Tây kém “lý luận” lắm!

(Thư giãn cuối tuần)

Mạc Văn Trang


Báo cáo anh Đ.H. (Tuyên giáo), theo quan điểm chỉ đạo “bài Tây” của anh, tôi mới tìm hiểu phát hiện thêm một điều thú vị: Bọn Tây rất kém lý luận, không so với Ta được (!). Xin nêu 2 ví dụ: 

1. Mấy anh chị bán hàng ở Trung tâm thương mại của người Việt, nói chuyện: Ba Lan sắp quy định Thứ 7 và Chủ nhật, tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị đều phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ.

Mình hỏi:

– “Trên” có giải thích vì sao không?

– Không! Nhưng ta phải ngầm hiểu, chính quyền nó làm vậy là để các hộ nông dân, người buôn bán nhỏ có cơ hội bán hàng ngày Thứ 7, Chủ nhật. Ngày đó lại rất đông người thích đi “chợ quê”… Chính quyền nó cho dân lập ra các chợ nhỏ, tự do để tiêu th nông sản trực tiếp từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng, hàng hóa phong phú, tươi, rẻ để cạnh tranh với các siêu thị đấy. Nhất là nhiều siêu thị lại có yếu tố nước ngoài…

Đấy, một vấn đề chiến lược như vậy mà nó cứ im lặng làm, chả có tí tẹo lý luận gì cả. Nó chả có chủ trương, nghị quyết, tuyên truyền gì sất (!).

Nếu như bên ta phải có chủ trương, nghị quyết từ Trung ương, chỉ thị của Chính phủ xuống các cấp, các ngành để quán triệt; Thủ tướng phải họp, ra lệnh quán triệt, quyết liệt triển khai; Ban Tuyên giáo phải chỉ đạo báo đài đồng loạt tuyên truyền về chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, “nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình, người buôn bán nhỏ phát triển, trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới”… “Đây là cơ hội để phát huy nội lực, khai thác tiềm năng của mọi thành phần kinh tế, góp phần xây dựng “xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Chủ trương này thể hiện “Chính phủ kiến tạo”, mở ra cơ hội “đột phá” cho mọi người dân phát huy truyền thống cần cù, năng động, sáng tạo, thông minh, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, cùng khởi nghiệp, thực hiện phương châm: “Không để người dân nào tụt lại phía sau”! Vân vân và vân vân.

Các loa phường, xóm phải ra rả tuyên truyền ngày ba bận; các tổ trưởng dân phố, các cán bộ Hội, Đoàn phải đi tuyên truyền, vận động để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Người dân lúc đó sẽ tới tấp đến chính quyền xin Giấy phép kinh doanh, ai cũng hồ hởi, phấn khởi, cảm động “Cảm ơn Đảng, Chính quyền đã sáng suốt cởi trói cho dân”… Lực lượng “Quản lý thị trường” thì chuẩn bị “đồng loạt ra quân”…

Tây dốt lắm, chả biết tuyên truyền cho dân “biết ơn Đảng, Chính phủ”, chả cho “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra…” gì cả; nó chỉ cho Dân làm, Dân hưởng! Chính quyền chỉ biết chọn các địa điểm thích hợp, tổ chức cho dân ngoại thành, ngoại tỉnh chở các sản phẩm đến bằng ô tô và đỗ xe bán tại chỗ, chiều đánh xe về…

Công nhận Ta nhiều lý luận thật, nhất là cán bộ miền Bắc ta càng “lắm lý luận”! Đúng là bọn Tây “ngố” chỉ biết hùng hục làm thôi, kém lý luận lắm!

2. Việc khuyến khích người dân đi xe đạp. 

Nếu ở Ta, phải có chủ trương, nghị quyết, rồi tiến hành theo quy trình, làm sao cho “Nhất hô bá ứng, Trên dưới một lòng, Dọc ngang thông suốt”…

– Phải có hội thảo khoa học về ích lợi của đi xe đạp. Trong hội thảo thế nào cũng phải có báo cáo Tổng quan, báo cáo đề dẫn: “Tình hình người tham gia giao thông sử dụng xe đạp trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”; “Xe đạp một phương tiện giao thông: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”…

– Phải chỉ đạo toàn hệ thống đồng loạt ra quân tuyên truyền giá trị về kinh tế, về sức khỏe, về môi trường, về truyền thống và hiện đại … của việc đi xe đạp. 

– Rồi chuyên gia Bộ Giao thông cùng lãnh đạo một số địa phương dự định triển khai thí điểm, sẽ đi Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan… tham quan học hỏi kinh nghiệm. Các câu hỏi thường là: Làm thế nào để quản lý xe đạp? Đánh thuế xe đạp ra sao? Chống mất cắp xe đạp công thế nào? Xe đạp có cần đăng ký chính chủ không?… Đảm bảo nhiều câu hỏi Tây “ngố” đần mặt ra rồi nhún vai, chịu chết… 

– Thế rồi phải dấy lên phong trào, phát động “Ngày đi xe đạp”, Bộ trưởng Giao thông và mấy đồng chí lãnh đạo đi xe đạp, dẫn đầu Hội Thanh niên Cờ đỏ xung kích đi diễu phố rợp trời cờ đỏ và băng rôn… Đài, báo tường thuật rầm rộ, tưng bừng. 

– Mặt trận sẽ phát động Hội Thơ các cụ làm thơ về đề tài xe đạp, như:

“Xe đạp thồ lên Điện Biên

Đánh cho quân Pháp thất điên bát đào

Hôm nay hưởng ứng phong trào

Toàn dân ra sức ta nào thi đua”…

====

Hoan hô Cụ ông Cụ bà

Đạp xe hăng hái để mà hồi xuân

Thi đua khuấy động toàn dân

Phơ phơ tóc bạc, đội quân dẫn đầu…

====

“Chị em phụ nữ ta ơi

Đạp xe ích lợi, dáng người phây phây

Thi đua ta quyết từ nay

Chị em ta sẽ ngày ngày đạp xe”…

==

Thiếu nhi thế hệ măng non

Đạp xe hăng hái bon bon mỗi ngày

Mai sau đất nước dựng xây

Là nhờ các cháu mỗi ngày đạp xe…

====

Rồi có nhạc sĩ tinh nhạy thời sự, cho ngay ra ca khúc “Đạp xe nào là đạp xe nào… Ôi, tự hào ta đi lên”!…

Thế là “chiến dịch” thành công, chuẩn bị họp sơ kết, tổng kết phong trào, phân tích nguyên nhân thành công và thất bại, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc…

Tây chả biết gì về “Cơ sở Lý luận” và “Đưa lý luận vào cuộc sống” như ta cả. Nó cứ hì hục làm thôi:

– Nó làm đường dành riêng cho người đi xe đạp, chủ yếu trên vỉa hè, có đoạn xuống mé đường ô tô, thì nó vạch kẻ dành riêng thật rõ ràng;

– Những chỗ nào người dân dựng xe đạp thì nó làm các giá để xe cho quy củ, thuận tiện nhất cho dân dùng;

– Nó sản xuất xe đạp chất lượng tốt với rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã cho các lứa tuổi với giá hợp túi tiền dân;

– Nó tổ chức các điểm xe đạp công, ai muốn dùng xe thì mua thẻ từ để mở khóa xe, khi trả xe, thẻ tự động tính thời gian sử dụng để trừ tiền trong thẻ…

Đấy bà con xem, Tây nó chả biết tuyên truyền, quán triệt gì cả, mà không hiểu sao dân nó cứ đi xe đạp ngày càng nhiều. Lại có anh Thủ tướng, cô Bộ trưởng cũng đạp xe đi làm, trông cứ như dân thường, chả có gì là oai vệ! Rõ là quan chức Tây, chả biết lý luận lý liếc gì sất, chỉ ra sức làm, làm sao cho hiệu quả để dân tin dùng, thuê làm tiếp, không thì bị đuổi về “vui thú điền viên”! Mà quan chức Tây nhát lắm, sợ dân lắm, nó ít lý luận để cãi lấy được, phải một mình, nên thua dân là nhận lỗi liền!

Ở Ta, quan chức được đào tạo lý luận nhiều rất lợi hại, như đồng chí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng lý luận rất đanh thép: “Ta sai phải xin lỗi Dân, Dân sai cứ theo luật pháp mà xử”!

Đấy, thấy chửa? Cán bộ ta nhiều lý luận nó khác hẳn Tây. 

(Bài viết từ 2017, nay biên tập lại, đưa lên thư giãn cho vui)

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Quản trị xã hội. Bookmark the permalink.