Vì sao phong trào dân chủ ở Thiên An Môn thất bại?

Trong khi đó, cùng thời điểm, Cộng sản Đông Âu lại sụp đổ

Dương Quốc Chính

Nhân sự kiện Thiên An Môn – Ngày 5 tháng 6, tác giả đăng lại bài viết cách đây 3 năm, nhưng rõ ràng hôm nay cách nhìn này vẫn nguyên tính thời sự.

Bauxite Việt Nam

Có một đặc điểm chung ở cả Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc là cách mạng màu nổ ra khi chính lãnh đạo đảng đổi màu (tự diễn biến). Phải nói là cách mạng màu ở Đông Âu dẫn đến hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô (LX) sụp đổ thì công của TBT/TT Liên Xô Gorbachev là rất quan trọng. Lúc đó quân đội LX vẫn đóng ở các nước Đông Âu, đặc biệt là ở Đông Đức. Nhưng khi có biểu tình thì quân LX được lệnh cấm trại, không can thiệp. Trong khi mấy chục năm trước, quân đội LX đã từng đem xe tăng đi đàn áp biểu tình ở Hungary và Tiệp Khắc. Đông Đức lúc đó là tiền đồn XHCN nên sự kiểm soát quân sự của LX lại càng chặt chẽ. Tương tự vậy, quân LX ở các nước Đông Âu còn lại đều án binh bất động.

Thực tế lúc đó Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản LX là TBT của các TBT Đảng CS Đông Âu, người lãnh đạo tối cao đã bật đèn xanh thì dân Đông Âu tự tin mà làm cách mạng thôi. Thực tế là quân đội các nước sở tại cũng không hề đàn áp. Nếu có đàn áp bằng xe tăng như TQ, thì cách mạng cũng dễ bị dập tắt. Cách mạng Tháng 8 cũng vậy. Quân Nhật đã cố tình không can thiệp, nên Việt Minh mới cướp chính quyền bằng cuốc thuổng gậy gộc được.

Ở chính LX, cuộc cải tổ của Gorbachev khiến phe bảo thủ bất mãn, họ đã tổ chức đảo chính, giam lỏng được Gorbachev. Nhưng Yeltsin đã phản đảo chính thành công với hình ảnh ông đứng trên tháp pháo chiếc xe tăng của phe đảo chính. Tức là quân đảo chính đã quay nòng súng (tự diễn biến). Đây là hình ảnh đối lập với những chiếc xe tăng Trung Quốc nghênh ngang chạy giữa đám biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn (TAM).

Vậy, vấn đề ở chỗ là chính lãnh đạo đảng phải tự diễn biến và những kẻ cầm súng phải không can thiệp, thì cách mạng màu mới có cơ hội thành công. Làm thế nào để điều đó xảy ra? Kinh nghiệm ở Đông Âu và TQ là rất khác nhau.

Ở TQ, Quân đoàn 27, được giao nhiệm vụ đàn áp biểu tình, có quá nửa quân số là không biết chữ, họ có gốc gác ở xa Bắc Kinh, nên sẵn sàng giết dân Bắc Kinh một cách cuồng tín. Thậm chí họ giết luôn một số quân nhân đơn vị bạn lúc đó vẫn đang canh giữ ở TAM, dùng xe tăng mà, sao phân biệt được. Quân đội LX không đến nỗi ngu dốt và cuồng tín như vậy, nên họ quay nòng súng chỉ vì Yeltsin thuyết phục.

Phe bảo thủ ở TQ năm đó vẫn còn rất mạnh, cho dù 2 TBT liên tiếp có cải cách. Bố già Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó. Đặng tuy chả bao giờ nắm chức vụ cao nhất trong đảng và nhà nước cũng như Chính phủ nhưng lại là người có quyền lực thực sự lúc bấy giờ. Ông vẫn đang là chủ tịch quân ủy trung ương (Chủ tịch Uỷ ban quân sự Trung ương). Đó là một sự đặc biệt trong chính trị TQ, khi mà 2 TBT liên tiếp lại không có quyền lực tối cao trên thực tế. Đó là lý do khiến Đặng có thể chỉ đạo đàn áp biểu tình.

Trong khi đó, Gorbachev (lãnh đạo tối cao LX và Đông Âu) lại không đàn áp. Ở Đông Đức hay Rumani, TBT Đảng vẫn không chấp nhận cải cách, nhưng họ không đủ sức mạnh để đàn áp khi LX bất động. Kết cục là TBT Honecker (Đông Đức) phải trốn sang LX và TBT Ceaucescu (Rumani) bị tử hình.

Biểu tình ở TAM chỉ diễn ra ở Bắc Kinh, tuy có lúc có tới 300 ngàn người tham dự, nhưng đa số là sinh viên. Vì thế nên nó đơn độc ở một địa phương và chỉ một tầng lớp (dân Bắc Kinh có tham gia nhưng ít). Như vậy, chứng tỏ dân trí TQ lúc đó đa số chưa có nhận thức về sự cần thiết phải có dân chủ, chỉ có nhóm SV có nhận thức cao và đủ manh động là có nhận thức cao hơn. Nếu biểu tình diễn ra ở nhiều nơi thì chắc quân đội TQ cũng không dám đàn áp.

Trong khi đó, dân Đông Âu và LX vốn có dân trí cao hơn dân TQ nhiều, họ đã diễn biến sâu sắc đến nhiều tầng lớp dân chúng, đặc biệt là trong nội bộ Đảng CS. Như ở Ba Lan hay Tiệp Khắc, Hungary… các lãnh đạo đảng trước đó đã nhượng bộ dân rất nhiều để cải cách dân chủ. Thậm chí Ba Lan đã cho bầu cử tự do; Công đoàn Đoàn kết đã được công nhận như một tổ chức đối lập. Đây là gốc rễ của cách mạng màu.

Dân TQ gần như vô thần, lại ảnh hưởng Nho giáo (trung quân, ái quốc) nặng, nên trung với đảng hơn. Trong khi dân Đông Âu đa phần theo Thiên Chúa giáo, là thế lực không bị chính quyền Cộng sản kiểm soát, chế độ phong kiến trước đó cũng “dân chủ” hơn là phong kiến TQ. Vì thế mà dân Đông Âu dễ tự diễn biến.

Về kinh tế, đến năm 1989, TQ đã đổi mới kinh tế theo thuyết mèo trắng, mèo đen của Đặng được 10 năm, đã có những thành quả nhất định. Do đó uy tín của Đặng cũng lên cao. Dân cũng không quá đói khát, nên có lẽ dân TQ vẫn tin tưởng vào Đặng và Đảng CS TQ, chưa tự diễn biến.

Trong khi đó, Đông Âu và LX năm 1989 lại rơi vào suy thoái kinh tế cả chục năm. Kinh tế kiệt quệ mà dân trí lại cao, lại có đạo, thì cách mạng ắt phải diễn ra.

Gorbachev có cách làm ngược với Đặng Tiểu Bình ở chỗ, Gorbachev cải cách dân chủ đồng thời với cải cách kinh tế, nhưng kinh tế thì phát triển chậm trong khi dân trí về dân chủ lại tiến nhanh. Trong khi Đặng thì cải cách kinh tế hiệu quả đồng thời bóp nghẹt dân chủ, nên dân TQ bụng thì no mà đầu thì u tối, nên không có động cơ làm cách mạng.

Đó là các lý do khiến CS Đông Âu sụp đổ trong khi CS TQ vẫn bền vững đến giờ. Triết lý thành công của TQ chỉ là làm sao để cho đa số dân bụng thì no mà đầu thì u tối. Đông Âu và LX thì lại ngược lại nên sụp đổ.

4/6/2019

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

This entry was posted in Mặt thật Trung Quốc, Thiên An Môn. Bookmark the permalink.