Nguồn lực cho khoa học công nghệ giảm đến “báo động”

Hồng Chiêu 

Có hàng chục ngàn nghiên cứu và các nghiên cứu ấy khi dùng ngân sách nhà nước là dùng thuế dân thực hiện.

Đem thuế dân xài rồi không tính được hiệu quả mà Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói “rất khó tính toán, xác định cụ thể việc này” thì quá lạ!

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đã nói “điểm kích nổ” trong chính sách để bứt phá về KH-CN chính là nhân tài: “Chỉ nhân tài KH-CN mới làm thay đổi diện mạo KH-CN Việt Nam, đóng góp phát triển kinh tế, năng lực phòng thủ quốc gia. Nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước, trước hết là các nước bên cạnh”.

Thì thưa cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ông cần mời những người làm khoa học công nghệ (rất rất rất hiếm) tại Việt Nam đến và lắng nghe xem họ đang gặp vấn đề gì.

Thẳng thắn với Bộ trưởng là các thuộc cấp của ông tại địa phương cũng… giống y như ông khi trả lời lạc đề tại Quốc hội. Khi tôi hỏi họ về chính sách ưu đãi khoa học công nghệ mà Luật đã công bố kiểu “có ưu đãi như có cơm, sao không cho doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp cận” thì được trả lời kiểu “chính sách như nước, đói quá thì uống nước cầm hơi đi…”.

Ngay cả Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, muốn vay còn khó và trên thực tế giải ngân nhỏ giọt thì nên đóng Quỹ lại để ngân sách vốn dành cho khoa học công nghệ khỏi thêm cảnh gửi ngân hàng.

Chiến lược Quốc gia về KHCN được công bố nhưng chỉ số đóng góp về khoa học của Việt Nam cho thế giới rất thấp, cần nói rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học công nghệ đến đâu.

P/s: Nhà khoa học chỉ biết làm khoa học, cán bộ đòi nhà khoa học phải ngoan, phải chung chi là vậy. Bộ trưởng cần bằng chứng tôi đưa Bộ trưởng đi gặp từng người để họ nói được họ bị hành ra sao.

FB Mai Quốc Ấn

 

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trong phiên chất vấn chiều 7/6. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ giảm dần qua các năm, từ 1,1% năm 2017 còn 0,82% vào năm 2023.

Tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chiều 7/6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguồn lực cho khoa học công nghệ chưa đạt yêu cầu. Mức đầu tư quá thấp so với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị – đảm bảo từ 2% chi ngân sách cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và tăng dần theo nhu cầu.

“Đây là điều báo động, có nguyên nhân là bộ ngành, địa phương không bố trí vốn hoặc vốn rất thấp, chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn”, ông Dũng giải thích.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trong tổng chi ngân sách 0,82% cho khoa học công nghệ trong năm nay thì chi đầu tư 0,23% còn thường xuyên 0,58%. Trong khi đó tỷ lệ chi ngân sách năm ngoái là 1,1%.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khoa học công nghệ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật song còn nhiều vướng mắc cần gỡ. Trong đó, tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư dàn trải.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến góp ý đại biểu để khắc phục hạn chế trong lĩnh vực quản lý.

Trong nhóm vấn đề chính mà ông Huệ nhắc các bộ ngành cần khắc phục, có tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết hiện không xác định được số liệu chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ theo Luật Đầu tư công tại các địa phương. Ông đề nghị sửa đổi quy định để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển mảng này.

H.C.

NguồnVNExpress.net

 

This entry was posted in Khoa học công nghệ. Bookmark the permalink.