Thực trạng du lịch Việt Nam*

Hoàng Tư Giang

Tút cuối về du lịch nhé, chán rồi.

“Tỷ lệ thuê phòng đạt 65-90%, cậu à. Nhưng chỉ là 2 khách sạn và trong vỏn vẹn 2 ngày thôi, chứ sau lễ lại vắng teo. Khách du lịch chi tiêu ít lắm”, một doanh nhân nhắn tin cho tôi sau khi xem mấy tút về du lịch vừa rồi.

Phú Quốc, tưởng là thiên đường mới của du lịch, đón lượng khách giảm 22% trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi so với cùng kỳ.

“Rất ít khách sạn lấp đầy trong kỳ nghỉ lễ rồi. Khách nước ngoài thì lác đác Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc. Còn lâu du lịch mới hồi phục!”, ông ấy nói thêm.

Tôi lạ gì chuyện này, những điều tôi phản ánh về tình cảnh du lịch ở Hạ Long, Móng Cái và một số nơi khác trước dịch dựa trên những số liệu chính thức, chứ đâu có bịa ra.

Du lịch Quảng Ninh "bùng nổ", báo chí giật tít khi cho biết khoảng 624,377 nghìn lượt người đến tỉnh này.

Đáng tiếc là báo chí lờ đi một chi tiết: lượng nước tiêu thụ ở các khách sạn ở Hạ Long chỉ tăng 7% so thông thường, theo công ty nước sạch.

Trong đợt nghỉ lễ vừa rồi, điều đáng vui là khách du lịch tăng rất khá, Bộ văn thể du báo cáo, từ 29-4 đến 3-5, cả nước đón được hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, trong đó, có 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24 nghìn tỷ đồng.

“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh”, họ nhận xét.

Nhận định trên là bao biện, không đúng với hoàn cảnh suy kiệt đến cùng kiệt của các doanh nghiệp du lịch, các chủ khách sạn, và người làm du lịch vốn đã chồng chất suốt mấy năm do phong tỏa chống dịch. Hơn nữa, nhận định đó hàm ý là tôi tốt rồi, không cần cải cách gì nữa, không cần bỏ visa nữa (!).

Thống kê về du lịch có tiêu chuẩn cụ thể, không thể nói khơi khơi là “lượt khách đến”. Một ông đến check in chục điểm thì tính là 10 lượt, to đấy, nhưng vẫn chỉ nhõn ông ấy thôi.

Cho nên nói là 7 triệu, nhưng có thật là 7 triệu không hay bị tính trùng? Và quan trọng là trong kỳ nghỉ hè tới đây, có bao nhiêu người sẵn sàng đi du lịch để tạo sinh khí và nguồn lực cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn? Có thêm các dịch vụ gì, tiến trình gỡ visa ra sao,… là quan trọng không kém.

Chỉ xin cảnh báo một điều: tuyệt đại đa số người dân vẫn đang sống rất khốn khổ.

Năm 2022 chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm phần trăm so với 2020. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Chi tiêu như thế thì ăn uống, y tế, học còn quá khó, lấy đâu ra mà du lịch.

H.T.G.

Nguồn: FB Hoàng Tư Giang

* Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.