Huy Đức
10-6-2023
Luật Đầu tư 2014 là một trong những luật mẹ đẻ ra “trận đồ bát quái” về thủ tục. Đặc biệt, Luật Quy hoạch 2017 là một ví dụ tiêu biểu về “quan liêu”. Tôi chưa từng thấy có cái luật nào trên thế giới mà tư duy tối tăm như Luật ấy. Điều nguy hiểm hơn, Luật Quy hoạch 2017, đe dọa những nỗ lực đưa đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường [thị trường thất bại thì lấy đâu phúc lợi cho định hướng] và có nguy cơ tiến gần tới mô hình “tập trung”, mô hình đã và chắc chắn sẽ dẫn đến “quan liêu – bao cấp”. |
Trong buổi tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện” [do CLB Café Số tổ chức chiều 9-6-2023] ông Hà Đăng Sơn (một chuyên gia) có ý phê bình những người phê bình “Quy hoạch điện VII”. Ông mô tả công việc của những người làm quy hoạch là rất phức tạp và đòi hỏi trí tuệ. Tuy nhiên, ông Sơn than là Quy hoạch “quá cứng nhắc, 5 năm mới được điều chỉnh, trong khi thực tế thay đổi chóng mặt”.
Cùng trên bàn chủ tọa, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cho rằng, “Thực tế thay đổi sao không viết lại quy hoạch. Sao lại tự mình vẽ ra (quy hoạch) rồi buộc mình”. Theo ông Cung, “phải để thị trường ban hành”. Ông Cung cho rằng, “Phải thay đổi cách thức làm chính sách, phải để các nhà đầu tư đưa ra quyết định, đừng bàn nữa, đừng chỉ thị nữa”.
TS Nguyễn Đình Cung giải thích, “Thiếu điện là cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư. Thay vì ngồi xét duyệt hồ sơ [mua điện từ 85 dự án năng lượng tái tạo không kịp giá fit] thì chỉ cần dùng giá là mua được”. Nguyên Long, một nữ nhà báo rất thuộc bài và dẫn chương trình khá duyên dáng, cắt lời, “Nhưng điện là hàng hóa đặc biệt”. TS Nguyễn Đình Cung giơ hai tay lắc đầu. Có cảm giác như ông rất tuyệt vọng khi đã cố giảng giải về “thị trường” mà những người xung quanh ông vẫn tư duy “hành chánh”.
85 dự án năng lượng tái tạo [phần lớn đã xong] ngồi chờ duyệt giá và ngay cả khi EVN có mua điện của họ, cũng không thể chuyển điện ra miền Bắc nơi đang thiếu điện.
Các đại diện của EVN trong Tọa đàm này không nói ra nhưng rõ ràng không phải EVN không phải không biết năm nay miền Bắc thiếu điện, không phải không biết miền Nam sẽ dư điện nếu khai thác từ 85 dự án năng lượng tái tạo. Nhưng EVN, nơi kiểm soát 100% việc truyền tải điện, không làm đường dây 500kv nối “mạch 3” từ Vũng Áng – Quảng Trạch ra. EVN chịu ràng buộc bởi Quy hoạch điện VII và chỉ tư duy trong “Quy hoạch”.
TS Nguyễn Đình Cung nằm trong số 37 cán bộ trẻ của Việt Nam được gửi sang các nước phương Tây, năm 1992, học về kinh tế thị trường theo học bổng của UNDP. Ông là người trực tiếp thiết kế Luật Doanh nghiệp 1999.
Trong thập niên 1990s, không chỉ có những cán bộ trẻ như ông Cung, những nhà lãnh đạo của quốc gia như ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, cùng các Bộ trưởng đều hiểu, nguyên nhân chính đưa đất nước chìm xuống tận đáy là do áp dụng mô hình xô viết [khi chưa thấy sai ta gọi là “nền kinh tế kế hoạch hóa”, khi thấy sai ta gọi là “cơ chế quan liêu bao cấp”]. Họ biết, chỉ có kinh tế thị trường mới “đánh thức được tiềm lực” của dân, của nước.
Toàn bộ cơ chế chính sách được thiết lập trong giai đoạn ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng đều là khai thông, là thiết lập một hành lang pháp lý cho kinh tế thị trường. Việt Nam lúc đó đã chấp nhận các đòi hỏi của phương Tây qua các hiệp định song phương, đặc biệt là Hiệp định BTA với Mỹ, qua các định chế quốc tế như UNDP, IMF, WB… và về sau là WTO để sửa hàng trăm điều luật. Tôi hay nói với trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương, “Điều gì ở trên bàn đàm phán, các anh thua thì nhân dân Việt Nam chiến thắng”. Đấy không phải là một câu đùa. Ông Lương cũng thừa nhận là hầu hết những điều họ đòi hỏi là cần thiết cho nền kinh tế và mở ra cho dân mình.
Luật Doanh nghiệp 2005, là một trong những văn bản luật cuối cùng được sửa theo tinh thần cam kết gia nhập WTO [không còn phân biệt doanh nghiệp nước ngoài và trong nước]. Những quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn trên tinh thần ấy, thông thoáng.
Hôm qua, PTGĐ EVN, ông Võ Quang Lâm nói rằng, “Sau đường dây 500 kV mạch 1, được làm dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ta có mạch 2, làm rất nhanh, hoàn thành năm 2005. Nhưng, mạch 3, đoạn từ Vũng Áng – Quảng Trạch ra, nếu làm không thể nào nhanh được vì thủ tục vô cùng rắc rối”.
Số 6 Hoàng Diệu là trụ sở của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nhưng từ “sào huyệt của quan liêu bao cấp” ấy, “con đẻ” của Ủy ban, Bộ Kế hoạch Đầu tư lại đã cung cấp cho đất nước các tác giả của những chính sách đổi mới. Nếu Bộ Kế hoạch Đầu tư “tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ” từ cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải thì về chính sách, chúng ta vẫn có thể theo hướng thị trường.
Từ 2011, một thế hệ lãnh đạo mới bắt đầu thay thế. Khi ở cấp trung ương, nhiều nhà lãnh đạo cay đắng nhận ra “con đường làm khánh kiệt quốc gia” thì họ đang ở cấp rất thấp hoặc đang ở địa phương. Khi các nhà lãnh đạo đổi mới biết mình phải “học phương Tây” để có kinh tế thị trường, thì họ đang bổ sung các chứng chỉ chính trị để tìm đường thăng tiến.
Họ không thực sự hiểu kinh tế thị trường mà đang nắm kinh tế thị trường; họ không có tư duy chính sách mà say sưa làm chính sách.
Luật Đầu tư 2014 là một trong những luật mẹ đẻ ra “trận đồ bát quái” về thủ tục. Đặc biệt, Luật Quy hoạch 2017 là một ví dụ tiêu biểu về “quan liêu”. Tôi chưa từng thấy có cái luật nào trên thế giới mà tư duy tối tăm như Luật ấy. Điều nguy hiểm hơn, Luật Quy hoạch 2017, đe dọa những nỗ lực đưa đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường [thị trường thất bại thì lấy đâu phúc lợi cho định hướng] và có nguy cơ tiến gần tới mô hình “tập trung”, mô hình đã và chắc chắn sẽ dẫn đến “quan liêu – bao cấp”.
Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng của TS Nguyễn Đình Cung. Làm sao mà không đau khi cũng từ số 6 Hoàng Diệu có những thế hệ đã từng khát vọng xây dựng kinh tế thị trường và đã “thể chế hóa” thành công những khát vọng ấy. Cũng từ số 6 Hoàng Diệu, lại xuất hiện tác giả của những chính sách đi ngược với kinh tế thị trường. Đau nhất là không rõ, họ có biết họ đang làm gì với đất nước.
H.Đ.
Nguồn:FB Truong Huy San