Nguy cơ khó lường như Thập diện Mai phục

“Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton)

Nguyễn Quang Dy

“Thập diện Mai phục” là tên một bộ phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (House of Flying Daggers, 2004). Người dịch tên phim sang tiếng Việt tuy không chính xác nhưng hay vì phản ánh được thế giới này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã làm một bộ phim với cái tên “Sống trong Sợ hãi” (Living in Fear, 2005).

Theo Giáo sư Paul Brown (The Fear-Free Organization, 2015), “sợ hãi bẩm sinh” (inborn fear) là bản năng cần thiết để giúp con người thoát hiểm. Nhưng nếu “sợ hãi thái quá” (excessive fear) sẽ tạo ra năng lượng tiêu cực (negative energy) có thể hủy diệt (destructive force). Muốn khai phóng, con người phải “thoát khỏi sợ hãi” (freedom from fear).

Theo Giáo sư Yuval Harari (21 lessons for the 21th century, 2018) trong thời kỳ “hậu sự thật” (post truth), nhiều tin thất thiệt (fake news) làm thật giả lẫn lộn. Nhưng sự thât là đại dịch đã giết chết 6,5 triệu người trên thế giới, trong đó có hơn 43 ngàn người Việt Nam. Trong một thế giới biến đổi khó lường, người dân như đang “sống trong sợ hãi”.

Phần nổi của tảng băng chìm

Trong khi trái đất đang hứng chịu những “thiên tai” bất thường do biến đổi khí hâu, thì loài người phải đối mặt với ngày càng nhiều “nhân họa” như: thực phẩm không an toàn, không khí ô nhiễm, giao thông nguy hiểm, điện thoại và mạng bất an. Không chỉ có ngành giáo dục mà cả ngành y tế và bảo hiểm cũng đang lâm vào khủng hoảng.

Hiện nay, nạn lừa đảo ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn đa dạng hơn và tinh vi hơn trước, thậm chí chúng đang sử dụng công nghệ cao. Tháng 12/2020, “siêu lừa” Lê Xuân Giang (Chủ tịch công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt) đã bị kết án chung thân vì tội lừa đảo 68 ngàn nạn nhân tại 27 tỉnh/thành, để chiếm đoạt hơn 2.100 tỷ đồng.

Nhưng vụ “siêu lừa” Lê Xuân Giang chỉ là “hạng ruồi ” so với các đại án như “Việt Á”, “AIC” và “Chuyến bay giải cứu”. Tòa án Hà Nội đang xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Các chuyến bay combo”, với 105 luật sư tham gia bào chữa. Đó là hai vụ án điển hình vì các nhóm lợi ích thân hữu đã lũng đoạn nhà nước và “ăn của dân không từ cái gì”.

Theo nhà báo Huy Đức (TD, 14/7/2023), đây là “nỗi nhục quốc gia. Trong lịch sử loài người, hiếm có nhà nước nào lại đối xử với công dân của mình như thế”. Họ ăn tiền của dân trong hoạn nạn một cách thản nhiên, trong khi hàng vạn nhân viên y tế vô danh đã chống dịch đến kiệt sức, nhưng sau đó không được khen thưởng mà còn bị khiển trách.

Trong khi nhân viên y tế cả nước gồng mình “chống dịch như chống giặc” thì các quan tham trong hệ thống công quyền tranh thủ vơ vét trục lợi (rents seeking). Điều đó lý giải tại sao hàng ngàn nhân viên y tế ở thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác bỏ việc làm tại các bệnh viện công vì sự bất cập và bất công trong hệ thống y tế Việt Nam.

Dư luận cho rằng các vụ án này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Cũng như vụ “Việt Á”, nhằm sản xuất test kits để chống dịch cứu dân, ý tưởng tổ chức “Chuyến bay giải cứu” là rất tốt đẹp, nhưng đã bị các nhóm lợi ích và quan tham lợi dụng để vơ vét trục lợi trên nỗi thống khổ của đồng bào. Đó là khủng hoảng về đạo đức và nhân cách.

Tiếng chuông cảnh báo

Trong số 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” có mặt tại phiên tòa sơ thầm ở Hà Nội trong tháng này, một số là cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp gồm hai Thứ trưởng, một Cục trưởng và mấy Đại sứ. Thật đau xót khi lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngoại giao, có nhiều quan chức như vậy trở thành bị cáo phải “vào lò” vì tội danh đáng xấu hổ.

Theo báo TG&VN (18/12/2021), tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 (15-18/12/2021), cố Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ với các đồng nghiệp thế hệ kế tiếp bài nói chuyện “Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam trước yêu cầu đổi mới, sáng tạo, hướng tới một nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, trong kỷ nguyên số”.

Đại sứ Hà Kim Ngọc (tại Mỹ) và Đại sứ Vũ Hồng Nam (tại Nhật) cũng có bài viết đề cập đến các nền tảng trong “ngoại giao văn hóa” của Mỹ và Nhật Bản, với các giá trị cốt lõi của “sức mạnh mềm” mà ngoại giao Việt Nam cần tham khảo. Nhưng thật là trớ trêu và bi kịch khi Đại sứ Vũ Hồng Nam đã bị bắt trong vụ “Chuyến bay giải cứu”.

Họ là những cán bộ trẻ được đào tạo tốt và có năng lực, nhưng “tham-sân-si” đã tạo ra “điểm mù” (blind spots) làm cho họ vô cảm. Trong khi đó các lỗ hổng của thể chế trong hệ thống công quyền không được kiểm soát đã tạo cơ hội cho họ dễ dàng tham nhũng. Đây là tiếng chuông cảnh báo về chất lượng và nhân cách của cán bộ nhà nước.

Điều đó lý giải tại sao một thư ký quèn của một Thứ trưởng Bộ Y tế lại có thể ngang nhiên nhận hối lộ đến 253 lần với 42,6 tỷ đồng. Tất nhiên, một mình anh ta chắc không thể nhận như vậy nếu không được thượng cấp và hệ thống chống lưng. Đồng thời, chắc anh ta không đến nỗi ngu xuẩn nhận tiền cho riêng mình mà không chia cho người khác.

Nói cách khác, vụ “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu” chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Các nhóm lợi ích thân hữu câu kết biến tham nhũng hệ thống thành lũng đoạn nhà nước để thao túng chính sách. Họ đã bước qua “làn ranh đỏ” về đạo đức và nhân cách tối thiểu của con người trước nỗi thống khổ của đồng loại. Đó là một bi kịch quốc gia.

Nguyên nhân và hệ quả

Tham nhũng và lừa đảo không chỉ vì lòng tham, mà còn do khủng hoảng đạo đức và nhân cách. Người ta hay nói khoa học công nghệ càng cao (high tech) thì đạo đức và nhân cách cũng phải cao (high touch). Nhưng đáng tiếc là ở các xã hội đang chuyển đổi (transitional) như Việt Nam thì đạo đức và nhân cách đang xuống dốc như một nghịch lý.

Theo quy luật, “quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Nếu không đổi mới thể chế để kiểm soát quyền lực thì các nhóm lợi ích sẽ tiếp tục “ăn của dân không từ cái gì”. Lỗi hệ thống làm tắc nghẽn (bottleneck) và cản trở phát triển. Muốn thực sự đổi mới phải từ bỏ nguyên trạng (status quo) và chủ nghĩa đặc thù (exceptionalism).

Có thể nói trong một thể chế bất cập như vậy thì các nhóm lợi ích sẽ tìm cách chiếm dụng ngân sách nhà nước và “ăn của dân không từ cái gì”. Ngành điện (EVN) đang bị thanh tra, nhưng kết cục ra sao vẫn chưa rõ. Nhưng có một điều đã rõ là các nhóm lợi ích đang lợi dụng các lỗ hổng về thể chế để thao túng chính sách nhằm mục đích tham nhũng.

Hệ quả của tham nhũng do các nhóm lợi ích thao túng thể chế không chỉ làm thất thoát công quỹ và cản trở sự phát triển, mà còn làm mất lòng tin của người dân. Nếu trong đại dịch Covid-19, cả nước phải “chống dịch như chống giặc”, thì trong công cuộc chống tham nhũng, cả nước cũng phải chống các nhóm lợi ích như chống dịch và “giặc nội xâm”.

Theo báo CAND (12/08/2021) lừa đảo “nhân danh từ thiện” là loại tội phạm mới phát triển khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chúng núp dưới nhiều vỏ bọc và cách thức tinh vi, len lỏi vào các hội nhóm được lập ra trên mạng xã hội. Chúng tìm cách đánh vào lòng trắc ẩn và truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người hảo tâm để lừa đảo trục lợi.

Theo khảo sát của viện Gallup (năm 2012) Việt Nam là nước có chỉ số vô cảm vào loại cao nhất, trong khi tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển có tổ chức, như đánh bạc online. Tin tặc thường mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo người dân trên điện thoại di động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cô gái vàng trong vùng xám

Các công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và in 3D vừa có lợi vừa có hại như con dao hai lưỡi trong “vùng xám” (grey zone). Trong khi công nghệ mới có thể tạo ra sản phẩm mới ưu việt hơn, nó có thể bị nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi, hoặc bị chính quyền lạm dụng để giám sát người dân nhằm mục đích kiểm soát xã hội (social control).

Gần đây, “cô gái vàng” Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) đã trở thành một tâm điểm nóng gây tranh cãi trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Trước khi khởi nghiệp làm dự án xe đạp 3D SuperStrata cùng với chồng là Sonny Vũ, Kiều Trang đã từng làm Giám đốc Facebook Việt Nam (4/2018-2/2019) và Tổng giám đốc Go-Viet (4-9/2019).

Không biết có phải những người “tuổi trẻ tài cao” thường nhảy việc hay không, nhưng Kiều Trang làm dư luận ồn ào vì thay đổi công việc quá nhanh. Dự án xe đạp bằng công nghệ in 3D với vật liệu carbon cũng gây tranh cãi. Theo báo Dân Trí (8/7/2023) nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng xe và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Nhiều khách hàng đặt xe nhưng không được giao hàng và gửi email nhưng không được phản hồi. Một số đã tố cáo Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ lừa đảo. Theo báo Tuổi Trẻ (7/7/2023) cộng đồng mạng nghi vấn dự án SuperStrata có ý định lừa đảo ngay từ đầu. Khách hàng nói là họ đã “đặt mua” xe, nhưng Kiều Trang lại nói là họ “tài trợ”.

Theo Vietnamnet (4/7/2023), một khách hàng nói: “Đây là hoạt động mua bán nhưng họ lại dùng từ ngữ khác để lấp liếm. Email của Arevo gửi cho khách là link mời mua hàng, không dùng từ “tài trợ” (donate). Khi tiến hành mua hàng trên Indiegogo họ nhận được email hoá đơn xác nhận và “cảm ơn đã mua hàng” (Thank you for shopping).

Khách đặt mua xe và thanh toán trên trang Indiegogo (tài trợ), nhưng được chuyển qua trang Superstrata (bán xe). Trong khi Indiegogo nói đây là hoạt động “tài trợ”, “Superstrata cảm ơn khách đã “mua xe”. Khi mua một xe Superstrata với giá 3.999 USD, khách được tặng thêm một xe và phải đóng 799,80 USD tiền thuế, như hoạt động mua bán.

Thay lời kết

Khi đầu tư hay mua bảo hiểm, nhiều người bị lừa không chỉ vì dân trí thấp mà còn do quyền lực không được kiểm soát, luật pháp không nghiêm, và quản trị còn non kém. Các nhóm lợi ích thân hữu lợi dụng các lỗ hổng của thể chế để lũng đoạn nhà nước và thao túng chính sách. Không phải các “siêu lừa” quá giỏi, mà do dân trí thấp và “lỗi hệ thống”.

Việt Nam đứng trước các cơ hội và thách thức mới. Phải đặt các vụ án nói trên trong bối cảnh đất nước đang phải đối phó với các nguy cơ khó lường không chỉ trên Biển Đông mà còn ở đất liền gồm Tây Nguyên và đồng bằng sông Mekong. Trong khi đất nước cần tăng cường nội lực và đồng thuận quốc gia, các vụ đại án đó đang làm thui chột cả hai.

Cách đây một thế kỷ, cụ Tản Đà than: “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Cụ Phan Châu Trinh kêu gọi: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Đó là tư tưởng khai phóng để “quốc gia khởi nghiệp”. Trong khi Nhật Bản đã canh tân và trở thành cường quốc từ thời Minh Trị, Việt Nam vẫn chưa công nghiệp hóa.

N.Q.D.

17/07/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nhóm lợi ích thân hữu, tham nhũng. Bookmark the permalink.