Giải pháp thay thế Twitter của Facebook không có gì mới. Nó đánh cắp giá trị tự thân của con người

Cù Tuấn biên dịch bài viết trên Washington Post.

Một thế hệ nhạt nhẽo vô cảm và bất hạnh chực chờ. Cảm ơn anh đã giới thiệu bài viết giá trị. 

Duong Tien Lam

clip_image002

Cảm giác lên mạng thật là tuyệt cho đến khi sương mù trong não bộ ập đến. Cảm giác được khen ngợi, tìm thấy nguồn cảm hứng, chặn những kẻ nói xấu – đó là cách phương tiện truyền thông xã hội mang đến sự kết nối, lòng tự trọng và sự công bằng trong nháy mắt. Cái giá phải trả là nó yêu cầu giảm bậc một con người phức tạp thành một đống ảnh tự chụp và những câu đạo lý.

Mạng xã hội mới Threads đang được coi là một giải pháp thay thế tử tế hơn cho một Twitter đầy thông tin độc hại. Trên thực tế, nền tảng Threads này do Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, mới tung ra, chỉ là một loại chất gây nghiện tương tự. Những hình ảnh đẹp, lời nói hay dài vô tận nhanh chóng nâng cao giá trị bản thân của người dùng nhưng dần dần làm xói mòn nhân tính của họ.

Không ai cần thêm nền tảng mạng xã hội nữa. Chúng ta cần những cách để đối phó với những mạng xã hội sẵn có.

Giải pháp chống nghiện các mạng xã hội sẽ vượt ra ngoài quy định của các chính phủ. Để thoát khỏi cơn thèm thuốc, mọi người cần hiểu những cảm xúc mà mạng xã hội che đậy – và khuếch đại. Sau đó, người dùng mạng xã hội phải có lòng trắc ẩn với bản thân. Quá trình này cần lặp đi lặp lại.

Vấn đề là như sau: Các công ty công nghệ đã đánh cắp nhu cầu được thuộc về một nhóm xã hội nào đó, và nhu cầu có địa vị của mọi người. Con người là một sinh vật siêu xã hội. Mối liên hệ giữa các cá nhân có ý nghĩa sống còn và thành công cho cả bộ tộc. Vì vậy, khi mọi người tạo dựng mối quan hệ và cảm thấy được chấp thuận trên mạng xã hội, bộ não của họ sẽ được tưởng thưởng bằng hormone tạo khoái cảm dopamine. Kiểu phê thuốc này tương tự đến từ schadenfreude – việc tận hưởng những rắc rối của người khác. Đó là một khoái cảm thuần túy mang tính con người. Ngay cả những đứa trẻ sơ sinh cũng thích thú khi nhìn thấy những con rối trừng phạt những con rối khác.

Các nền tảng xã hội đã nuôi dưỡng sự thôi thúc thần kinh này bằng một đám đông những người theo dõi, số “lượt thích” và các thuật toán khuếch đại sự bất hạnh. Như với bất kỳ chất kích thích nào khác, theo thời gian, bộ não cần chất gây nghiện với liều dùng ngày càng lớn hơn để cảm nhận được khoái cảm tương tự.

Và kể từ đó quá nhiều điều tốt có thể trở thành nguy hiểm. Như nhà thần kinh học Dean Burnett đã nói với tôi, động lực méo mó để được người khác hài lòng sẽ làm xói mòn khả năng đồng cảm của con người và có thể đẩy họ đến sự cực đoan. Hệ thống vỏ não do cảm xúc chi phối sẽ dần dần bị quá tải. Điều này ảnh hưởng đến thùy não trước trán, nơi kiểm soát xung động và khả năng lo xa. Thông thường phần não này sẽ giúp chúng ta hạn chế các hành vi nguy hiểm, bao gồm việc nghiện chơi mạng xã hội, nghiện ăn hoặc nghiện rượu.

Minh chứng A: 68% phụ huynh nói rằng họ đôi khi hoặc thường xuyên cảm thấy bị phân tâm bởi điện thoại khi ở cùng con cái và phần lớn lo lắng rằng con cái họ dành quá nhiều thời gian vào mạng.

Minh chứng B: Gần một nửa số thanh thiếu niên Mỹ nói rằng họ đã từng bị bắt nạt trên mạng.

Minh chứng C: Chủ nghĩa bộ lạc và sự phân cực trực tuyến, do Tổng thống Donald Trump thao túng, đã trở thành phân cực trên thực tế xã hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, khi những người dân cực đoan tấn công Điện Capitol tại nước Mỹ.

Shensheng Wang của Phòng thí nghiệm về Khả năng Quyết định và Sự phát triển của Người trưởng thành, thuộc Đại học Trung tâm Florida đã nói với tôi như sau: Phi nhân cách hóa là cái giá mà mọi người phải trả cho sự tiện lợi của việc sử dụng mạng xã hội để kết nối.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trước khi năm học mới bắt đầu và một chu kỳ chính trị Mỹ luẩn quẩn khác bắt đầu, người dùng Mỹ có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình bằng cách thực hiện các bước đi nhỏ và nhân ái. Mỗi người làm các bước sửa chữa mang tính cá nhân, và theo thời gian, chúng cũng có thể giúp hàn gắn xã hội.

Tự nhận thức là bước đầu tiên. Ngoài việc chú ý đến lượng dopamine, chuyên gia trị liệu và cai nghiện Dawn Tyus đề nghị xem xét những yếu tố đã góp phần vào các hành vi gây nghiện.

Chúng bao gồm các yếu tố di truyền, chẳng hạn như việc có người thân mắc chứng rối loạn lạm dụng chất kích thích; tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng; và các yếu tố môi trường, chẳng hạn như những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu. 64% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ đã trải qua bạo lực, lạm dụng, bỏ bê hoặc mất cha hoặc mẹ do qua đời, ly hôn hoặc vào tù trước tuổi 18. Những ký ức đau buồn có thể trở thành niềm tin sai lầm rằng bạn không đáng yêu hoặc sẽ không bao giờ được yêu thương. Nhớ lại những ký ức này, hồi phục tâm lý sẽ xua tan những niềm tin sai lầm. Phương tiện truyền thông xã hội thì lại củng cố các niềm tin này.

Tyus ủng hộ việc xác định chính xác hình dạng của việc người thân từ chối chúng ta trong quá khứ và hiện tại chúng ta đã từ chối chính mình như thế nào. Ngay cả khi không có tổn thương thời thơ ấu, thì một cuộc chia tay người yêu hoặc việc bị mất việc làm có thể khiến chúng ta rơi vào tâm lý tự dằn vặt. Để giải tỏa cảm xúc, Tyus đề nghị dùng giấy và bút để viết ra những ký ức khó khăn và nỗi đau mà chúng đã gợi lên.

Tiếp theo, xác định các hoạt động mang lại sự yên bình mà không cần phụ thuộc vào công nghệ. Đây có thể là bất cứ điều gì: chơi bóng rổ, hòa mình vào thiên nhiên, tô màu, tết tóc. Tyus cũng khuyên bạn nên giành quyền kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội bằng cách đặt giới hạn về thời gian và loại nội dung bạn sẽ tham gia.

Tại khoa Y của Đại học Morehouse, nơi Tyus là giám đốc và điều tra viên chính tại Trung tâm Sức khỏe Hành vi Người Mỹ gốc Phi, bà đã khuyến khích những sinh viên đang vật lộn với chứng nghiện mạng xã hội hãy tha thứ cho bản thân để họ có thể bắt đầu cảm thấy hy vọng. Tyus nói: “Đây là cách mà bạn bắt đầu quay lại với những cách thức giao tiếp cũ của con người."

C.T.d.

Nguồn: FB Cù Tuấn

This entry was posted in Mạng xã hội. Bookmark the permalink.