Sự cố tràn các trang mạng là hình ảnh ngài Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đi “nhầm chỗ” trên thảm đỏ khi đón Thủ tướng Malaysia.
Ở các nước văn minh thì đây là một thảm hoạ văn hoá đối ngoại, một Thủ tướng đón một Thủ tướng phải luôn nhường vị trí trang trọng nhất trên thảm đỏ cho khách, ấy vậy mà một Bộ trưởng cấp thấp hơn nhiều so với khách lại chình ình đi giữa thảm đỏ, hất Thủ tướng khách ra mép thảm, thậm chí một chân phải bước ngoài thảm. Điều đáng nói là vị Bộ trưởng này lại phụ trách ngành văn hoá – đại diện cho bộ mặt văn hoá của Chính phủ.
Gã không muốn đưa hình ảnh thảm hoạ đối ngoại này lên vì các trang khác đã tràn ngập rồi. (Nhưng BVN vẫn xin mượn một hình ảnh từ trang đưa lên đây để bạn đọc của BVN quan lãm tận mắt).
Sáng nay gã trao đổi thảm hoạ này với nhà lý luận Nhị Lê. Nhị Lê tế nhị nhắc lại thời cụ Hồ đã chọn cụ Hoàng Minh Giám là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, mặc dù cụ Giám không phải đảng viên cộng sản, đương nhiên cũng không phải Ủy viên trung ương.
Tôi cũng nghĩ như Nhị Lê, cụ Hồ không bao giờ cho rằng cứ là Ủy viên trung ương thì sẽ làm được mọi việc. Với cụ Hồ thì việc chọn người trước hết là chọn con người cụ thể. Bộ Giáo dục cần một nhà uyên sâu giáo dục, vậy là cụ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng, mặc dù cụ Huyên cũng như cụ Giám không phải đảng viên cộng sản.
Các vị lãnh đạo luôn kêu gọi học tập noi gương cụ Hồ, nhưng quản trị một quốc gia thì chọn người tài, đức là quyết định, thì cái sự học theo ấy luôn trục trặc, ngắc ngứ…
Ở thảm hoạ này thực ra người đáng trách nhất là Cục trưởng Cục Lễ tân Nguyễn Việt Dũng. Ông Cục trưởng đã quá vô trách nhiệm khi lên kế hoạch cụ thể đón tiếp Thủ tướng Malaysia thế nào cho Bộ trưởng ra đón. Cách chào, bắt tay, đi đứng ra sao, các nghi lễ thế nào. Đã thế, khi thấy ông Bộ trưởng đứng và đi trên thảm không đúng chỗ ông Cục trưởng Lễ tân đã không chủ động, chuyên nghiệp đúng chức trách của mình là chỉ dẫn ông Bộ trưởng cách đi cho đúng ngay lập tức.
Để xảy ra thảm hoạ văn hoá đối ngoại, thất lễ với đại khách của nhà nước, Cục trưởng Lễ tân nên từ chức. Và các quan chức VN nên coi đây là bài học xương máu về văn hoá ứng xử nếu các vị muốn chứng minh mình là người trọng văn hoá.
Tôi xin kèm bức hình Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ứng xử thế nào với hai phi công vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Đài Loan.
Anh nói đúng quá. Em rời con tầu viên chức sau 32 năm, đọc mà thấm. Em nghĩ đến thế hệ vàng, các bậc cha chú được Pháp đào tạo với những tên tuổi Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu… Các Bộ trưởng ấy danh giá cả đạo đức, nhân cách, tài năng. Về sau cứ kém dần, bây giờ thì thảm hại. Ngày trước tên các Bộ trưởng người dân thuộc lòng, bây giờ nhiều Bộ trưởng học hàm học vị đủ cả ấy thế mà dân họ chẳng biết là ai. Càng nghĩ càng buồn… Nguyen Thi Khanh Tram Đọc lý lịch là hiểu ngay. Xuất thân bộ đội ra quân, có khi chưa tốt nghiệp cấp 3, rồi làm công tác đoàn địa phương, đi học trường đoàn lớp thanh vận, cứ thế hành tiến lên các chức vụ lãnh đạo. Ae hay bảo background nó thế thì xây được gì trên ấy. Hihi. Chọn người tài vào lãnh đạo cơ quan nhà nước mà cứ câu nệ phải là đảng viên, vậy là thay vì chọn trong số trăm triệu dân nhà nước lại tự giới hạn mình chỉ chọn trong số chưa đến một triệu đảng viên trong biên chế. Như thế có phải nhà nước vừa tự trói mình rồi vừa bị mang tiếng là thiếu dân chủ và lãng phí nguồn lực con người không? Thực ra thì ngay một đứa trẻ con, nếu được giáo dục tử tế, cũng không làm lỗi lầm vớ vẩn như thế. Khi chính Bộ trưởng ‘văn hoá’ mà như thế thì là hình ảnh của cả một nền ‘văn hoá’ vô lễ. Chuyện ‘ăn trông nồi, ngồi trông hướng’, đơn giản quá mà. |
Tác giả gửi BVN
Đọc thêm:
Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, giành thảm đỏ với Thủ tướng Malaysia
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều báo ở Việt Nam hôm 21 Tháng Bảy đã gỡ bỏ hình cho thấy ông Nguyễn Văn Hùng, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, “giành” bước trên thảm đỏ tại buổi đón ông Anwar Ibrahim, thủ tướng Malaysia, ở phi trường Nội Bài, Hà Nội, một ngày trước.
Tấm hình ban đầu được báo VTC News đăng tải, khiến dân mạng chỉ trích ông Nguyễn Văn Hùng “làm Bộ trưởng Văn hóa mà vô văn hóa,” khi giành hết thảm đỏ, trong lúc Thủ Tướng Ibrahim phải bước chân trong chân ngoài thảm đỏ.
Tại buổi đón ông Anwar Ibrahim, thủ tướng Malaysia, ở phi trường Nội Bài, Hà Nội, hôm 20 Tháng Bảy, thay vì đi ngoài thảm đỏ thì ông Nguyễn Văn Hùng (giữa), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, đi bên trong, để quốc khách đi bên ngoài. (Hình: VTC News)
Trong tấm hình nêu trên, dường như một cận vệ của ông Ibrahim đang bước theo sau, tỏ vẻ “cau mày” khi thấy sự thất thố của chủ nhà dành cho khách quý.
Bộ trưởng Hùng, 62 tuổi, được ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng, cử ra Nội Bài đón tiếp và tặng hoa cho Thủ tướng Ibrahim. Ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt tại buổi đón này, nhưng do vị trí thấp hơn Bộ trưởng nên không được đi cạnh ông Ibrahim như ông Hùng.
Ông Ngô Huy Cương, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, bình luận về sự việc trên trang cá nhân: “Cán bộ ta phần nhiều trưởng thành từ cơ sở đi lên, chưa có hiểu biết nhiều về phép tắc ngoại giao, quen sống bỗ bã để tỏ ra quần chúng, tuy nhiên không hiểu biết rằng quần chúng dù nghèo khổ, lam lũ, nhưng vẫn giữ được lề thói ông cha ta để lại.”
Ông Cương cho rằng lỗi ngoại giao trong sự việc “thuộc về các trường đào tạo cán bộ đã không cho họ học thức tương đối đầy đủ, nhất là về văn hóa ứng xử liên quan tới quan hệ quốc tế.”
Ông Nguyễn Văn Hùng (bìa phải) tiếp phái đoàn Malaysia tại phố sách Hà Nội hôm 21 Tháng Bảy. (Hình: Công an Nhân dân)
Trong khi đó, ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị, viết trên trang cá nhân ám chỉ ông Nguyễn Văn Hùng “là cán bộ huyện đoàn lên tỉnh, ra Thứ trưởng ít lâu lên Bộ trưởng” và ông này “biết chi mô” về phép tắc ngoại giao.
Hồi năm 2020, ông Nguyễn Văn Hùng, khi còn làm Bí thư tỉnh Quảng Trị, bị nhóm “Báo Sạch” của ông Trương Châu Hữu Danh bình luận là “người kiểm phiếu vĩ đại,” kèm một tấm hình cho thấy ông Hùng nhìn vào lá phiếu của những người bỏ phiếu tại một kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Tại phiên tòa xử nhóm “Báo Sạch” diễn ra hồi năm 2021, báo Thanh niên cho biết, ông Danh “cảm thấy ăn năn, hối hận vì đã viết bài sai sự thật bôi nhọ ông Nguyễn Văn Hùng.” (N.H.K)
Nguồn: nguoi-viet.com/viet-nam