“Tòa Công lý Việt Nam” và cái bẫy của Trung Quốc

Lynn Huỳnh / phản biện

clip_image002

(VNTB) – Thực tế thì thời điểm đó, lãnh đạo tối cao của nhà nước cộng sản Việt Nam là ông Hồ Chí Minh.

Phạm Văn Đồng bán nước?

Ngày 4 tháng 4 vừa qua tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, nhóm có tên “Tòa Công lý Việt Nam” đã ra phán quyết tuyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam phạm tội bán nước, vì đã đặt bút ký vào công hàm năm 1958 “tán thành và tôn trọng” “bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.

Tòa Công lý Việt Nam được thành lập tương tự mô hình Tòa án nhân dân. Toà án nhân dân là một hình thức tư pháp cơ sở, và có hình thức là các toà án quan điểm do xã hội dân sự tổ chức.

Chẳng hạn Tòa án Russell năm 1966, do các cá nhân đứng ra tổ chức, nhằm điều tra và lượng giá chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và hành động can thiệp quân sự tại Việt Nam. Đây là một truyền thống lâu đời của xã hội dân sự về việc tổ chức các tòa án cho các vấn đề mà chính phủ không đưa ra được công lý.

Giá trị thực sự của các bản án tuyên kiểu này như thế nào, theo quan điểm cá nhân của người viết bài này, thì đó là tùy vào cách thức tuyên truyền nhằm vào các mục đích gì của các bên liên quan.

Tổng thống Mỹ cũng từng bị tuyên án

Một đơn cử được ghi nhận theo cách hành văn quen thuộc của tuyên giáo Hà Nội, theo đó, ngày 15-11-1966, theo sáng kiến của nhà triết học người Anh Bertrand Russell (1872 – 1970), Toà án quốc tế xét xử tội ác của đế quốc Mỹ được thành lập tại Luân Đôn.

Toà án Quốc tế Bertrand Russell đã cử 4 đoàn tới điều tra trực tiếp ở Việt Nam, thu thập tài liệu, nhân chứng, sau đó đã họp hai phiên để xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ. Phiên họp thứ nhất tại Stockholm, Thuỵ Điển từ ngày 2 đến 15-5-1967. Tòa kết luận: Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác xâm lược chống nước Việt Nam, các Chính phủ Úc, New Zealand, Đại Hàn dân quốc là đồng loã.

Phiên họp thứ hai tại Copenhagen, Đan Mạch, từ ngày 20-11 đến 1-12-1967. Tòa kết luận: Mỹ đã dùng các loại vũ khí man rợ nhất để tàn sát trẻ em, phụ nữ và dân thường Việt Nam. Đồng thời, Mỹ đã tiến hành xâm lược Lào và có dã tâm xâm lược Campuchia.

Lúc đó, lãnh đạo tối cao của Hà Nội là ông Hồ Chí Minh đã nhận định rằng, “Sự lên án đó có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc”.

Tuy nhiên các cáo buộc kể trên đã cho thấy là phiến diện khi Hiệp định Paris về Việt Nam trong chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cho thấy có 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Cả bốn bên này đã ký kết hòa đàm tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Một vụ án khác. Tòa án Russell  hồi 13-9-2014 đã ra phán quyết rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ukraine – Petro Poroshenko, cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã gây tội ác chiến tranh ở Donbass, miền đông Ukraine.

Theo Toà án Russell, các phương tiện truyền thông phương Tây đã trình bày bức tranh Ukraine méo mó sai lạc về những gì đang xảy ra: ở Kiev dường như đã có cuộc cách mạng hòa bình dân chủ; đội quân do tân chính quyền phái đi dường như đang đấu tranh với bọn khủng bố ở vùng đông – nam nhận tài trợ của điện Kremlin kể cả hỗ trợ quân sự; còn Moskva dường như đang cố gắng sử dụng quân đội chính qui để chia cắt khu vực này khỏi Ukraine và nhập vào Nga theo bước Crưm; một bộ phận lãnh thổ Ukraine dường như đang bị binh lính Nga chiếm đóng bất hợp pháp…

Theo tuyên bố thì nhiệm vụ của Tòa án Russell là chứng minh rằng với sự ủng hộ tinh thần và tài chính của Mỹ và EU, trong đó có hỗ trợ của lính đánh thuê Mỹ và châu Âu, nhà chức trách Ukraine đang tiến hành cuộc chiến tàn bạo chống các cư dân miền đông-nam.

Bằng chứng cho lời buộc tội này là các cuộc triển lãm ảnh di động. Trên những tấm hình là các xác người cháy đen trong tòa nhà Công đoàn tại Odessa bị những phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine đốt phá, các thị trấn và làng mạc Donbass bị hủy hoại trong cuộc tấn công của pháo binh và máy bay Ukraine, những đứa trẻ nấp trong hầm trú ẩn tránh bom, những thi thể không còn nguyên vẹn trên đường phố…

Sự thật cáo buộc ra sao thì giờ đây có thể thấy rất rõ từ cuộc chiến tranh xâm lược mà ông chủ điện Kremlin đang thực hiện suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên không rõ vì sao Tòa án Russell lại không có động thái nào cho các cáo buộc.

Gián tiếp công nhận yêu sách của Trung Quốc?

Trở lại với cáo buộc hành vi bán nước của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 7 tháng 8 năm 1979 thì: Sự diễn giải của Trung quốc về bản công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung Quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc – tức là khoảng 22 km, mà không cho biết đường cơ sở để tính chủ quyền 12 hải lý có bao gồm đường bờ biển hai quần đảo đó hay không.

Văn bản này không đề cập đến hai quần đảo mà chỉ đề cập đến cơ sở khoảng cách trên biển mà Trung Quốc dùng để tính hải phận.

Thế nhưng trên hầu hết các diễn đàn mạng xã hội, các hội thảo về học thuật, phía Trung Quốc muốn dùng Công hàm 1958 để ép Việt Nam công nhận chủ quyền của mình trên Biển Đông.

Trong tài liệu công bố tháng 9-2012 có tên “Nhìn lại Công hàm Phạm Văn Đồng 1958”, bà Duy Tân Joële Nguyễn, học giả và chuyên gia về chính trị và tư pháp quốc tế từ Pháp, đưa ra các dữ liệu cho thấy hành động chính trị này của Trung Quốc là không hợp luật quốc tế.

“Đây là lập luận hậu thuẫn nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bác bỏ nguyên tắc theo luật pháp quốc tế được viện dẫn bởi Trung Quốc bắt buộc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo.

Trước hết, vào năm 1958, khi ông Phạm Văn Đồng thực hiện tuyên bố này, ông không đề cập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã thực hiện một tuyên bố đơn phương. Ông không liên đới Việt Nam vào đó, điều mà ông không thể làm. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là Chính phủ có thẩm quyền đối với vùng lãnh thổ: “Chúng tôi không thể từ bỏ cái gì mà chúng tôi không có thẩm quyền”.

Cần phải nhớ rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến các quần đảo này vào đầu thế kỷ 20 (1909) trong khi nó đã được tìm thấy từ thế kỷ 18, Vương quốc An Nam đã quản lý có hiệu lực các quần đảo này; sau đó, trong thời kỳ thuộc địa, Pháp đã quản lý chúng, và sau Hiệp định Genève, Nhà nước Nam Việt Nam, cho đến tận năm 1975, luôn luôn khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này” – bà Duy Tân Joële Nguyễn biện giải.

Vẫn theo mạch lập luận trên, trong pháp luật quốc tế, ngăn chặn là một nguyên tắc theo đó một nhà nước phải được coi như liên hệ với hành vi của nó trong quá khứ, và do đó không thể khẳng định một tuyên bố mới, không thể tuyên bố hoặc hành động mâu thuẫn với những gì mà nhà nước đó đã tuyên bố hoặc thực hiện từ trước, để bảo toàn tính chất chắc chắn pháp lý và sự tin cậy giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, ngăn chặn không có nghĩa là một nhà nước bị ràng buộc bởi tất cả những gì mà nhà nước đó đã tuyên bố.

Phần kết của tài liệu “Nhìn lại Công hàm Phạm Văn Đồng 1958”, viết như sau:

“Theo lý luận, có bốn điều kiện phải được đáp ứng.

(i) Tuyên bố hoặc quyết định phải được thực hiện bởi một cơ quan có thẩm quyền một cách rõ ràng và không lập lờ nước đôi.

(ii) Nhà nước tuyên bố “ngăn chặn” phải chứng minh rằng nhà nước này đã có được lòng tin trong cam kết mà nhà nước này đã thực hiện và hành động đúng theo;

(iii) Nhà nước phải chứng minh rằng quốc gia của mình đã bị thiệt hại hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi.

(iv) Nhà nước đã cam kết phải thực hiện nhất quán và luôn luôn nhất quán.

Kết quả là, nhà nước phải bày tỏ ý định quả quyết muốn được ràng buộc bởi cam kết này và sẽ tôn trọng nó.

Phân tích của chúng tôi đối với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng thấy nó không hội đủ nguyên tắc ngăn chặn nói trên, một số điều kiện còn thiếu, đặc biệt, dự định nhằm công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề được trình bày một chút nào trong bản tuyên bố này.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không còn phải là những tuyên bố của năm 1958. Các lợi ích địa chiến lược và kinh tế đang chi phối chính trị Trung Quốc.

Sự thể hiện ý chí về quyền lực, dựa trên sự hồi sinh của các giá trị Khổng giáo, vốn là phương thức phục hồi chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong người dân Trung Quốc cũng đang gặp lại sự đáp ứng đối lại từ lòng yêu nước của người dân Việt Nam.

Tất cả những nhân tố này, không nghi ngờ gì, sẽ làm cho việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông trở nên vô cùng khó khăn”.

Thay lời kết

Nếu có liên tưởng kiểu tam đoạn luận, có thể mai này phía truyền thông của nhà nước cộng sản Trung Quốc sẽ rêu rao rằng ngay cả những người Việt lập [ra] “Tòa Công lý Việt Nam” cũng đã vì công nhận giá trị của công hàm năm 1958, nên họ mới kết tội cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là bán nước.

Không được trực tiếp tham dự buổi ra phán quyết tuyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam phạm tội bán nước của tổ chức có tên “Tòa Công lý Việt Nam”, người viết bài này cho rằng phía buộc tội vì sao không nhìn nhận trong tình huống thời cuộc khi đó, và vì lý do các mối quan hệ đặc biệt đã tồn tại giữa Trung Quốc và Bắc Việt Nam, thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có thể phúc đáp.

Tuy nhiên, với rất nhiều thận trọng và ngoại giao, không có thời điểm nào, bản tuyên bố nhắc tới hai quần đảo, vốn là chủ đề hiện nay về xung đột tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hậu thuẫn của Trung Quốc, trong 19 năm xung đột giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, đã “đánh bẫy” chính phủ, như sự thừa nhận sau đó của ông Phạm Văn Đồng.

L.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông, Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Bookmark the permalink.