Việt Nam ra lệnh cho mạng xã hội nước ngoài sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phát hiện nội dung “độc hại”

Thuý Hường

(VNTB) – Việt Nam yêu cầu các nền tảng xã hội quốc tế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tự động phát hiện và xóa nội dung “độc hại”.

clip_image002

Truyền thông nhà nước hôm thứ Sáu cho biết Việt Nam đã yêu cầu các nền tảng xã hội quốc tế sử dụng  trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tự động phát hiện và xóa nội dung “độc hại”. Đây là yêu cầu mới nhất đối với các công ty truyền thông xã hội của nhà nước Việt Nam, một quốc gia rất nghiêm ngặt đối với mạng xã hội.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu các công ty như Meta’s Facebook (META.O), Google’s YouTube (GOOGL.O) và TikTok phối hợp với các cơ quan chức năng để loại bỏ nội dung được cho là “độc hại”, chẳng hạn như nội dung xúc phạm, sai sự thật và chống nhà nước.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố một mệnh lệnh như vậy,” đài truyền hình nhà nước Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đưa tin về sự kiện tổng kết giữa năm của Bộ Thông tin với sự tham gia của một số tờ báo.

Bản tin không nêu chi tiết về thời điểm và cách thức các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ yêu cầu mới.

Trong nửa đầu năm nay Bộ Thông tin cho biết Facebook đã xóa 2.549 bài đăng, YouTube đã xóa 6.101 video trong khi TikTok gỡ 415 liên kết theo yêu cầu của Chính phủ.

Thông báo này được đưa ra khi các quốc gia Đông Nam Á đang soạn thảo hướng dẫn về quản trị và đạo đức cho trí tuệ nhân tạo AI nhằm đặt ra “các rào cản” đối với công nghệ đang bùng nổ, Reuters đưa tin trong tháng này.

Việt Nam trong những năm gần đây đã ban hành một số quy định cùng với luật an ninh mạng nhằm vào các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài để chống lại thông tin sai lệch trên báo chí và buộc các công ty công nghệ nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng như lưu trữ dữ liệu trong nước.

Bộ Thông tin cho biết vào tháng trước, Việt Nam đã tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok và kết quả sơ bộ cho thấy “nhiều” vi phạm của TikTok.

VTV đưa tin Bộ Thông tin cho biết tại sự kiện hôm thứ Sáu rằng, Netflix (NFLX.O) của Hoa Kỳ đã gửi các tài liệu cần thiết để mở văn phòng tại Việt Nam.

Vào tháng 5 năm 2023, Việt Nam đã đe dọa cấm các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam nếu không hợp tác với Chính phủ.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho rằng  nhiều nền tảng xuyên biên giới lớn, cho rằng, họ là các tập đoàn đa quốc gia và có tiêu chuẩn cộng đồng toàn cầu riêng, không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại trong một thời gian dài.  Ông còn đe doạ các nền tảng phải tuân thủ trước khi quá muộn: “Tôi xin khẳng định, các nền tảng đó đã phải trả giá đắt. Khi hiểu ra vấn đề, quay lại hợp tác thì đã muộn.”

Việt Nam còn dự định đến bước xa hơn là cắt internet của những cá nhân thực hiện các nội dung xấu vì cơ quan chức năng có thể truy tìm nhờ vào định danh SIM. Tiếp theo còn định danh cả tài khoản ngân hàng để theo dõi dòng tiền để ngăn chặn việc kiếm tiền bất hợp pháp nhờ vào mạng xã hội.

Xa hơn nữa, nhà nước sẽ yêu cầu các hãng sản xuất tivi thông minh không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật. Cục PTTH&TTĐT đang làm việc với 5 nhà sản xuất tivi thông minh lớn tại Việt Nam, gồm: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper… Như vậy nếu YouTube cứng đầu thì nhà nước Việt Nam sẽ cắt luôn YouTube bằng cách “vô hiệu hoá nút bấm YouTube trên điều khiển ti vi”.

Một quan chức của cục PTTH&TTĐT cho hay họ không nói chơi về chuyện này.

Các nền tảng xã hội, nhất là Facebook đang nhũn như con chi chi trước các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Những người có lượng người theo dõi lớn, những trang Facebook phản biện liên tục bị báo cáo, bị tháo gỡ nội dung nhất là thông tin về cuộc nổ súng ngày 11/6/2023 tại Dak Lak  vừa qua. Những tài khoản này còn bị de doạ “bay” luôn tài khoản nếu còn tái phạm chứ sẽ không chỉ dừng lại ở việc khoá tài khoản vài ngày rồi “bóp” luôn lượng tương tác.

Facebook, Google, Netflix, Tiktok đã đưa lần lượt từng ngón tay cho nhà cầm quyền sở tại. Chẳng mấy chốc, họ sẽ nuốt luôn cả hai bàn tay của các nền tảng này, và người thiệt thòi cuối cùng vẫn là hàng chục triệu người dùng trong nước.

T.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Quản lý truyền thông. Bookmark the permalink.