Thới Bình
Các bộ, ngành của Chính phủ có trách nhiệm thực thi công vụ chứ không phải là đem ân huệ đến cho công dân… |
Lý thuyết khập khiễng?
Với những gì đang diễn ra tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, cho thấy một diện mạo rất rõ của Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là một Chính phủ với nhiều quan chức thực thi công vụ theo nếp nghĩ là đem ân huệ đến cho người dân.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Phú Trọng viết trên cương vị Tổng bí thư, theo đó, cách hiểu về “thực thi công vụ” được rao giảng như sau – trích:
“Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.
Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Đồng thời, chúng ta xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo” (dừng trích).
Thực tế thì chưa bao giờ nội dung trên của tác giả Nguyễn Phú Trọng hiện diện ở đời sống chính trị tại Việt Nam theo cách dùng từ “nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị”.
Bởi nếu “nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị”, thì tin chắc không thể xảy ra những vụ án như Chuyến bay giải cứu.
Công vụ trong tâm thế… “ơn mưa móc’?
Xin được dẫn chứng để thấy giữa lý thuyết trong diễn văn “hàn lâm chữ nghĩa” của người đứng đầu Đảng khác xa lắm với “thực tế ứng dụng” trong cách hiểu “chủ thể của quyền lực chính trị”:
Trong phần tự bào chữa ở phiên tòa Chuyến bay giải cứu, bà Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Masterlife, muốn trình bày cụ thể hơn bối cảnh xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị gây khó khăn, bị bức ép “không còn lựa chọn nào khác”, chỉ để cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Nữ giám đốc đề nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát kiểm tra một số bút lục, tài liệu lưu trong hồ sơ vụ án thể hiện giai đoạn đầu khi xin cấp phép chuyến bay giải cứu bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh từ chối dù đã có sự đồng ý của ba bộ khác.
“Bị cáo từng bị mất chuyến bay và phải bán nhà để mua chuyến khác. Rơi vào hoàn cảnh như vậy, khi tiếp tục xin cấp phép chuyến bay, dù Cục Lãnh sự đã đồng ý nhưng vẫn nói còn vướng mắc ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên yêu cầu bị cáo liên hệ với bên đó.
Lúc đó bị cáo rất run, như chim sợ cành cong, không còn nhà để bán”, bà Xa nói và cho biết đã tìm cách liên lạc với ông Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) thì được xác nhận là khó có ý kiến đồng thuận cho hồ sơ của Masterlife.
Thế nhưng lý do của việc khó mà ông Cường nói với bà Xa là “sếp không biết doanh nghiệp của em là ai”. Bà Xa bức xúc: “Khi đó trong lòng bị cáo rất ấm ức, mình đang làm những điều tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà giờ bị từ chối chỉ vì sếp không biết doanh nghiệp em là ai”.
Bà Xa khẳng định Vũ Sỹ Cường cũng mở lối cho bị cáo muốn giải quyết nhanh phải “làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm”.
Bà Xa tiếp tục trình bày về những việc bị gây khó dễ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay giải cứu và dẫn đến phải đưa tiền trong vô thức. “Bị cáo làm một cách vô thức, không hề cảm nhận được. Nhưng vì lần đầu đã như thế thì lần sau cũng phải đưa thôi, nó như một thông lệ”, bị cáo Xa trình bày.
Trình bày thêm, bị cáo Xa còn cho hay những chuyến bay mình tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ ngồi nhưng trung bình có tới 10 hũ tro cốt được mang về. Thế nhưng trước đó, khi hỏi tại sao không cấp phép cho doanh nghiệp mình thì bà Xa nhận được câu trả lời từ những cán bộ “bên đó chưa cấp thiết”…
“Bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những chuyến bay về có 10 hũ tro cốt của người chết vì tai nạn, vì dịch bệnh, vì nhiễm bệnh… Mới chỉ là 10 thôi, nếu chuyến bay có một nửa trong số đó hay vài ba chục hũ tro cốt thì như thế nào nữa, có thực sự cấp thiết không? Bị cáo rất ấm ức khi làm một việc ý nghĩa cho đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy…”, bà Xa trình bày trước tòa…
Ai đang… phản động chính trị?
Thưa Tổng bí thư, liệu có nên xem bà Trần Thị Mai Xa là thành phần phản động, dấu hiệu của vi phạm điều luật hình sự 117, bởi bà đã dám hoài nghi mang tính phủ định điều mà tác giả Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định:
“Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” – trích bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
T.B.