Chắc không bao giờ có một thế hệ như thế nữa

Nhân ngày lễ tang cố Phó thủ tướng Vũ Khoan

Nguyễn Quang Dy

Tin buồn anh Vũ Khoan qua đời tuy không đột ngột vì tuổi cao bệnh nặng, nhưng vẫn làm nhiều người hụt hẫng như mất một điểm tựa. Quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” tuy không chừa một ai, nhưng vẫn làm nhiều người thương tiếc khi mất một người thân. Đó là “thế hệ vàng” đang lần lượt ra đi. Chắc không bao giờ có một thế hệ như thế nữa.

***

Đó là thế hệ của những người “làm cách mạng” để góp phần dựng nước sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chứ không phải “theo cách mạng” để mưu cầu lợi ích cho mình. Đa số họ không tham gia các nhóm lợi ích trong giai đoạn quá độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, và cũng không dính tham nhũng vì không chịu đánh đổi nhân cách để làm giàu.

Đó không chỉ là đặc điểm của một thế hệ, mà còn là nhân cách của mỗi con người. Đó không chỉ là hệ quả của một giai đoạn lịch sử, mà còn là sản phẩm của mỗi gia đình. Trong bối cảnh kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, với những hiện tượng biến dạng khó nhận diện là XHCN hay TBCN, những người như Vũ Khoan trở thành “quý hiếm”.

Đó là sự khác biệt của thế hệ “người Việt cũ” với những “người Việt mới” mà Lê Kiên Thành (con trai ông Lê Duẩn) đã đề cập trong một bài viết. Tuy sự phân hóa giữa các thế hệ trong giai đoạn quá độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường là quy luật tất yếu, nhưng sự tha hóa của những “người Việt mới” vì lợi ích nhóm là một bi kịch của quốc gia.

Khi chúng tôi bước vào đời và vào ngành thì những người đàn anh đi trước như Lê Mai, Trần Quang Cơ, Vũ Khoan… là điểm tựa về tinh thần để chúng tôi học hỏi và làm việc. Có lẽ sự khác biệt duy nhất do thời cuộc xoay vần là hầu hết thế hệ các anh được đào tạo tại các nước XHCN, còn đa số thế hệ chúng tôi được đào tạo tại các nước TBCN.

Thế hệ các anh và thế hệ chúng tôi chỉ cách nhau khoảng một thập kỷ nên có nhiều điểm chung: Lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ; Được đào tạo chính quy dù dưới mái trường XHCN hay TBCN; Tuy trải nghiệm thời kỳ quá độ để chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, nhưng chưa bị “diễn biến”.

***

Tôi có nhiều dịp được làm việc với anh Vũ Khoan và rất ấn tượng bởi trí nhớ “tuyến tính” chuẩn xác của anh, và khi trình bày một vấn đề gì thường có trình tự và hệ thống. Nếu đang trình bày mà có ai cắt ngang, anh thường khó chịu. Vì vậy, mỗi khi gặp báo chí, chúng tôi thường dặn trước các nhà báo nên chờ anh trình bày xong mới đặt câu hỏi.

Có lần tham gia một hội nghị quốc tế, chúng tôi làm việc căng thẳng đến trưa ăn xong tranh thủ nghỉ một chút để chiều làm tiếp. Nhưng vừa nằm xuống chưa kịp nghỉ thì anh Vũ Khoan gọi điện bảo sang phòng anh ngay vì vừa nghĩ ra mấy ý mới cần trao đổi để viết lại, nếu chờ đến chiều sợ không kịp. Đó là một cỗ máy làm việc chuyên nghiệp.

Lần khác, trong một cuộc họp với các cơ quan trong nước do anh Vũ Khoan chủ trì (với cương vị Phó thủ tướng), khi một vị bắt đầu phát biểu với một loạt thưa gửi dài dòng theo thói quen, anh Vũ Khoan sốt ruột cắt ngang: “đây là họp làm việc nội bộ, nếu đ/c có gì trình bày thì nói ngay, đừng thưa gửi dài dòng làm mất thời gian của người khác”.

Có người ví anh Vũ Khoan như “xe cứu hỏa”. Điều đó đúng: chỗ nào khó là có Vũ Khoan. Một số người cho rằng lẽ ra anh Vũ Khoan phải làm Thủ tướng. Điều đó chỉ đúng một nửa: Việt Nam rất cần các nhà kỹ trị lãnh đạo, nhưng với thể chế hiện nay, họ rất khó làm Thủ tướng (như ông Phan Văn Khải) và không thể làm TBT (ông Võ Văn Kiệt).

***

Khi gặp nhau tại giỗ đầu anh Trần Quang Cơ, anh Vũ Khoan hỏi: “sao bây giờ cậu viết nhiều và hay thế mà trước đây không chịu viết?”. Tôi biết đó không chỉ là lời khen thân tình, mà còn có ý nhắc nhở về trách nhiệm. Trong các lý do “tại sao tôi viết”, có lời hứa ngầm với các đàn anh và đồng nghiệp đã ra đi như anh Lê Mai và anh Phạm Xuân Ẩn.

Có lần anh Vũ Khoan gọi điện cho tôi nói đang soạn một bài diễn văn quan trọng cho lãnh đạo, cần sử dụng một số ý và tư liệu trong bài viết của tôi, và nhờ tôi tìm giúp anh một số tư liệu khác có liên quan. Đó là một con người thận trọng và chu đáo. Được làm việc với những người vừa có trí tuệ vừa có trách nhiệm là một cơ hội tốt để học hỏi.

Tôi thường gửi các bài viết cho anh Vũ Khoan, Vũ Quốc Hùng, Vũ Ngọc Hoàng. Đó là “ba ngự lâm pháo thủ” tuy làm ba lĩnh vực khác nhau nhưng đều có trí tuệ và nhân cách đáng quý. Nay anh Hùng và anh Khoan đã về cõi vĩnh hằng. Người ta thường nói “ra đi là giải thoát”. Nhưng chắc anh Vũ Khoan ra đi mà tâm vẫn còn nặng trĩu vì đất nước.

Cách đây không lâu, anh Vũ Khoan đã viết và đăng một bài khá dài trên Tạp chí Cộng sản (Một thời đại mới đang dần hình thành? Vũ Khoan, TCCS, 20/1/2022). Tôi đã ví bài viết đó như “tiếng hát cuối cùng của con thiên nga” trước khi ra đi, nhưng tâm còn nặng trĩu vì đất nước đang bề bộn và ngổn ngang với những thách thức mới khó lường.

***

Theo quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”, cái gì phải đến sẽ đến, và “cái còn lại là cái vô hình” như “sắc sắc, không không”. Bài viết này là một nén tâm hương để chia tay với anh Vũ Khoan, một đàn anh và đồng nghiệp kính mến nhân ngày tang lễ. Xin chia buồn với chị Thể Lan và gia đình cùng các thân hữu về mất mát lớn này. Nam Mô A Di Đa Phật!

N.Q.D.

27/06/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nguyễn Quang Dy, Phân ưu, Vũ Khoan. Bookmark the permalink.