TS Luật Cù Huy Hà Vũ
Chứng cứ 3: Viện Kiểm sát không chứng minh được trong cặp số có 450 nghìn USD uu
Nói về “lần đưa hối lộ cuối cùng” cho Hoàng Văn Hưng, Nguyễn Anh Tuấn khai rằng: Hưng yêu cầu chuẩn bị 450.000 USD, trong đó 350.000 USD để cho Viện Kiểm sát và 100.000 USD để cho lãnh đạo Vụ. Tuấn chia 450.000 USD làm hai gói như Hưng yêu cầu, xếp vào một chiếc cặp nhãn hiệu Samsonite rồi cài mã khóa 104. Sau đó, sáng ngày 5/1/2022, Tuấn cho cháu ông này lái ô tô mang chiếc cặp đến trước cổng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an và giao cho Hưng.
Hưng bác bỏ lời khai của Tuấn, khẳng định rằng trong chiếc cặp chỉ có 4 chai rượu vang và cặp không cài mã khóa. Tuấn phản bác: “Hưng nói trong cặp số là mấy chai rượu thì không nghe được. Chả ai bỏ rượu vào cặp số mang đi, nói thế trơ tráo quá. Anh em mình được biếu hàng trăm, hàng ngàn chai rượu, chưa ai bỏ vào cặp số cả. Anh em mình cũng đi biếu hàng trăm, hàng ngàn chai rượu cũng chưa bao giờ bỏ vào cặp số. Vì mang tiền lên Trần Bình Trọng nên phải bỏ vào cặp số”. Hưng hỏi lại: “Bị cáo đã yêu cầu anh Tuấn chuyển số tiền này vào giờ nào, bằng cách nào?” Tuấn đã không trả lời câu hỏi này.
Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên cao cấp – Bộ Công an tại tòa. Ảnh: Đất Việt
Về phía đại diện Viện Kiểm sát, vị này khẳng định Hưng đã nhận cặp số chứa 450.000 USD từ Tuấn với 4 “chứng cứ” sau:
Một là, lời khai của Sơn và Hằng phù hợp với lời khai của Tuấn, xác nhận Hưng đã yêu cầu đưa 450.000 USD vì “lần trước mới chỉ được một nửa”. Chính Hằng đã đưa số tiền này cho Tuấn để chuyển cho Hưng. Lời khai của Sơn và Hằng còn phù hợp với lời khai của bà Phạm Thị Như Quỳnh (vợ Sơn) về việc đưa 200.000 USD cho Hằng, phù hợp với sổ sách kế toán Công ty Bầu Trời Xanh thể hiện nhân viên kế toán đã rút 940 triệu đồng đưa cho Hằng để đổi số tiền này ra USD để đưa cho Tuấn.
Hai là, một video (1), mà Viện Kiểm sát trình chiếu tại tòa, cho thấy sáng ngày 5/12/2022, Hưng đi từ trụ sở Cục An ninh điều tra trên phố Trần Bình Trọng sang bên kia đường và nhận một cặp số màu đen từ người của Tuấn lái ô tô đến. Nhận xong, Hưng đứng bên cạnh ô tô gọi điện thoại, trùng khớp với lời khai của ông Tuấn. Sau đó Hưng xách chiếc cặp, đi bộ ra ô tô của mình đã đỗ trước ở đó…
Ba là, trích xuất từ điện thoại của Hưng và Tuấn cho thấy trước ngày nhận tiền, Hưng và Tuấn có 8 cuộc liên lạc và buổi sáng hôm giao nhận chiếc cặp, có 7 cuộc liên lạc.
Bốn là, “sự không trung thực, tráo trở của bị cáo Hưng”. Có một số chứng cứ về việc này. Khi bị bắt ngày 11/1/2023, Hưng khai không nhận bất cứ tài liệu và lợi ích vật chất gì từ Hằng, Tuấn. Hơn hai tháng sau ngày 24/3/2023, khi Cơ quan An ninh điều tra thông báo cho Hưng biết đã thu được clip do camera quay lại việc bị cáo nhận vali tiền từ Tuấn thì Hưng mới thừa nhận đã nhận từ Tuấn 1 chiếc cặp. Hưng phủ nhận đã hướng dẫn Hằng khai để giúp Sơn thoát tội. Chỉ đến ngày 26/3/2023, tại buổi đối chất với Tuấn, Hưng mới thừa nhận đã nhận bản tự khai của Hằng tại nhà Tuấn rồi đem về nhà.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng với những “chứng cứ” nêu trên, cơ quan công tố này có đủ căn cứ để khẳng định Hưng đã nhận từ Tuấn chiếc cặp đựng 450.000 USD. Vị này nhận định: “Do số tiền lớn nên bị cáo Hưng phải trực tiếp ra nhận và cất lên xe”. Vị này còn lập luận: “Nếu Tuấn chỉ tặng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải gọi cho nhau 15 lần liên tục từ hôm trước đến hôm sau”. Thậm chí vị này còn “tâm phục khẩu phục” trước “lập luận” của cựu Tướng Công an: “Bị cáo Tuấn nói không ai đi tặng rượu mà đặt vào va li và đặt mật khẩu cả. Lời khai này Viện Kiểm sát đánh giá là phù hợp với thực tế đời sống hàng ngày.”
Về phía Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên này phản bác cáo buộc của Viện Kiểm sát, cho là áp đặt. Hưng nói: “Việc anh Tuấn đưa 450.000 USD cho bị cáo không có bất kỳ nhân chứng nào, không có hình ảnh nào, bởi thế không thể khẳng định trong cặp có tiền”. Hưng còn hỏi lại: “Bị cáo đã yêu cầu anh Tuấn chuyển số tiền này vào giờ nào, bằng cách nào?” Ngoài ra, Hưng còn khẳng định ngay khi cơ quan điều tra hỏi có nhận được chiếc cặp số từ Tuấn gửi hay không thì Hưng đã xác nhận ngay.
Sau đây ta sẽ xem xét cáo buộc Hoàng Văn Hưng của Viện Kiểm sát có căn cứ pháp luật hay không.
Bản chất của tố tụng hình sự là xác định có hay không có tội phạm, nếu có thì kẻ phạm tội là ai. Việc xác định phải dựa trên chứng cứ. Không có chứng cứ hoặc chứng cứ không đủ thì không thể xác định có tội phạm, kẻ phạm tội.
Chứng cứ trong một vụ án hình sự gồm chứng cứ trực tiếp (phương tiện gây án, tài sản bị chiếm đoạt, hình ảnh, giọng nói của kẻ đang thực hiện hành vi phạm tội, dấu vết sinh học (dấu vân tay, vết máu…) và chứng cứ gián tiếp (lời khai). Chứng cứ trực tiếp là cái phản ánh khách quan nhất tội phạm và kẻ phạm tội vì không bị điều chỉnh, tác động bởi ý chí chủ quan cũng như tâm, sinh lý của con người. Do đó, chứng cứ trực tiếp có tính chất quyết định trong việc giải quyết vụ án hình sự. Nói cách khác, không có chứng cứ trực tiếp thì không thể xác định được ai là kẻ phạm tội.
Khoản 1 Điều 108 (Kiểm tra, đánh giá chứng cứ) BLTTHS 2015 quy định: “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Như vậy, chừng nào chứng cứ trực tiếp của việc Hưng nhận cặp tiền từ Tuấn (hình ảnh Hưng mở cặp bên trong có tiền, giọng nói của Hưng xác nhận đã nhận được tiền từ Tuấn, số tiền thu được từ Hưng khớp với số tiền Tuấn khai đã giao cho Hưng hay seri tiền thu được từ Hưng trùng khớp với seri tiền mà Tuấn lưu giữ…) chưa được thu thập thì không thể coi là “bảo đảm đủ chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Vậy những “chứng cứ” mà Viện Kiểm sát đã trình ra trước tòa có phải là những chứng cứ trực tiếp của việc Hưng nhận cặp đựng tiền từ Tuấn hay không?
Rất dễ dàng để khẳng định rằng lời khai của Tuấn, Sơn, Hằng không phải là chứng cứ trực tiếp. Lời khai của vợ Sơn cũng như sổ sách kế toán Công ty Bầu Trời Xanh chỉ củng cố chứng cứ Hằng đã giao cho Tuấn khoản tiền hối lộ 450 nghìn USD mà thôi.
Hoàng Văn Hưng, cầm cặp số do Nguyễn Anh Tuấn gửi đến. Ảnh: VietNamnet
Video mà Viện Kiểm sát trình chiếu tại tòa cũng không phải là chứng cứ trực tiếp chứng minh Hưng đã nhận 450 nghìn USD từ Tuấn vì không có hình ảnh nào cho thấy chiếc cặp chứa tiền. Ngược lại là đằng khác, video này lại là bằng chứng cho thấy chiếc cặp không chứa tiền. Thực vậy, khung hình trong video không tĩnh như hình ảnh thu được của camera giám sát được lắp cố định. Ngược lại, khung hình bám theo Hưng, điều này cho thấy đây là video với đối tượng thu hình là Hưng, tức được quay có chủ ý. Như vậy, người cho quay video này không thể là ai khác ngoài Tuấn bởi chỉ Tuấn mới biết việc giao chiếc cặp số cho Hưng sẽ diễn ra khi nào và ở đâu. Theo logic này thì việc Tuấn cho quay video là để có cái chứng minh với Hằng và Sơn là Tuấn đã giao cho Hưng số tiền hối lộ mà Hằng đã đưa lần cuối này và trên cơ sở đó làm cho hai nhân vật chủ chốt của Công ty Bầu Trời Xanh tin rằng tiền hối lộ mà Hằng đã giao cho Tuấn những lần trước đó cũng đã được Tuấn giao cho Hưng. Thế nhưng vì không có cảnh quay chiếc cặp chứa 450 nghìn USD được chia làm “hai gói” như sau này Tuấn khai, video này tự nó tố cáo Tuấn đã bịa ra chuyện chiếc cặp đựng số tiền này. Đến đây một câu hỏi đặt ra là tại sao Tuấn không xếp tiền vào cặp rồi cho quay cảnh này để hoàn hảo kịch bản, bởi sau đó lấy tiền ra và thế vào đó 4 chai rượu là dễ như bỡn? Hỏi tức trả lời, là vì Tuấn không muốn người quay video biết “điệp vụ” được Tuấn giao có liên quan đến tiền nong để tránh phức tạp, hay đúng hơn, rủi ro không cần thiết.
Còn 15 cuộc liên lạc điện thoại giữa Hưng và Tuấn thì đó không phải là chứng cứ vì cơ quan điều tra đã không có được nội dung của bất cứ cuộc nào. Vả lại, nếu Viện Kiểm sát coi việc Hưng và Tuấn gọi điện thoại cho nhau liên tiếp 15 cuộc là chứng cứ xác định Hưng đã nhận tiền hối lộ được Tuấn để trong cặp thì Viện Kiểm sát giải thích thế nào về hơn 400 cuộc điện thoại phát sinh giữa hai cựu công an này trong một thời gian ngắn. Không lẽ tất cả các cuộc điện thoại này chỉ có nội dung là Hưng đã nhận được tiền hối lộ từ Tuấn?!
Cuối cùng, “sự không trung thực, tráo trở của bị cáo Hưng” không phải là chứng cứ, bất luận trực tiếp hay gián tiếp. Vả lại thực tế cuộc sống cho thấy người ta trung thực lúc này, trong tình huống này nhưng hoàn toàn có thể không trung thực lúc khác, trong tình huống khác. Đó là chưa nói đại diện Viện Kiểm sát dẫn nhiều điều sai sự thật để chứng minh, như nói là Hưng đã hướng dẫn Hằng khai báo để trốn tội trong khi chính bà này ngay tại tòa đã thừa nhận Tuấn mới là người hướng dẫn sự khai báo chạy tội này. Do đó, việc đại diện Viện Kiểm sát đưa ra đánh giá tiêu cực như vậy về Hưng không gì khác hơn là “lập lờ đánh lận con đen” nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử và công luận rằng việc Hưng phủ nhận việc đã nhận cặp đựng tiền từ Tuấn là không đáng tin cậy. Nói cách khác, Viện Kiểm sát đã cố ý sử dụng một biện pháp không được BLTTHS quy định đồng nhất với bất hợp pháp cho việc buộc tội Hoàng Văn Hưng. Hành vi này rõ ràng vi phạm nghiêm trọng Điều 15 BLTTHS (xác định sự thật của vụ án) theo đó “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.”
Bất luận thế nào, việc Viện Kiểm sát đã không đưa ra được bất cứ chứng cứ trực tiếp nào, tức không thỏa mãn Khoản 1 Điều 108 BLTTHS 2015, đã đủ cho thấy cáo buộc Hưng nhận “cặp số đựng 450 nghìn USD” từ Tuấn của cơ quan tiến hành tố tụng này là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Huống chi sự xác nhận duy nhất về sự tồn tại của chiếc cặp đựng tiền lại đến từ Tuấn chứ không phải ai khác. Điều này mặc nhiên làm mất đi tính khách quan của lời khai của Tuấn về chiếc cặp gắn liền với sự kiện chỉ diễn ra giữa Tuấn và Hưng.
Những nhận định của đại diện cơ quan công tố (“Do số tiền lớn nên bị cáo Hưng phải trực tiếp ra nhận và cất lên xe”, “Nếu Tuấn chỉ tặng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải gọi cho nhau 15 lần liên tục từ hôm trước đến hôm sau”, “Bị cáo Tuấn nói không ai đi tặng rượu mà đặt vào va li và đặt mật khẩu cả. Lời khai này Viện Kiểm sát đánh giá là phù hợp với thực tế đời sống hàng ngày”) chỉ càng khẳng định cáo buộc của cơ quan này là một sự áp đặt. Thực vậy, Viện Kiểm sát đã không đưa ra được bằng chứng cho thấy Hưng đã có lúc cử người khác thay mình nhận hối lô với số tiền không lớn.
Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội tại tòa. Ảnh: Soha
Còn câu của Tuấn, “không ai đi tặng rượu mà đặt vào va li và đặt mật khẩu cả”, tuyệt nhiên không phải là chân lý. Thử hỏi bạn đọc, nếu bạn không có cách nào đem 4 chai rượu biếu một quan chức Nhà nước nào đó khác hơn là ngay trước trụ sở cơ quan của họ thì bạn sẽ đưa cho họ các chai rượu trong hộp/túi hàng của hãng rượu/cửa hàng hay là kín đáo cho chúng vào một cái cặp? Còn cặp số đưa cho Hưng được “đặt mật khẩu” thì đó là Tuấn tự nói, chẳng có bằng chứng nào về việc này cả. Vả lại, theo tôi, cặp đựng rượu cũng đáng được khóa số bởi nếu không, lỡ tay làm khóa bật ra thì chắc chắn rượu sẽ rơi ra. Trong tình huống này, chẳng những quan chức Nhà nước đó sẽ bị đồng nghiệp “soi” mà quan trọng hơn, dễ không còn “chất cay” để mà thưởng thức cái sự trân quý của bạn!
Ngoài ra, bất kỳ người nào có nhận thức và tâm lý thông thường cũng không thể tưởng tượng ai đó lấy địa điểm trước cổng một cơ quan công an cấp phường, chứ đừng nói trước cổng cơ quan điều tra to nhất nước là Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, làm nơi giao nhận một số tiền hối lộ khủng. Thực vậy, một hành động như vậy là vô cùng rủi ro cho cả người nhận lẫn người đưa vì không chỉ chắc chắn sẽ bị camera giám sát dày đặc nơi đây ghi lại mà còn rất có thể bị người của cơ quan an ninh cũng dày đặc không kém bắt quả tang. Đó chưa nói đến “nghi ngờ hợp lý” là tại sao Tuấn không đưa tiền hối lộ cho Hưng tại nhà Tuấn hay nơi nào khác hầu như không có rủi ro, trong khi bản thân Tuấn khai nhận những lần “đưa tiền hối lộ” trước đó cho Hưng đã diễn ra tại nhà Tuấn!
Cũng như vậy, một đầu óc bình thường không thể nào nghĩ được rằng Tuấn, một Thiếu tướng Công an và từng là Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an Hà Nội, tức rất lọc lõi trong nghề, lại có thể tin rằng “Hưng vẫn kiểm soát được tình hình” sau khi biết Hưng đã thôi làm Trưởng phòng 5 và điều tra viên vụ án từ ngày 15/9/2022. Để nói rằng hoàn toàn phi lý lời khai của Tuấn về việc ông ta đã chuyển cho Hưng 450 nghìn USD vào ngày 5/12/2022 cũng như 350 nghìn USD khoảng chục ngày trước đó, tức nhiều tháng sau khi Hưng đã không còn liên quan đến vụ án.
Để cho hết nhẽ, nếu chiếc cặp số thực sự đựng một số tiền lớn như vậy thì chắc chắn Hưng sẽ tự mình mang nó về nhà cất giữ chứ không để vào cốp xe ô tô của mình rồi bảo lái xe Phạm Thanh Bình chạy về và chiều quay lại đón Hưng, điều mà lái xe này khai tại tòa (2).
Kết luận lại, cáo buộc của Cơ quan Điều tra được Viện Kiểm sát chuyển thành cáo trạng theo đó Hoàng Văn Hưng đã nhận 800 nghìn USD từ Nguyễn Anh Tuấn không những không có căn cứ pháp luật mà còn có dấu hiệu cố ý “làm oan” cựu điều tra viên cao cấp của Bộ Công an, điều mà BLTTHS nghiêm cấm.
(Còn tiếp)
Chú thích:
1. Công bố video cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp nghi chứa 450.000 USD, VTC NEWS, 21/07/2023
2. Lời khai của lái xe riêng của Hoàng Văn Hưng về chiếc cặp kỹ thuật số chứa 450.000 USD đầy bí ẩn, phuchotnews, 21/7/2022
Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 25/7/2023
C.H.H.V.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ (Tác giả ghi chú).
Tác giả gửi BVN