Công an Việt Nam với tiêu chuẩn kép về mạng xã hội qua vụ ba luật sư đến Hoa Kỳ!

Diễm Thi, RFA

2023.06.29

 

Hình ảnh một chiếc iPhone hiển thị các ứng dụng cho Facebook và Messenger.  AP

 

 

Sau khi thông tin ba luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân tới Hoa Kỳ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội; Công an tỉnh Long An họp báo và cho biết chưa có thông tin chính thức về việc này nên vẫn đang khẩn trương truy tìm ba ông. Cơ quan này cũng cho truyền thông Nhà nước biết đã “phát hiện phần lớn hình ảnh từ các thông tin nói trên là cắt ghép từ các hình ảnh cũ”. 

 

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư đã đến Hoa Kỳ hôm 16 tháng 6 vừa qua, nêu quan điểm của ông với RFA về việc này, tối 28 tháng 6:

 

“Đây không phải là lần đầu tiên Cơ quan Cảnh sát Điều tra (thuộc) Công an tỉnh Long An cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng lần này khác hẳn với những lần trước khi cơ quan này không sử dụng thông tin đang lan truyền trên các trang mạng xã hội và khẳng định “chưa có thông tin chính thức về việc này” và cơ quan này đã “phát hiện phần lớn hình ảnh từ các thông tin nói trên là cắt ghép từ các hình ảnh cũ”.

 

Tôi khen ngợi tinh thần làm việc của cơ quan này, khi không dùng những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội làm căn cứ kết tội và đã có những “phát hiện” riêng cho hoạt động điều tra của họ. Tuy nhiên cơ quan này lại dường như đang trông chờ “thông tin chính thức”, cho thấy hoạt động điều tra của cơ quan này không hoàn toàn độc lập, đang chờ chỉ đạo của ai đó. Thay vì ra kết luận không có hành vi phạm tội, họ lại tăng cường truy tìm chúng tôi để ép chúng tôi xác nhận những tài liệu họ thu thập trên mạng xã hội nhằm khép chúng tôi vào tội theo Điều 331 Bộ luật Hình sự”.

 

Luật sư Nguyễn văn Miếng ở California hôm 27 tháng 6 năm 2023

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận về việc này với RFA:


“Trong suốt quá trình dài làm việc với Công an tỉnh Long An cho đến nay, lần đầu tiên, tôi hoàn toàn nhất trí, đồng tình với cách đánh giá sự việc của Công an tỉnh Long An, rằng không thể căn cứ vào những thông tin trên mạng xã hội để làm cơ sở xác định, kết luận sự việc.

 

Không chỉ biểu lộ, đồng tình và hoan nghênh, căn cứ theo đó, tôi kiến nghị Công an tỉnh Long An hủy bỏ việc điều tra theo tin báo tội phạm theo yêu cầu của Bộ Công an. Vì lẽ, toàn bộ những cái do Bộ Công an thu thập, được gọi là những chứng cứ ban đầu để gửi Công an tỉnh Long An điều tra các luật sư theo tội danh điều 331 Bộ luật Hình sự cũng đều thu thập từ trên mạng xã hội. Như thế, rất có thể những bài viết, những clips, những hình ảnh… đã bị cắt ghép, tương tự như cách đánh giá sự việc của công an tỉnh Long An cho rằng, hình ảnh các luật sư đến Hoa Kỳ là cắt ghép.

 

Tôi tin rằng, kiến nghị này nhằm bảo đảm sự đánh giá sự việc một cách nhất quán, trước sau như một, không theo tiêu chuẩn kép, rằng: Để bảo vệ quan điểm của mình thì bác bỏ thông tin trên mạng xã hội; Để kết tội một công dân thì lại căn cứ mạng xã hội. Không chỉ thế, chúng phù hợp với các nguyên tắc tố tụng hình sự về “suy đoán vô tội” và “có lợi” cho người bị điều tra hình sự”.

 

Trước khi ba luật sư này đến Hoa Kỳ, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Long An từng bốn lần gửi giấy triệu tập đến các luật sư để làm việc về nội dung liên quan đến tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an).

 

Theo đó, A05 đã phát hiện các luật sư có hành vi phát tán trên mạng đoạn clip với những hình ảnh, lời nói, bài viết với dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

 

Trao đổi với RFA, cả ba vị luật sư trên đều cho rằng, việc triệu tập họ đến làm việc trong vai trò là người bị tố giác hình sự như thế là bất hợp pháp, bởi lẽ không có quy định nào cho phép cơ quan công an được quyền triệu tập, ban hành giấy triệu tập như thế, trừ khi có vụ án hình sự đã được khởi tố. Cũng theo ba luật sư này, việc triệu tập này hoàn toàn không có cơ sở pháp luật để buộc các luật sư phải tuân thủ.

 

Công an có tin mạng xã hội hay không?

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng luôn nói không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng xã hội, thế nhưng bộ máy công quyền Việt Nam lại luôn “rình rập” trên mạng xã hội để phạt, thậm chí bắt những facebooker đăng tin mà họ coi là “nhạy cảm” về Chính phủ hoặc quan chức chính phủ.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Washington State hôm 24 tháng 6 năm 2023

 

Cơ quan an ninh, công an dùng mạng xã hội làm căn cứ bắt bớ, kết tội những người có tiếng nói khác biệt với Nhà nước, rồi chính những cơ quan này lại cho rằng, những thông tin trên mạng xã hội là không đáng tin, một số người cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thể hiện sự bất nhất trong phát ngôn và cả trong cách làm việc.

 

Nhận định về phát ngôn của đại diện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An về tin ba luật sư Thiền Am đến Hoa Kỳ là thông tin trên mạng xã hội, là hình ảnh cắt ghép… Luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA:

 

“Bản chất của công an là bảo vệ chế độ và luôn luôn phải lựa chọn các thông tin có lợi cho chính họ để họ làm công việc của họ. Công việc của họ là tìm kiếm tội phạm, xác minh tội phạm, điều tra và khởi tố.

 

Với ba luật sư sang Hoa Kỳ gần đây, họ là những người yêu chuộng tự do và dân chủ, yêu chuộng công lý và sự thật. Họ đã đứng ra bào chữa ở những phiên tòa gọi là “nhạy cảm” thì họ bị nhà nước theo dõi, để ý. Từ xưa đến nay vẫn vậy.

 

Trong trường hợp này, mạng xã hội đã đưa tin và những cơ quan truyền thông chính thức như VOA, RFA là những cơ quan ngôn luận lớn đã đưa tin thì chắc chắn là họ tin và họ đang điều tra. Thậm chí họ bám sát các luật sư rất là kỹ ngay từ ban đầu, khi chưa điều tra. Nhưng bây giờ bị hụt thì họ chữa thẹn bằng cách nói là hình ảnh cắt ghép. Họ nói lấy được để có lợi cho họ thôi”.

 

Để bịt miệng những tiếng nói trên mạng xã hội, ngoài viêc ban hành Luật an ninh mạng, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng lên tiếng yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin mà họ cho là sai theo pháp luật Việt Nam.

 

Về phía Facebook, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông đã từng cho RFA biết, nếu nội dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam thì Facebook có thể hạn chế quyền truy cập, và việc này được thực hiện ở Việt Nam cũng giống như những nơi khác trên thế giới.

 

D.T.

 

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

This entry was posted in Công an Việt Nam và sự lộng hành, Luật sư và Tòa án CS, Mạng xã hội. Bookmark the permalink.