Nghịch lý của chiến tranh và hòa bình

Nguyễn Quang Dy

Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh (Si vis pacem, para bellum)

Chiến tranh và hòa bình là câu chuyện muôn thuở của xã hội loài người, chắc không bao giờ chấm dứt. Sau Ukraine, cạnh tranh nước lớn Mỹ-Nga-Trung và xung đột khu vực không giảm mà còn gia tăng, làm các nước nhỏ hơn như Việt Nam dễ bị mắc kẹt. Gần đây, người ta thường nhắc tới cụm từ “không để bị bất ngờ trước các biến động khó lường”. Không chỉ Ukraine mà Biển Đông và eo biển Đài Loan cũng là “thùng thuốc súng”.

 Vùng đệm và vùng xám

Ukraine và Việt Nam tuy có điểm tương đồng là “vùng đệm”, nhưng tính chất có thể khác nhau, cần làm rõ khi lý giải nguyên nhân, thực trạng, và đề xuất các giải pháp. Theo Trần Bằng (đang làm chương trình tiến sĩ tại Pháp và Thụy Điển), Trung Quốc có thể ước lượng được hậu quả quân sự và chính trị của chiến tranh với Việt Nam nên “nguy cơ lớn nhất không phải là chiến tranh mà là cái giá của hòa bình mà Trung Quốc đặt ra”.

Trần Bằng phân tích về tính chất và đặc điểm của “vùng đệm” (buffer zone) và cái bẫy “hòa bình bằng mọi giá”, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Nga-Trung đang gia tăng hiện nay. Tác giả cho rằng Việt Nam “có năng lực bất đối xứng, có vị trí địa lý liền kề, và có giá trị địa chính trị”, nên có nguy cơ trở thành “vùng đệm” an ninh cho Trung Quốc (Trung Quốc Và Cái Giá Của Hòa Bình, Trần Bằng, SCSCI, July 24, 2023).

Theo Trần Bằng, Nga xâm lược Ukraine như “vùng đệm”, và Trung Quốc cũng coi Việt Nam là “vùng đệm” tương tự như Ukraine. Nếu “vùng đệm” là mục đích của hệ thống an ninh và khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, thì “vùng xám” (grey zone) là phương tiện mà Trung Quốc vận dụng để đạt mục đích. Trong khi Trung Quốc đã tạo ra “vùng xám” tại Biển Đông nơi họ có lợi thế hơn Mỹ, Nga không có “vùng xám” như vậy ở Ukraine.

Nói cách khác, vận dụng lý thuyết và thực tiễn về “vùng đệm” để lý giải và so sánh việc Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc có thể làm như vậy với Việt Nam tại Biển Đông là một giả định cần thiết. Nhưng cần làm rõ mục đích “vùng đệm” và phương tiện “vùng xám”. Một điểm khác cần làm rõ là việc Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc thôn tính Biển Đông có phải là “tất yếu” (inevitable) như “cái bẫy Thucydides” hay không.

Dùng “vùng đệm” để so sánh Việt Nam với Ukraine là cần nhưng chưa đủ. Alexander Vuvuing cho rằng tranh chấp ở Biển Đông nguy hiểm nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như Giáo sư Graham Allison dự báo vì nó diễn ra theo quy luật “chọi gà” (chicken game) chứ không phải “thế lưỡng nan của người tù” (prisoner’s dilemma). (Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, APCSS, September 2020).

Nga muốn phương Tây công nhận Đông Âu và Trung Á là “vùng đệm”, lập luận “lãnh thổ Ukraine thực chất thuộc Nga từ thời Nga hoàng”, cáo buộc “Ukraine là công cụ của Mỹ chống lại Nga”, và gọi “chính quyền Ukraine là phát xít mới”. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc cũng có thể yêu sách như Nga tại Đông Âu, đòi Việt Nam phải trả lại “vùng lãnh thổ vốn thuộc Trung Quốc từ thời Hán” và “dừng khai thác dầu khí ở Biển Đông”.

Theo Trần Bằng, Việt Nam theo đuổi chủ trương “cân bằng”, tức là “neo chính trị, quân sự, kinh tế và đối ngoại theo ba trục quan hệ nước lớn với Trung Quốc, Nga, Mỹ, cùng với đồng minh EU, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN. Việt Nam muốn tránh bị lôi cuốn vào xung đột giữa các nước lớn, nên vận dụng “ngoại giao cây tre”. Nhưng chủ trương quan hệ “cân bằng” có đảm bảo để Việt Nam phát triển ổn định trong thời gian tới?

Việt Nam có thể từng bước rơi vào kịch bản “Phần Lan hóa” (Finlandization) hoặc trở thành “vùng đệm” an ninh của Trung Quốc, nếu Trung Quốc đủ mạnh để yêu cầu Mỹ phải nhân nhượng để có “vùng đệm” như Nga đã từng yêu sách. Tuy Việt Nam “không chọn phe” mà “chọn lẽ phải”, nhưng liệu Việt Nam có thể tránh được kịch bản trở thành “vùng đệm” an ninh của Trung Quốc, hay thậm chí trở thành “quốc gia vệ tinh”?

Năng lực chiến đấu của Việt Nam “chưa kịp hiện đại hóa”, khó duy trì được nguồn bổ sung vũ khí cần thiết. Hầu hết vũ khí chủ chốt của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung chính từ Nga, nên khó tiếp nhận vũ khí và trang bị từ các nguồn khác chuẩn. Việt Nam vẫn chưa biên chế được các loại vũ khí mới trong chiến tranh công nghệ cao như máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường chính xác cao, và các hệ thống cảnh báo sớm.

Trung Quốc có lợi thế trong “vùng xám” tại Biển Đông, nên không loại trừ khả năng họ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, khiến Trung Quốc có thể chiến thắng dứt điểm trong thời gian ngắn nhất. Trung Quốc có lý do để can thiệp vào Việt Nam nhằm ngăn chặn rủi ro về chính trị. Kinh nghiệm Ukraine cho thấy không nước nào muốn can thiệp trực tiếp khi đối đầu với một cường quốc hạt nhân như Nga hay Trung Quốc.

Một là Trung Quốc có nền chính trị với “hệ giá trị khác với thế giới”. Hai là Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng về “một thế giới cùng chung vận mệnh”. Ba là Trung Quốc “tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng”. Vì vậy, Trung Quốc muốn đẩy nguy cơ xung đột ra càng xa lãnh thổ của họ càng tốt. Nói cách khác, Trung Quốc muốn Việt Nam nếu không phải là “quốc gia vệ tinh” thì cũng phải làm “vùng đệm” an ninh cho Trung Quốc.

Việt Nam và khu vực

Trong khi chờ cơ hội thuận lợi để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược, trong bối cảnh tranh chấp Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, gần đây Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các cường quốc bậc trung (Middle Powers) trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc (Middle Power Diplomacy: Decoding Vietnam’s Recent Diplomatic Endeavours, Nguyễn Khăc Giang, Asialink, 18 July 2023).

Muốn “cân bằng” quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần tăng cường quan hệ với các đồng minh của Mỹ. Đây là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại nhằm tăng cường tự chủ cho Việt Nam. Nga tác chiến kém hiệu quả tại Ukraine làm tăng nghi ngờ về vũ khí của Nga và giảm nhập khẩu vũ khí của họ. Gần đây, các lãnh đạo cấp cao của Nga sang thăm Việt Nam, nhưng lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chưa sang thăm Nga.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Úc Anthony Albanese (3-4/6/2023) là chỉ dấu về triển vọng nâng cấp quan hệ hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership) vào cuối năm nay. Canberra là cầu nối hiệu quả (effective backchannel) để Hà Nội hợp tác với Washington về các lĩnh vực nhạy cảm như chia sẻ thông tin tình báo và an ninh trên biển, mà không làm cho Trung Quốc phật lòng.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo (22-24/6/2023) cũng là một chỉ dấu quan trọng nhằm tăng cường quan hệ, sau chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (27-29/3/2023). Viettel VTX và KAI của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất trực thăng. Hàn Quốc là một đối tác quốc phòng tiềm năng, hiện đứng thứ ba trong số các nước cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Ấn Độ tăng cường hỗ trợ Việt Nam ở Biển Đông với chính sách “Act East”, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (17-19/6/2023), Ấn Độ đã thỏa thuận bán cho Việt Nam trực thăng Dhruv, tên lửa đối không Akash, và tặng Việt Nam một tàu hộ vệ tên lửa. Ấn Độ còn thỏa thuận cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam để tăng cường phòng thủ bờ biển.

Trong khi Việt Nam cam kết duy trì quan hệ “cân bằng” với hai nước lớn ở Châu Á là Trung Quốc và Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan (Nimitz class) đã ghé thăm Đà Nẵng (25-30/6). Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung đã đến thăm Mỹ (28/6-2/7/2023) theo lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Trung đã gặp Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan để chuẩn bị nâng cấp quan hệ vào cuối năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 25/6/2023). Ông đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường. Tuy đó là sự trùng hợp, nhưng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam nhằm làm giảm bớt lo ngại của Trung Quốc về việc Hà Nội tăng cường quan hệ với Washington, sau cuộc điện đàm giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden (29/3/2023).

Gần đây, các báo chính thống của Việt Nam đã đăng một bài xã luận bình luận tích cực về quan hệ Việt-Mỹ. Trong điện mừng gửi Ngoại trưởng Mỹ nhân dịp kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh “Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, thực chất, đạt tầm cao mới” (VnExpress, 25/7/2023).

Công nghệ và chiến tranh

Theo giới quan sát, khái niệm chiến tranh kiểu cũ đã trở nên lỗi thời. Người ta phải đầu tư vào những thứ khác tốt hơn như “tác chiến mạng”. Đó là những thứ quyết định tương lai chiến tranh. Nay “cuộc cách mạng trong quân sự” (revolution in military affairs hay RMA) và “tổ hợp trinh sát-tấn công” (reconnaissance-strike complex) đang làm thay đổi cuộc chơi. Chiếm đóng lãnh thổ nay bị xem là không cần thiết, thậm chí phản tác dụng.

Trong cuộc chiến tranh Ukraine, Nga đã bị tổn thất nặng nề với hơn 200.000 thương vong. Con số này lớn gấp bốn lần số thương vong của Liên Xô tại Afghanistan trong gần một thập niên. Hơn 20.000 binh lính Nga đã tử trận chỉ trong vòng mấy tháng (từ tháng 12/2022 tới tháng 4/2023) hầu hết là tại mặt trận Bakhmut. Từ trước đến nay, chưa từng có một đội quân nào bị tổn thất nhiều binh lính trong một thời gian ngắn như vậy.

Ukraine cũng bị tổn thất nặng nề với hơn 100.000 thương vong, và hơn 15.000 binh sĩ đã tử trận. Lực lượng quân đội của Nga và Ukraine được xây dựng trước chiến tranh đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn và đang được xây dựng lại như mới. Mức độ thương vong và hủy diệt phần lớn là do vũ khí dựa trên công nghệ cao. (The war in Ukraine shows how technology is changing the battlefield, Shashank Joshi, Economist, July 3, 2023).

Theo RUSI, “thứ khiến Nga phải chùn bước tại phía bắc Kyiv là hai lữ đoàn pháo binh Ukraine đã khai hoả tất cả những gì mà họ có”. Ukraine chứng tỏ rằng công nghệ chiếm ưu thế hơn số lượng, rằng chất lượng có thể thay thế số lượng. Tướng Anh Patrick Sanders đã nhận xét một cách mỉa mai: “Không ai có thể dùng không gian mạng để vượt qua một con sông”. Nhưng số lượng và công nghệ liên quan mật thiết. Đó là một nghịch lý.

Tại mặt trận Bakhmut, vào mỗi thời điểm được xác định có tới 50 drones hoạt động cùng một lúc. Khoảng 86% khả năng chỉ định mục tiêu của Ukraine là do drones. Theo RUSI, khoảng 90% số drones được sử dụng bởi quân đội Ukraine từ tháng 2 tới tháng 7/2022 đã bị tiêu diệt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Ukraine mất khoảng 10.000 drones/tháng. Nói cách khác, Ukraine chính là một vũ đài để thử nghiệm công nghệ mới.

Ukraine không chỉ là “lò sát sinh” mà còn là đấu trường tình báo và công nghệ quốc phòng. Theo Mykhailo Fedorov (Phó thủ tướng Ukraine phụ trách chuyển đổi số) “Chúng ta sẽ kết thúc cuộc chiến này bằng máy bay không người lái” (We will end this war with drones). Drones là vũ khí thiết yếu để phản công, nên đang có “một cuộc chạy đua về drone”. (Inspecting Ukraine’s drone army, Svitlana Morebets, Spectator, July 28, 2023).

Ukraine kết nối được với các vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp được phóng bởi SpaceX của Elon Musk. Điều đó có nghĩa là một người lính ở cấp thấp nhất được kết nối với thông tin trước đây chỉ có chỉ huy lữ đoàn mới được tiếp cận. Theo tình báo Mỹ, người lính có thể sử dụng hình ảnh từ các vệ tinh thương mại. Nhưng cuộc chiến cho thấy chỉ có tình báo thì chưa đủ, mà con người phải có khả năng sử dụng tin tình báo một cách hiệu quả.

Trong khi quân Nga vất vả tìm kiếm để tiêu diệt các mục tiêu di động thì quân Ukraine tiến hành một cuộc chiến tranh được dữ liệu dẫn đường (data-driven combat) với tốc độ và mức độ chính xác mà ngay NATO cũng chưa đạt tới. Theo tướng James Rainey (Futures Command), “chúng ta phải chiến đấu trong điều kiện bị theo dõi liên tục”. Theo RUSI, “phải phân tán và di chuyển với tốc độ nhanh hơn tốc độ bị địch phát hiện mục tiêu”.

Tại phía bắc Kyiv, tác chiến chính xác cao có thể giúp Ukraine đối phó với Nga có lợi thế áp đảo về số lượng với tỷ lệ 12 trên 1. Đó là một nghịch lý. Khái niệm “tổ hợp trinh sát-tấn công” (RMA) dù của Nga hay của Mỹ đều nhằm làm tê liệt kẻ địch, chứ không phải tiêu hao năng lực chiến đấu của chúng. Nhưng dù bên nào thắng thì bên thua cuộc vẫn là những người lính và người dân, là những nạn nhân của một bi kịch đẫm máu.

Vũ khí và con người

Theo Oren Etzioni (một chuyên gia AI của Mỹ) “Trí tuệ nhân tạo không phải là quái vật Frankenstein mà chỉ là một công cụ, mặc dù là một công cụ rất mạnh. Tôi không sợ bản thân công cụ, mà tôi sợ cách mọi người sử dụng nó”. Nhưng Amitai Etzioni cho rằng “trí tuệ nhân tạo sẽ phá hủy sự thật”. Đây là một nghich lý đối với nền dân chủ và cộng đồng, vì “AI chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. (Der Spiegel No. 28, 2023).

Nói cách khác, những ông chủ công nghệ như Mark Zuckerberg và Elon Musk mới là người quyết định sức mạnh của công nghệ, chứ không phải AlphaGo. Tuy GPT-4 rất tinh vi và có thể thông minh nhưng đó chỉ là công cụ “không có ý chí riêng”. Vì vậy, vấn đề không phải là công nghệ mà là con người quyết định. Theo Der Spiegel, ngay cả ông chủ OpenAI là Sam Altman cũng phải kêu gọi “hãy điều tiết công nghệ của chính mình”.

Hiện nay, công nghệ có thể thách thức hệ thống chính trị vì người lãnh đạo có thể tiếp cận trực tiếp với quần chúng bất cứ lúc nào. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để chế ngự được những làn sóng thông tin giả (fake news)? Một khi công nghệ có thể đánh lừa chúng ta bằng những hình ảnh và lời nói như thật, chúng ta luôn phải tự hỏi liệu hình ảnh và lời nói đó có đáng tin không, vì ChatGPT không chỉ nói dối khi người dùng ra lệnh cho nó.

Gần đây, Elon Musk bị cáo buộc là muốn phát triển TruthGPT vì cho rằng “ChatGPT quá đúng về mặt chính trị”. Sự mê hoặc trên toàn cầu đối với ChatGPT đã kích hoạt một cuộc chạy đua giữa Microsoft, Google và Meta cho các mô hình AI tốt nhất. Nhưng hiện nay Mỹ đang ở trong “một cuộc chiến gián tiếp với Trung Quốc”, nên việc thỏa thuận về công nghệ là rất khó. Điều đó làm cho các chuyên gia AI như Oren Etzioni rất lo ngại.

Theo báo chí, hai tỷ phú Elon Musk và Mark Zuckerberg đã thỏa thuận sẽ so găng trên võ đài UFC trong một trận đấu nhà nghề trị giá gần 2 tỷ USD. Chủ tịch UFC Dana White cho biết ông sẽ đứng ra tổ chức trận đấu này (exhibition match), và số tiền khủng đó sẽ được dùng làm từ thiện. Chưa rõ trận đấu sẽ diễn ra vào ngày nào, nhưng họ đã chọn võ đài Octagon ở Las Vegas, và cả hai đang luyện tập. (New York Times, July 1, 2023).

Chưa biết liệu trận đấu huyền thoại đó có diễn ra không, nhưng dư luận cho rằng câu chuyện này là một ẩn dụ (metaphor) về sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các ông chủ công nghệ và truyền thông, như Mark Zuckerberg ông chủ của Facebook & Meta và Elon Musk ông chủ của Tesla, SpaceX và Twitter. Trong khi Bill Gates dùng Microsoft để làm chủ thế giới mạng, thì Elon Musk đang dùng SpaceX làm chủ không gian.

Một nhân vật mới là Austin Russell đã lập Luminar Technologies khi mới 17 tuổi. Nay ở tuổi 28, anh là tỷ phú trẻ nhất thế giới với tài sản 1,6 tỷ USD. Công ty Luminar sản xuất cảm biến laser cho xe ô-tô lái tự động, hiện là đối thủ cạnh tranh của Tesla và Waymo của Alphabet. Austin Russell đã bỏ ra 800 triệu USD để mua 82% cổ phần của Forbes Global Media Holdings và trở thành CEO của Forbes. (Viet Times, 26/07/2023).

Đó là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Forbes khi có một CEO trẻ với tư duy và tầm nhìn độc đáo. Đồng thời nó xác lập vai trò và ảnh hưởng của Austin Russel trong ngành truyền thông. Mặc dù đã mua lại Forbes, nhưng Austin Russel tuyên bố sẽ không tham gia vào hoạt động thường ngày của ấn phẩm nổi tiếng này, mà sẽ lập một ban giám đốc mới bao gồm các chuyên gia truyền thông, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).

Lời cuối

Hiện nay, tuy Trung Quốc chưa dùng vũ lực giải quyết tranh chấp tại Biển Đông nhưng trong quá khứ Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm một số đảo như Hoàng Sa (1956, 1974), Trường Sa (1988, 1992) và Scarborough (2012). Những gì Trung Quốc làm tại Biển Đông và Đài Loan tuy có điểm tương đồng nhưng cũng có điểm khác (Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung, Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, 1/11/2021).

Việt Nam vận dụng “ngoại giao cây tre” trong quan hệ với các nước lớn, nhưng quan hệ Việt-Trung là “bất đối xứng” nên Việt Nam không thể một mình đối phó với ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong bối cảnh tranh chấp Mỹ-Trung và trật tự thế giới biến động khó lường, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ ý đồ “thỏa thuận nước lớn” với Mỹ. Việt Nam cần đề phòng rủi ro khi điều chỉnh chiến lược “quá chậm và quá ít” (too little too late).

Việt Nam đã trải qua mấy cuộc chiến tranh liên tiếp với các nước lớn như Pháp, Nhật, Mỹ và Trung Quốc, với hậu quả nặng nề, nên có lý do chính đáng để “không chọn phe” và “cân bằng” quan hệ”. Nhưng muốn có hòa bình và độc lập thì Việt Nam phải dựa vào nội lực (kinh tế và quốc phòng mạnh) và ngoại lực (có đối trọng để răn đe hiệu quả). Nói cách khác, “nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Đó là một nghịch lý.

Tham khảo

1. Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, APCSS, September 2020

2. Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung, NQD, Viet-studies, 1/11/2021

3. A ‘Cage Match’ Between Elon Musk and Mark Zuckerberg May Be No Joke, Ryan Mac & Mike Isaac, New York Times, July 1, 2023

4. The war in Ukraine shows how technology is changing the battlefield, Shashank Joshi, Economist, July 3, 2023

5. Could Meta’s Threads doom Elon Musk’s Twitter? Matthew Lynn, Spectator, July 4, 2023

6. Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ: Thực chất và hiệu quả, Công An, 12/07/2023

7. Artificial Intelligence Will Destroy Truth, Alexander Demling, Der Spiegel, July 11, 2023

8. Middle Power Diplomacy: Decoding Vietnam’s Recent Diplomatic Endeavours, Nguyen Khac Giang, Asialink, 18 July 2023

9. Trung Quốc Và Cái Giá Của Hòa Bình, Trần Bằng, SCSCI, July 24, 2023

10. VnExpress, 25/07/2023

11. VietTimes, 26/07/2023

12. Inspecting Ukraine’s drone army, Svitlana Morebets, Spectator, July 28, 2023

N.Q.D.

30/07/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chiến tranh và hòa bình, Nguyễn Quang Dy, Quan hệ quốc tế. Bookmark the permalink.