Thành phố gì kỳ có công chức gì lạ

Lê Thiếu Nhơn

Cứ cách chức là hết đùn đẩy

Bộ trưởng bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP HCM đã đưa ra con số: “năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói đây hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TP.HCM.”

Nhưng điều đáng nói hơn, biết vậy tại sao bộ KHĐT do ông Dũng là Bộ trưởng lại cứ trả lời?

Phải chăng họ đã coi việc đùn đẩy sợ trách nhiệm, không muốn làm, không dám làm của các cấp quản lý ở TP lớn nhất nước này không phải là tội lỗi nghiêm trọng đối với Dân, đối với các doanh nghiệp?

Hay phải chăng, chính họ cũng muốn được địa phương nâng giá trị của họ lên, nâng vai trò của họ lên để kèm theo đó đâu chỉ có thưa dạ cảm ơn?

Tình trạng đóng băng trên, không chỉ ở TP HCM, theo gã biết thì khắp các tỉnh đều có tình trạng đùn đẩy vô lý trên, dẫn đến mọi hoạt động của Dân, của doanh nghiệp bị đình trệ.

Gã nghĩ giải quyết tình trạng này dễ ợt. Chính phủ chỉ cần ra thông báo: Không nhận bất cứ công văn nào của địa phương nếu công việc thuộc thẩm quyền của lãnh đạo ban ngành địa phương. Đồng thời cách chức ngay lập tức lãnh đạo ban ngành các cấp nào không tự mình giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà cứ vô trách nhiệm đùn đẩy lên cấp trên.

Nào! Xong cái rẹc!

Lưu Trọng Văn

Thật xấu hổ, nếu những người làm việc ù lì trong các công sở TP.HCM, tự đặt câu hỏi: Ở ‘thành phố gì kỳ’ mà lại có công chức gì lạ vậy?

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ ngày 16/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận với Thủ tướng có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở đô thị lớn nhất phương Nam sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Giải pháp đưa ra là sẽ có chỉ thị để chấn chỉnh tình trạng này.

Vì sao cán bộ, công chức của một thành phố năng động lại chưa thực sự tích cực trong công việc được giao? Do các sở, ngành vận hành chậm chạp và không đồng bộ? Do cơ chế đánh giá hiệu quả chưa rõ ràng nên chưa tạo động lực thúc đẩy tập thể và cá nhân? Rõ ràng đây là một tồn tại rất đáng suy ngẫm, nếu TP.HCM muốn tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển.

Gần đây, Bộ Nội vụ cũng bắt tay soạn thảo nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ dám làm nhằm kích hoạt tinh thần sáng tạo và hành động cống hiến trong từng đơn vị. Phải chăng, câu chuyện trì trệ của cán bộ, công chức TP.HCM không phải ngoại lệ, và tình trạng này đang phổ biến nhiều nơi? Thật đáng buồn, khi cán bộ, công chức lại co cụm cầu an, mặc kệ dòng chảy hối hả của xã hội đang khao khát tiến bộ từng ngày.

Sự cẩn trọng quá mức cần thiết của cán bộ, công chức trong quá trình xử lý công vụ, có nguyên nhân từ chiến dịch phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang thực hiện quyết liệt không? Không đúng như vậy. Không hề có chủ trương hình sự hóa các thủ tục hành chính. Nếu cán bộ, công chức làm đúng pháp luật, đúng đạo đức thì chẳng có gì phải lo ngại.

Không khó để nhận ra, những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm đã tỏ ra khôn vặt bằng cách vẽ thêm những quy trình phức tạp. Có những việc có thể giải quyết theo thẩm quyền và theo quy chế, nhưng lại gửi văn bản xin ý kiến từ đơn vị nọ đến đơn vị kia, rồi chờ đợi có ý kiến phản hồi.

Tuy nhiên, đâu phải đơn vị nào cũng có thể trả lời những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn, khiến con đường lắt léo của các văn bản dẫn vào lối hẹp bế tắc. Nói nôm na, đó là phương án ứng biến để đưa tất cả về sự ràng buộc “cha chung không ai khóc”.

Cán bộ, công chức đùn đẩy công việc cho nhau theo kiểu không làm gì sẽ không sai sót, thì liệu có còn xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân không? Không thể chấp nhận cán bộ, công chức vun vén thân mình “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhất là ở một đô thị như TP.HCM, không chỉ có thị trường nhộn nhịp mà còn có truyền thống sống cho cộng đồng, sống vì cộng đồng như lời ca khúc “Thành phố gì kỳ” rất được ưa chuộng: “Thành phố gì kỳ, quán cơm hay quán mì, mình kêu thêm dĩa rau, sao không tính tiền thêm phí. Thành phố gì kỳ, hễ ai thiếu gì, ngàn hộp cơm trăm bó rau, sao góp ngay không cần suy nghĩ”.

Thật xấu hổ, nếu những người làm việc ù lì trong các công sở TP.HCM, tự đặt câu hỏi: Ở “thành phố gì kỳ” mà lại có công chức gì lạ vậy?

L.T.N.

Nguồn: Nông Nghiệp

This entry was posted in Chính quyền, Công chức. Bookmark the permalink.