc Kinh tìm cách làm suy yếu các liên minh và đối tác của Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy mô hình an ninh nội bộ của mình ra nước ngoài.

Từ tháng 10 năm ngoái, nhiều việc đã thay đổi. ĐCSTQ đột ngột dỡ bỏ các chính sách “zero-COVID” khắc nghiệt sau một làn sóng phản đối bất thường của công chúng. Quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch chững lại, với tốc độ tăng trưởng chậm, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn và đầu tư nước ngoài sụt giảm – một phần, do nỗ lực đảm bảo an ninh của Bắc Kinh đã khiến họ siết chặt các doanh nghiệp nước ngoài. Và khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, lập trường của Bắc Kinh trong cuộc xung đột đã làm gia tăng sự căng thẳng với châu Âu, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Nhưng không một động lực nào có thể làm lung lay quyết tâm của Trung Quốc đối với an ninh trong nước cũng như ngoài nước. Những động thái sớm sủa ở nhiệm kỳ thứ ba của Tập cho thấy những quan ngại về an ninh của chế độ sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách đối ngoại hiện thời của Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng với các nước phương Tây và các nước láng giềng. Nghịch lý tại cốt lõi trong mưu đồ của Tập nhằm vô hiệu hóa mọi đe dọa đối với sự cai trị của ĐCSTQ là mục tiêu phòng ngự ở trong nước, nhằm bảo vệ an ninh cho chế độ, đồng thời lại đòi hỏi Trung Quốc phải có những hành động ngày càng quyết đoán hơn trên khán trường quốc tế. Điều oái oăm là những hành động này chỉ gây phản ứng ngược từ các quốc gia khác, và chỉ làm gia tăng nỗi sợ hãi của Bắc Kinh – một chu kỳ leo thang không có điểm dừng rõ ràng.

Mạnh mẽ hơn trên mọi mặt trận

Trong “báo cáo công việc” trước Đại hội Đảng lần thứ 20 hôm tháng 10 năm 2022, Tập đã nhắc nhở rằng trước khi ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, khả năng bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước là “không thỏa đáng” và “thiếu sót”. Sau một thập kỷ áp dụng khái niệm an ninh quốc gia toàn diện của mình, Tập nói rằng an ninh quốc gia đã được “tăng cường trên mọi mặt trận”. Ông gọi an ninh quốc gia là “nền tảng của sự trẻ hóa quốc gia” và vạch ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố “hệ thống pháp lý, chiến lược và quyết sách” vì lợi ích an ninh quốc gia. Mặc dù phần lớn những gì Tập nói trong bài phát biểu chỉ lặp lại những gì ông hoặc các nhà lãnh đạo đảng khác từng nói trước đây, nhưng lần đầu tiên đưa những tuyên bố này vào một phần riêng trong báo cáo công tác đảng đã hệ thống hóa chúng ở cấp độ thể chế có thẩm quyền. Khi làm như vậy, Tập gợi ý rằng kế hoạch của ông sẽ định hình chính sách an ninh của Trung Quốc trong ít nhất 5 năm tới và có thể lâu hơn.

Vào tháng 5 năm 2023, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã khẳng định quyết tâm của họ đối với an ninh quốc gia toàn diện tại cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương (UBANQGTƯ), một cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi khái niệm của Tập Cận Bình. Tập kêu gọi những người có mặt hãy thấu triệt môi trường an ninh quốc gia “phức tạp và nghiêm trọng” của Trung Quốc để đẩy nhanh công tác hiện đại hóa hệ thống an ninh quốc gia của đất nước. Tại cuộc họp, UBANQGTƯ đã thông qua các văn bản liên quan đến công tác giám sát tính nguy cơ và cảnh báo sớm cũng như đặt nặng công tác tuyên giáo cộng đồng trên mọi lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

Những chủ đề này xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu và phát biểu của Trung Quốc về an ninh quốc gia trong suốt thời kỳ Tập Cận Bình làm lãnh tụ. Ví dụ, từ năm 2015, hằng năm vào ngày 15 tháng 4, Trung Quốc tổ chức lễ hội “ngày giáo dục an ninh quốc gia” kỷ niệm ngày đầu tiên ra mắt khái niệm an ninh quốc gia toàn diện. Sự việc Tập nhấn mạnh những vấn đề này trong báo cáo tháng 10 năm 2022 và sau đó, UBANQGTƯ phê duyệt các tài liệu liên quan, cho thấy rằng ĐCSTQ hiện đang thúc đẩy việc thực thi các quyết sách quốc gia dựa trên nền tảng các văn kiện này.

Hiện thời Tập nói về an ninh như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Các bổ nhiệm nhân sự gần đây của Tập cũng cho thấy rằng ĐCSTQ có ý định duy trì lộ trình mà họ đã thiết lập cho an ninh quốc gia. Kinh nghiệm về an ninh nội bộ đã trở thành một yếu tố quan trọng định đoạt sự thăng tiến lên các cấp bậc cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Hai ông Thái Kỳ và Đinh Tiết Tường, hai thành viên mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực, trước đây điều hành Văn phòng Tổng hợp của UBANQGTƯ, cả hai người đều nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ưu tiên an ninh quốc gia của Tập. Các nhà lãnh đạo chóp bu khác, trong đó có Triệu Lạc Tế và Lý Cường, những quan chức được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBANQGTƯ cùng với Thái Kỳ tại cuộc họp tháng 5 năm 2023, cũng đã từng làm việc trong bộ máy chính trị-pháp luật của Trung Quốc hoặc trong hệ thống giám sát và kỷ luật của đảng mà Tập đã tái tổ chức, tìm đúng người trao quyền để đảm bảo rằng các lực lượng an ninh của Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của đảng trong bất kỳ tình huống nào. Tập từ lâu đã xem những nỗ lực bài trừ tệ nạn tham nhũng và tăng cường kiểm soát của đảng đối với quân đội và bộ máy đàn áp là trọng yếu cho an ninh của chế độ. Một đội ngũ lãnh đạo an ninh quốc gia kết hợp kinh nghiệm về an ninh công cộng, kỷ luật đảng, và phương cách xử lý đặc biệt của Tập đối với an ninh quốc gia cho thấy rằng các lực lượng này sẽ hoạt động ngày càng chặt chẽ để duy trì bàn tay cai trị sắt thép của ĐCSTQ.

Các vụ bổ nhiệm cấp cao khác cũng cho giới quan sát nhìn thấy những ưu tiên của Tập trong nhiệm kỳ thứ ba. Trần Văn Thanh, tân chủ tịch Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương, là một thành viên của Bộ Chính trị và là cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước – và là quan chức an ninh nhà nước đầu tiên đảm nhận vai trò này trong nhiều thập kỷ. Tân Bộ trưởng An ninh Quốc gia, Trần Di Hinh, là sếp lớn trong các chiến dịch chống tham nhũng và “tuyên giáo” gần đây của Tập Cận Bình trong guồng máy an ninh nội bộ. Sau các vụ bổ nhiệm vào tháng 10, sang tháng 4 năm sau là việc thông qua Luật Phản gián sau khi được tu chỉnh, luật mới này mở rộng một cách đáng kể phạm vi các mục tiêu nhắm tới, khiến mọi thứ từ nghiên cứu thị trường cho đến tìm hiểu học thuật đều có khả năng bị nghi ngờ là vi phạm luật.

An ninh trên tất cả

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tập Cận Bình chú trọng nhiều đến an ninh quốc gia. Một thời gian ngắn trước khi Tập lên nắm quyền, chính quyền Trung Quốc phát hiện và phá vỡ một mạng lưới những người nội tuyến làm công tác đim chỉ cho CIA ở Trung Quốc, theo tin của các hãng tin Reuters và The New York Times. Một trong những tài liệu chính thức đầu tiên lưu hành trong nhiệm kỳ của Tập – Văn kiện Số 9 khét tiếng – cảnh báo rằng sự xâm nhập của các giá trị và ý thức hệ phương Tây có thể gây bất ổn cho Trung Quốc. Và trong một nghị quyết về lịch sử đảng năm 2021, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ nêu rõ những nguy cơ “bao vây, đàn áp, gây rối và lật đổ” đối với đảng và nhà nước. Như hai học giả Trung Quốc, Peter Mattis và Matthew Brazil từng viết, triều đại Tập Cận Bình được đánh dấu bằng một chiến dịch chống gián điệp mở rộng và lời hô hào cảnh giác sự xâm nhập của nước ngoài.

Sở dĩ có điều đó là vì, phần nào, Tập xem an ninh bên trong và bên ngoài có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: theo quan điểm của Tập, nhiều mối đe dọa đối với sự ổn định nội bộ của Trung Quốc đến từ bên ngoài biên giới đất nước. Ngay cả những biện pháp an ninh có vẻ thuần túy nội bộ, chẳng hạn như cuộc đàn áp hàng loạt của đảng đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đã được thúc đẩy ít nhất một phần bởi nỗi lo sợ của Tập cho rằng các thế lực bên ngoài có thể xâm nhập vào Trung Quốc và đe dọa sự ổn định nội bộ. Kết quả là, Tập đã thắt chặt kiểm soát một cách có phương pháp đối với bất kỳ tổ chức nào có thể tạo ảnh hưởng từ nước ngoài, bao gồm các nhóm tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, và gần đây nhất, các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhưng trên cả nỗi lo sợ về sự xâm nhập của nước ngoài, có điều gì khác nữa đang thúc đẩy quá trình an ninh hóa nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của Tập, ĐCSTQ cũng đã có những toan tính mới về cơ bản mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh. Trong khi các lãnh tụ Trung Quốc trước đây đặt tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một, thì Tập và các quan chức cấp cao khác giờ đây nói về an ninh như một điều kiện tiên quyết cho phát triển. Chẳng hạn, trong báo cáo công tác đảng vào tháng 10 năm 2022, Tập đề cập đến việc sử dụng “mô hình an ninh mới” để bảo vệ “mô hình phát triển mới”, những cụm từ mà Tập đã nhắc lại tại cuộc họp của UBANQGTƯ vào tháng 5 năm 2023.

Luận điệu này cho giới quan sát nhìn thấy những manh mối quan hệ về hướng đi của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. “Mô hình phát triển mới” một phần đề cập đến những gì ĐCSTQ xem là sự thay đổi cần thiết nhằm hướng tới khả năng tự cung tự cấp kinh tế lớn hơn để tách ly đất nước khỏi những “cơn gió ngược” bên ngoài – nó chính là một phần nỗ lực của Tập và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của đảng nhằm đảm bảo rằng các cường quốc nước ngoài không thể làm tê liệt an ninh kinh tế của Trung Quốc, không cản trở tiến trình “trẻ hóa quốc gia”. Những nỗ lực nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng và thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ đều nằm dưới tiêu chí này, cũng như Luật Trừng phạt chống nước ngoài năm 2021.

Bắc Kinh ít nói về mô hình an ninh mới hơn là mô hình phát triển mới, nhưng các quan chức đã ám chỉ cả tầm quan trọng lẫn ảnh hưởng của nó. Vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước Trần Di Hinh gọi đây là “nhiệm vụ chính của công tác an ninh quốc gia hiện tại cũng như tương lai.” Tại cuộc họp của UBANQGTƯ vào tháng 5 năm 2023, Tập kêu gọi các quan chức đảng “hãy chủ động hình thành một môi trường an ninh bên ngoài thuận lợi cho Trung Quốc”. Giống như các luận điệu trước đây về an ninh quốc gia, lần này họ vẫn sử dụng lại các cụm từ đã được nhắc đến nhiều lần trong quá khứ. Như trong năm 2017, Tập kêu gọi các quan chức hãy áp dụng “tầm nhìn toàn cầu” cho công tác an ninh quốc gia và nhắc nhở rằng Trung Quốc nên chủ động định hình môi trường an ninh bên ngoài của mình. Một đặc điểm trong cách điều hành của Tập là các khái niệm chính thức đôi khi bắt đầu bằng những cụm từ mơ hồ, sau đó các chi tiết trong chính sách mới được bổ sung. (Có những lần, khẩu hiệu xuất hiện nhưng sau đó mờ nhạt dần đi, nhưng tính trung tâm của an ninh quốc gia đối với chương trình nghị sự của Tập cho thấy rằng nó sẽ không biến đi đâu).

Mặc dù có sự mơ hồ trong chỉ thị của Tập, sự thật là Trung Quốc đang tìm cách củng cố vị thế của mình trên khán trường quốc tế, ngay cả khi họ biện minh hành vi ngày càng hung hăng của mình chỉ là hình thức tự vệ, phòng thủ. Tập tin tưởng rằng để bảo vệ chế độ từ mối đe dọa của các thế lực bên ngoài, Trung Quốc phải làm sao cho môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho sự cai trị của ĐCSTQ. Đây là nghịch lý trung tâm của lý thuyết phòng ngự của Tập về an ninh cho chế độ và quan điểm về nguồn gốc các mối đe dọa, đó là, cứu cánh phòng thủ trong nước đòi hỏi phương tiện ngày càng quyết đoán hơn ở nước ngoài.

Tập Cận Bình đánh cược

Phương tiện ưa thích của Tập để thể hiện khái niệm an ninh quốc gia toàn diện là Sáng kiến An ninh Toàn cầu (SKANTC) / Global Security Initiative, được công bố vào tháng 4 năm 2022. Các nhà phân tích Trung Quốc viết về SKANTC đã mô tả nó như một nỗ lực nhằm hài hòa “an ninh nội địa của Trung Quốc và an ninh chung của thế giới”. Một tài liệu khái niệm SKANTC do Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành vào tháng 2 năm 2023 bắt đầu bằng cách đề cập đến “tầm nhìn mới về an ninh của Tập Cận Bình công bố năm 2014”. Đó là một tham luận dường như được che đậy về khái niệm an ninh quốc gia toàn diện. Báo cáo công tác tháng 10 năm 2022 của Tập cũng mô tả an ninh chính trị – tức là an ninh của ĐCSTQ, của các nhà lãnh đạo và hệ thống vận hành – là “nhiệm vụ cơ bản” trong khi xem an ninh quốc tế là “chỗ dựa”. Nói cách khác, mục tiêu của SKANTC là sử dụng chính sách đối ngoại để củng cố an ninh cho chế độ.

Làm thế nào để biết chính xác điều này vận hành ra sao, có thể chẳng ai biết rõ trong vòng vài năm tới. Tài liệu khái niệm còn mơ hồ ở nhiều chỗ, có khả năng cho hệ thống chính trị Trung Quốc thời gian để đưa ra các sáng kiến mới cụ thể hơn. Nhưng nó lặp lại một số nguyên tắc cốt lõi của khái niệm an ninh quốc gia toàn diện – chẳng hạn như tính bất khả tách ly giữa an ninh và phát triển, giữa an ninh riêng nội địa và an ninh chung toàn cầu – và sau đó nó liệt kê một danh sách dài các thách thức an ninh toàn cầu cũng như khu vực, những điểm nóng được thế giới chú ý đến nhiều.

Trong một bài phát biểu đánh dấu việc phát hành tài liệu khái niệm, Tần Cương, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao, đã nói rõ hơn. Ông nhấn mạnh rằng “sự chèn ép và ngăn chặn từ bên ngoài chống Trung Quốc tiếp tục leo thang”, ông chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu giữa các khối”, đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc không thể phát triển nếu không có môi trường quốc tế hòa bình, thế giới không thể an toàn “nếu Trung Quốc không an toàn”. Nhận xét của ông là tiếng dội từ các tuyên bố chính thức trước đó, bao gồm thông báo vào tháng 2 năm 2022 của Trung Quốc về quan hệ đối tác “vô giới hạn” với Nga, nhấn mạnh các mối đe dọa do mạng lưới liên minh của Hoa Kỳ đương đầu lại Trung Quốc – những mối đe dọa mà Bắc Kinh không chỉ xem là những thách thức quân sự từ bên ngoài xưa nay mà còn là mối đe dọa cơ bản đối với an ninh nội bộ của Trung Quốc và sự ổn định của chính quyền ĐCSTQ đối với xã hội Trung Quốc.

Thông qua SKANTC, Bắc Kinh nhắm mục đích tạo ra các hình thức quản trị an ninh toàn cầu mới mà bỏ qua hoặc làm giảm tầm quan trọng của hệ thống đồng minh của Hoa Kỳ, do đó, làm giảm thiểu khả năng của Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc, vô hiệu hóa các động thái kích động một “cuộc cách mạng màu” bên trong đất nước – toàn những điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất lo sợ. [Chú thích của người dịch: Cách mạng màu/ color revolution là một thuật ngữ chính trị mới, dùng để chỉ các cuộc cách mạng dân sự, trong đó người dân sử dụng những đường lối tranh đấu ôn hòa, bất bạo động như biểu tình, xuống đường, đình công, bãi thị, phản đối, phản biện hầu tạo áp lực dẫn đến thay đổi chính quyền nhà nước, ví dụ như cuộc Cách mạng Hồng bên xứ Georgia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004, v.v.]. Kiến trúc an ninh mới này không loại bỏ hoàn toàn các cơ cấu thiết chế cũ; ví dụ, SKANTC khẳng định tầm quan trọng của Liên Hợp Quốc. Nhưng nó cũng tìm cách xây dựng các trật tự an ninh khu vực và toàn cầu mới nhằm thúc đẩy các ưu tiên và lợi ích của ĐCSTQ. Đối với Bắc Kinh, cứu cánh phòng thủ trong nước đòi hỏi phương tiện ngày càng quyết đoán hơn ở nước ngoài.

Trung Quốc đã chủ động kêu gọi thay đổi các thỏa thuận an ninh khu vực ở Trung Đông, chẳng hạn như đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia hôm tháng 3 năm 2023, được công bố nhân dịp kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày SKANTC ra mắt. Bắc Kinh cũng bắt đầu xây dựng các diễn đàn và mạng lưới mới để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống (như khủng bố và bất ổn nội bộ) vốn được nhấn mạnh trong khái niệm an ninh quốc gia toàn diện. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm 2022, Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hợp tác An ninh Công cộng Toàn cầu, một sự kiện quy tụ nhân viên thừa hành pháp luật từ khắp nơi trên thế giới.

Bắc Kinh cũng đang quảng bá mô hình an ninh nội địa và ổn định xã hội cho các quốc gia khác trên thế giới. Vào năm 2021, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Trung Quốc Hòa Bình” với đại diện từ 108 quốc gia để khoe khoang các thành tích của Bắc Kinh trong công tác kiểm soát và giám sát. Những sự kiện như vậy nhằm mục đích trưng bày Trung Quốc như một hình mẫu về an ninh nội bộ và tuyên truyền ra nước ngoài, trong khi SKANTC hoạt động song hành để huấn luyện cảnh sát và nhân viên công lực thừa hành pháp luật cho những quốc gia nào muốn noi gương Trung Quốc.

Để hỗ trợ những nỗ lực này, các quan chức an ninh nội địa của Trung Quốc ngày càng trở thành những nhà ngoại giao quốc tế. Chẳng hạn, vào năm 2021, Trần Văn Thanh, khi đó là Bộ trưởng Bộ An ninh Nhà nước và hiện là Chủ tịch Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương, đã tham gia một cuộc họp của các quan chức tình báo khu vực do Cơ quan Tình báo Liên ngành của Pakistan tổ chức. Vào tháng 5 năm 2023, ông gặp người lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Nikolai Patrushev, gợi ý rằng Trung Quốc đang thực hiện tốt lời hứa vào tháng 2 năm 2022 về việc tăng cường hợp tác để chống lại cái-gọi-là các cuộc cách mạng màu và “những nỗ lực của các lực lượng thù địch bên ngoài nhằm phá hoại an ninh và sự ổn định nội bộ”.Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng thậm chí còn lộ diện rõ hơn. Kể từ Đại hội Đảng lần thứ 20, ông đã tổ chức hội nghị truyền hình với những người đồng cấp từ Quần đảo Thái Bình Dương, tổ chức Diễn đàn Hợp tác An ninh Công cộng Toàn cầu, chào đón Tổng thư ký Interpol đến Bắc Kinh, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, quảng bá SKANTC tại diễn đàn Đối thoại An ninh Islamabad, và gặp gỡ cả nửa tá đối tác song phương.

Nếu chú ý ta sẽ thấy rằng những cơn gió ngược kinh tế có thể khiến Trung Quốc hướng ra thế giới bên ngoài để kích thích tăng trưởng. Và quả thực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có lúc cố gắng tô vẽ mô hình phát triển mới là tương thích với việc tiếp tục mở cửa kinh tế. Nhưng vì Tập xem vấn đề an ninh là thiết yếu hàng đầu, chứ không phải tăng trưởng kinh tế, nó là yếu tố bảo đảm cho sự sống còn của chế độ, nên Tập sẵn sàng đánh đổi kinh tế hầu tiếp tục thắt chặt kiểm soát trong nước và cải thiện môi trường an ninh của Trung Quốc ở nước ngoài. Đây là một canh bạc, vì chính những khó khăn kinh tế có thể tạo ra những vấn đề cho sự ổn định của chế độ, nhưng đường lối của Tập dường như đã được định đoạt xong rồi.

Cơ hội cho Hoa Kỳ trong trận chiến mới

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thực thi khái niệm an ninh quốc gia toàn diện thông qua SKANTC đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ không nên đánh giá thấp tiềm năng sức hút trong sách lược này của Bắc Kinh, vì những nỗ lực kiên trì không mệt mỏi của quan chức Trung Quốc và vì nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhận thấy rằng họ không có nhiều lựa chọn thay thế tốt. Hoa Kỳ thường tự cho mình là người bảo vệ chính yếu cho trật tự an ninh quốc tế, nhưng trật tự này thường gạt bỏ những quốc gia nhỏ ra ngoài lề, hoặc đơn giản không giải quyết được các vấn đề cấp bách nhất của họ. Washington cũng hay chỉ trích các quốc gia hồ hởi thu nạp giải pháp của Bắc Kinh trong khi không đưa ra một giải pháp nào của riêng mình. Sự thật là, các quốc gia chủ yếu quan tâm đến việc giải quyết các thách thức an ninh của chính họ. Họ sẽ không từ chối một sáng kiến có lợi cho họ chỉ vì nó cũng có lợi cho ĐCSTQ.

Thực tế là Bắc Kinh đang tập trung thiết lập các diễn đàn và mạng lưới mới ở những khu vực mà trật tự quốc tế hiện tại còn yếu hoặc không có, chẳng hạn các vùng nơi mối đe dọa an ninh thuộc phạm vi tội phạm, khủng bố và bất ổn nội bộ. Đây cũng là dịp cho Hoa Kỳ nắm lấy thế chủ động. Washington có cơ hội xác định các lĩnh vực hợp tác với các quốc gia không hài lòng với cấu trúc an ninh toàn cầu hiện tại và cho họ một giải pháp thay thế phương cách thực thi theo đường hướng xét lại của Trung Quốc. Ví dụ, hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ ở châu Á, vốn phần nhiều tập trung vào lĩnh vực quân sự, đã để lại lỗ hổng trong việc giải quyết những thách thức an ninh trong phạm vi tội phạm, khủng bố và bất ổn nội bộ – một thách thức mà Bộ Công an Trung Quốc và SKANTC đề nghị lấp đầy.

Tập Cận Bình sẵn sàng chấp nhận thiệt hại kinh tế để thắt chặt kiểm soát an ninh trong nước.

Khi đưa ra các lựa chọn khác, Hoa Kỳ không nên kỳ vọng quá nhiều. Ngắn hạn trước mắt, Bắc Kinh có thể sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo độc tài để trở thành “đối tác an ninh được lựa chọn”. Đó là những nhà lãnh đạo nhận thấy các mối đe dọa an ninh nguy hại cho chế độ đến từ chính người dân của họ và họ thấy các yếu tố chuyên chế trong mô hình của Trung Quốc là thích hợp. Nhưng như Hoa Kỳ học được trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một quan hệ đối tác an ninh nếu không có sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng có thể trở nên bấp bênh và đôi khi phản tác dụng. Một giải pháp thay thế kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết các thách thức an ninh sẽ không thu hút được sự ủng hộ của tất cả mọi người, nhưng nó có thể tác động sâu rộng đến các thể chế và chuẩn mực của hệ thống quốc tế – nếu Hoa Kỳ hành động nhanh chóng.

Chính quyền Biden cho đến nay tập trung nỗ lực xây dựng liên minh chủ yếu vào việc củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác hiện có. Họ nên bổ sung phương cách tiếp cận này bằng cách củng cố mối quan hệ với các quốc gia không phải lúc nào cũng có quan hệ mật thiết với Washington. Bởi làm như thế họ sẽ chứng minh được rằng Hoa Kỳ có tầm nhìn về một cấu trúc an ninh mới và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của một thế giới đang thay đổi – về tội phạm, an ninh khí hậu, vấn đề di dân và an toàn công cộng. Trừ phi Hoa Kỳ áp dụng một chiến lược chủ động hơn, họ sẽ bỏ lỡ các cơ hội quan trọng – và sự quan thiết – để xây dựng cấu trúc đó, ngay cả khi Bắc Kinh thúc đẩy một trật tự an ninh mới nhằm mục đích trên hết và quan trọng nhất là củng cố sự kiểm soát lâu dài của ĐCSTQ.

S.C.G.

*

Tác giả Sheena Chestnut Greitens sinh 1981, là một học giả Mỹ. Bà tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Harvard và là chuyên gia về an ninh và chính trị Đông Á.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Bookmark the permalink.