Blackpink – Quyền lực mềm của Làn sóng Hàn Quốc

Hiệu Minh

Thực sự là quá nản khi nghĩ đến tương lai của dân tộc này. Trẻ thì rùng rùng đi xem thần tượng, khóc như cha chết. Già thì đi chùa chiền xì xụp khấn vái.

Đành rằng con người ai cũng có đam mê hay đức tin. Nhưng điều đáng nói là nó được thể hiện ra với một tinh thần u mê rồ dại, tới mức nhìn có cảm giác như những zombie (xác sống không hồn). Và chúng lại đông không tưởng. Đi đâu, ở đâu cũng gặp nhan nhản những kẻ đầu óc trống rỗng, không tri thức, không văn hoá… nhưng lại rất cuồng tín.

Một xã hội về cơ bản đã bị mất căn bản, mất nền tảng văn hoá thế này thì đến bao giờ mới ngóc đầu lên được đây? Mình không hiểu sao những kẻ luôn mồm nói đạo lý, vì dân tộc, vì đất nước lại không nhận ra một sự thật lù lù và thảm hại: đất nước ta đã bao giờ bị thế này chưa?!

Nguyễn Tống

Vụ Blackpink rồi cũng đi vào quên lãng nhưng giới trẻ từng ra sân Mỹ Đình nghe nhạc sống thì còn khá lâu mới quên 4 cô gái Hàn này. Đây chính là Quyền lực mềm của Hàn Quốc hay còn gọi là Làn sóng Hàn Quốc.

 

Quyền lực mềm (tiếng Anh: Soft Power) là do giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một quyển sách phát hành năm 1990, Bound to Lead: The Changing Nature of American Power. Thuật ngữ này được các học giả và chính trị gia sử dụng.

Theo Joseph Nye, Quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Một đặc điểm của Quyền lực mềm là không cưỡng bức, ép buộc. Nói nôm na theo các cụ nhà ta  lạt mềm buộc chặt.

Ngược lại với Quyền lực mềm là Quyền lực cứng dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế, quyền lực được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa về quân sự, sa thải, kỷ luật, và dùng kinh tế, mua chuộc.

Quyền lực mềm đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của họ, và khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn.

Quyền lực mềm được thực hiện thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó.

Quyền lực mềm của Hàn Quốc (Làn sóng Hàn Quốc – Hàn lưu hay Hallyu 한류) là làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang chiếm sóng toàn cầu từ K-drama, K-pop đến Gangnam style. Điệu nhảy Gangnam trên YouTube đã gần 5 tỷ views vượt qua mọi giới hạn về lan tỏa.

Bước sang thế kỷ 21, ngoài thành công về kinh tế, công nghệ, Hàn Quốc nổi lên như một nước xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng và du lịch, và trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế phát triển của nước này, phát triển văn hóa vẫn ra tiền.

Văn hóa Hàn Quốc lan tỏa chóng mặt một phần được hỗ trợ của chính phủ thông qua trợ cấp và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp hướng Quyền lực mềm với mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới, một thị trường mà Hoa Kỳ đã thống trị trong gần một thế kỷ thông qua phim ảnh, đồ ăn, thời trang.

Năm 2014, Hàn Quốc đã chi 1% ngân sách hàng năm cho các ngành công nghiệp văn hóa và gây quỹ 1 tỷ USD để nuôi dưỡng văn hóa đại chúng. Khi tác động của K-pop và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như “Gangnam Style” và Mặt trăng ôm mặt trời đã có danh tiếng quốc tế, xã hội Hàn Quốc bắt đầu được công nhận là ngang phương Tây.

Làn sóng Hàn Quốc trở thành hiện tượng toàn cầu có ảnh hưởng từ đầu thế kỷ 21, tác động mạnh mẽ đến các nền văn hóa đương đại, âm nhạc, điện ảnh, truyền hình và hành vi của hàng tỷ người.

Hoa Kỳ lo Trung Quốc soán ngôi về kinh tế và quân sự, giờ lo thêm Hàn Quốc về quyền lực mềm.

Blackpink chỉ là một thành công nhỏ của Hàn Quốc nhưng đã gây sốt khủng tại Việt Nam. Ông bầu bóng đá Park Hang-seo cần vài năm đưa đội tuyển VN lên tầm khu vực, hành xử văn hóa của ông, là một sức mạnh mềm khác. Chưa kể phim Hàn, ẩm thực Hàn, mỹ phẩm Hàn… luôn lấn lướt chủ nhà.

Để theo được Hàn Quốc thì Việt Nam còn rất rất nhiều việc phải làm để phát triển Soft Power định hướng XHCN. Ngoài chuyện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự phải mạnh hơn, rồi tạo hình ảnh văn hóa sao cho cánh trẻ Hàn khóc lóc và hôn ghế khi đoàn Ca múa Chính trị TW sang đó biểu diễn với nón lá, áo dài, comple khăn xếp.

Ta thu lại số tiền chục triệu đô la mà giới trẻ Hà Nội đã chi trên sân Mỹ Đình hôm qua cho bõ tức, liệu có khả thi không các cụ?

Good luck, VN.

PS. Ta có Kiều hay phết, lãnh đạo lẩy Kiều, TT Mỹ cũng chơi Kiều, tội phạm trước tòa cũng đọc Kiều. Ý này cũng được nhỉ?

H.M.

Nguồn: FB Giang Công Thế

 

This entry was posted in Hàn quốc, Quyền lực mềm, Văn hóa xã hội. Bookmark the permalink.