Cuộc phản công của Ukraine đang đến gần

Economist

Tiếng dân dịch

17-4-2023

Bẻ gãy xương sống của nó!” người lính hét lên bằng tiếng Nga, khiển trách đồng nghiệp của mình. “Cái gì, mày chưa từng chặt đầu sao?” Đoạn video cho thấy một người lính Nga cầm dao chặt đầu một người Ukraine còn sống. “Cho xác thằng này vào một cái túi,” một giọng khác yêu cầu, “và gửi cho chỉ huy của nó.”

Đoạn phim trên, được một tài khoản cực hữu nổi tiếng của Nga trên mạng xã hội Telegram đăng vào ngày 11 tháng 4, đã gây ra sự phẫn nộ ở Ukraine. Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine cho biết: “Mọi người phải phản ứng. Chúng ta sẽ không quên bất cứ điều gì.” Quân đội của ông Zelensky sẽ sớm có cơ hội trả thù.

Ukraine sẽ phản công trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Hầu như không ai biết chính xác cuộc phản công này sẽ xảy ra ở đâu và khi nào. Oleksiy Danilov, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, lưu ý, vào ngày 6 tháng 4 rằng chỉ có năm quan chức có tất cả các thông tin chi tiết. Nhưng quân đội Nga đang chuẩn bị sẵn sàng.

Vào ngày 12 tháng 4, tình báo quốc phòng Anh cho biết, Nga đã hoàn thành việc xây dựng ba tuyến phòng thủ dọc theo 120km (75 dặm) tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhia để đề phòng một cuộc tấn công của Ukraine về phía Melitopol (xem hình ảnh vệ tinh, mô tả các chướng ngại vật chống tăng đã kéo dài về phía đông nam dọc theo đường cao tốc P37 từ Shyroke). Chiếm được Melitopol sẽ giúp Ukraine cắt đứt cầu nối trên đất liền của Nga giữa các vùng Donbas và Crimea bị chiếm đóng.

Lực lượng tấn công của Ukraine bao gồm ít nhất một chục lữ đoàn (một số nguồn tin cho biết có tới 18), chín trong số đó đã được các đồng minh phương Tây trang bị và cung cấp (một lữ đoàn thường có vài nghìn người). Theo các tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ trên internet vào đầu tháng 3 và lưu hành rộng rãi vào tháng 4, trong 9 lữ đoàn này sẽ có hơn 200 xe tăng, 800 xe bọc thép khác và 150 khẩu pháo dã chiến. Đó là một lực lượng lớn nhưng với một số điểm yếu rõ ràng.

Phần lớn các phương tiện của chúng có ít hoặc không có áo giáp. Số lượng pháo tương đối khiêm tốn – lữ đoàn 21 dường như chỉ có mười khẩu được phân bổ. Đáng chú ý, các thiết bị mới nhất được dàn mỏng trên các đơn vị thay vì tập trung vào một số ít lữ đoàn. Ukraine có thể thay đổi thứ tự chiến đấu để đối phó với vụ rò rỉ thông tin, nhưng họ không thể giải tán và tái lập các lữ đoàn có thể đã được huấn luyện và chuẩn bị cùng nhau trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Một vấn đề đối với Ukraine là làm thế nào để đạt được sự bất ngờ. Nếu tập trung lực lượng của mình tại một địa điểm cụ thể, Nga có thể phát hiện ra những sự chuẩn bị đó và củng cố các tuyến của mình cho phù hợp. Mick Ryan, một Thiếu tướng người Úc đã nghỉ hưu, lưu ý rằng khi đó việc đánh lừa là rất quan trọng. Ukraine sẽ phải che giấu các điểm tập trung quân, sở chỉ huy và trung tâm hậu cần.

Ông Ryan nói: “Điều đó cũng có thể có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn là một vài cuộc tấn công lớn chỉ để làm Nga nhầm lẫn đâu là mục tiêu và đánh lừa họ về nỗ lực chính của Ukraine”. Ukraine có một số kinh nghiệm về điều này: Họ đã khéo léo sử dụng cuộc phản công đầu tiên vào mùa hè năm ngoái ở Kherson để đánh lạc hướng Nga, sau đó tấn công bất ngờ vào Kharkiv ở phía đông.

Nếu Ukraine có thể đạt được sự bất ngờ về mặt chiến thuật, câu hỏi tiếp theo là, liệu họ có thể xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga và sau đó nhanh chóng gửi thêm lực lượng qua lỗ hổng hay không. Ukraine sẽ cần các hệ thống phòng không di động để ngăn chặn máy bay Nga; hiện không rõ Ukraine có đủ hay không. Quân Ukraine cũng sẽ phải băng qua các con sông và bãi mìn – những chướng ngại vật đã tiêu diệt toàn bộ các lữ đoàn Nga ở phía đông – cũng như mạng lưới chiến hào và công sự ghê gớm của Nga (xem bản đồ). Ông Ryan nói: “Không có nỗ lực quân sự nào khó lập kế hoạch, sắp xếp và thực hiện hơn là vượt chướng ngại vật bằng vũ khí kết hợp“.

Về lý thuyết, pháo binh chính xác có thể nhanh chóng hạ gục hệ thống phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn, Ben Barry của IISS, một think-tank, chỉ ra việc sử dụng các hệ thống tên lửa phóng nhiều nòng của Anh để phá hủy các boong-ke ở Afghanistan. Nhưng điều đó đòi hỏi sự đồng bộ hóa chuyên nghiệp giữa pháo binh, bộ binh và thiết giáp để quân đội tiến lên không quá sớm, trong khi hệ thống phòng thủ còn nguyên vẹn, cũng như không quá muộn, khi hậu phương của Nga đã củng cố được vị trí phòng thủ.

Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự tiến hành nghiên cứu thực địa ở nước này, cho biết cho đến nay, quân đội Ukraine chủ yếu tiến hành các hoạt động tuần tự – đầu tiên là bắn pháo, sau đó là tiến công trên bộ – chứ không phải là những hoạt động phối hợp đòi hỏi sự đồng bộ khắt khe hơn. Ông nói, điều đó một phần là do các chỉ huy cứng nhắc kiểu Xô viết và thiếu sự huấn luyện vũ trang tổng hợp trên quy mô lớn. Cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát của Ukraine là ưu tiên hàng đầu của các quan chức phương Tây giúp đào tạo và cố vấn cho các tướng lĩnh Ukraine, được thực hiện ở Đức trong những tuần gần đây.

Thời điểm của một cuộc tấn công cũng không chắc chắn. Thời tiết là một yếu tố. Các nhà phân tích tình báo Mỹ cho rằng mặt đất ở miền đông Ukraine sẽ vẫn lầy lội cho đến đầu tháng 5. Một yếu tố khác là trang bị. Một phần ba các lữ đoàn do phương Tây cung cấp sẽ không được trang bị và huấn luyện đầy đủ cho đến cuối tháng 4. Ông Barry cho biết, Bộ tổng tham mưu của Ukraine có thể tiến hành một cuộc tấn công theo giai đoạn, với một số lữ đoàn sẽ được tung vào sau khi họ đến nơi, nhưng có thể chọn “để dành tất cả cho một vụ tấn công lớn”, tối đa hóa áp lực lên hệ thống phòng thủ của Nga. Chờ đợi quá lâu cũng sẽ cho phép Nga phòng thủ sâu hơn và bổ sung đạn dược tốt hơn.

Các quan chức phương Tây quen thuộc với sự chuẩn bị của Ukraine tỏ ra không chắc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Họ nói, điều quan trọng là quân Ukraine có sự tự tin để tiếp tục tiến về phía trước. Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Nga được thiết kế để thu hút các đoàn quân tiến vào “vùng tiêu diệt” được pháo binh bao phủ. Nếu quân đội Ukraine hoảng sợ và co cụm lại, họ có thể bị tiêu diệt. Nhưng cũng có những lo ngại về điều ngược lại: sự sụp đổ bất ngờ của quân Nga sẽ đặt quân đội Ukraine ở cửa sông Crimea, vào thế có thể phong tỏa bán đảo, tấn công các cảng và căn cứ của Nga ở đó và khiến các tàu Nga không thể vào Biển Azov. Các nhóm quân lớn của Nga cũng có thể bị mắc kẹt ở các tỉnh Kherson và Zaporizhia.

Thành công vượt bậc như vậy được cho là khó xảy ra – một bản đánh giá bị rò rỉ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) dự đoán chỉ những lợi ích “rất nhỏ” cho cả hai bên trong năm nay – nhưng không phải là không thể xảy ra. Nhiều quan chức Ukraine sẽ hoan nghênh nó. Nhưng một số người phương Tây lo ngại rằng một thất bại nghiêm trọng sẽ gây bất ổn cho Nga ở mức độ nguy hiểm, khiến Điện Kremlin sẽ không thể chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra sau đó. Họ nói, tốt hơn hết là để Vladimir Putin, Tổng thống Nga, ra lệnh rút lui nửa tự nguyện, như ông đã làm khi rút quân Nga từ bờ tây sông Dnieper ở tỉnh Kherson vào tháng 11. Mục đích không phải là đánh bại ông Putin về mặt quân sự mà là để thuyết phục ông ta rằng việc khôi phục lãnh thổ đã mất sẽ đòi hỏi việc liên tục phải tổng động viên, vốn đầy rủi ro về mặt chính trị.

Điều này sẽ không dễ dàng. Ông Putin được cho là vẫn tin rằng thời gian đang đứng về phía mình. Ông ta đã củng cố thất bại ở mỗi lượt, gắn bó với cuộc chiến sau thất bại ở ngay sát thủ đô Kyiv và sau đó đẩy hàng trăm nghìn tân binh được huy động trong một cuộc tấn công vô ích xung quanh thị trấn Bakhmut kể từ tháng 1. Bản đánh giá của DIA, lần đầu tiên được Washington Post đăng lên, nói rằng ngay cả khi Ukraine gây ra “những tổn thất không thể phục hồi cho quân Nga”, thì Nga vẫn muốn tiến hành một cuộc tổng động viên mới, hơn là tham gia đàm phán. Vào ngày 12 tháng 4, Quốc hội Nga đã thông qua một đạo luật mới cho phép Bộ Quốc phòng ban hành lệnh gọi nhập ngũ điện tử thay vì vật lý, giúp việc nhập ngũ trở nên dễ dàng hơn. Một đợt tuyển quân khác dường như không thể tránh khỏi.

Ukraine có thể không có được một cơ hội tấn công nào khác nữa. Michael Kofman của think-tank CNA, cho biết Ukraine có thể duy trì một cuộc phản công trong suốt mùa xuân và có lẽ đến cả mùa hè. Nhưng nó sẽ tiêu hao phần lớn đạn dược và con người trong quá trình này, ông cảnh báo, và đây có thể là “ngưỡng tối đa” của viện trợ phương Tây. Cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ và tình trạng thiếu thiết bị quân sự sẽ đặt ra những hạn chế ngày càng tăng với Ukraine. Những tháng sắp tới đây có thể là thời kỳ quyết định của cuộc chiến.

Nguồn bản gốc: economist.com

Nguồn bản dịch: baotiengdan.com/2023/04/17/

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.