Một giáo viên ở huyện Quảng Bình chia sẻ trên trang FB cá nhân một sự việc kỳ quái như sau, (xin tóm tắt): Hiệu trưởng nhận lệnh của cấp trên và đã chỉ đạo xuống các trường học, yêu cầu tất cả giáo viên trong huyện phải chia sẻ một số bài báo về trang Facebook và Zalo của họ, sau đó thì tổng hợp số like và comment (bình luận) rồi báo cáo lên cho hiệu trưởng. Việc làm này, căn cứ vào lượng like, mà sẽ được dùng làm cơ sở để xét thi đua viên chức.
Khi đọc thấy thông tin này tôi đã rất kinh ngạc và đặt một dấu hỏi lớn trước khi share bài viết của cô giáo ấy về trang mình, vì nó quá khó tin, bởi sự áp đặt thô bạo cũng như tính nhảm nhí đến phải cười ra nước mắt. Đồng thời, tôi cũng lưu ý rằng bài viết của cô giáo kia có thể sẽ sớm bị xóa, vì những lý do liên quan đến việc bị "gây áp lực" vốn rất phổ biến lâu nay. Và đúng như thế, sau khoảng hơn 2 giờ thì cô giáo đã xóa bài, lúc này bên dưới bài share của tôi đã có hơn 200 bình luận thể hiện sự bất bình của dư luận.
Tuy nhiên, trước khi bài bị xóa, tôi đã lần theo một số bình luận bên dưới bài viết của cô giáo để xác minh thông tin này, và đúng là thấy nhiều giáo viên ở Tuyên Hóa đã làm theo cái lệnh trên. Vấn đề còn là: hình như không phải giáo viên ở tất cả các huyện của Quảng Bình hay các địa phương khác trên cả nước đều phải làm việc này, trước mắt tôi chỉ mới thấy ở Tuyên Hóa, không rõ còn nơi nào khác nữa không. Nên tôi cho rằng, có thể cái chỉ đạo vô pháp và phản giáo dục này là do lãnh đạo huyện/lãnh đạo phòng Giáo dục Tuyên Hóa tự đẻ ra chứ không phải một "chủ trương lớn" thuộc cấp tỉnh hay cao hơn.
Rõ ràng việc làm này của huyện Tuyên Hóa là vi phạm Luật Giáo dục và cả Luật Thi đua khen thưởng, xâm phạm đến nhiều quyền của công dân, vì đó không phải nhiệm vụ của giáo viên, cũng không phải trách nhiệm công dân. Mệnh lệnh này không chỉ biểu hiện sự lạm quyền trong thi hành công vụ mà còn trực tiếp phá hoại môi trường giáo dục, khi chỉ đạo bừa bãi và áp đặt các tiêu chí thi đua tùy tiện.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình cần xác minh thông tin nói trên, đưa ra thông cáo cho dư luận được biết về thực hư vụ việc. Nếu đúng là "có" thì phải có những xử lý thích đáng đối với các cá nhân đã chủ trì việc này. Không thể để cho một huyện tùy tiện ban ra những quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục cũng như uy tín của địa phương như thế được! Đồng thời, các tỉnh thành khác cũng nên rà soát lại xem ở địa phương mình có tình trạng tương tự hay không để có hành động kịp thời, chấm dứt những kiểu "chỉ đạo" có tính phá hoại này.
* Hình 1 và 2 là chụp lại bài đăng của cô giáo chủ trang. Hình 3 là bài chia sẻ của tôi nhưng link gốc đã không còn hiển thị. Tôi còn chụp lại nhiều bình luận của đồng nghiệp chủ trang dưới bài đăng của cô ấy, họ xác nhận là "có", nhưng chưa tiện đưa lên đây.
T.H.
Tác giả gửi BVN