Chiến tranh Ukraine – Cái giá có thể chấp nhận cho kết thúc nó, mỗi bên còn đang phải đi tìm

Nguyễn Trung

Võng Thị – Tây Hồ – Hà Nội,

09-04-2022

Chúng ta không phải là khán giả ngồi xem xiếc, nên 2023 và 2024 đồng thời cũng sẽ ban tặng nước ta (dù muốn hay không vẫn phải nhận) cuộc thử sức quyết liệt không thể tránh được với sự giằng xé của 2 bên đối kháng nhau trong chiến tranh Ukraine ập vào nước ta, kể cả sau chiến tranh!

1

Có nhiều điểm thấy được cho phép nói: Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến chiến tranh của nước Nga Putin xâm lược Ukraine là sự trỗi dậy của đế chế Nga, và đế chế Trung Hoa đủ lực tung hoành trên đường phục hưng. Năm 2012 – có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian – đánh dấu sự ra đời cái “phôi” của con quái vật chiến tranh Ukraine: Cùng trong năm này Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị cho mình mọi việc để làm lãnh tụ suốt đời – tạm gọi là cùng bắt đầu đi con đường lên ngôi hoàng đế. Con quái vật chiến tranh Ukraine xuất hiện trên võ đài thế giới ngày 24-02-2022 sau khi đã có cái giấy khai sinh ngày 04-02-2022: Tuyên bố chung Trung-Nga về hợp tác không giới hạn. Song nguyên nhân trực tiếp và thời điểm lựa chọn cho cuộc chiến tranh này là: Tập Cận Binh và V. V. Putin đều thấy thời cơ ngàn năm có một đã đến. Cụ thể là: Mỹ đang trên đà thoái trào, nội bộ có nhiều rối ren yếu kém chưa từng có; Tây Âu và NATO rệu rã không thể mong đợi hơn, riêng Tập Cận Bình còn có yêu cầu bức thiết nhiều mặt phải đẩy mạnh vấn đề Đài Loan. Nhìn lại quá khứ hai cuộc chiến tranh thế giới, sẽ không thấy một liên minh chiến tranh nào thời đó ra đời nhanh chóng, và sớm khuynh đảo quyết liệt toàn bộ cục diện thế giới như liên minh Trung-Nga hôm nay! Trạng thái ác tính đang diễn ra của chiến tranh Ukraine, và những diễn biến rất phức tạp cuộc chiến tranh này đã và đang dấy lên trong quan hệ quốc tế ở quy mô toàn cầu và trong kinh tế thế giới khiến cho xuất hiện nhận định: chiến tranh thế giới III vì nhiều lẽ và de facto đã bắt đầu!

Song bất ngờ lớn có lẽ cả Tập Cận Bình và V. V. Putin đều không tính đến: Cuộc kháng chiến ngoan cường của Ukraine; cả Mỹ và Tây Âu, NATO đều được đánh thức, tăng cường hợp tác với nhau chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh I kết thúc; NATO kết nạp thêm Phần Lan (đã hoàn tất) và Thụy Điển (còn đang trục trặc với Thổ Nhĩ Kỳ); tiếp tục hậu thuẫn kháng chiến của Ukraine; Mỹ tăng cường liên minh AUKUS và thực hiện nhiều bước đi khác gia tăng đối phó với TQ trên mặt trận Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương… Nhìn chung, phản ứng chống lại của Mỹ và phương Tây là mạnh, song vào thời điểm này vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra một bước ngoặt quyết định cuộc chiến tranh này.

Trong khi đó liên minh Trung-Nga qua chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình (20 đến 22-03-2023) được tăng cường hơn nữa, để đối phó với thực tế mới diễn ra sau hơn một năm chiến tranh – trước hết nhằm giúp Nga dồn sức nhiều hơn cho cuộc chiến tranh này. Liên minh này vẫn còn nhiều dư địa huy động lực lượng để đi tiếp – nhất là từ phía TQ.

Thực tế nêu trên của cả 2 bên trong cuộc chiến tranh này không phải là trạng thái stalemate (bế tắc). Đúng hơn, đấy là trạng thái cả hai bên đang chiến đấu tiếp trên cả 2 phương diện: đánh đòn cân não trên chiến trường; để xem bên nào dài hơi hơn bên nào. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa ở chỗ Tập Cận Bình muốn chiến tranh Ukraine phải diễn tiến thế nào có lợi nhất cho vấn đề Đài Loan. Hiện nay cuộc chiến tranh này đang ngày càng ác tính hơn nữa về mặt bom đạn trên chiến trường, và leo thang hơn nữa về mặt căng thẳng trong mọi mối quan hệ quốc tế của cả thế giới, sẽ còn diễn tiến tiếp như thế cho đến khi đi tới được một sự ngã ngũ nào đó giữa các bên: Một cái giá mỗi bên có thể chấp nhận!

2

Cho đến hôm nay mới chỉ nói được, cái giá đang phải đi tìm này tạm được khoanh lại ở 2 đầu: (1) Đầu trên của nó là cái lằn ranh đỏ không được vượt qua – cam kết không thành văn với nhau là không sử dụng vũ khí A để tránh nguy cơ MAD (mutual atomic destruction – huỷ diệt lẫn nhau bằng vũ khí A), nếu các bên giữ được cam kết này; (2)đầu dưới là sức bền dài hơi của mỗi bên đi tới đâu (hay dừng tại đâu). Cái đầu trên như thế là đã xác định được với điều kiện cùng nhau không vượt lằn ranh đỏ. Song đầu dưới của cái giá đang tìm này vẫn còn phải chờ xem bên nào dài hơi hơn bên nào trong cuộc tỷ thí này – nghĩa là rất phức tạp, vì có quá nhiều yếu tố tham gia, trong đó không ít những yếu tố bất định.

Một sự việc đang dần dần xuất hiện: Ukraine đang trù định đợt phản công lớn trên chiến trường trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10-2023, phải như thế – vì lý do (1) tập huấn và tập kết khí tài được viện trợ, (2) lý do thời tiết. Kết quả như thế nào của đợt phản công này sẽ làm rõ hơn nữa tương quan lực lượng so sánh giữa các bên trên chiến trường, song có lẽ sẽ vẫn chưa đủ sức tạo ra một bước ngoặt quyết định của toàn bộ cuộc chiến. Mặt khác còn những diễn biến bất định của những yếu tố không chiến tranh (the non war factors) tham gia cuộc thử sức bền dài hơi của mỗi bên. Vì thế có thể nói ngay không thấy có triển vọng nào cho hoà bình ở Ukraine trong năm 2023. May mắn lắm sẽ có thể là ý chí của mỗi bên ngồi lại nói chuyện với nhau sẽ gia tăng. Rồi phải chờ thêm nữa kết quả diễn biến cuộc tỷ thí sức bền dài hơi của tất cả những bên hữu quan trong năm 2024 – trong đó trước hết là những diễn biến ở Nga, TQ, và Mỹ (nhất là với cuộc bầu cử năm 2024 ở Mỹ)… – với triển vọng cái giá chấp nhận được cho mỗi bên có thể dần dần định hình cho thương lượng – và sẽ là “đắt? rẻ? cho ai?” trong mỗi bên… Nghĩa là cả trong năm 2024 có thể chưa thấy hoà bình ở đâu cả; song may lắm là sẽ có đàm phán hướng tới hoà bình! Tôi cầu mong dự báo này của tôi sai, để hoà bình có thể đến Ukraine sớm hơn.

Xin nói thêm, đầu dưới của cái giá mỗi bên hữu quan trong chiến tranh Ukraine đang đi tìm này bao hàm nhiều yếu tố như: (1) Độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Ukraine được công nhận và bảo đảm đến đâu, có toàn vẹn như trước ngày 24-02-2022 hay không? (2) Ukraine sẽ có hay không có hay không có Grym? hoặc (3)xấu hơn nữa là không giữ được toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine như trước 24-02-2022 và không có Grym, (4) vai trò và ảnh hưởng của những ông anh lớn (the big brothers – chủ yếu là Nga, TQ và Mỹ) sẽ được thoả hiệp với nhau ở mức độ nào? (5) an ninh và ảnh hưởng của các big brothers và các đồng minh của mỗi ông anh này được bảo đảm ra sao? và (6) đặc biệt là những thoả hiệp này giúp hay phản lại ngôi vị hoàng đế của V. V. Putin và Tập Cận Bình trong quốc gia của mỗi ông? (7) Vân vân… và vân vân…

Tương quan lực lượng các bên hiện nay trong cuộc chiến tranh này chung cuộc có thể sẽ dẫn tới triển vọng thoả hiệp hiện thực nhất, và có lẽ cũng là tốt đẹp nhất cho kết thúc chiến tranh, đó là: Một Ukraine như trước 24-02-2022 và không có Grym.

Tuy nhiên, dù không muốn, tôi vẫn phải dự báo thêm một kịch bản buồn để không bị bất ngờ: Nếu để xảy ra hiện tượng hụt hơi về phía chống xâm lược, sẽ có thể dẫn tới một Ukraine không có Grym và phải chịu chấp nhận mất thêm nữa một phần lãnh thổ nào đó của mình? – Đây là kịch bản tồi, Ukraine đang dốc sức quyết liệt chống lại. Và nếu để triển vọng tồi này xảy ra (Ukraine mất thêm một phần lãnh thổ), không phải chỉ riêng mình Ukraine phải trả giá, mà có thể bất kỳ nước bên thứ ba nào trong thế giới còn lại, dù ở trời Âu hay trời Á, trong đó có nước ta – dù tham gia hay không tham gia chiến tranh Ukraine – , cũng phải trả giá theo cách nào đó và ở mức độ nào đó – đơn giản vì: đời này rút dây động rừng, đối với toàn bộ thế giới!

Hy vọng trong năm, cuối năm 2024, hoặc sớm thôi sau năm 2024…, sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm dẫn tới hoà bình, với triển vọng lạc quan, và tránh được cái triển vọng tồi tệ. Sự thật là hy vọng về một triển vọng lạc quan phải có điều kiện: Bên chống chiến tranh xâm lược không được hụt hơi! Hiện nay, những cố gắng của các bên hậu thuẫn trực tiếp cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine chống ngoại xâm đang đi theo chiều hướng tích cực này. Đấy là hiện nay!

Đời này cũng không có gì cho không, thế giới còn lại muốn được hưởng những điều tốt đẹp của một triển vọng lạc quan từ kết thúc chiến tranh Ukraine, cũng phải dấn thân đóng góp phần mình vào hoà bình.

3

Chúng ta không phải là khán giả ngồi xem xiếc, nên 2023 và 2024 đồng thời cũng sẽ ban tặng nước ta (dù muốn hay không vẫn phải nhận) cuộc thử sức quyết liệt không thể tránh được với sự giằng xé của 2 bên đối kháng nhau trong chiến tranh Ukraine ập vào nước ta, kể cả sau chiến tranh!

Những nguyên nhân dẫn tới chiến tranh Ukraine xuất phát từ những đụng độ đối kháng nhau giữa các siêu cường. Sức nặng tác động của cuộc chiến tranh và mọi hệ luỵ khác đối với toàn bộ cục diện thế giới hôm nay rất lớn. Thế giới đi vào thời kỳ mất ổn định chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới II, giữa lúc kinh tế thế giới đi vào thời kỳ suy thoái lớn sau khi vừa ra khỏi đại dịch Covid 19. Giả định chiến tranh đi tới kết thúc với cái giá cho mỗi bên tham gia đều chấp nhận được, nhưng cục diện thế giới đa cực và những mâu thuẫn đối kháng tạo ra cuộc chiến tranh này vẫn còn nguyên vẹn, sẽ tiếp tục gây ra những căng thẳng mới và những đổ vỡ đầy tổn thất mọi mặt cho cả thế giới, và tình hình này sẽ có thể kéo dài nhiều năm, hàng thập kỷ, thậm chí có thể xuất hiện chiến tranh mới…

Nước ta đang phải đối mặt với một thực tế: Vừa phải chống chọi mọi thách thức mới của tình trạng khu vực đang bên miệng hố chiến tranh; đồng thời vừa phải vực dậy nền kinh tế đất nước bị đại dịch tàn phá 2 năm liên tiếp. Hơn nữa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN xấp xỉ gấp đôi GDP (năm 2022 là 1,8 lần), nghĩa là nền kinh tế của nước ta rất mở, buôn bán với cả thế giới, nhưng thị trường toàn cầu đang bị cuộc chiến này xé ra làm nhiều mảng chống đối nhau không biết bao giờ mới ổn định trở lại. V.v…

Cục diện mới của thế giới và khu vực trình bày trên đây đặt ra cho nước ta những thách thức mới và những nhiệm vụ mới chưa từng có thời độc lập thống nhất, đòi hỏi nước ta vừa phải đủ bản lĩnh và khôn ngoan giữ cho lửa chiến tranh không bén được vào nhà mình, vừa phải có những nỗ lực toàn diện đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vào một giai đoạn phát triển mới cao hơn. Đấy là con đường cho phép tạo ra thực lực, trí tuệ, sức mạnh và bản lĩnh nội tại như là một bất biến vạn đại bất khả chiến bại của quốc gia trước mọi vạn biến dù từ đâu đến thách thức nước ta trong thế giới hôm nay. Tình hình này trở nên chín muồi hơn bao giờ hết, đòi hỏi cấp thiết phải tiến hành cuộc cải cách đổi đời đất nước, lấy phát huy dân chủ thực hiện đại đoàn kết dân tộc giải phóng sức mạnh quốc gia, nhằm vào mục tiêu xây dựng nước ta trở thành một cái nôi không thể thiếu trong khu vực Đông Nam Á vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển, đồng thời là điểm đến của mọi nỗ lực trên thế giới cùng vì mục tiêu cao cả này. Cải cách này là con đường nước ta nhất thiết cần lựa chọn, lấy hoà bình đối phó với chiến tranh; lấy hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển hoá giải đối kháng. Chắc chắn nhân dân cả nước ta đòi hỏi khẩn thiết, sẵn sàng với tất cả ý chí và nghị lực, và đồng lòng dấn thân cho sự nghiệp cải cách đổi đời này.

Nắm trọn quyền lực và vận mệnh đất nước trong tay, Đảng Cộng sản Việt Nam có trách nhiệm ràng buộc đứng lên và vực nhân dân cả nước cùng đứng lên, dựa hẳn vào sức mạnh toàn dân tộc tiến hành thành công cuộc cải cách trọng đại và thiêng liêng này./.

N.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.