Huy Đức
Kinh tế xuống tận đáy, nếu không vực dậy sớm thì không chỉ nhiều doanh nghiệp phải "bán gần hết tài sản với giá bằng 50% giá trị", như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mà "ổn định chính trị – xã hội" cũng đứng trước những đe dọa khôn lường.
Phần lớn tài sản mà các doanh nghiệp phải bán đi không chỉ là bất động sản mà còn là mặt bằng kinh doanh, đặc biệt là hệ thống bán lẻ. Khi người nước ngoài nắm thêm hệ thống bán lẻ thì hàng hóa của họ càng cũng cố thế thượng phong. Sản xuất trong nước lại phải đối đầu với một làn sóng xâm lăng mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết một tác nhân quan trọng khác, tác nhân chính làm suy thoái nền kinh tế: "Các thủ tục đầu tư hiện nay không làm, hoặc mất hai năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, doanh nghiệp không làm gì được. Kinh tế khó khăn nhưng tinh thần giải quyết công việc như vậy". Đặc biệt, ông Dũng thừa nhận, "Hiện nay, thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng ngàn thủ tục".
Ai phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này?
Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ Kế hoạch Đầu tư là nơi canh cửa để ngăn các bộ ban hành các thủ tục. Nay thì Bộ Kế hoạch Đầu tư không những không đóng vai trò này mà cái Luật Quy hoạch của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng là một trong những thủ phạm đẻ ra rất nhiều thủ tục [hành hạ doanh nghiệp và địa phương], tạo thêm không gian cho tham nhũng.
Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nên lập ngay một "Task Force", mô hình giản dị như "Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp" thời Bộ trưởng Trần Xuân Giá. "Task Force" này sẽ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội, "chém" ngay những điều kiện cản trở kinh doanh đang mọc ra như "đầu Phạm Nhan".
Nếu như giải ngân đầu tư công tốt chỉ tạo ra tăng trưởng rất nhất thời, dẹp những điều kiện kinh doanh vô lý này, "GDP" sẽ ngay lập tức tăng mấy % và kinh tế sẽ lấy đà để tăng bền vững.
H.Đ.
Nguồn: FB Osinhuyduc