Nguyễn Ngọc Chu
“Tính quyết liệt của người Nghệ” đang làm hại Nghệ An. Chuyện bé xé ra to. Đưa vụ việc sai phạm hành chính thành vụ án hình sự. Làm liên đới đến nhiều cấp lãnh đạo cùng với sự tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức. Và trầm trọng hơn là đẩy số phận một con người vào cảnh tù đày oan ức, gieo thêm mâu thuẫn, làm xã hội bất ổn.
1. Phương án kết tội bất lợi nhất
Cùng một sự việc, Viện kiểm sát, hay Toà án có thể áp dụng các điều khoản khác nhau, dẫn đến những hình phạt khác nhau. Trong thực tế, việc thay đổi tội danh rất thường xẩy ra. Việc thay đổi tội danh, do bản chất của sự việc, có khi còn do chủ đích của người có quyền buộc tội.
Trong các phương án kết tội, TAND huyện Hưng Nguyên đã vận dụng những điều khoản bất lợi nhất cho cô giáo Lê Thị Dung.
Cơ sở để TAND huyện Hưng Nguyên kết tội cô giáo Lê Thị Dung là ở mục thanh toán trùng. Như cáo trạng đã viết:
“Như vậy, việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền phụ cấp cấp ủy cho bà Lê Thị Dung hàng tháng; thanh toán tiền công tác phí, hỗ trợ đi học là đúng quy định.
-Tuy nhiên, ngoài các khoản đã thanh toán nêu trên, bà Lê Thị Dung còn tiếp tục quy đổi các nội dung trên sang tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho cá nhân mình là thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) cho cùng 01 nội dung… Từ việc thanh toán trùng nêu trên đã gây thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng”.
Chưa khẳng định được tính đúng đắn của cáo trạng. Còn nhiều tranh cãi. Bản thân bà Lê Thị Dung chưa đồng ý với cáo trạng. Nhưng cứ giả sử số tiền chi sai 44 700 000 đồng là đúng, thì cách xử lý đơn giản là bằng Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019), trong đó Điều 55 quy định:
“Điều 55. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp).
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng;
b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt định mức chi về số lượng, giá trị;
c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi) (https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-dinh-63-2019-ND-CP-xu…).
Trường hợp của bà Lê Thị Dung phù hợp với các mục a), c), khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-C: “a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng; c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi)”. Chiếu theo các mục a), c) khoản 2 Điều 55 “Nghị định số 63/2019/NĐ-CP” thì cô giáo Lê Thị Dung bị phạt hành chính “từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” và phải hoàn lại số tiền 44 triệu 700 ngàn đồng.
Nhưng TAND huyện Hưng Nguyên đã quy cho bà Lê Thị Dung “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và quy cho phạm tội nhiều lần để áp dụng khung hình phạt khoản 2 từ 5-10 năm tù giam (https://laodong.vn/…/gay-thiet-hai-45-trieu-dong-giam…). Đây là cách áp dụng bất lợi nhất trong tất cả các phương án kết tội bà Lê Thị Dung. Các điều khoản của “tội tham nhũng” hay “vô ý gây thiệt hại tài sản” áp dụng cho số tiền 44 700 000 đồng đều có khung hình phạt nhẹ hơn.
Câu hỏi hiển nhiên là, cách áp dụng tội danh cho bà Lê Thị Dung có bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài không?
Cách đây hơn 3 năm, Báo điện tử “Ngày mới” ngày 26/9/2019 đã đăng bài viết “Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Tại sao lại “bới lông tìm vết” để thi hành kỉ luật bà Lê Thị Dung”? (https://ngaymoionline.com.vn/huye-n-hung-nguyen-tinh-nghe…). Từ bài báo của Báo điện tử “Ngày mới” ngày 26 /9/2019 có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với bà Nguyễn Thị Phương Thuý, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà.
Để thêm trọng lượng cho dự đoán này là tin cách đây vài hôm, bà thẩm phán xử án đã thăm bà Lê Thị Dung và chia sẻ là “bị sức ép, trong quá trình xét xử bị giảm 2kg, phải chuyền nước, mong bà Dung thông cảm”.
2. Tự làm khó cho mình và “thần dân” của mình
“Tính quyết liệt của người Nghệ” đang làm hại Nghệ An. Chuyện bé xé ra to. Đưa vụ việc sai phạm hành chính thành vụ án hình sự. Làm liên đới đến nhiều cấp lãnh đạo cùng với sự tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức. Và trầm trọng hơn là đẩy số phận một con người vào cảnh tù đày oan ức, gieo thêm mâu thuẫn, làm xã hội bất ổn.
Luật pháp thì chung cho cả nước. Nhưng làm thất thoát 15.000 tỷ đồng thì ở TP.HCM bị xử 3 năm tù treo. Làm thất thoát 53, 6 tỷ đồng thì ở Hà Nội xử 3 năm tù giam. Còn làm thất thoát chưa đến 45 triệu đồng, thì ở Nghệ An bị xử phạt 5 năm tù. Có phải người Nghệ An thấp kém hơn nên phải chịu hình phạt nặng hơn?
Cũng chẳng phải riêng Nghệ An. Dường như quan sát thấy khuynh hướng, rằng các tỉnh càng nghèo thì “đối đãi” với “thần dân” của mình càng khắt khe.
Lấy vài thí dụ. Ăn trộm 1 con vịt mà toà án ở Kiên Giang xử phạt 7 năm tù (https://dantri.com.vn/…/mot-thanh-nien-lanh-7-nam-tu-vi…). Ăn trộm 2 con vịt, toà án ở Kontum xử 09 tháng và 13 tháng tù (https://vkskontum.gov.vn/…/Linh-an-tu-vi-02-con-vit-574/0. Còn ở Lâm Đồng, ăn trộm 2 con vịt bị xử tổng cộng 13 năm tù cho 3 nông dân (https://plo.vn/lam-dong-vi-hai-con-vit-ba-nong-dan-bi-13…). Thiết nghĩ, ở vị trí lãnh đạo thì phải cố mang về nhiều lợi ích nhất cho người dân của mình, chí ít thì cũng không kém địa phương khác. Đằng này, ngược lại, dân đã nghèo mà đối đãi lại khắt khe, hình phạt thì nặng nề.
3. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”
Có thể dự đoán, trong phiên phúc thẩm sắp tới sẽ có các thế lực tìm cách bảo vệ và biện minh cho kết quả toà án sơ thẩm; bảo vệ một cách quyết liệt. Nhưng đó không phải là lối thoát đúng. Cách xử lý khủng khoảng tốt nhất là công nhận sự thật. Mọi cố gắng bảo vệ hay che đậy sai lầm chỉ khiến cho vụ việc thêm trầm trọng. Mục đích tối thượng của mọi vụ xử án là thiết lập công lý. Vụ án phúc thẩm tới đây phải trả lại công lý cho bà Lê Thị Dung.
Hàng ngày, ở các cơ quan hành chính của nhà nước, từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ cho đến văn phòng chính phủ, hay ở các cơ quan, trường học, bệnh viện của nhà nước… thì việc thanh toán thù lao, công tác phí, tiếp khách, quà cáp…luôn là một vấn đề mà kế toán và thủ trưởng phải “vận dụng linh hoạt”. Đó là một thực tế không chối cãi.
Làm Giám đốc một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên trong suốt 10 năm trời, sau bao nhiêu lần thanh tra, chỉ phát hiện chi chưa đúng có 44 triệu 700 ngàn đồng, nghĩa là chỉ sai 372 500 đồng/1 tháng. Trong số tất cả các giám đốc, hiệu trưởng, chánh văn phòng huyện, tỉnh, bộ…bạn có thể chỉ ra một ai đó có sai phạm ít hơn không? Thực lòng, với hiện trạng xã hội như bây giờ, thì đó có lẽ là trường hợp đáng khen hơn là chê. Không tin, mỗi người hãy tự so sánh với vị trí của chính mình.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Trường hợp của bà Lê Thị Dung là xử phạt hành chính và thu hồi các khoản chi sai. Đừng cố gắng quy tội cho bà Lê Thị Dung để hợp thức hoá thời gian tạm giam từ ngày 28/3/2022. Sai lầm thì phải dũng cảm thừa nhận.
Bà Lê Thị Dung không phải là tội phạm nguy hiểm, số tiền thất thoát rất nhỏ, quá lắm thì ngăn chặn không cho rời địa phương, chứ không phải bắt bỏ tù hơn một năm mới đưa ra xét xử. Trong khi chờ đợi phúc thẩm, hãy để bà Lê Thị Dung tại ngoại.
Luật pháp nghiêm minh không đồng nghĩa với hà khắc, càng xa lạ với bất công. Sống ở nơi nào có chế độ cai trị hà khắc, thì ở xứ đó khó mưu cầu hạnh phúc.
N.N.C.