Du Uyên
Sau dịch, người ta nói nhiều về việc “đánh thức” ngành du lịch, và thật đáng buồn khi nhiều báo cáo cho hay khách ngoại quốc đã chê Việt Nam, chọn du lịch Thái, Mã Lai, Tân Gia Ba… Ngay cả khách Việt (ví dụ tôi và bạn bè mình) cũng thích đi nước ngoài hơn trong nước. |
Lý do khách ngoại quốc chê Việt Nam không chỉ chuyện tiền vé máy bay mắc, không dễ dàng xin thị thực, lệ phí visa cao… mà còn là ở sự thiếu tử tế được bày ra một cách đồng bộ, từ quan chức có trách nhiệm quy hoạch các địa điểm du lịch ở Việt Nam tới người quản lý, phát triển ngành du lịch VN và cả người dân Việt.
Có nhiều du khách sau khi từ Việt Nam về đã lên các nhóm/hội du lịch ở nước ngoài cảnh báo nhiều lưu ý cho ai có ý định tới Việt Nam: Nào là hãy làm quen với việc bị chen ngang khi xếp hàng, quen với việc trễ giờ của bất kỳ ai, quen với việc người bán nói thách giá món hàng – không trả giá thì mua đồ bị “hớ” ráng chịu, coi chừng bị “dụ” ở hộp đêm…
Thứ được nhắc tới như “đặc sản” ở Việt Nam không phải rừng vàng biển bạc mà thứ mang tên “giao thông”.
Nhiều người cho là ở Việt Nam, đèn giao thông được gắn rất nhiều, nhưng gần như không tồn tại trong mắt người đi đường. Nữ nhà văn Đức Juli Zeh đã sáng tác luôn cuốn sách “Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” ngay trong ba tuần đi từ Bắc đến Nam của Việt Nam năm 2010, trong đó thì “giao thông” cũng là một ác mộng khó quên đối với cô. “Trên đường phố, người ta đi xe máy như thể luôn thừa một ngón tay để bấm còi, có thể vừa hút thuốc, vừa nghe điện thoại, vừa giữ một đứa bé khi đang chạy xe. Họ không quá lo sợ cái chết. Dòng xe cộ hòa vào, tách ra, quấn lấy nhau, đan vào nhau như một màn xiếc tập thể. Phía trên đám đông đang di chuyển là những chùm dây điện như những con rắn khổng lồ cuộn trên cột. Đường phố lộn xộn. Kiến trúc đô thị lộn xộn. Môi trường cũng “lộn xộn”, rác vứt tứ tung, từ nội thành ra ngoại thành” – Nữ nhà văn Đức Juli Zeh viết trong sách. Bà cũng kể là bà đã phải mua ly rượu với giá cắt cổ ở một khách sạn nhưng vẫn bị nhân viên dựng dậy lúc nửa đêm chỉ vì điền thiếu tên đệm trên hóa đơn.
"Ở Việt Nam – một đất nước nghèo hơn Đức rất nhiều nhưng giá đất lại cao khủng khiếp và người dân vẫn lựa chọn mua đất, xây nhà. Dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) là những người đàn ông đội nón cối, những người đàn bà đội nón lá cặm cụi trồng cấy. Chỉ cách đó vài cây số là một linh hồn mới của Hà Nội, những tòa cao ốc đang mọc lên. Trên đường phố Sài Gòn, nơi các thương hiệu phương Tây san sát nhau, các công ty hiện đại vẫn bài trí văn phòng theo chỉ dẫn của thầy địa lý…”.
Được viết vào năm 2010, nhưng ghi chép về Việt Nam của Zeh đến giờ vẫn còn mới tinh, vì Việt Nam vẫn “bầy hầy” như vậy, thậm chí tệ hại hơn, khi những cảnh đẹp được bà khen năm xưa, nay đã xấu đi khi “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Các cao ốc, resort, “tiểu Châu Âu”, “tiểu Trung Quốc”, những “khu du lịch tâm linh”… được dựng lên bằng cách phá núi, lấp biển, cạo trọc đồi núi… Đó là sự không tử tế của những người nắm trọng trách quản lý và phát triển ngành du lịch và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, khi cố xóa bỏ dấu ấn thuộc địa và bản sắc từng vùng của Việt Nam xong xây lên cái khác một cách chắp vá loang lổ, chủ yếu để nhận hoa hồng, ăn “sắt, thép, tôn, gạch".
Một người bạn (ở Mỹ) nói với tôi: “Việt Nam và Trung Quốc có lẽ là 2 nước duy nhất trên thế giới sùng bái Châu Âu đến điên cuồng. Họ copy mọi thứ từ Châu Âu, nhưng họ không hiểu rằng, người Châu Âu đến VN du lịch là để được thấy bản sắc Châu Á. Nếu rập khuôn theo mô hình Âu – Mỹ, người ta chẳng thèm đến, vì bản gốc của họ còn đẹp và thật hơn ngàn lần. Ở quê nhà, họ có dịp thăm những bản gốc đẹp hơn. Có lẽ là những tay quan đầu ngành du lịch đã được cho đi nước ngoài thăm và học hỏi mô hình du lịch, thấy đền đài nguy nga quá, nên với trí tuệ sơ đẳng của họ, họ nghĩ rằng nơi đó đông khách vì thiết kế đẹp (của Châu Âu) và ra sức nhồi nặn bản copy. Trong khi họ không biết rằng, chính cái đặc trưng, cái dân dã của VN mới có sức hút du khách phương Tây, một khi copy, họ vừa cười nhạo, vừa không bao giờ muốn trở lại.
Khi du lịch, du khách muốn tìm thứ mới mẻ tại địa phương họ tới, ví dụ: người Sài Gòn ra Hội An, người ta sẽ chụp hình với một cái chùa cổ, hơn là nhào vô chụp hình với một tòa cao ốc, tìm ăn một tô mì cao lầu hơn là tìm kiếm một tô phở hay một dĩa bánh ướt. Anh đi sang tiểu bang khác, thường uống bia tại địa phương nấu, hoặc về VN thì thích uống bia 33, dầu nó không ngon bằng bia Heineken hay Budweiser. Như khi vô nhà hàng Nhật, anh sẽ kêu bia hay rượu Nhật, hoặc bia Hàn ở tiệm ăn Hàn. Chắc không chỉ anh mà những ai yêu du lịch đều làm vậy, trừ những người đi du lịch để “chụp hình”. Đi đâu cũng chụp, thấy gì cũng chụp mà chẳng hiểu nó biểu tượng cái gì, gốc gác ra sao. Chủ yếu để… khoe”.
Nói chung, cảnh đẹp Việt trải dài từ Nam ra Bắc, những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, những đỉnh núi hùng vĩ ở Hà Giang, rừng và hang động ở Phong Nha và cố đô Huế ở miền Trung, tàn tích “hòn ngọc Viễn Đông” ở Sài Gòn, nước biển trong như ngọc ở Phú Quốc, sự lạnh lẽo và ngây ngô ở Sapa, sự nên thơ đầy âm u và sương mù ở Đà Lạt… nhưng nhờ có sự lãnh đạo “sáng suốt” của Đảng, mọi nơi dần bê tông hóa. Mà bị hóa bê tông, không chỉ là cảnh đẹp Việt hay trí tuệ lãnh đạo Việt, mà chính tâm tình của những du khách lẫn người dân ở trong nước khi nghĩ sẽ đi đâu đó ở Việt Nam cho chuyến du lịch sắp tới.
Đừng nói du khách, chính tôi đôi khi chỉ muốn trùm mền ngủ lúc rảnh rỗi, không dám bước chân ra đường. Ngày trước, chỉ có đi du lịch ra miền Bắc là hay phải lo lắng này nọ, nhưng không biết từ bao giờ, tôi ở chính quê hương của mình – Sài Gòn – mà đi đâu cũng phải đề phòng, vì đi đâu cũng gặp “tiểu xảo” lưu manh… Nói vậy thì cũng oan cho Sài Gòn lắm, vì quả tình, hầu hết những kẻ dùng “tiểu xảo” kiểu này lại không nói giọng miền Nam, chỉ số rất ít nói tiếng miền Nam. Các “trò đánh lận con đen” này được du nhập từ bên kia vĩ tuyến.
Hôm rồi tôi mua mấy trái măng cụt, sau khi mua xong, tôi mới thấy cái bảng mà người bán măng cụt dựng trước xe: “măng cụt 45 ngàn – 1/2 ký" (số 1 thiệt bự, còn số 2 lấy kính lúp nhìn mới thấy). 90 ngàn VNĐ (45 ngàn nửa ký – 1/2 ký) một ký măng cụt thì tôi không có ý kiến, vì tôi ăn ít cũng ít ăn – không rành giá (lúc đầu tôi cũng không nhìn giá mà mua). Và 90 ngàn VNĐ một ký măng cụt ở đây chắc cũng không mắc hơn chỗ bán khác, nhưng tôi rất ghét các “tiểu xảo” như vầy. Nó khiến phẩm chất người bán hàng bị kéo xuống ngay khi khách hàng hiểu ra ý nghĩa, nó cũng làm mất thời giờ người mua hàng khi họ không nhìn rõ nên nghĩ chắc chắn sẽ được mua măng cụt giá 45 ngàn – 1 ký. Trên lý thuyết, khách hàng có quyền không mua sau khi nhìn rõ hoặc biết giá thật của món hàng, nhưng thực tế thì đa số người buôn bán kiểu này lại gây chuyện, làm dữ, chửi bới lúc khách hàng từ chối mua sau khi hỏi giá. Nhẹ thì nạt nộ “Cân xong bỏ không mua là thế nào?”, “Ăn thử rồi bỏ đi hả?”… nặng thì đe doạ, thậm chí đánh luôn khách. Hồi tôi còn nhỏ, lẽo đẽo theo ngoại đi chợ chơi, người ta còn bán trái cây theo chục, mà chục xưa là chục = 12, 14… Không hiểu sao xã hội càng tiến hoá mà con người ta không văn minh hơn, lại trở nên càng mánh mung, xấu xí hơn. Tôi đã luôn tránh những xe bán hàng có bảng giá như vầy mà lâu lâu vẫn… vấp phải vì ẩu tả, không để ý trước khi mua, nghĩ mà tức.
Mà bán trái cây đề giá nửa ký còn đỡ, có khi người ta còn đề 2 ngàn 1 trứng vịt, coi kỹ lại là giá 2 ngàn – 1/2 trứng (số 2 vẫn nhỏ xíu, mờ căm), hay dép 30 ngàn một… chiếc (chữ chiếc nhỏ xíu, mờ căm). Hoặc bảng giá rõ ràng hẳn hoi, nhưng khi ghé vào mua thì người bán nói giá đó cho mấy trái hư nát – bán xổ, mấy trái ngon còn lại thì giá gấp đôi, gấp 3…
Nhiều lần tôi chứng kiến khách du lịch (ngay cả người gốc Việt lẫn khách nước ngoài) bối rối vì tấm bảng ghi giá kiểu mập mờ như trên. Thật xấu hổ. Cái mà du khách ghi nhớ là đây, chứ không phải phong cảnh xây chắp vá chút Tây chút Tàu, không còn nhiều hơi thở bản địa của “Hòn ngọc Viễn Đông” thuở nào.
Ngoài việc ghi giá thất thường, thì cái cân của những người bán hàng rong ở Việt Nam cũng khá cà giựt luôn, hiếm khi cân đúng đủ cho khách. Bạn mua 1 ký măng cụt, khi về nhà, nếu quởn cân lại sẽ thấy chỉ còn 8 lạng. Rồi còn có chuyện “nhìn mặt mà bắt… giá”, có lần bạn tôi làm nghề xây dựng, nhờ tôi giữ nhà để bạn đi mua sơn, tôi lanh chanh muốn đi theo cho vui, bạn liền từ chối không chút chần chừ. Bạn nói: “Nhìn mày là chỗ bán sơn “chặt đẹp” tao, thùng sơn giá gấp đôi liền, phải khổ khổ mới nhìn “ra” dân xây dựng, không bị hét giá…”.
Cái gì tụt hậu thì tụt, chứ sự tử tế luôn được tôn thờ và yêu mến. Không ngẫu nhiên mà nhiều người nổi tiếng hiện nay mua danh bằng cách làm từ thiện, nghề từ thiện ở VN cũng làm ăn rất phát đạt – giàu có dễ dàng bởi tiền của những mạnh thường quân nghèo.
D.U.
Nguồn: FB baotreonline.com – TRE Magazine