RFA
2023.07.23
Tiếp theo phần trước, RFA trao đổi với TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS ở Hà Nội, về cách thức quản trị ngành điện ở các nước phát triển.
Như phần trước đã nêu, Bản kết luận thanh tra EVN của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy việc thanh tra nhằm vào cả 3 khâu trong ngành điện: sản xuất, truyền tải, phân phối. Và EVN (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) đều nắm phần lớn và độc quyền cả 3 hệ thống này.
Trong khi “độc quyền” là vấn đề mấu chốt của ngành điện thì văn bản Kết luận thanh tra ngành điện hôm 10/7/2023 không nhắc đến từ “độc quyền”. Văn bản cũng không nói đến mô hình chia tách 3 hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối để chống độc quyền.
Tại sao cần tách ngành điện thành 3 hệ thống độc lập?
RFA đặt câu hỏi với TS Nguyễn Quang A là về mặt kĩ thuật và kinh doanh, khi chia tách làm 3 mảng sản xuất, truyền tải, phân phối, thì các công ty thuộc 3 hệ thống đó hoạt động ra sao. Khi chia tách ra như vậy thì khả năng phối hợp của 3 hệ thống có bị ảnh hưởng hay không?
TS. Nguyễn Quang A giải thích rằng quản trị ngành điện trên thế giới, hệ thống điện thường được chia tách làm 3 mảng vì ba lý do sau. Một là để cho rạch ròi giữa 3 công đoạn là phát điện; truyền tải và phân phối. Hai là để xóa độc quyền và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh (tức là dùng cơ chế thị trường để điều tiết) ở nơi có thể điều tiết. Và ba là để tạo các khuyến khích cho tiết kiệm và đổi mới sáng tạo.
Ông giải thích: Cơ chế này chia ngành điện làm 3 mảng (hệ thống) chứ không đơn giải là chia làm “3 công ty”, dù bản thân EVN có thể bị chia làm 3 công ty.
Nhiều doanh nghiệp khác nhau có thể tham gia vào cả mảng phát điện. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều công ty tham gia: EVN, Than Khoáng sản, Dầu khí và khá nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước đầu tư vào điện gió, điện mặt trời…
Thị trường phát điện có thể phần lớn do cơ chế thị trường điều tiết. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, ví dụ thủy điện lớn còn phải tính đến nước cho nông nghiệp, chống lũ lụt… cho nên không thể hoàn toàn do thị trường quyết định. Trong trường hợp này, TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng “không có cái gọi là thị trường tự do vì các quy định, các chính sách luôn là cái tạo ra thị trường.”
Trong khi mảng phát điện đã có nhiều “tay chơi” tham gia, hai mảng còn lại thì vẫn trong tình trạng độc quyền tuyệt đối. TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp nên được tham gia vào mảng phân phối, buôn và bán lẻ điện.
Có thể có nhiều công ty tham gia bán buôn điện và rất nhiều công ty bán lẻ điện. Do phải kéo đường dây đến người tiêu dùng cuối cùng, nên các công ty bán lẻ thường gắn với một khu vực địa lý. Điều này tạo ra hiện tượng “độc quyền tự nhiên” nên phải bị điều tiết, nhưng không nhất thiết điều tiết về giá, chứ không thể thả lỏng.
Mảng truyền tải điện có hai mặt. Một là mạng xương sống tải điện (thí dụ các đường dây 500 KV và các đường cao áp khác cùng các thiết bị kết nối) là mảng độc quyền tự nhiên do địa lý. Vì vậy, phần này nên tách khỏi EVN và tạo thành một công ty công ích do Nhà nước sở hữu. Công ty này hoạt động như một công ty cung cấp dịch vụ truyền tải, thu phí trên lượng điện của các công ty phát điện truyền đi, và phí mà các công ty phân phối nhận điện từ công ty truyền tải: phí đảm bảo sao cho công ty truyền tải có thể hoạt động hiệu quả, có lời và có tích lũy.
Mảng truyền tải (last mile) là đường dây và thiết bị (hạ áp chẳng hạn) cũng mang tính độc quyền địa phương. Mảng này thường do các công ty bán lẻ quản lý nhưng cũng có thể hình dung trong tương lai như nhiều công ty công ích địa phương quản lý. Có thể làm cho các công ty bán lẻ cạnh tranh nhau trên cùng một hạ tầng truyền tải đến người dùng cuối cùng.
Ba mảng đó cần sự phối hợp rất nhịp nhàng và chặt chẽ với nhau. Việc đó phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ và kỹ năng của những người làm công việc điều phối đó.
Như thế sự cải tổ ngành điện cũng phải làm từ từ, chứ không thể làm trọn gói một lúc được, như nhiều người nghĩ. Tóm lại là phải tạo cơ hội cho sự thử nghiệm.
Đối với câu hỏi của RFA về khả năng Việt Nam có thể tham khảo bài học cụ thể nào từ các nước phát triển hay không, TS Nguyễn Quang A nói ông không thể trả lời chi tiết do không phải là chuyên gia sâu về ngành năng lượng. Tuy vậy, ông cho rằng chắc chắn Việt Nam có thể tham khảo và nên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác, kể cả Mỹ. Ông nêu một điểm cần lưu ý là tham khảo, học hỏi nhưng chưa chắc đã có thể hay nên sao chép, vì trình độ kỹ thuật, con người và rất nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến sự cải tổ ngành điện.
Nguyên nhân trì trệ kéo dài.
TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là phải hiểu rõ mục đích. Ông cho rằng cần có tư duy mới, coi hạ tầng cơ sở năng lượng (trong đó có điện) là hạ tầng cốt lõi để phát triển đất nước. Cơ sở hạ tầng năng lượng không phải là công cụ cho bất kể tổ chức nào để điều khiển "nền kinh tế" theo ý của mình.
Theo ông, đây là vấn đề bắt nguồn từ nhận thức và ý thức hệ, dẫn đến ý chí muốn xây dựng các tập đoàn nhà nước như các công cụ để thực hiện chính sách kinh tế.
Ngoài vấn đề ý thức hệ, cơ chế bộ chủ quản (các bộ trung ương quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp lớn của nhà nước) là một cơ chế không tốt. Hơn thế nữa, cơ chế "thủ tướng chủ quản" được đưa vào từ 2006, với việc lập các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, thì còn tồi hơn rất nhiều. Sau sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines, v.v, người ta đã có điều chỉnh một chút nhưng chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Theo TS Nguyễn Quang A, ở đây, quyền lực là một yếu tố rất quan trọng cho sự trì trệ này. Các cơ quan, như các bộ chẳng hạn, ở bất kỳ đâu, thời nào, cũng muốn quyền lực, trước hết là quyền lực về kinh tế (và sau đó không chỉ là kinh tế) của mình càng nhiều càng tốt.
Do đó, cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo và áp lực công chúng, ví dụ như của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức xã hội dân sự, thì mới cải cách được cơ cấu ngành điện. Việt Nam đã có nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) lập các liên minh như năng lượng, môi trường… đáng tiếc là Nhà nước không khuyến khích họ hay cho hoạt động đúng cách. Không có áp lực từ bên ngoài, trong khi ý chí chính trị thì không đủ, nên trì trệ vẫn nguyên trì trệ.
TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh: “Nói thế không có nghĩa là Việt Nam không có biến chuyển hay tiến bộ gì, nhưng chỉ tiếc là sự trì trệ quá lâu, làm hại đến sự phát triển của đất nước.”
Nguồn: rfa.org/vietnamese