Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Con người sinh ra để sống chứ không phải để chết. Điều đó là không phải bàn cãi. Thế nhưng, có những hoàn cảnh mà người ta sẵn sàng chết để bảo vệ những nguyên tắc, lý tưởng sống của mình.
Do có những hoạt động đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam, tôi đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam ngày 5/11/2010. Sau đó Tòa án Hà Nội đã kết án tôi 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao đã y án, điều không làm ngạc nhiên bất kỳ ai. Trong thời gian bị cầm tù tại Trại giam số 5 – Bộ Công an ở Yên Định, Thanh Hóa, tôi đã nhiều lần tuyệt thực như biện pháp cuối cùng để chống lại sự bức hại và đàn áp từ phía Trại giam. Lần tuyệt thực đầu tiên và cũng là lần dài nhất: 26 ngày, từ 27/5 đến 21/6/2013.
Ngày 6/4/2014, dưới sức ép mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ và các nước Liên Âu (EU), chính quyền Việt Nam đã phải tạm đình chỉ thi hành án đối với tôi để tôi sang Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ. Hiện tại và phía trước tôi còn rất nhiều việc phải làm cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam cũng như cho quan hệ Việt – Mỹ ngày càng được củng cố nên tôi đã quyết định để lại đằng sau tất cả những năm tháng ngục tù cùng các cuộc tuyệt thực. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như mình mong muốn.
Vợ chồng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ và vợ chồng nhà thơ Nguyễn Đức Tùng tại tư gia Tiến sĩ Vũ, Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 9/7/2023. Ảnh: Cù Huy Hà Vũ
Tối hôm qua, ngày 9/7/2023, Bác sĩ – nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, và vợ anh, chị Sương, những người bạn mới từ Canada, đã đến thăm tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại tư gia ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ. Đi cùng là một số người trong gia đình và bạn bè của anh.
Đang lúc mọi người trò chuyện hào hứng thì Nguyễn Đức Tùng tỏ ra trầm ngâm. Thấy thế, anh Tường, anh rể anh, bèn nói: “Anh Tùng chắc có điều gì muốn tâm tình. Mọi người hãy yên lặng!’
Với giọng Quảng Trị ấm áp, Nguyễn Đức Tùng chậm rãi: “Tôi không ngờ có ngày hôm nay ngồi trước mặt anh Cù Huy Hà Vũ. Ngay sau khi anh Vũ bị chính quyền Việt Nam bắt giam vì hoạt động dân chủ, tôi đã làm một bài thơ tặng anh và một bài thơ tặng chị Dương Hà. Thế rồi, cách đây đúng 10 năm, vào cuối tháng 5 năm 2013, khi tôi đang dự một bữa tiệc thì có ai đó thông báo Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vừa tuyệt thực để phản đối trại giam bức hại anh ấy. Thế là tất cả mọi người trong bữa tiệc lặng đi. Mọi người dừng ăn uống và có những người đã khóc. Cũng như nhiều người khác ủng hộ cuộc đấu tranh chính đáng và dũng cảm của anh Vũ, tôi theo dõi sát sao cuộc tuyệt thực của anh với tâm trạng đầy lo lắng. Khi anh Vũ bước sang ngày thứ 20 của cuộc tuyệt thực thì tôi, với tư cách một Bác sĩ, biết rằng anh Vũ có thể chết bất cứ lúc nào. Và tôi đã làm bài thơ “Tuyệt thực” để tặng anh.” Ngừng một lát, anh nói tiếp: “Hôm nay tôi có duyên gặp anh Vũ để đọc bài thơ này. Nhưng còn biết bao người ủng hộ anh chưa được gặp anh để trực tiếp bày tỏ tấm lòng của họ. Và tôi biết có những người ủng hộ anh nhiệt thành nhưng không bao giờ nói ra. Những người đó chính là lực lượng ủng hộ anh quan trọng nhất.” Phải rồi, “đám đông thầm lặng”, đó chính sóng ngầm trong lòng đại dương chính trị – xã hội ở bất cứ quốc gia nào, là nhân tố mang lại thắng lợi cho mọi cuộc đổi thay vào những thời điểm quyết định nhất.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 17/6/2013, trong thời gian tuyệt thực tại Trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa, Việt Nam). Ảnh: Tuổi trẻ
Vẫn chậm rãi, Nguyễn Đức Tùng đọc bài thơ anh viết tặng tôi (1):
TUYỆT THỰC
Tặng Anh Cù Huy Hà Vũ
Anh đã uống tới giọt nước cuối cùng
Anh đã ăn hạt cơm cuối cùng
Nước thơm mùi cơn mưa
Cơm thương mùi đồng lúa
Giờ đây anh ngồi nhắm mắt
Sau mí mắt tối đen
Anh nhìn thấy con đường của mình
Xuyên qua bóng tối
Xuyên qua đất
Đến nơi sâu nhất
Lặng lẽ tận cùng của các rễ cây
Tim anh đập chậm lại
Máu anh chảy chậm lại
Thời gian trôi chậm lại
Khi có người nghĩ về đất nước
Nghĩ về đói khát
Mặt anh không còn nước mắt
Nước mắt anh chảy tràn trên khuôn mặt chúng tôi.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đọc bài thơ "Tuyệt thực" tặng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại tư gia Tiến sĩ Vũ, Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 9/7/2023. Ảnh: Cù Huy Hà Vũ
Nguyễn Đức Tùng đọc xong, tôi chỉ có thể nắm chặt bàn tay nhà thơ mà cảm tạ. Bài thơ “Tuyệt thực” cùng câu chuyện anh kể một lần nữa cho tôi thấy thế nào là “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Câu ngạn ngữ này của người Việt nói lên tình đồng loại. Khi một cá nhân gặp hoạn nạn, chịu khổ đau, mất mát, cả cộng đồng coi đó như khổ đau, mất mát của chính mình. Tương ứng, phương Tây có câu “Không nỗi đau nào của riêng ai.” Một sự sẻ chia, đoàn kết như vậy là một sự trợ lực tinh thần quan trọng để cá nhân đó vượt qua được thử thách, sớm trở lại cuộc sống bình thường để từ đó tiếp tục đóng góp cho cộng đồng. Điều này cũng có thể được hiểu rằng giữa cá nhân và cộng đồng có một quan hệ hữu cơ, cộng đồng chỉ có thể mạnh nếu mỗi cá nhân mạnh.
Khi tôi tuyệt thực trong tù, đã có nhiều người Việt cả trong nước lẫn ngoài nước đồng hành tuyệt thực trong một số ngày. Người đầu tiên là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một cựu tù nhân chính trị. Tiếp đó là chị Phạm Thanh Nghiên, cũng là cựu tù nhân chính trị, nhà thơ Thái Bá Tân nổi tiếng với những vần thơ 5 chữ, tu sĩ Hòa Hảo Võ Văn Thanh Liêm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, kỹ sư Đỗ Thành Công, Thẩm phán Phan Quang Tuệ, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, nhà văn Tưởng Năng Tiến và hàng chục cá nhân khác thuộc Hội Anh Em Yêu Nước, Nhóm Xuống Đường, Xóm 8 Yêu Nước và nhiều tổ chức khác của người Việt ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới. Theo thông báo (2) của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trên trang web của mình, cho đến ngày 15/6/2013 đã có ít nhất 46 người đồng hành tuyệt thực cùng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đã thông báo cho tôi khá đầy đủ về cuộc đồng hành tuyệt vời và chưa từng có này cũng như những sự ủng hộ quan trọng khác như phong trào sáng tác văn, thơ, nhạc và vận động cộng đồng quốc tế đòi chính quyền Việt Nam chấm dứt bức hại tôi thông qua trại giam. Mặc dù thể trạng suy kiệt, nói không ra hơi, tôi vô cùng phấn chấn vì biết rằng cả một cuộc vận động rầm rộ xuyên biên giới như vậy không chỉ là một sự đoàn kết và chia sẻ to lớn với riêng cá nhân tôi, mà còn và trước hết là một sự biểu thị đồng lòng trong cuộc đấu tranh chung cho một tương lai Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam. Thiết tưởng triết lý “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” của dân tộc Việt Nam đã tìm thấy nơi đây một trong những minh họa sống động nhất.
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã tặng tôi một món quà vô giá đúng kỷ niệm 10 năm những cuộc tuyệt thực trong tù của tôi.
Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 10/7/2023
C.H.H.V.
Chú thích:
1. Video “Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đọc bài thơ “Tuyệt thực” viết tháng 6-2013 viết tặng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ” trên kênh Youtube Cù Huy Hà Vũ Official, 10/7/2023
2. Thống kê chưa đầy đủ hiện đã có 46 người tuyệt thực ủng hộ Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, Blog Nguyễn Xuân Diện, 15/6/2013
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống với vợ ông, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ.
Tác giả gửi BVN