Cuộc chiến gián điệp mới giữa các cường quốc

Calder Walton, “The New Spy Wars,” Foreign Affairs, 19/07/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trung Quốc và Nga đã sử dụng các cơ quan tình báo để làm suy yếu Mỹ như thế nào?

Chiến tranh Lạnh chưa bao giờ kết thúc. Chí ít thì đó là quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Điện Kremlin vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại phương Tây ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ là hoạt động của các cơ quan tình báo và an ninh Nga. Thông qua các chiến dịch của mình, và qua quyền lực to lớn mà họ nắm giữ trong xã hội Nga, họ đã tiếp tục những gì mà tình báo Liên Xô đã bỏ dở. Kể từ năm 1991, các cơ quan này đã bị thúc đẩy bởi một chiến lược phục thù, nhằm làm cho nước Nga vĩ đại trở lại và đảo ngược trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine là kết cục đẫm máu của chiến lược đó.

Trung Quốc cũng đang tìm cách đảo ngược kết quả của Chiến tranh Lạnh. Thông qua liên minh “không giới hạn” được tuyên bố ngay trước thềm cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang cố gắng thay đổi hệ thống quốc tế – và họ đang dựa rất nhiều vào các cơ quan tình báo để làm được điều đó. Các cơ quan gián điệp có thể làm điều mà các nhánh khác của Chính phủ không thể: triển khai các chính sách đối ngoại không được thừa nhận. Cả tình báo Nga và Trung Quốc đều làm vậy để đạt được các mục tiêu theo chủ nghĩa xét lại của họ, lợi dụng việc Mỹ bị phân tâm bởi “cuộc chiến chống khủng bố” để gây thiệt hại cho an ninh quốc gia Mỹ, làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây, và đánh cắp càng nhiều bí mật khoa học và kỹ thuật càng tốt.

Những cận vệ của Sa Hoàng

Các cơ quan tình báo của Nga coi mình là những người thừa kế trực tiếp của KGB. Dù KGB đã bị giải tán vào năm 1991, nhiều cựu sĩ quan, và toàn bộ các bí mật, hồ sơ, thậm chí cả các đặc vụ ở phương Tây đã được chuyển giao cho cơ quan an ninh mới của Nga, hiện được gọi là FSB, và cơ quan tình báo nước ngoài, SVR. Suốt nhiều năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tình báo Nga vẫn điều hành các cựu điệp viên Liên Xô ở phương Tây, bao gồm cả sĩ quan phản gián CIA Aldrich Ames và đặc vụ FBI Robert Hanssen. Đối với người Nga, đó chỉ là công việc thường lệ. Giám đốc đầu tiên của SVR, cựu sĩ quan KGB Yevgeny Primakov, đã tiếp tục truyền thống ép buộc và tống tiền của cơ quan tình báo Liên Xô – những chiến thuật mà chính ông đã trở thành nạn nhân khi còn trẻ. Theo tài liệu được tuồn khỏi kho lưu trữ của KGB, Primakov đã bị ép phải phục vụ cho cơ quan này khi đang làm nhà báo ở Trung Đông vào thập niên 1960. Cha đẻ của FSB, Rem Krassilnikov, cũng là một cựu sĩ quan KGB và là tín đồ chân chính của chủ nghĩa cộng sản. Tên của vợ ông, Ninel, là Lenin đánh vần ngược lại. Theo một nhân vật đào ngũ khỏi FSB, người từng làm việc dưới quyền Krassilnikov vào những năm 1990, FSB đã sử dụng các sách hướng dẫn đào tạo giống hệt như KGB, chỉ đơn giản loại bỏ các đoạn viết về chủ nghĩa cộng sản.

Kế đến là chính Putin, người mà kinh nghiệm trong ban giám đốc tình báo nước ngoài của KGB đã định hình sâu sắc sự nghiệp chính trị sau này của ông. Khi làm việc tại Dresden ở Đông Đức – một màn kịch che mắt của KGB, còn chiến dịch thực sự diễn ra ở Đông Berlin – Putin đã chứng kiến sự tan rã của đế chế Liên Xô. Sau này, ông gọi nó là thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20. Putin tự xưng là “Chekist”, để vinh danh lực lượng cảnh sát mật đầu tiên của Liên Xô, Cheka, và đã để một bức tượng của nhà sáng lập Cheka, Felix Dzerzhinsky trong văn phòng của mình khi ông còn là giám đốc FSB. Cho đến ngày nay, Putin vẫn có dáng đi của một xạ thủ FSB, tay trái có đung đưa nhưng tay phải bất động như một cánh tay vô hình, để cho mọi người đều nhớ rằng ông đã được đào tạo.

Giống như nhiều người Nga, Putin đã mắc một chứng bệnh tựa như chứng “đau chi ảo” kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Kết quả là, vào những năm 1990, ông không mất nhiều thời gian để tin rằng, theo định nghĩa, NATO luôn thù địch với Moscow. Tình báo Liên Xô từng gọi Mỹ là “kẻ thù chính” – và một khi đã là kẻ thù chính, anh sẽ mãi là kẻ thù chính. Trong thập niên này, các cơ quan tình báo của Nga thậm chí còn hung hăng hơn với Mỹ so với KGB thời Liên Xô. Chẳng có gì khiến người ta hung hăng hơn là sự sỉ nhục.

Đến cuối những năm 1990, SVR đã sử dụng Internet để truyền bá thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín của Mỹ. Các sĩ quan SVR trú tại Mỹ đã tấn công các cơ quan truyền thông và bảng tin của Mỹ bằng các chủ đề lấy trực tiếp từ kịch bản tuyên truyền của Liên Xô, bao gồm chương trình nghị sự phân biệt chủng tộc bí mật của Chính phủ Mỹ và việc nước này phát triển vũ khí sinh học bất hợp pháp. Khoảng năm 1996, tin tặc Nga đã xâm phạm trên quy mô lớn các cơ sở dữ liệu nhạy cảm của Chính phủ Mỹ, bao gồm cả cơ sở dữ liệu của NASA và Lầu Năm Góc.

Tất nhiên, tình báo Mỹ không chịu ngồi yên. Khi nền kinh tế Nga suy thoái vào cuối thập niên 1990, CIA đã có thể thu hút được một số sĩ quan của Nga, những người đã vì tiền mà phản bội cấp trên của họ và cản trở các hoạt động tình báo của Moscow chống lại phương Tây. Thế rồi sự kiện 11/9 xảy ra.

Mù quáng bởi cuộc chiến

Dường như cuộc chiến chống khủng bố là một cơ hội để hai bên bắt đầu lại từ đầu, một cơ hội để hợp tác tình báo Mỹ-Nga nhiều hơn. Sau cuộc gặp đầu tiên với Putin vào năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có nhận xét nổi tiếng rằng ông “có thể cảm nhận được tâm hồn của ông ấy” và tin rằng Tổng thống Nga là người đáng tin cậy. Các cơ quan tình báo của Nga ban đầu đã hợp tác với Mỹ về chống khủng bố. Nhưng theo các quan chức CIA, “trăng mật” tình báo Mỹ-Nga sau sự kiện 11/9 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, trước khi nhường chỗ cho một kỷ nguyên gián điệp Nga. Trong khi đó, Washington lại chuyển sự chú ý sang mục tiêu khác. Suốt cuộc chiến chống khủng bố, chính phủ Mỹ đã sử dụng các nguồn lực dồi dào cho hoạt động chống khủng bố, mà lơ là các mối đe dọa từ các cường quốc đang trỗi dậy như Nga và Trung Quốc.

Nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm cả Anh, cũng hành động tương tự. Theo một báo cáo năm 2020 của Ủy ban An ninh và Tình báo nghị viện Anh, MI5 đã dành tới 92% nguồn lực của mình cho hoạt động chống khủng bố vào năm 2006. Đây cũng là năm mà một cựu sĩ quan FSB, Alexander Litvinenko, bị ám sát ở London bằng phóng xạ polonium. Sau đó, một cuộc điều tra công khai của Anh đã phát hiện rằng chính Putin có thể đã chấp thuận vụ giết người, cùng với người đứng đầu FSB lúc đó là Nikolai Patrushev, một cựu quan chức KGB khác, hiện đang là người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia của Putin. Không có dữ liệu công khai nào về cách các cơ quan tình báo Mỹ phân bổ mục tiêu và nguồn lực của họ giữa chống khủng bố và các ưu tiên khác sau sự kiện 11/9, nhưng các quan chức tình báo Mỹ mà tôi phỏng vấn đều nói rằng chống khủng bố là trọng tâm áp đảo của cộng đồng tình báo Mỹ. Cho đến cuối năm 2017, chống khủng bố vẫn là hạng mục ngân sách hàng đầu của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.

Thiên tài Putin đã che mắt các cường quốc phương Tây sau sự kiện 11/9. Bên cạnh việc hợp tác chống khủng bố, ông cũng sử dụng các cơ quan tình báo của mình để củng cố chế độ độc tài và đưa nước Nga trở lại thành một cường quốc. Trong nước, ông bịt miệng những người bất đồng chính kiến, đàn áp báo chí tự do, và loại bỏ các đối thủ của mình, đi theo truyền thống Stalinist là “không có ai thì sẽ không có vấn đề gì.” Ở nước ngoài, Putin tìm cách ngăn chặn NATO mở rộng và ngăn chặn điều mà ông coi là chiến dịch lật đổ của Mỹ ở Đông Âu bằng cách xâm lược Gruzia vào năm 2008, Crimea vào năm 2014, và phần còn lại của Ukraine vào năm 2022. Sự mở rộng của NATO khiến Putin lo rằng mình sẽ bị phương Tây lật đổ, nhưng thật hoang đường khi cho rằng nếu liên minh không mở rộng thì Nga đã có thể là một bên tham gia hòa bình hoặc có trách nhiệm trong chính trị toàn cầu. Putin đã luôn điều hành nước Nga như một chế độ mafia quân phiệt.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây ba thập niên, Putin đã biến các cơ quan an ninh và tình báo của Nga thành một “quốc gia trong quốc gia”. Ông dựa vào một nhóm gọi là Chekist siloviki, hay “những người có vũ lực”, những người có xuất thân tình báo và quân sự, và có ảnh hưởng lớn trong chế độ cảnh sát của Putin. Theo những người trong cuộc của CIA, vào năm 2020, phần lớn các nhà kỹ trị của điện Kremlin đang điều hành nền kinh tế Nga đều có xuất thân như vậy.

Do đó, không ngạc nhiên khi chiến lược và chiến thuật của Nga được lấy trực tiếp từ kho tàng của Liên Xô, tất nhiên là đã được cập nhật cho thời đại mạng. Truyền thông xã hội và kết nối kỹ thuật số cung cấp các phương tiện mới cho các mục đích cũ, mang lại cho cơ quan gián điệp của Nga khả năng mà KGB chỉ có thể mơ ước. Putin đã phát động nhiều chiến dịch bí mật để lật đổ các đối thủ của mình ở phương Tây. Ông đã can thiệp vào các cuộc bầu cử dân chủ ở phương Tây, nổi bật nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, duy trì một truyền thống đã có ở Liên Xô ít nhất là từ năm 1948. Putin cũng duy trì một hoạt động khác có từ thời Liên Xô – triển khai “gián điệp” (illegals) ở khắp các nước phương Tây, một vài trong số những người này đã bị bắt và đem ra trao đổi tù nhân với Moscow, trong các vụ trao đổi gián điệp hệt như thời Chiến tranh Lạnh của thế kỷ trước.

Dù Putin đã khuyến khích quan điểm rằng ông là một điệp viên bậc thầy, nhưng trên thực tế, ông đã liên tiếp có các thất bại tình báo. Ví dụ, năm 2010, FBI và CIA đã đánh sập một mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ. Họ đã làm điều đó bằng cách tuyển dụng một nhân vật chủ chốt trong chương trình gián điệp của SVR, người đã cung cấp các bí mật cho Washington. Nhưng thất bại tình báo lớn nhất của Putin đã đến ngay trước khi ông quyết định xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh đã phát hiện kế hoạch chiến tranh của Putin và phơi bày chúng với thế giới, do đó loại bỏ khả năng để ông tạo ra những cái cớ hợp lý cho hành động xâm lược.

Nếu chúng ta có thể tiếp cận thông tin tình báo mà Putin được cung cấp trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine, thì sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng nó chỉ xác nhận, chứ không mâu thuẫn, với đánh giá quá cao mà ông dành cho sức mạnh quân sự của Nga. Có rất ít chỗ cho sự thật trong chế độ của Putin, giống như trong chế độ của Stalin. Bản chất chết người của chế độ Putin khiến ông sẽ chỉ nhận được những thông tin tình báo xu nịnh. Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, tình báo Nga đã hứng chịu một loạt thất bại, bao gồm cả việc chứng kiến các mạng lưới gián điệp của họ ở Na Uy, Thụy Điển, và Slovenia bị triệt phá.

Không còn là gián điệp cũ

Tương tự như Nga, Trung Quốc cũng khai thác cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu để thúc đẩy lợi ích của mình. Theo các quan chức CIA có chuyên môn sâu về Trung Quốc, cơ quan tình báo dân sự chính của Bắc Kinh, Bộ An ninh Quốc gia (MSS), đã tuyên chiến với tình báo Mỹ vào năm 2005. Kể từ đó, trong lúc Washington bị tiêu hao bởi cuộc chiến chống khủng bố, MSS đã liên tục tung ra những nguồn lực và nhân sự tốt nhất nhắm vào Chính phủ Mỹ và các tập đoàn Mỹ, tìm cách đánh cắp càng nhiều bí mật khoa học và kỹ thuật càng tốt để củng cố nền kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Các cuộc thảo luận nội bộ của MSS trong giai đoạn này được đánh dấu bởi niềm hân hoan rằng Mỹ đã bị sa lầy ở Trung Đông và chẳng còn chú ý đến những thành công bí mật của Trung Quốc.

Cuộc tấn công của MSS vào Mỹ đã sớm mang lại thành quả. Năm 2010, cơ quan gián điệp Trung Quốc đã triệt phá một mạng lưới đặc vụ CIA lớn ở Trung Quốc, khiến hơn một chục nguồn tin Mỹ bị giết hại hoặc bỏ tù, theo một báo cáo điều tra do The New York Times đăng tải. Hiện vẫn chưa rõ chính xác cách thức tình báo Trung Quốc có thể xâm nhập mạng CIA, nhưng thiệt hại là không thể phủ nhận. Mười năm sau, một quan chức tình báo Mỹ trực tiếp biết rõ những sự kiện này nói với tôi rằng CIA vẫn chưa thể phục hồi ở Trung Quốc.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, hoạt động tình báo của Trung Quốc chống lại phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, đã phát triển theo cấp số nhân. Nhiệm vụ của tình báo Trung Quốc là thực hiện đại chiến lược của Tập: đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, đồng thời đảo ngược cục diện công nghệ hiện có, khiến các nước khác phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc thay vì công nghệ Mỹ. Các cơ quan gián điệp của Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” (whole of society) để thu thập thông tin tình báo: qua tình báo con người, mạng, và tín hiệu (sử dụng khinh khí cầu và một cơ sở nghe lén ở Cuba), đồng thời khai thác các nguồn công khai sẵn có, bao gồm cả mạng xã hội. Với một loạt các đạo luật an ninh quốc gia hà khắc được thông qua dưới thời Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng buộc các doanh nghiệp của nước này phải hợp tác với các cơ quan tình báo bất cứ khi nào được yêu cầu, do đó hợp nhất hoạt động gián điệp và kinh doanh. Kết quả là một mô hình chuyên chế trọng thương chỉ có ở riêng Trung Quốc, mà không có thứ gì tương tự ở phương Tây. Đảng cũng sử dụng các chương trình trao đổi tài năng và văn hóa để triển khai gián điệp. Bắc Kinh cũng khai thác cộng đồng người Hoa ở các nước phương Tây, gây áp lực buộc họ phải cung cấp thông tin tình báo, thường bằng cách tống tiền hoặc đe dọa các thành viên gia đình còn ở Trung Quốc.

Theo FBI, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở thành “kẻ trộm trên mạng” lớn nhất thế giới, đánh cắp dữ liệu của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Năm 2021, FBI báo cáo rằng họ phải mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc cứ sau mỗi 12 giờ. Tháng 7/2023, Ủy ban An ninh và Tình báo của nghị viện Anh công bố rằng Chính phủ Trung Quốc đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế Anh.

Những cụm từ như “cạnh tranh Mỹ-Trung” không phản ánh đúng thực tế xấu xí này. Giống như các cơ quan tình báo Nga, các cơ quan tình báo Trung Quốc cạnh tranh theo các quy tắc mà về cơ bản khác với các cơ quan tình báo phương Tây. Không giống như các cơ quan gián điệp của Mỹ hoặc châu Âu, MSS không tuân theo pháp quyền hay giám sát chính trị độc lập. Họ cũng không chịu trách nhiệm công khai trước công dân Trung Quốc hoặc bị báo chí tự do giám sát. Những khác biệt này có nghĩa là những tuyên bố như “tất cả các quốc gia đều dùng gián điệp,” thường được sử dụng để giảm nhẹ hoạt động gián điệp của Trung Quốc, có thể gây hiểu nhầm một cách nguy hiểm. Chỉ vì tất cả các đội quân đều có súng không có nghĩa là chúng giống nhau. Khác với các cơ quan tình báo phương Tây, gần như không có hạn chế nào trên các cơ quan tình báo Trung Quốc hoặc Nga. Trên thực tế, hệ thống gián điệp của Trung Quốc và Nga chỉ bị giới hạn bởi hiệu quả hoạt động – nghĩa là những gì họ có thể giấu trót lọt. Chính phủ và công chúng phương Tây cần thức tỉnh trước mối đe dọa này.

Mối thù cũ, vũ khí mới

Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều công nghiệp hóa việc thu thập thông tin tình báo, sử dụng máy tính để tấn công mật mã của nhau. Hoạt động gián điệp đi từ trên đất liền, xuống biển sâu, vào tầng bình lưu, thậm chí lên tận không gian. Ngày nay, các Chính phủ phương Tây đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga và Trung Quốc, những nước một lần nữa đang biến đổi bản chất của hoạt động gián điệp. Cuộc chiến mới này không phải là sự lặp lại của cuộc chiến trước đó, nhưng nó có những điểm tương đồng và tiếp nối, bao gồm cả sự bất cân xứng rõ rệt trong xung đột tình báo Đông-Tây. Các cơ quan bí mật của phương Tây từng rất khó thu thập thông tin tình báo đáng tin cậy về các “quốc gia cảnh sát” đóng cửa sau Bức màn Sắt. Giờ đây, thậm chí còn khó khăn hơn để họ hoạt động hiệu quả ở Nga hoặc Trung Quốc, do các hệ thống giám sát nội địa của hai nước này. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc tương đối dễ dàng đánh cắp bí mật từ các xã hội mở, tự do, và dân chủ của phương Tây, giống như Liên Xô đã làm trước đó.

Nhưng những điểm tương đồng giữa hai cuộc xung đột siêu cường không nên khiến chúng ta quên đi những khác biệt của chúng. Quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc và sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu khiến họ khác biệt với Liên Xô. Công nghệ thông tin ngày nay cũng khác nhiều so với trong quá khứ. Chẳng hạn, các công ty vệ tinh thương mại hiện cung cấp những khả năng mà cho đến gần đây chỉ thuộc về các Chính phủ. Tình báo nguồn mở và tình báo thương mại cũng đang biến đổi an ninh quốc gia. Trong Chiến tranh Lạnh, khoảng 80% thông tin tình báo của Mỹ được lấy từ các nguồn bí mật và 20% đến từ các nguồn mở. Ngày nay, tỷ lệ này được cho là đã bị đảo ngược. Tương lai của tình báo phương Tây không nằm ở Chính phủ mà ở khu vực tư nhân. Thách thức đối với các Chính phủ phương Tây là khai thác khả năng của các nhà cung cấp thông tin tình báo thương mại. Điều này đòi hỏi một quan hệ đối tác công-tư mới.

Tuy nhiên, khi nói đến việc thu thập thông tin tình báo ở các quốc gia cảnh sát đóng cửa, điều mà các Chính phủ phương Tây cần hơn hết là trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là thứ đã khiến CIA phát triển những chiếc máy bay tầm cao U-2 có khả năng do thám đằng sau Bức màn Sắt, khi các phương pháp khác là không thể. Ngày nay, trí tưởng tượng là điều cần thiết trong các lĩnh vực hàng đầu của an ninh quốc gia, bao gồm thu thập thông tin tình báo nguồn mở, sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo cũng như điện toán lượng tử. Đây sẽ là những vũ khí của chiến tranh lạnh trong thế kỷ này – và là những thứ sẽ quyết định kết quả của nó.

C.W.

Calder Walton là Trợ lý Giám đốc Dự án Lịch sử Ứng dụng và Dự án Tình báo tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy. Ông là tác giả cuốn sách “Spies: The Epic Intelligence War Between East and West.”

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Chiến tranh Lạnh mới, Quan hệ quốc tế, Tình báo. Bookmark the permalink.