Bùi Thanh Hiếu
…
Gần đây rất nhiều người hỏi tôi vì sao người này, người kia đã ngừng đấu tranh, không còn hoạt động gì nữa mà vẫn bị công an Việt Nam bắt và xử án nặng?
Tôi trả lời tôi đã từng viết bài có tên là Chúng ta đều ở trong rọ, bài viết đại khái là khi chúng ta làm gì đó, công an chưa bắt ngay, đến ngày nào đó họ cần đối thoại về nhân quyền, cần thành tích lên chức, họ bắt người đấu tranh. Có rất nhiều người cũng đã trả lời câu hỏi này trên mạng xã hội, nội dung là do cộng sản ác độc, muốn trấn áp những người đấu tranh ôn hoà để duy trì quyền lực.
Hôm nay có anh bạn đến chơi, anh muốn mượn xe 9 chỗ của tôi chở gia đình anh đi dự đám cưới họ hàng, anh bạn từng là một trong những admin của trang Dân Luận lừng lẫy một thời, cho đến khi làn sóng Facebook đánh bẹp các trang website, trang Dân Luận mất dần lượng người đọc và rồi hình như cũng chẳng còn hoạt động nữa, nhất là khi phong trào Con đường Việt Nam được khởi xướng trên trang có nhiều thành viên ly tán bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Anh bạn đã có tuổi, vợ sinh con nhỏ, anh đi làm ở nhà hàng đến tối mới về. Chẳng còn thời gian cũng như sức lực mà lên facebook chiến đấu nữa. Viết thì không phải sở trường, cập nhật tin thì nhiều trang facebook trẻ trung, năng động và am hiểu kỹ thuật họ làm tốt hơn anh nhiều.
Tôi làm cho anh bát phở to ú hụ, gấp đôi người khác vì biết cơ thể đồ sộ của anh phải cần như vậy.
Lúc trà thuốc, anh lại hỏi tôi câu hỏi mà bao năm qua, đã bao nhiêu người hỏi tôi.
– Sao bọn Lân Thắng, Lâm Bùi có làm gì nữa đâu, bọn nó chăm con bỏ mẹ, mà lại bị bắt nhỉ?
Tôi nhớ, anh chính là người đã đăng bài Chúng ta đều ở trong rọ của tôi lên trang Dân Luận hơn 10 năm trước, chắc chắn anh không quên nội dung bài đó.
Trích đoạn:
”Là chúng ta, những người viết blog sẽ có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi mà cơ quan an ninh muốn. Không phải ngày hôm nay chúng ta ngừng viết, chúng ta không sờ đến bàn phím nữa, chúng ta sẽ yên lành. Chúng ta đều ở trong rọ, đến thời hạn cần thăng chức, lên lon, xét duyệt, thời điểm cần vụ án chính trị để phục vụ mục đính chính trị. Người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta. Những bài viết mà chúng ta viết đều được một bộ phận theo dõi in ra, một bộ phận sẽ cần mẫn hàng ngày đọc từng câu, dòng để vạch xanh đỏ vào đó đánh dấu rồi kết luận bên lề là ”điều 88”, “điều 79”. Khi cần, rất nhanh chóng, những tập giấy in bài viết này được chuyển sang bên Sở Văn hoá TTTT cho các “chuyên gia” thẩm định trong vòng vài tiếng cho hợp lệ”.
Bây giờ anh vẫn hỏi tôi chuyện này.
Tôi không phải là cơ quan an ninh bắt người, cho nên những câu trả lời của tôi thế nào cũng chỉ là cảm nhận. Nếu là cảm nhận thì nói riêng với anh em thân thiết với nhau chẳng có vấn đề gì, nhưng viết ra công khai đăng lên mạng là điều cần phải cân nhắc. Không chừng viết ra lại bị quy rằng làm nhụt chí người đấu tranh, phá hoại phong trào đấu tranh dân chủ.
Anh bạn nghe tôi kể cảm nhận của bản thân, sau vài chuyện về làm ăn rồi đi ngủ.
Tôi thức mãi đến 1 giờ đêm, dậy pha trà và quyết định viết lại những gì tôi đã kể với anh.
***
Hồi đó em và Lân Thắng, Trương Dũng bị bắt trong một khách sạn ở thành phố Vinh lúc mờ sáng. Hơn trăm cảnh sát và dân phòng bao vây kín khách sạn, bọn em được đưa lên xe kín chở về công an TP Vinh. Buổi trưa bọn em ăn cơm ở nhà ăn công an thành phố, ngồi cùng bàn có cả đại tá, thiếu tướng. Đến chiều thì Lân Thắng và Trương Dũng được thả ra khỏi công an thành phố. Riêng em bị giữ lại đến tối, nằm trên cái giường trong phòng của cán bộ nào đó, tầm 8 giờ người ta mới bảo em:
– Ngoài kia họ muốn chúng tôi đưa anh về, giờ không có chuyến bay nào cả. Chúng mình đi xe ô tô vậy. Trước khi đi anh cho chúng tôi chụp anh kiểu ảnh để làm bằng chứng anh khoẻ mạnh không bị đánh đập gì khi ở đây.
Em ra bàn uống nước ngồi, hai tay xếp khoanh trên bàn, nở nụ cười cho họ chụp ảnh.
Sau đó họ đưa em ra một chiếc xe con 7 chỗ ngồi, có 6 người công an cùng đi, lái xe cũng là công an. Họ mặc sắc phục, quân hàm đại tá, thượng tá, thiếu tá đủ loại.
Xe đi nửa đường, họ dừng lại trước một quán ăn khá to. Viên đại tá bảo em: – Chúng ta vào đây nghỉ, ăn gì đó.
Vào quán họ gọi gà luộc và bia, em ăn bát phở và không uống. Em ăn xong trước, ra bàn uống nước ngồi. Những quán ăn ven đường quốc lộ hay có cái bàn đặt bên ngoài, có bộ ấm chén, trà xanh, điếu cày cho khách dùng. Ông chủ quán thấy tốp khách công an đi đêm, chắc nghĩ có chuyện gì quan trọng lắm, đến gần em lân la hỏi.
– Các anh đi công tác gì mà đêm khuya vất vả thế?
Em bảo: – Công tác mẹ gì, tôi là người bị bắt, còn mấy ông kia là người áp giải. Ông nhìn tôi mặc thường phục như này, họ mặc như kia mà không nhận ra à?
Tất nhiên ông ta chẳng nhận ra và cũng chẳng tin lời em nói, vì có thằng tội phạm nào bị bắt mà nhởn nhơ ăn xong ra uống trà, hút thuốc lào trong khi mấy ông áp giải đang ăn uống bên trong.
Ăn xong, uống nước trà xong. “Đoàn Công Tác” bọn em lại lên đường ra Hà Nội.
Đến Hà Nội 7 giờ sáng, em được đưa vào Hà Đông, nơi trụ sở của an ninh thành phố Hà Nội. Họ bàn giao em cho một cô công an khá xinh, đồng thời đưa một số giấy tờ cho cô ấy ký và chào em rồi đi.
Em ngồi với cô công an, hỏi cô ấy có mua hộ cho em bao thuốc lá được không. Cô ấy cười xoè, bảo thuốc lá thì em có đầy tủ, rồi cô mở tủ lấy ra bao 555 đưa em. Hỏi bao tiền, cô bảo mấy khi mời được anh Buôn Gió bao thuốc. Hỏi sao cô sẵn thuốc và trà thế, cô bảo việc cô liên quan đến tiền nong, tiếp phẩm, kế toán, thủ quỹ.
Lúc sau người làm việc với em đến, là người từng triệu tập em nhiều lần. Anh ta nhìn xấp giấy mà cô công an kia đưa, nhìn em rồi chửi thề.
– Đm ông ra đây mà xem, mình ông đưa từ đấy ra mà mất từng này tiền, làm gì đến 6 người đưa ông ra. Toàn các ông tranh thủ đi thăm con học, ở lại còn tính tiền khách sạn sang nữa.
Em hỏi ngạc nhiên: – Thế các ông phải trả tiền cho họ à?
Người kia nói: – Chứ còn gì nữa, hạch toán độc lập, chúng tôi đề nghị họ đưa ông ra đây thì chúng tôi phải chịu chi phí đó.
Em không nhịn được cười, vì em nghĩ em là quan trọng lắm nên mới được công an Vinh cho ăn uống cùng bàn, được xe riêng có 6 người áp giải mà không bị còng tay, không bị quát mắng gì. Hoá ra là các ông công an Vinh tranh thủ làm chuyến đi thăm con, mang em ra làm cái cớ để quyết toán chi phí. Cười vì mình ngộ nhận, nhưng cũng bật cười vì cái cách ông kia cay cú bị mất tiền vì mình.
Nhưng rồi em không cười nữa, em cảm thấy lo sợ. Vì bản chất em là con buôn, em ngồi ngẫm lại mấy năm qua người ta đi theo dõi em khắp nơi, người ta lên tận công an Lạng Sơn gặp em đến mấy xe ô tô, người ta theo em về Hải Phòng, Nam Định… nữa. Nếu mà tính người và của thì họ tốn khá nhiều. Ngay cả chính cái ông hỏi cung này, có hôm giữ em lại bảo ở trong phòng ngủ công an, em bảo ngủ đây nhìn toàn quần áo công an treo trên tường, sợ không ngủ được, em đòi ngủ khách sạn. Ông ấy xin xe ô tô chở em ra khách sạn, chọn phòng 4 giường để thêm ông nữa ngủ cùng. Sáng dậy còn đi ăn phở, trưa ăn cơm trong nhà ăn công an, thịt gà, hải sản đủ thứ. Lúc ăn có ông còn nói, nhờ có anh mà bọn tôi được ăn thêm nhiều món như này đấy.
Em nghĩ đấy là tiền ngân sách, nhưng họ phải hạch toán.
Và cũng như con buôn, họ phải kê khai số tiền đã chi ra vào em, và kết quả họ thu được, như anh em mình đầu tư nhà hàng, bỏ vốn rồi tính thu lời ấy.
Cái lời của cơ quan an ninh nó khác với con buôn. Họ triệu tập làm việc nhiều lần, thấy mình không liên quan đến tổ chức gì, chỉ riêng mình làm, nếu mình nhận lỗi, họ bảo mình viết kiểm điểm và hứa không tái phạm, mong được tha thứ. Họ cho mình về với lời đe là tạm ngừng làm việc để trình cấp trên. Mình về và không hoạt động, không viết lách gì thời gian dài dài qua vài năm thì họ xếp hồ sơ. Coi như đã xong chuyên án xử lý đối tượng chính trị, kết luận đối tượng đã bị khuất phục không còn thái độ chống đối nữa. Cái bản kiểm điểm và xin được tha thứ ấy chính là bản quyết toán hay gọi là chốt lãi của cơ quan an ninh.
Có người đã viết như thế, sau về một thời gian lại hoạt động, bị bắt luôn chẳng cần phải triệu tập thêm lần nào nữa. Vì đã có bản kiểm điểm hứa không tái phạm, xin được tha thứ, nay lại hoạt động thì sẵn đó rồi cứ thế họ khiêng đi.
Nhiều người bị triệu tập, thái độ của họ ngoan cường, đối đáp khẳng khái với cơ quan an ninh. Họ vẫn được về, một thời gian sau lại bị triệu tập dù họ hoạt động có giảm hơn trước. Đây mới là triệu tập chốt sổ lờ lãi. Nếu tinh thần vẫn khẳng khái thì chỉ nhanh chậm dăm bữa sau là bị bắt tù.
Vì giáo dục, răn đe, doạ nạt không hiệu quả, đối tượng không khuất phục, do đó dù đối tượng đã ít hoạt động hơn trước nhưng bản chất không thay đổi, chỉ tạm lắng chờ dịp. Cho nên kết luận chốt sổ cho đi tù, để còn hạch toán dứt điểm chuyên án này, lập ngân sách cho chuyên án khác.
Kiểm điểm rồi xin tha thứ là việc em không thể làm rồi, không phải em anh hùng mẹ gì. Mà em biết tính em hay ngứa miệng, kiểu gì có lúc lại nói. Làm kiểm điểm xin tha thứ như thế càng làm mình bị bế đi nhanh. Còn anh hùng khẳng khái khẳng định lập trường muốn thay đổi chế độ thì bị bế càng nhanh, nhưng như em nói rồi, em có phải anh hùng đâu mà khẳng khái.
Thế là em chơi bài với họ. Tôi biết gì về dân chủ hay đa nguyên đâu, mấy thứ đó thực tình loại lưu manh như tôi làm sao hiểu nổi, tôi còn học chưa hết cấp ba. Chẳng qua nhìn mấy cái chuyện lặt vặt thì ngứa mồm mà nói thôi. Ngoài hàng trà đá xe ôm người ta cũng bàn tán như thế hàng ngày. Mấy chuyện tầm phào như thế mà kiểm điểm hay xin tha thứ thì các anh thừa thời gian và người quá. Chuyện vặt người ta buôn dưa lê ngoài hè đường như đánh đề, độ bóng mà nâng tầm như thế thì các anh hết việc quan trọng làm rồi.
Em được về, nhưng em biết chưa đến lúc họ chốt sổ. Dù sao tiền và công sức an ninh Việt Nam bỏ ra với em cũng nhiều hơn người khác rồi. Chỉ vài tháng nữa thôi, sẽ có lần triệu tập chốt sổ. Em về liên hệ với bên Đức, nơi đã gửi giấy học bổng cho em lần trước nhưng bị cấm xuất cảnh, họ nói sẽ can thiệp để em đi.
An ninh lại gọi em lên, họ chỉ thăm hỏi em rất tình cảm, rồi mời em ra quán ăn. Họ nói em là người tài, nếu thích viết thì họ nhận em làm báo Công an Thủ Đô hay Hà Nội mới, hoặc không muốn viết mà muốn làm nghề quảng cáo thì họ cấp cho hợp đồng treo băng rôn, cờ quạt của thành phố, việc có quanh năm tha hồ dư dật.
Em bảo làm quảng cáo cũng hay, nhưng mà em quyết đi Đức thời gian cho các anh đỡ bận tâm rồi.
Họ không ngạc nhiên khi em nói sẽ đi, họ bảo em nên ở lại làm gì cho đất nước, kể cả mảng tiêu cực cũng cần người viết, nhưng viết phải đăng báo nhà nước đàng hoàng, có lương, có đãi ngộ chứ đăng trên mạng rồi thỉnh thoảng nhận vài ba đồng của bọn nước ngoài làm gì.
Em cảm ơn và vẫn nói sẽ đi Đức.
Ba ngày sau, Giám đốc Chung Con cho người gọi em lên CATP, đưa cuốn hộ chiếu mới và nói: – Thôi anh đi thì chúng tôi cũng chẳng giữ làm gì, chúc anh đi nhiều may mắn.
***
Bây giờ đã 3 giờ sáng, câu chuyện mà tôi kể với anh bạn đã viết lại xong. Có thể nhiều người đấu tranh sẽ không thích câu chuyện này, vì nó chỉ đơn lẻ trong bao nhiêu trường hợp bị an ninh trấn áp, không khái quát được toàn bộ bản chất của an ninh cộng sản Việt Nam.
Nhưng nó là câu chuyện có thật hoàn toàn và những suy nghĩ thật sự của tôi để mong ai đó cân nhắc khi gặp lần chốt sổ tính lờ lãi của an ninh.
Chúng ta vào thời điểm này không thể làm ra một cơn sóng thần quật đổ ngay tức khắc chế độ này, chúng ta cũng không thể làm ra mùa xuân Ả Rập, cách mạng Đông Âu trong thời điểm này, chúng ta không thể thức tỉnh ngay được hàng triệu người dân xuống đường biểu tình vào lúc này. Đó là sự thực cần được nhìn nhận, chứ không phải là sự hèn nhát mà nói vậy và không phải là dư luận viên cài trong hàng ngũ đấu tranh nói vậy để làm suy giảm tính đấu tranh.
Cứ mệt mỏi, lo lắng ở những lần triệu tập đầu tiên rồi dừng lại, khi mà chuyên án còn là quả trứng, chưa nở thành con gà. Thành gà rồi thì các bạn biết đấy, sớm muộn cũng bị chốt sổ. Người khác sẽ tiếp nối hình thành quả trứng rồi dừng lại, để người khác tiếp nối lại hình thành quả trứng. Chúng ta cần nhiều quả trứng vào giai đoạn này chứ không phải cần có quả trứng nào nở thành gà luôn rồi kết cục là bị thịt.
Ảnh anh bạn Trần Minh Trường, nguyên học viên trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây, đấu tranh cho dân chủ Việt Nam từ thời bức tường Berlin sụp đổ, nick admin Dân Luận là Hồ Gươm.
B.T.H.
Nguồn: FB Thanh Hieu Bui