Điều cần nói về bạo lực học đường

Đoàn Bảo Châu

Một mầm cây bị bẻ gãy

Môi trường giáo dục với những con người độc đoán đến tàn nhẫn như vậy tới từ người đứng đầu ngôi trường thì học sinh nào có thể thoát ra được các vấn đề bi kịch của nó. Làm sao có thể tồn tại một nhà giáo lạnh lùng và ngu ngốc đến mức này.

Thay vì đồng cảm và tìm hiểu sự việc rồi giải quyết một cách thấu đáo, trong khi phụ huynh nữ sinh đã năm lần bảy lượt phải tìm lên trình bày và đưa ra đề nghị, cuối cùng là sự việc bị đẩy hoàn toàn về phía nạn nhân, và chính nó đã đẩy cô bé vào cái chết tức tưởi. Rõ ràng đây là cái chết có thể ngăn chặn được, song sự độc đoán vô cảm của họ đã làm cho hậu quả đến nhanh hơn trên thực tế.

Sự gián tiếp tiếp tay cho cái ác tồn tại từ trong môi trường giáo dục phần lớn đến từ việc tổ chức, thiết kế và phẩm chất yếu kém của những con người trong chính môi trường đó. Những đứa trẻ trở thành nạn nhân hai lần – nạn nhân của những đám bạn nghịch ngợm, thiếu hiểu biết; và nạn nhân của những sự bỏ mặc vô cảm đến độc ác của những kẻ có thẩm quyền với sự kiện (nhà giáo).

Về tính chất tương tự, thêm một đứa trẻ nữa là hậu quả của việc bạo hành, nhưng ở đây thay vì thủ phạm là cha mẹ hay người thân thích thì trong trường hợp này là đám bạn cùng lớp và có cả sự bỏ mặc ác độc của người đứng đầu trường, cùng giáo viên chủ nhiệm.

Họ thản nhiên và vô tư lự không hiểu được tính trầm trọng và sự cấp thiết của sự việc. Họ bận tâm tới điều gì (ngoài yếu tố con người đáng ra phải là cốt yếu nhất trong mọi hoàn cảnh?) khi trước đó họ còn cố sức chối đẩy tội lỗi cho nạn nhân vốn đang bị bức áp rằng cô bé “phải hoà nhập” (mà là với những thứ thiếu/phản giáo dục)?

Luân Lê

1. Với đà đi của ngành giáo dục và tình hình xã hội hiện nay tôi tin rằng vấn nạn Giáo dục Học đường (GDHĐ) sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Những chuyên gia và quan chức đứng đầu ngành giáo dục chẳng những không thực sự quan tâm tới chất lượng ngành giáo dục mà còn tranh thủ kiếm lợi qua việc vẽ vời những dự án cải cách hời hợt có hơi hướng lợi ích nhóm.

Những vụ án đợt vừa qua cho thấy rõ điều ấy.

Hơn nữa, việc tung hô những nhân vật giang hồ lại được phổ biến trên mạng xã hội như bây giờ. Giáo viên, những con người trong và ngoài hệ thống không có ai để lớp trẻ làm hình mẫu thì chúng nghiêng về phía "xăm trổ vằn vện" là đương nhiên.

2. Thế giới học sinh là một xã hội thu nhỏ của người lớn. Trong trường các thầy cô giáo không mấy khi có phẩm chất "dũng cảm" để dạy học sinh. Hiệu trưởng nói gì nghe nấy, nói sai hay đúng đều im lặng, số có ý kiến riêng, phản đối lại những cái sai trong một nhà trường rất ít.

Vậy giáo viên đã không coi trọng phẩm chất dũng cảm thì dạy trò sao được? Làm sao họ có thể dạy trò phải biết bênh vực bạn yếu đuối cho dù có thể bị phiền phức, ra xã hội thì bênh vực người yếu thế, thấy các bạn đánh hội đồng thì chạy lên ban giám hiệu kêu cứu cho bạn, hay trực tiếp can ngăn sự việc?

Giáo viên làm sao có thể dạy trò rằng đánh hội đồng là thể hiện sự hèn nhát và thấp hèn của một nhóm người trong khi việc trù úm một giáo viên nào đấy của hiệu trưởng được các giáo viên khác hưởng ứng hay im lặng đồng tình?

3. Sự chuẩn bị của gia đình cho những đứa trẻ về việc mâu thuẫn có thể xảy ra là điều cần thiết. Giữa việc chuẩn bị và không chuẩn bị khác nhau một trời một vực.

Cao hơn nữa là dạy trẻ phải biết phản kháng khi bị ức hiếp và riêng tôi, tôi tán thành việc đánh lại quyết liệt khi bị tấn công. Ta cần dạy trẻ rằng cơ thể của con là bất khả xâm phạm, con có quyền bảo vệ, đánh trả lại nếu ai đấy làm con đau.

Tôi muốn nêu ra một so sánh thú vị giữa hiệu quả của sự chuẩn bị về thể chất và tinh thần. Có bài tập để căng cứng cơ bụng, cho người khác đánh để tạo ra phản xạ tự vệ. Làm thế khiến nội tạng không bị tổn thương và cũng để võ sinh chịu luyện tập cơ bụng.

Một lần trong lúc dạy một chuỗi đòn phối hợp mới, một trò lớn tuổi (50) thay vì đánh vào cái lumber tôi giơ ra thì đấm thẳng vào bụng khiến tôi gập người xuống, đau quặn, phải một lát mới thốt ra được. Mà chính trò ấy vẫn đấm vào bụng tôi hết lực nhiều lần trong bài tập chịu đòn, vẫn đau nhưng chỉ là bề mặt của da.

Về tinh thần thì khi một ai đấy bị chửi mắng, ức hiếp mà phải câm lặng, cái tác hại về tâm lý sẽ rất sâu và lâu dài. Khi nói ra được cái sai của kẻ ức hiếp và biết bảo vệ mình, tâm lý nạn nhân mặc dù vẫn căng thẳng nhưng không bị trầm cảm, yếu ớt và tuyệt vọng. Lúc ấy tinh thần của họ là của người đấu tranh cho lẽ phải thay vì là của nạn nhân bị ức hiếp.

4. Nhiều bạn thấy cảnh đánh hội đồng thì bảo sao không đánh lại. Đấy là bạn có tinh thần mạnh mẽ nên không tưởng tượng được hoàn cảnh tâm lý của đứa trẻ ấy. Chúng đang sợ đến tê liệt thì phản kháng làm sao? Rõ ràng là chúng không được chuẩn bị chút gì.

Mỗi đứa trẻ một khác. Có những đứa trẻ yếu đuối, phải mất vài năm mới rèn được tinh thần phản kháng.

Một người lớn bước vào công sở mà mọi người chỉ cần không nói gì, không chào rồi nhìn với ánh mắt không thiện cảm là đã đủ khiến tâm lý khó chịu, thậm chí sợ sệt và sẽ coi công sở là địa ngục. Đứa trẻ với tâm lý non nớt, lại bị phang vào mặt, vào gáy, vào bụng thì sẽ khủng hoảng đến đâu?

Theo tôi, những đứa trẻ đã đánh bạn phải chuyển trường, thậm chí phải vào trại giáo dưỡng một thời gian.

Đây là thứ cần giải quyết triệt để chứ không phải mấy cái cải cách ấm ớ.

Đ.B.C.

Nguồn: FB Chau Doan

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.