Nguyễn Quốc Tấn Trung
* Bức ảnh bên dưới là bản đồ dùng cho mục “Hỗ trợ” (Support) của Công ty điện thoại thông minh Oppo – Trung Quốc.
Đường chín đoạn được vẽ rõ ràng, dù Trung đang để khả năng contact ở chế độ toàn cầu (Global).
Tuy nhiên, Oppo là công ty điện thoại lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ đứng sau Samsung (với thị phần 21,6%) [1].
* Tương tự, Samsung – nhà cung ứng điện thoại thông minh hàng đầu Việt Nam – cũng đang sử dụng bản đồ hỗ trợ có đường chín đoạn tương tự với Oppo.
Hình ảnh về Samsung được xem xét và phát hiện bởi chị @Phuong Ngo
* Đối với bộ phim Barbie, Trung phần nào hiểu quan ngại và kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” của Hội đồng duyệt phim và Cục Điện ảnh Việt Nam.
Họ đã bị chỉ trích thậm tệ và thậm chí bị gọi là “bán nước” sau vài lần để lọt một vài nét đường “lưỡi bò” trong các bộ phim nhập khẩu hồi năm 2010s.
* Với thực tế là một công ty giải trí của Trung Quốc (đơn vị được cho là tổ chức đêm biểu diễn của BlackPink) cũng dùng bản đồ có đường “lưỡi bò” như Samsung và Oppo, chúng ta cần cân nhắc liệu đây là một thực hành riêng lẻ của công ty này? Hay nó đang trở thành một thực hành chung của rất nhiều các công ty toàn cầu để thể hiện “lòng thành” của họ cho thị trường tỷ dân?
Nếu đây chỉ là thực hành riêng của công ty nói trên, việc tẩy chay và kêu gọi là phù hợp.
Tuy nhiên, nếu đây là chính sách chung của rất nhiều công ty lớn, kể cả những công ty đứng đầu thị trường Việt Nam như Oppo hay Samsung, chúng ta cần phải nhìn lại và tìm cách tiếp cận hiệu quả hơn.
* Đặc biệt, không thể cứ nhắm bắt chỉ tay bảo nhau là phản quốc (hay mượn cớ chửi fan BlackPink) khi cả Samsung và Oppo – hai ông trùm điện thoại của Việt Nam mà gia đình nào cũng đang dùng – lại đều dùng bản đồ đường lưỡi bò một cách toàn cầu.
Trong giới nghiên cứu Công pháp Quốc tế tại Canada thì mình có cảm giác dễ đối phó hơn, vì sản lượng nghiên cứu của các học giả Trung Quốc ít và cách thức đối phó với họ thì nhiều.
Nhưng với các công ty đa quốc gia này thì nghiên cứu khoa học hay công pháp quốc tế cũng không có hiệu quả gì. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền là quan trọng hơn, đặc biệt trong việc đưa ra các tuyên bố công cộng, nhắc nhở đại diện của các công ty xuyên biên giới ở Việt Nam, cũng như các biện pháp khác (dù có tính trình diễn) để bảo đảm KHÔNG động thái kinh doanh nào của họ tại Việt Nam có thể được sử dụng là minh chứng cho việc người Việt Nam “đồng thuận” với đường lưỡi bò.
Riêng những chỉ trích yêu nước hay bán nước thì thiết nghĩ mọi người nên tạm dừng. Đây không phải là cách tiếp cận tốt khi chúng ta sẽ dần nhận ra rằng một tỷ dân Trung Quốc đang áp đảo vị thế của 100 triệu dân Việt Nam ở hầu hết các định chế quốc tế.
Đây là lý do học tập, tôn trọng và vận dụng pháp luật quốc tế lẫn hệ thống Liên Hiệp Quốc có tính sống còn, chứ không phải chỉ trích rồi buông xuôi theo kiểu “power politics” và ủng hộ các cuộc chiến xâm lược như ở Ukraine.
N.Q.T.T.
Nguồn: FB Nguyen Quoc Tan Trung