Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng: “Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh!”

RFA

2023.05.05

Cứ huênh hoang với các "thành tích ngoại giao" mà tổng bí thư đi thăm Ba Tây bị từ chối, bây giờ đến chuyện đồng xu nào đó của Úc, lúc nào cũng hành xử ngớ ngẩn. Họ kỷ niệm cái gì là việc của họ, ai chẳng có quyền tưởng niệm những người đã khuất. Nếu ngoại giao Việt Nam chỉ cần nói thế này: "Việc Australia tham gia vào Chiến tranh Việt Nam thuộc về một giai đoạn lịch sử và đến nay lịch sử đã cho thấy có rất nhiều thay đổi. Chế độ Việt Nam Cộng hoà mà Australia tham gia hỗ trợ, đã cáo chung cách đây 48 năm. Ngay cả chế độ Xô-viết khi đó hỗ trợ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã không còn tồn tại được 32 năm. Những điều này nhắc nhở chúng ta không để cho những đau thương mất mát lặp lại, và cùng nhìn về một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn cho cả hai nước Việt Nam – Australia".

Đẹp như tranh! Khổ cái ngoại giao Việt Nam lúc nào cũng oóc-giơ và hành xử lạc điệu, luôn có khả năng bị sút thủng lưới. Nếu nhìn thẳng vào sự thật, bây giờ là lúc xã hội Việt Nam khủng hoảng tư tưởng kinh khủng nhất. Ngay cả chương trình "đốt lò" do TBT Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cũng chưa gây được niềm tin trong dân chúng, vì niềm tin này đã bị phá hoại trong khoảng 50 năm qua chứ không có ít hơn.

Hành xử của Việt Nam lần này rất không khôn khéo, để lộ ra điểm yếu lớn nhất: sự hoảng sợ của chính quyền đối với tình trạng khủng hoảng tư tưởng. Dân người ta biết cả: một lãnh đạo kiểm lâm tỉnh bắn chết Bí thư tỉnh uỷ rồi tự sát – không có Đảng nào mà các đồng chí hành xử với nhau như vậy cả.

Bài học này cũng là cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, vì nó diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh #Nga_xâm_lược_Ukraine. Năm ngoái, hôm trước nổ ra chiến tranh, ông đại sứ Việt Nam ở Kyiv đã động viên bà con kiều bào "yên tâm sẽ không có chiến tranh" – quá dở cho một ông đại sứ. Sau đó hết lần này đến lần khác, Việt Nam không định hình được tình thế địa chính trị thế giới đã thay đổi do chiến tranh, do đó không định vị được đất nước mình đang ở đâu trong tình thế đó. Điều này có gốc rễ là xác định sai vai trò, chính sách của Nga Putin từ gần 20 năm trước. Bản chất của chính sách Putin là đế quốc và sẵn sàng dùng vũ lực, che đậy bằng quá khứ chống phát-xít của Liên Xô và cướp luôn công trạng của Liên Xô cũng như Đồng minh trong cuộc chiến. Việt Nam đã không nhận ra tính chất phản động đó của tập đoàn cầm quyền Putin, chính sách này đi ngược lại với đường lối hoà bình, hợp tác của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Putin đã sai lầm trong kế hoạch phục hồi Liên Xô nhưng không phải là phục hồi các đặc điểm tốt đẹp của nó, mà với tính chất đế quốc thực dân có từ thời Sa hoàng sang thời Xô-viết. Kế hoạch này được bảo đảm bằng một sức mạnh quân sự và nghiêm trọng hơn, thái độ sẵn sàng thi hành chiến tranh để đảm bảo ý đồ được thực hiện. Sai lầm của hắn ta là như vậy: không ai trong thế giới văn minh để cho hắn làm như thế.

Một số năm trước, khi nhận ra tính chất nguy hiểm của chính sách Putin, tôi cũng phát hiện ra cái âm mưu sử dụng thanh danh của Liên Xô, của Hồng quân trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho những mục đích đen tối và bẩn thỉu. Tiếc là việc nói ra những điều đó có lúc đã rất lạc lõng. Thậm chí Đài truyền hình quốc gia Việt Nam còn tổ chức mấy chương trình "Bài ca chiến thắng" theo format của Nga, lồng ghép chiến thắng của họ vào của mình. Khi đó tôi đã thở dài: biết đến bao giờ mới thôi ăn mày trên nhũng hào quang của quá khứ đây?

Nga cứ cướp công như thế biết đến bao giờ mới hoà hợp được với các dân tộc Liên Xô cũ đây?

Ta cứ hô hào như thế biết bao giờ dân tộc Việt mới hoà hợp được với nhau đây?

Nhiệm vụ tìm câu trả lời dành cho tất cả chúng ta.

Phúc Lai GB

clip_image002

Đồng tiền mệnh giá 2 đô la Úc mới phát hành có in cờ VNCH. Ảnh: aussiecoinsandnotes

Bộ Ngoại giao Việt Nam đòi Chính phủ Úc phải dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm 2 đô la có cờ Việt Nam Cộng hòa, người Úc gốc Việt nói cách hành xử này không văn minh.

Công ty Royal Australian Mint hồi đầu tháng 4 phát hành hai đồng tiền có mệnh giá 2 đô la Úc có màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam, điều đặc biệt là hai đồng tiền này đều có in biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 04/5, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đề nghị Úc dừng lưu hành các ấn phẩm có in hình "cờ vàng" và không để tái diễn các sự việc tương tự.

Bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại tiểu bang Tây Úc ngày 5/5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

"Theo tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam phải nên học cách đối xử ngoại giao văn minh, thứ nhất người Úc ra đồng tiền đó để kỷ niệm một mốc thời gian của lịch sử.

Thời gian đó người Úc đến Việt Nam để giúp miền Nam chiến đấu với cộng sản, Việt Nam Cộng hòa lúc đó là quốc gia được các nước trên thế giới công nhận, nên bây giờ người Úc kỷ niệm thời điểm lịch sử đó không lẽ người ta lại trưng cờ đỏ sao vàng trong đó?".

Theo ông Dũng, cơ quan ngoại giao của chính quyền Hà Nội cần bỏ tâm trạng tiểu nhân và thù hận, không phải cứ thấy cờ vàng ở đâu là sửng cồ lên. Ông nói:

"Theo suy nghĩ của tôi, họ chiếm miền Nam một cách bất hợp pháp, ngược với công pháp quốc tế cho nên họ mặc cảm tội lỗi và không muốn ai nhìn thấy thời điểm lịch sử đó nữa”.

Theo Chính phủ Úc, có khoảng 60.000 binh lính nước này tham chiến ở miền Nam sát cánh với Quân lực Việt Nam Cộng hoà và đồng minh. Hơn 500 binh sĩ Úc tử trận, 2.400 lính bị thương trong cuộc chiến này.

Sự tham gia của Úc vào cuộc chiến chính thức kết thúc khi Toàn quyền ra tuyên bố vào ngày 11/1/1973. Lực lượng chiến đấu duy nhất còn lại ở Việt Nam là một trung đội bảo vệ toà Đại sứ Úc ở Sài Gòn, đã được rút vào tháng 6 năm 1973.

Cùng năm đó, Úc và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (sau này là CHXHCN Việt Nam) thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Chiến lược năm 2018.

Ông Hoàng Ngọc Diêu, chuyên gia công nghệ thông tin hiện đang sống tại Sydney cho rằng, đề nghị của Việt Nam là không hợp lý:

“Nói là nước Úc đừng có tái diễn những chuyện trong quá khứ thì mình thấy là thái quá. Việt Nam là cái gì mà đòi hỏi một quốc gia khác phải làm như vậy?!”.

Theo ông, việc Việt Nam nêu chuyện Đối tác Chiến lược với Úc giống như một sự hăm doạ, một hành động không khôn ngoan và không lấy làm gì tốt đẹp với quốc gia khác.

Ông cho biết mặc dù Công ty Royal Australian Mint thuộc Chính phủ Úc nhưng hoạt động độc lập và chịu rất ít sự kiểm soát của nhà nước.

Ông nói truyền thông Úc không đả động gì đến phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi Công ty Royal Australia Mint đã bán hết số đồng xu có in cờ VNCH mà họ phát hành.

Ông có liên lạc với họ và được biết doanh nghiệp này không có kế hoạch cụ thể về việc phát hành thêm nhưng sẽ xem xét vì nhu cầu mua khá lớn.

Nhiều nhà đầu cơ đã mua đồng xu này và rao bán trên mạng với giá từ 1.000 đến 2.000 đô la Úc, ông nói.

Vị chuyên gia công nghệ thông tin nói hoàn toàn không biết việc Úc phát hành đồng xu có in cờ VNCH cho đến khi nhận được thông tin phản đối của Chính phủ Việt Nam.

"Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa cũ"

Phát ngôn nhân của Sở Đúc tiền Hoàng gia Úc (Royal Australian Mint) ngày 5/5 phản hồi email của RFA cho biết:

"Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương nghĩa vụ được trao cho những người Úc từng phục vụ tại Việt Nam, bao gồm huy chương Phục vụ Việt Nam, được giới thiệu vào năm 1968. Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa cũ”.

Phản ứng của Nhà nước Việt Nam có tác dụng ngược. Nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam không biết về lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH, tuy nhiên, bằng sự phản ứng dữ dội của Hà Nội, giới trẻ sẽ tìm hiểu vì tò mò, ông Diêu nói.

“Trong 48 năm qua, khi mà đụng đến VNCH hay đụng đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhà cầm quyền Việt Nam luôn có phản ứng gay gắt, thậm chí thái quá.

Đối xử với một chế độ không còn tồn tại một cách đầy hiềm khích và nặng nề”.

Theo ông, Hà Nội có tiêu chuẩn kép. Khi cộng đồng quốc tế lên án vi phạm nhân quyền, Việt Nam lại nói rằng đó là “chuyện nội bộ” nhưng lại phản ứng với việc Úc phát hành tiền xu – một việc hoàn toàn là chuyện nội bộ của một quốc gia xa xôi.

Những phản ứng vặt vãnh như vậy không mang lại gì ngoài biểu hiện yếu ớt và ti tiện của một chế độ độc tài và kém cỏi, ông Diêu kết luận.

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội để đề nghị bình luận về phản ứng của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo đài SBS Tiếng Việt, quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, hay còn được gọi ngắn gọn là cờ vàng, được nhiều đơn vị hành chính trong cả nước Úc công nhận là lá cờ chính thức đại diện cho Cộng đồng Người Việt Tự do, cộng đồng người Việt tị nạn và con cháu của họ ở Úc.

Ngoài hai đồng tiền 2 đô la do Sở đúc tiền phát hành, Bưu chính Úc cũng phát hành các con tem có hình ảnh Huân chương Việt Nam với dải cờ vàng 3 sọc đỏ, khi xưa dùng để trao cho các quân nhân Úc và các thành viên của các tổ chức từ thiện được công nhận phục vụ tại miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.