Facebook “đỏ đèn” vụ xử Nguyễn Lân Thắng

Đặng Quốc Thông

Mấy hôm nay, tuy không có thì giờ đọc kỹ Facebook, nhưng tôi cũng kịp chú ý một hiện tượng cực kỳ thú vị: Facebook “đỏ đèn” vụ Nguyễn Lân Thắng. Cực kỳ thú vị là ở chỗ tất cả những người tôi follow trên Facebook đều lên tiếng phản đối vụ bắt và xử kín nhà hoạt động xã hội này.

Thường thì những người tôi follow trên Facebook có những quan tâm khác nhau, nên bài viết của họ không trùng nhau về chủ đề, còn khi trùng nhau về chủ đề thì đôi lúc họ lại tranh cãi rất nảy lửa, đến độ tôi nghĩ họ khó có thể tìm được tiếng nói chung về bất cứ vấn đề gì.

Vậy mà đối với vụ Nguyễn Lân Thắng, tất cả đã có một sự đồng thuận tuyệt đối. Sự đồng thuận này nói lên nhiều điều, là hiếm thấy và thật đáng quý. Xin điểm qua một số người cùng ý kiến của họ mà tôi thấy hiện lên trên Facebook của tôi như sau:

TS. Nguyễn Ngọc Chu mở đầu khoảng hai ngày trước khi xảy ra phiên xử kín nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng với bài viết “Mong chờ một phiên toà công bằng, minh bạch đối với anh Nguyễn Lân Thắng”.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chia sẻ bài viết của TS. Nguyễn Ngọc Chu với lời ghi chú: “Ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Chu là đúng đắn. Tôi có ý kiến thêm: Làm nhụt ý chí yêu nước đồng nghĩa là làm suy yếu đất nước và thêm mất lòng tin nghiêm trọng vào công lý!”

“Gã” Lưu Trọng Văn lời lẽ đầy xúc động: “… đọc bức thư của Nguyễn Lân Thắng gửi con gái khi dự báo cuộc ra đi dấn thân cho lý tưởng của mình, Gã cũng như nhiều bạn đọc của mình đã bật khóc… khóc vì thấy Đất nước của mình đẹp quá khi còn đó những con người sống có lý tưởng. Gã khẳng định, quan điểm và cách hành động của gã và Nguyễn Lân Thắng có thể khác nhau, nhưng gã xin ngả mũ cúi đầu kính trọng phẩm chất lý tưởng của Nguyễn Lân Thắng…”

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên đang ngao du ở Đà Lạt cũng có bài thơ ngắn với tiêu đề: “Tôi tin Thắng không có tội”.

Võ sư Châu Đoàn rất đanh thép: “Bản án này không hợp lòng dân, không nhân đạo, nó kéo lùi sự tiến bộ của xã hội. Tôi phản đối bản án này”.

Nhà thơ Hoàng Thụy Hưng đăng lại bài của Châu Đoàn và lá thư Nguyễn Lân Thắng viết năm 2014 gửi bé Đậu con gái anh cùng một số bài viết khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, dù chưa hồi phục sau cú ngã Dr. Ruồi, cũng có một tút nhỏ: “Thương Thắng một thương bé Đậu mười. Tin rằng lớn lên hiểu được chuyện đời bé Đậu sẽ không trách bố, hận bố mà oán hận thời của bố”.

Nhà giáo Thái Hạo có bài thơ viết tháng 12/2021 bây giờ đăng lại với lời đề “Tặng Nguyễn Lân Thắng – một người yêu nước mình”, bài thơ có các câu nghe thật xót xa: “Em có biết / sáng nay sương mù / con đường quen biến mất / chúng ta không còn nơi nào để hẹn nhau / khi mặt trời rét cóng…” Thái Hạo còn viết ngay thêm một bài nói về sự nguy hiểm của việc bóp nghẹt ý kiến bất đồng.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng chia sẻ lại bài thơ của Thái Hạo.

Nhà văn Phạm Lưu Vũ đăng lại bài của TS Nguyễn Ngọc Chu “Đấu tranh không phải là để đi nước khác” với lời ca ngợi: “Nguyễn Lân Thắng là anh hùng”.

TS. Chu Mộng Long tuy chủ ý viết về vấn đề khác nhưng cũng không quên mở đầu: “Cũng như những sự kiện khác trước đây, tôi không lên tiếng được gì cho nhân tình thì im lặng. Có khi im lặng cả tuần, cả tháng. Mấy hôm nay, nhìn đôi mắt của hai đứa trẻ thơ vô tội, con của người vừa bị "xử kín", tôi im lặng trong nỗi buồn thăm thẳm… Biết im lặng là hèn, nhưng không thể khác. Vì công việc, vì lẽ nhân tình khác còn lớn hơn. Sự nhẫn nhục chịu đựng nào cũng là bi kịch”.

Không biết “vì công việc, vì lẽ nhân tình khác…” của Chu Mộng Long cụ thể là gì, nhưng anh cũng đã lên tiếng, lên tiếng bằng chính phát ngôn về sự im lặng của mình.

TS. Mạc Văn Trang cảnh báo: “Toà xử kín, tuyên Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù. Những phiên Tòa thế này chỉ làm những người tử tế thêm chán ghét chế độ độc tài, toàn trị”.

GS. Hoàng Dũng có hai tút liền, một trích dẫn lại lời của chị Lê Bích Vượng, vợ anh Nguyễn Lân Thắng: “Có những lời kết án làm vẻ vang chứ không làm ô nhục…”, và một trích thư Nguyễn Lân Thắng gửi con gái với lời bình: "Tôi thấy biết ơn Nguyễn Lân Thắng dám trả giá cho niềm tin của mình và nhất là biết ơn bé Đậu về tất cả những gì bé phải trải qua”.

Nhà văn Tạ Duy Anh-Lão Tạ trong bài “Một ngày rất buồn” viết: “Tôi không chúc Thắng may mắn, bởi lời chúc của một kẻ bất lực, vô dụng như tôi chả có giá trị gì. Nhưng tôi chúc những người đang nắm quyền lực, cùng những người thay mặt Thần Công lý có thể tìm thấy sự thanh thản sau phiên xử, dù tôi biết chuyện đó khó hơn cả leo lên trời.”

Nhà văn Trần Thanh Cảnh bức xúc: “Tôi không phải là bạn, kể cả trên fb với Nguyễn Lân Thắng. Thỉnh thoảng tôi cũng mới đọc bài của anh qua một trang nào đó. Thực sự tôi cũng không quan tâm lắm… Nhưng bản án của Tòa án Hà Nội dành cho Nguyễn Lân Thắng chiều nay thì tôi rất quan tâm! Bởi thứ nhất, với kiểu bắt bớ, xét xử như vậy thì bất cứ ai, bất cứ khi nào các trí thức có tư duy phản biện đều có thể trở thành "tội phạm"! Tất cả đều đang là "tù nhân dự bị"! Nhưng… với những trí thức đúng nghĩa, sẵn sàng cống hiến đời mình cho tiến bộ xã hội, không bản án hay sự đe dọa nào có thể làm họ sợ hãi!”

Nhà giáo-nhà thơ ngũ ngôn Thái Bá Tân làm một bài thơ về ông LaGuardia, “Thị trưởng vĩ đại nhất / Ở Mỹ, xứ Cờ Hoa…” với lời dẫn “Tòa người ta thế này này”.

Nhà thơ ngang tàng Bùi Chí Vinh đăng một bài thơ có màu sắc thuyết âm mưu có tựa “Thấy gì qua vụ xử kín Nguyễn Lân Thắng và vụ bắt Trần Quí Thanh” với dòng mở đầu: “Ngày 12-4 xử kín Nguyễn Lân Thắng / Ngày 10-4 bắt Trần Quí Thanh / Lá thư gửi đến tòa án của cha mẹ Thắng đang gây cơn địa chấn / Bỗng bị hóa giải bởi “vua ruồi” Doctor Thanh một cách tài tình…”

Từ Úc châu, GS. Nguyễn Hưng Quốc cũng “đỏ đèn” hai bài liền, bài mới nhất viết: “Hôm qua, Nguyễn Lân Thắng bị kết án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế vì hai tội chính: yêu nước và bất khuất. Có vô số người Việt Nam yêu nước, nhưng không phải ai cũng yêu nước một cách bất khuất như Thắng. Một bản án như thế, thật ra, có hai mặt: Một, dành cho tù nhân: những anh hùng; và hai, dành cho những kẻ kết án: những tên độc tài ích kỷ và chà đạp lên quyền làm người của người dân. Tôi không muốn dùng từ phản quốc. Nhưng thoả hiệp với kẻ thù và trấn áp những công dân yêu nước không phải là phản quốc thì là cái gì?”

Tương tự, từ Boston, cây viết chính luận tài hoa Trần Trung Đạo, thường ít viết trực tiếp về những vấn đề thường nhật ở Việt Nam, cũng cảnh cáo: “Những bản án dài hạn chụp lên đầu những người yêu nước khi họ chỉ vừa cất lên tiếng nói trước những bất công xã hội như trường hợp Nguyễn Lân Thắng cho thấy ngoài nhà tù đảng không có vũ khí gì khác hay phương tiện nào khác. Nhưng nhà tù đang mất dần tác dụng và không còn làm nhiều người sợ hãi… Khát vọng tự do như ngọn lửa không bao giờ tàn. Bản án của đảng CSVN dành cho những người yêu nước càng nặng chỉ làm ngọn lửa càng bốc cao hơn và đốt cháy chế độ nhanh hơn”.

Dĩ nhiên cũng có hai, ba người tôi follow trên facebook cho đến nay vẫn im lặng về việc xử kín và kết án Nguyễn Lân Thắng. Hy vọng sự im lặng này cũng đơn giản chỉ là sự im lặng như của TS. Chu Mộng Long: “Im lặng với nỗi buồn thăm thẳm…” Ngoài hai, ba người nói trên, tất cả các người khác mà tôi biết trên Facebook đều có cùng một ý kiến phản đối bản án. Sự đồng thuận đồng thời hiếm khi xảy ra này chỉ có thể mang một nghĩa duy nhất: NGUYỄN LÂN THẮNG VÔ TỘI.

Đ.Q.T.

Nguồn: FB Thong Dang

This entry was posted in Nguyễn Lân Thắng, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.