Mừng trong nước mắt thảm sầu!

Mạc Văn Trang – Nguyễn Kim Chi

Tối hôm 13/4 vợ chồng tôi đang nghe Đọc truyện Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn thì đột ngột nghe điện thoại của Phạm Thanh Nghiên: Mẹ ơi, con đang transit ở Doha, tranh thủ báo tin cho bố mẹ, chúng con đã xuất cảnh đi Mỹ rồi… Nghiên khóc nấc… Bố mẹ tha lỗi, chúng con không kịp chào bố mẹ trước lúc ra đi… Tiếng khóc thổn thức… Không biết bao giờ chúng con mới có thể về thăm quê, thăm bố mẹ…

Kim Chi cũng trào nước mắt. Con ơi, bố mẹ mừng lắm. Đi được là mừng rồi. Vì tương lai bé Tôm… Rồi Kim Chi cũng sụt sịt… Đi đi! Đến nơi thì nhắn tin cho bố mẹ yên tâm…

Chuyện Kim Chi làm mẹ đỡ đầu của Thanh Nghiên cũng thật cảm động. Đầu năm 2016 Thanh Nghiên ra tù được 4 năm (tù vì tội chống Trung Quốc, đòi đuổi Formosa…) và duyên số làm sao lại yêu Huỳnh Anh Tú ở Sài Gòn, người ở tù 14 năm (về tội “chống chính quyền”), cũng mới ra tù được 4 năm.

Sắp đến Lễ ăn hỏi và đám cưới, Thanh Nghiên bỗng thấy bơ vơ vì bố mẹ đã mất cả, dù anh em bạn bè vẫn đông đủ. Thế là Thanh Nghiên tha thiết mời Kim Chi làm mẹ đỡ đầu cho đám cưới của con. Kim Chi từ chối, không dám nhận trách nhiệm quá lớn lao đó. Nhưng hai người cứ trao đổi qua lại và thấm đẫm tình cảm mẹ – con. Vậy là Kim Chi vội vã lo mọi thứ cho Thanh Nghiên đúng nghĩa một người mẹ lo ngày vu quy cho con gái. Từ đó tình cảm mẹ con ngày càng gắn bó sâu đậm qua bao nhiêu tâm tình và sự tận tình chăm sóc lẫn cho nhau.

Sau đám cưới, biết là không thể sống ở Hải Phòng được, dù Thanh Nghiên có nhà cửa, vì trước đó Nghiên luôn bị công an theo dõi, đã “mời” làm việc đến hơn 20 lần; nay Tú chưa xin được Chứng minh thư, chưa hộ khẩu, lại là “đối tượng nhạy cảm”, sao sống yên được.

Hai vợ chồng vào Sài Gòn cứ thuê nhà ở đâu được ít bữa lại bị chủ nhà đuổi, vì sức ép của công an. Bị đuổi đến 5 lần rồi. Vì sao công an cứ đuổi? Vì công an có “Thi đua làm sạch địa bàn”(?) Công an khu vực (phường) nào cũng sợ có “đối tượng nhạy cảm” trên địa bàn của mình. Thế là đuổi! Họ coi quyền “Tự do cư trú của công dân” ghi trong Hiến pháp chả là cái đinh gỉ gì!

Năm 2019, vợ chồng Nghiên – Tú gom hết vốn liếng, vay mượn, với sự giúp đỡ của hai bên gia đình, bạn bè, dựng được căn nhà đơn sơ tại Vườn rau Lộc Hưng. Hôm mừng Tân gia tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Nhiều bạn bè đến chúc mừng, tặng bao nhiêu quà, đồ chơi cho bé Tôm vừa 13 tháng tuổi. Từ nay sẽ yên tâm sống dưới mái nhà của mình, Bé Tôm tha hồ vui chơi…

Nhưng than ôi! Vừa được một đêm thì bị lũ người “đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi” đến đập phá, san ủi tan hoang cả vùng Vườn rau Lộc Hưng. Không biết ai đã ghi được hình ảnh Nghiên ôm con chạy, còn Tú loạng choạng nhặt con búp bê rồi ngã gục xuống đống gạch đổ ngốn ngang…

Lại đi thuê nhà. Lại bị đuổi lần 1. Đuổi lần 2. Lần 3 tìm được một gia đình công giáo kiên định bảo vệ nên ở yên được lâu lâu. Tú mãi đến cuối năm 2022 mới xin được Căn cước công dân, Hộ khẩu. Nhưng vợ chồng vẫn không tìm được việc làm.

Thật mỉa mai khi nhớ lại lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"…

Vì lý tưởng đó biết bao người Việt Nam đã đổ mồ hôi, xương máu để giành độc lập, tự do, quyền sống xứng đáng làm người trên quê hương đất nước, trong đó có cha mẹ Thanh Nghiên.

Nhưng vợ chồng Thanh Nghiên muốn tha thiết sống trên quê hương mình cũng không thể, phải buộc lòng ra đi.

Thực ra từ hơn 2 năm nay, Nghiên đã được gợi ý ra đi, đã chia sẻ với vợ chồng tôi nhiều lần. Chúng tôi đều khuyên, hãy đi đi. Những người yêu nước chẳng ai muốn bỏ nước ra đi, nhưng họ không để cho mình sống yên ổn thì phải đi đi. Nhất là vì tương lai của Bé Tôm.

Ngày 14/4 đến TP Houston, bang Texas Hoa Kỳ, Nghiên đã nhắn tin cho Kim Chi: Mẹ ơi chúng con đã đến nơi rồi… Chắc phải rất lâu nữa con mới lấy lại được tinh thần mẹ ạ…

Chúng tôi rất mừng cho vợ chồng Thanh Nghiên từ nay được sống trong bầu không khí tự do và càng mừng cho Bé Tôm thông minh có tương lai phát triển.

Xin cảm ơn nước Mỹ vĩ đại đã hào hiệp, bao dung cưu mang hàng triệu người Việt Nam khốn khó, trong đó có gia đình Thanh Nghiên. Con em họ trưởng thành trong nền giáo dục, khoa học- công nghệ tuyệt vời của Mỹ, sẽ góp phần đền đáp cho nước Mỹ thêm vĩ đại.

Cảm ơn bà con, bạn bè người Việt ở Hoa Kỳ sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ gia đình Nghiên – Tú bỡ ngỡ đầy khó khăn trong quá trình hội nhập vào một xã hội mới.

Chúng tôi thấy MỪNG cho gia đình Tú – Nghiên, nhưng sao VUI được. Vui gì khi một chính quyền muốn tống ai ra khỏi quê hương đất nước thì tìm cách tống đi; muốn ngăn ai không cho đi, cho về, thì ngăn tuỳ ý. Đất nước ngàn đời của “muôn dân, trăm họ” gìn giữ, xây dựng nên, giờ đây cứ như của một nhóm người độc quyền vậy.

Cho nên MỪNG trong nước mắt thảm sầu!

Hình 1: Bìa sách "Những mảng đời sau song sắt" của Phạm Thanh Nghiên.

Hình 2: Cả nhà Nghiên- Tú- Bé Tôm vui với ông bà Trang- Chi.

19/4/2023

M.V.T. – N.K.C.

Nguồn: FB Mạc Van Trang

Xem thêm:

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên kể về hành trình sang Mỹ tỵ nạn

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 4 2023

Gia đình cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên tại sân bay hôm 14/4/2023

Gia đình cựu tù, chính trị Phạm Thanh Nghiên tại sân bay hôm 14/4/2023. ẢNH: PHAM THANH NGHIEN

‘Buồn nhưng hi vọng’ là hai cảm xúc đầu tiên mà nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với BBC chỉ vài ngày sau khi đặt chân lên đất Mỹ.

Bà Nghiên cùng chồng và con nhỏ rời Sài Gòn sang Mỹ hôm 14/4, đúng ngày Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đặt chân tới Hà Nội.

Từ Houston, Texas, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:

"Từ xưa đến nay người ta chỉ nói đến sầu ly hương, không ai nói đến hỷ ly hương bao giờ. Ra đi là sự lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi."

Con bài để trao đổi trong quan hệ Việt-Mỹ?

Trước câu hỏi có phải bà Nghiên sang Mỹ trót lọt lần này là do bà được chính quyền Việt Nam lựa chọn để ‘trao đổi’ quyền lợi với Mỹ dịp ông Blinken thăm Hà Nội, bà Nghiên nói:

"Thật ra tôi không biết chính xác tôi có phải là người được họ dùng để trao đổi trong câu truyện giữa Mỹ và Việt Nam lần này hay không."

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên cầu nguyện tại nhà thờ trước khi lên đường sang Mỹ

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên cầu nguyện tại nhà thờ trước khi lên đường sang Mỹ. ẢNH: PHAM THANH NGHIEN

"Nhưng từ xưa tới nay, nhà nước cộng sản Việt Nam luôn có chiêu là dùng các công dân của mình, đặc biệt là các tù nhân lương tâm để trao đổi với Mỹ và phương Tây nhằm đạt được những lợi nhuận về kinh tế, thương mại, hoặc đạt được điều gì đó mà họ muốn.

"Không có gì cay đắng bằng việc nhân dân của một quốc gia luôn bị đem ra sử dụng như một con tin để trao đổi cho quyền lợi và mục đích của một nhóm thiểu số cầm quyền.

"Họ chọn tôi hay chọn Phạm Đoan Trang hay ai đó cho một mục đích nào đó vào một thời điểm nào đó thì chắc chắn đều nằm trong tính toán của họ."

Trước chuyến thăm của ông Blinken, giới nhân quyền quốc tế đã kêu gọi ông gây sức ép buộc Chính phủ Việt Nam trả tự do cho một số nhà hoạt động nổi tiếng, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang – người đang thụ án tù chín năm, và ông Nguyễn Lân Thắng – người mới bị kết án sáu năm tù giam.

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên tại nhà thờ ở Sài Gòn trước khi lên đường sang Mỹ

Gia đình bà Phạm Thanh Nghiên tại nhà thờ ở Sài Gòn trước khi lên đường sang Mỹ. ẢNH: PHAM THANH NGHIEN

Tuy nhiên, thông tin công bố rộng rãi về các cuộc trao đổi giữa ông Blinken và các quan chức chính phủ hàng đầu Việt Nam không cho thấy ông đề cập tới vấn đề này.

Sau chuyến thăm, không có tù nhân lương tâm nào được trả tự do.

Chuyến đi của gia đình bà Nghiên được giấu kín cho tới khi họ an toàn trên đất Mỹ. Tránh trường hợp như hồi tháng 9/2022, gia đình luật sư Võ Văn Đôn bị công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất hoãn xuất cảnh khi đang trên đường sang Mỹ định cư.

Mặc dù đi theo bà có nhân viên IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế) và viên chức chính trị của Tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ, nhưng nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất ít nhất ba lần thông báo có trục trặc về hệ thống nên bà Nghiên bị ách lại ít nhất gần ba tiếng.

"Có quá nhiều căng thẳng ở sân bay nên không có chỗ cho cảm xúc. Chỉ đến khi bước chân lên máy bay tôi mới rơi nước mắt,’ bà Nghiên kể lại.

‘Cái ác ở Việt Nam quá mạnh’

nghiên

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà bị đập bỏ tại Vườn rau Lộc Hưng năm 2019. ẢNH: FB NGUYEN TIN

Bà Phạm Thanh Nghiên bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ năm 2010.

Chồng bà, ông Huỳnh Anh Tú, cũng là một cựu tù chính trị. Ông Tú mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.

Trong suốt những năm sau khi ra tù, gia đình bà Nghiên đã nhiều lần phải chuyển chỗ thuê nhà do chủ nhà bị chính quyền gây khó dễ.

Về hành trình đến Mỹ, bà Nghiên nói nếu muốn, bà đã đi từ sau khi ra tù. Nhưng bà đã quyết ở lại, cho tới khi căn nhà hai vợ chồng bà gom góp mãi mới xây được ở Vườn Rau Lộc Hưng bị chính quyền đập bỏ năm 2019.

Về việc có tiếp tục con đường đấu tranh dân chủ khi ở Mỹ hay không, bà Nghiên cho rằng đấu tranh là cách mỗi người Việt tự đứng lên phản ứng với cái ác, xấu đang tồn tại trên đất nước này.

"Tiếc là cái ác trên đất nước này quá mạnh, nó mạnh đến độ, đủ để trấn áp mọi tiếng nói của lẽ phải và sự thật," bà nói thêm.

Con đường hội nhập trên đất Mỹ

Trong căn nhà đang ở nhờ của một người bạn ở Houston, bà Nghiên nói về những ngày sắp tới bà sẽ phải hội nhập như thế nào ở một độ tuổi không còn trẻ.

Bà dự định sẽ đi học tiếng Anh, học lái xe, tìm trường cho con gái năm tuổi, lo việc làm, và hoàn tất các thủ tục giấy tờ để định cư.

"Tôi đến Mỹ với tất cả sự bỡ ngỡ ở một tuổi rất khó hội nhập. Nhưng không còn cách nào khác là phải gồng mình lên cố gắng, chừng nào mình còn sống."

Bên cạnh đó, bà Nghiên cho biết bà vẫn duy trì công việc viết báo như vẫn làm hồi ở Việt Nam, đồng thời gia tăng việc cộng tác với một vài cơ quan nhân quyền quốc tế để hỗ trợ họ về mảng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là về tù nhân lương tâm.

Bà nói những ngày mới trên đất Mỹ vẫn khiến bà Nghiên chạnh lòng nhớ đến quê nhà, người thân, anh em cùng tranh đấu – những người mà bà nói – có lẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội gặp lại.

"Hôm nay trên đất Mỹ, tôi nhớ về những biến cố cuộc đời mình đã trải qua, tôi nhớ nhà, những người đồng chí hướng, những người đang ở tù và sắp vào tù. Tôi nghĩ đến cuộc ra đi của tôi. Tôi nghĩ đến cuộc ra đi của tất cả những người mang tên Việt Nam.

"Hành trang tôi mang đi có nhiều nỗi buồn, đó là đất nước Việt Nam khổ đau, tàn tạ, nơi những người anh em của tôi lần lượt vào tù và sẽ còn nhiều người nữa bị bắt.

"Hành trang của tôi cũng là sự yêu thương, hướng về, mong rằng ngoài việc tôi có thể lo cho gia đình riêng, tôi muốn vẫn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự đổi thay của đất nước.

Nói về tương lai của phong trào dân chủ Việt Nam, bà Nghiên nói rằng nó ‘nằm ngoài khả năng phán đoán’ của bà, nhưng dù có nhiều người bị giam cầm, bà cho rằng tới nay phong trào đã có những hiệu quả nhất định."

"Cần phải thấy được phản ứng của xã hội trước một vấn đề, hoặc một chính sách sai lầm của nhà nước. Mặc dù nhà nước không công nhận đó là sức ép từ phía đối kháng nhưng họ vẫn phải có sự điều chỉnh. Đó là sự hiệu quả.

"Ngoài ra, thời tôi đi tù không mấy ai biết. Nay thì ai cũng biết. Và sự đàn áp của nhà nước đối với phong trào phản biện là dấu hiệu của sự có hiệu quả của cuộc vận động cho dân quyền, nhân chủ.

"Nhìn danh sách tù nhân lương tâm ngày càng dài ra thì có thể ta thấy buồn, nhưng nhìn vào mặt tích cực thì thấy như vậy là ngày càng có nhiều người lên tiếng hơn. Đấy chính là niềm hi vọng cho đất nước này."

Bà Phạm Thanh Nghiên là trường hợp cựu tù chính trị mới nhất đi tỵ nạn ở nước ngoài. Trước bà có luật sư Nguyễn Văn Đài, Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) tỵ nạn tại Đức, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tỵ nạn tại Mỹ, v.v…

Hiện vẫn còn hơn 160 tù nhân chính trị đang bị giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam.

M.H.

Nguồn: bbc.com

This entry was posted in Mạc Văn Trang, Phạm Thanh Nghiên, tù nhân lương tâm, Tỵ nạn chính trị. Bookmark the permalink.