Hùng Nguyễn
Ngày 13/7/2023, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố bản chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc. Bên cạnh những chủ đề lớn giữa hai nước thì chiến lược đã nêu đậm nét quan điểm của chính phủ Đức với vấn đề Biển Đông. Trong bản chiến lược có 15 lần nhắc đến cụm từ châu Á – Thái Bình Dương và 3 lần nhắc trực tiếp đến Biển Đông với những góc độ có thể giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với cường quốc quân sự này.
Về quan điểm, chiến lược khẳng định Đức và EU có lợi ích ở Biển Đông trên khía cạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì an ninh hàng hải, giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Đức kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS), không được gây nguy hiểm bởi việc triển khai sức mạnh quân sự và hành động đơn phương.
Về triển khai chính sách, Chính phủ Đức cam kết ủng hộ quyền tự do hàng hải thông qua sự hiện diện quân sự tạm thời trong khu vực, trong đó bao gồm thực hiện tuần tra hàng hải và tham gia các cuộc tập trận quân sự chung đa quốc gia.
Đáng chú ý, chiến lược nói rằng Đức cần các đối tác của mình “phải kiên cường” (Germany needs its partners to be resilient). Đổi lại Đức sẽ giúp đỡ các đối tác về vũ khí, tăng cường năng lực phòng thủ bờ biển và tăng cường khả năng bảo vệ an ninh mạng.
Chiến lược không nêu rõ đối tác quan trọng của Đức tại châu Á – Thái Bình Dương là quốc gia nào, nhưng không khó để nêu tên các quốc gia đó. Ngày 7/5/2022, phát biểu tại Hamburg nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Câu lạc bộ Hải ngoại Hamburg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói: “Trong thế kỷ 21, có quá nhiều tác nhân muốn có tiếng nói và có ảnh hưởng. Chẳng hạn trong số đó như Ấn Độ và Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam” (Dafür gibt es im 21. Jahrhundert zu viele Akteure, die Mitsprache einfordern und Einfluss nehmen. Indien und Japan, Südkorea, Indonesien und Vietnam zählen zum Beispiel dazu).
Khi nói đến việc chính phủ Đức hỗ trợ các đối tác vũ khí để tăng cường năng lực phòng thủ bờ biển, có thể trong đó bao gồm cả năng lực tàu ngầm. Trong lĩnh vực này Ấn Độ và Indonesia đã không hề chậm chân. Tháng 6/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đến Ấn Độ để thảo luận về dự án hợp tác đóng 6 tàu ngầm cho hải quân Ấn Độ với trị giá 5,2 tỷ USD. Tiếp đó tại Indonesia, hai bên đã thảo luận về việc Đức cung cấp cho Indonesia tàu ngầm, tàu quét mìn và xây dựng kế hoạch tập trận chung.
Trở lại quan hệ hệ Việt – Đức, sau khi “kỷ nguyên Markel” kết thúc, chính phủ Việt Nam đã có động thái thúc đẩy liên hệ cấp cao với chính phủ mới của Đức, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz vào tháng 11/2022.
Về hợp tác quốc phòng, dù hai nước đã nâng mối quan hệ lên mức Đối tác chiến lược từ năm 2011, nhưng lĩnh vực hợp tác quốc phòng được đánh giá là chưa tương xứng. Việc hợp tác mới dừng lại ở việc Đức giúp Việt Nam đào tạo sĩ quan quân y, gìn giữ hòa bình, cứu hộ cứu nạn. Việc hợp tác quốc phòng chỉ mới được tăng cường với việc Tùy viên quốc phòng Đức đầu tiên hiện diện thường trực tại Việt Nam vào năm 2019; khinh hạm Bayern của Đức đến thăm Việt Nam vào tháng 1/2022 và cuối năm đó hai bên đã ký thỏa thuận về hợp tác quốc phòng.
Hiện nay, giới quan sát cho rằng của Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí để tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ phía Nga. Các nhà cung cấp tiềm năng đến từ Ấn Độ, Israel và các quốc gia Đông Âu. Vì vậy Việt Nam cần tận dụng việc Đức triển khai chính sách đối với Trung Quốc để tăng cường năng lực quốc phòng của mình.
H.N.
—
Hùng Nguyễn là nhà nghiên cứu tự do đang sinh sống tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế