Bước ngoặt mới cho quan hệ Viêt-Mỹ? (bài 2)

Nguyễn quang Dy

Nếu TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ (7/2023) để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược như mong đợi (chứ không phải “chiến lược toàn diện”) thì đây là lần điều chỉnh quan trọng. Nhưng điều đó không làm thay đổi nguyên tắc: gần Mỹ hơn “nhưng không quá gần”, xa Trung Quốc hơn “nhưng không quá xa”, làm mất mặt Trung Quốc. Tóm lại, phải đặt quan hệ Việt-Mỹ vào bối cảnh quan hệ Viêt-Trung, Mỹ-Trung và Mỹ-Nga.

Cánh cửa cơ hội

Chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng (10/2022) không chỉ nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, làm giảm căng thẳng ở Biển Đông và biên giới, để rảnh tay thu xếp những vấn đề nội bộ, mà còn mở ra “cánh cửa cơ hội” để nâng cấp quan hệ với Mỹ. Điều đó lẽ ra phải diễn ra từ năm 2015 hoặc năm 2019, nhưng đã lỡ cơ hội vì “yếu tố Trung Quốc”. Bây giờ mới nâng cấp quan hệ với Mỹ tuy muộn, nhưng còn hơn không.

Thật vô lý khi Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 18 nước, nhưng không có Mỹ. Nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược là điều tất yếu, nhưng vấn đề là vào lúc nào. Vào dịp ông Trọng đi Mỹ (tháng 7) chứ không phải dịp ông Biden đi Nhật (tháng 5). Nếu quá sớm thì Việt Nam chưa sẵn sàng, nếu quá muộn thì Việt Nam mất cơ hội. Nâng cấp quan hệ với Mỹ không chỉ vì Việt Nam mà còn vì hòa bình và an ninh khu vực.

Nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược không có nghĩa là Việt Nam sẽ xoay trục sang phía Mỹ. Điều đó chỉ để “chính thức hóa” một sự thực là Việt Nam và Mỹ đã là đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto). Việc này không chỉ làm quan hệ của Việt Nam với hai nước lớn “cân bằng hơn” theo chủ trương đa phương hóa và đa dạng hóa, mà còn giúp Việt Nam “độc lập hơn” nhằm tăng cường nội lực và tự cường để giảm lệ thuộc.

Cánh cửa cơ hội có thể mở ra thì cũng có thể khép lại. Năm 1977-1978, cánh cửa cơ hội đã mở ra cho bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ dưới thời Tổng thống Carter, khi ông đã ủng hộ quan điểm của Ngoại trưởng Cyrus Vance. Theo ông Phan Hiền và Richchard Holbrooke, hai nhà đàm phán chính (point men), cơ hội lúc đó đến rất gần. Ông Trần Quang Cơ và phái đoàn Việt Nam chờ ở New York, sẵn sàng đi Washington để lập đại sứ quán.

Việt Nam không chịu nhân nhượng điều 21 trong Hiệp định Paris là rào cản cuối cùng (deal breaker), làm trật đường ray tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Vào tháng 5/1978, cố vấn an ninh quốc gia Brezinski thuyết phục được Tổng thống Carter ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để dùng “lá bài Trung Quốc” chống Liên Xô. Cánh cửa cơ hội đã khép lại và hệ lụy của nó là “chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”.

Trong lịch sử không thiếu bài học. Trong năm 1945, cơ quan OSS của Mỹ đã hợp tác giúp Việt Mình chống Nhật để giành độc lập. Trong vòng một năm (9/1945-9/1946), Cụ Hồ đã nhiều lần gửi thư và điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ để vận động Washington giúp Việt Nam còn non trẻ, bảo vệ độc lập trước chủ nghĩa thực dân Pháp. Nếu lúc đó Washington và Hà Nội tìm được tiếng nói chung thì lịch sử đã rẽ theo hướng khác.

Trong lịch sử luôn có may rủi. Vai trò cá nhân cũng khác nhau. Tầm nhìn của Tổng thống Truman khác với tầm nhìn của Tổng thống Roosevelt. Sau Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên, xu hướng chống cộng của chủ nghĩa McCarthyism đã làm Chính quyền Truman hữu khuynh và chống cộng cực đoan hơn. Lịch sử quan hệ Việt-Mỹ gặp nhiều rủi ro khi bỏ qua cơ hội, nên hai nước đã bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong dòng chảy của lịch sử, vai trò của các vĩ nhân là phải biết thời thế, tranh thủ được cơ hội và tránh được rủi ro, để dẫn dắt đất nước vượt qua những cạm bẫy. Trong bối cảnh Mỹ-Trung đang cạnh tranh chiến lược tại khu vực, Việt Nam dễ bị mắc kẹt vào bàn cờ nước lớn đầy cạm bẫy khó lường. Vì vậy, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết để tranh thủ cánh cửa cơ hội và tránh rủi do, không trở thành quân cờ trong tay các nước lớn.

Không gian sinh tồn

Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi một cường quốc khác ngoài khu vực, dù là Pháp, hay Nhật, hay Nga, hay Mỹ. Đơn giản vì Trung Quốc muốn Việt Nam phải phụ thuộc vào “Thiên triều” như trong lịch sử. Trung Quốc muốn Việt Nam phải như “phiên quốc” (vassal state), ngày nay bị ràng buộc bởi khẩu hiệu “cùng chung vận mệnh” và “16 chữ vàng” với “một vành đai, một con đường”, như một cái vòng kim cô.

Đó là sự thật mà cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã gọi là “thời kỳ Bắc thuộc mới”, và các học giả gọi là “phiên quốc mới”. Dù nay được che đậy bằng các thuật ngữ mị dân nào đi nữa thì đó vẫn là “Bắc thuộc mới” hay “chủ nghĩa thực dân mới”. Muốn thoát khỏi cái vòng kim cô đó thì phải “thoát Trung”, nhưng nhiều người vẫn ngại chữ đó “nhạy cảm”, phải tránh né gọi đó là “nước lạ” mỗi khi “tàu lạ” xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông.

“Thoát Trung” không có nghĩa thoát về địa lý (một định mệnh) hay thoát về lịch sử và văn hóa (có nhiều mặt tương đồng) hay thoát về kinh tế (là một thị trường khổng lồ) mà đơn giản thoát khỏi khỏi lệ thuộc vì cái vòng kim cô. Nhiều người sợ “nhạy cảm” vì nước nào muốn “thoát Trung” sẽ bị Trung Quốc coi là “đứa trẻ ngỗ nghịch”, phải “dạy một bài học” (như năm 1979). Gần đây, ngay cả Úc cũng bị Trung Quốc “dạy một bài học”.

Điều đó thật là vô lý trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ 21. Nga không thể bắt Ukraine hay các nước trong Liên Xô cũ phải quay lại thời trước. Trung Quốc cũng không thể bắt Việt Nam hay các nước láng giềng khác phải lệ thuộc vào họ như thời bắc thuộc. Hệ quả của đại dịch Covid đã làm loài người tỉnh ngộ về cách ứng xử với môi trường và với nhau. Chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn tư duy cũ và cách ứng xử trong một trật tự quốc tế mới.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, không gian cạnh tranh không chỉ giới hạn trên mặt biển mà còn dưới đáy biển và trên bầu trời. Biển Đông là “không gian sinh tồn” của Việt Nam cũng như các nước ven biển khác theo luật quốc tế. Nhưng Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra yêu sách ngày càng vô lý, trái với luật quốc tế như “đường lưỡi bò” và “Tứ Sa” gồm Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa.

Sau khi bồi đắp và biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự để kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết lấn chiếm và thăm dò để khai thác tài nguyên biển. Không chỉ có dầu khí và hải sản, mà còn có băng cháy (methane hydrate) và đất hiếm (rare earth) dưới đáy biển. Với lợi thế về hải quân và công nghệ mới, Trung Quốc có thể cắt cáp viễn thông, thử nghiệm vũ khí mới, và lắp đặt các thiết bị để theo dõi hoạt động của tầu ngầm.

Theo Reuters (28/08/2017), khoảng 97% trữ lượng băng cháy được xác định nằm ở các vùng biển sâu ở bắc Biển Đông. Gần đây, Trung Quốc đã xúc tiến khai thác băng cháy tại khu vực có tranh chấp. Theo Diplomat (6/5/2021), Trung Quốc đã sản xuất và xuất khẩu 90% đất hiếm trên thế giới. Trong “cuộc khủng hoảng đất hiếm” 2010-2012, một số nước khác đã sản xuất đất hiếm, làm cho giá cả giảm và Trung Quốc mất bớt độc quyền.

Dưới đáy Biển Đông có trữ lượng lớn nguyên liệu đất hiếm (polymetallic nodules), rất cần cho các loại pin, thiết bị điện tử, vệ tinh và người máy. Trung Quốc đã phát triển công nghệ khai thác đất hiếm dưới đáy biển hiện đại bậc nhất thế giới, và muốn dẫn đầu thị trường đất hiếm trong những năm tới. Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực hàng hải và yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. (China’s Deep-Sea Motivation for Claiming Sovereignty Over the South China Sea, Mark Crescenzi & Stephen Gent, Diplomat, May 6, 2021).

Đài Loan hay Việt Nam

Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “vùng xám” với lực lượng “dân quân biển” ở Biển Đông có hiệu quả. Họ muốn đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để bắt nạt các nước khu vực yếu hơn như Viêt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, nhằm kiểm soát và độc chiếm Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc có tham vọng kiểm soát và độc chiếm đáy biển và bầu trời Biển Đông một cách phi pháp, như lập ra “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ).

Một khi đã chiếm được đáy Biển Đông thì Trung Quốc có thể không cần đến “đường lưỡi bò” trên mặt biển và vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam sẽ mất hẳn vùng biển và bầu trời tại Biển Đông. Với nội lực hiện nay, Việt Nam không đủ sức bảo vệ, chứ chưa nói đến việc đòi lại hải đảo và vùng biển đã mất, nếu không có đối tác chiến lược hỗ trợ. Sau khi Nga thua ở Ukraine, chỉ có Mỹ mới có đủ năng lực răn đe và đối trọng với Trung Quốc.

Muốn bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, trên mặt biển, dưới đáy biển và trên bầu trời, chỉ có cách nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược để giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải và tuần tra biển. Nhu cầu chuyển giao công nghệ quốc phòng và hợp tác tình báo ngày càng cấp bách. Cũng như Ukraine, Việt Nam rất cần các vệ tinh tầm thấp như Starlink. Gần đây, Mỹ đã tham gia “Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam, 2022”.

Gần đây, phát biều của tướng về hưu Nguyễn Chí Vịnh về Nga và Ukraine (23/2/2023) có mấy hàm ý. Một là, đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh lập trường với Nga và Ukraine, dù “chọn lẽ phải chứ không chọn phe”. Hai là, đến lúc Việt Nam phải đa dạng hóa quan hệ và nguồn cung vũ khí để “không bị bất ngờ về chiến lược”. Ba là, Viêt Nam giảm lệ thuộc vào Nga thì cũng có thể giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, để “độc lập, tự cường hơn”.

Theo Kurt Campbell (Điều phối Indo-Pacific tại NSC), Ấn Độ là một đối tác “bản lề chủ chốt” (a key fulcrum player) trên trường quốc tế, và Việt Nam là một đối tác “làm thay đổi cuộc chơi” (a critical swing state) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Ấn Độ và Việt Nam đứng đầu danh sách các nước chủ chốt sẽ định hình tương lai Châu Á. Lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần làm quen và chia sẻ một tầm nhìn chiến lược thực sự”. (India and Vietnam will define the future of Asia, says Kurt Campbell, Ken Moriyasu, Nikkei, November 20, 2021).

Campbell nhấn mạnh yếu tố kinh tế trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Gần đây, trong sáu đoàn cấp cao của Mỹ sang thăm Việt Nam, có bốn đoàn về kinh tế và thương mại. Trong điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng, hai bên đề cập nhiều đến hợp tác kinh tế để khôi phục chuỗi cung ứng, hợp tác để đối phó với biến đổi khí hậu chủ yếu ở đồng bằng Mekong, hợp tác chuyển giao công nghệ bao gồm công nghệ quốc phòng.

Theo Alexander Vuving (APCSS), Biển Đông tuy có thể gặp nguy hiểm nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như Giáo sư Graham Allison (Harvard) đã cảnh báo, vì nó theo luật chơi “chọi gà” (chicken game) chứ không theo luật chơi “thế lưỡng nan của người tù” (prisoner’s dilemma). Nói một cách khác, nếu Đài Loan cũng theo luật chơi “chọi gà” như Biển Đông, nó có thể tránh được “bẫy Thucydides.” (Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving chủ biên, APCSS, September 2020).

Derek Grossman (RAND) cho rằng so sánh Ukraine với Đài Loan không như Việt Nam, Trung Quốc đánh Việt Nam dễ hơn Đài Loan, vì Hà Nội không có hiệp ước an ninh với cường quốc nào. Chính sách không liên kết và “ba không” của Hà Nội đồng nghĩa Trung Quốc có thể tấn công mà không sợ nước nào trả đũa. Năm 1979, Trung Quốc dạy Việt Nam một bài học, nhưng không kéo dài xâm lược vì sợ Liên Xô (Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei Asia Review, March 21, 2022)

Nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 230 tỷ USD, trong khi ngân sách quốc phòng của Việt Nam chỉ có 7 tỷ USD (gấp 32 lần). Grossman cho rằng Trung Quốc có thể dễ dàng thắng Việt Nam trong một cuộc chiến tranh thông thường. Về địa lý, Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan khó hơn nhiều so với xâm lược Việt Nam. Một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông có thể leo thang thành xung đột trên đất liền rất khó kiểm soát. (Đài Loan là cục xương khó nuốt? Nguyễn Quang Dy, NCQT, 28/11/2021).

Lời cuối

Gần đây, cuộc tranh luận “đất liền hay biển” quan trọng hơn trong chiến lược của Việt Nam, đã làm dư luận chú ý. Điều đó chứng tỏ một thế hệ mới gồm các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp, đang quan tâm hơn đến vận mệnh quốc gia. Cách đây ít lâu, Giáo sư Trần Hữu Dũng (khi còn sống) đã phàn nàn rằng Việt Nam thiếu các bài nghiên cứu tiếng Anh có chất lượng tại các hội thảo quốc tế về vấn đề an ninh. Tôi hy vọng ông ấy sai.

Khang Vũ lập luận rằng đất liền (continental) quan trọng hơn, và Việt Nam nên xoay trục sang đất liền để bảo vệ an ninh (Why Vietnam needs to pivot landward for its security, ASPI, 24 Oct 2022). Nhưng Euan Graham, Bich Tran và Nguyễn Thế Phuong lập luận rằng biển là sống còn đối với an ninh của Việt Nam (Why a maritime focus is vital for Vietnam’s security, ASPI, 6 Oct 2022; Vietnam’s maritime imperative, ASPI, 16 Nov 2022).

Theo Alexander Vuving, cuộc tranh luận này đã nhầm vì không phân biệt giữa “đại chiến lược” (grand strategy) và chiến lược quốc phòng (defense strategy). Trong khi “đại chiến lược” bàn về định hướng chính trị, kinh tế, ngoại giao của đất nước, thì “chiến lược quốc phòng” chỉ đề cập đến phát triển và tổ chức lực lượng vũ trang. Lựa chọn giữa đất liền hay biển là vấn đề của “đại chiến lược”, nhưng nhầm với “chiến lược quốc phòng”. (Is Vietnam Torn Between Land and Sea in Its Defense? Alexander Vuving, Diplomat, January 06, 2023).

Vuving cho rằng lựa chọn giữa “đất liền hay biển” chưa bao giờ là một điều nan giải và là lựa chọn thực sự trong quốc phòng của Việt Nam, trước đây cũng như sau này. Không nên máy móc hiểu nhầm lựa chọn của “đại chiến lược” là lựa chọn của “chiến lược quốc phòng”. Về mặt địa lý, một chiến lược quốc phòng thành công của Việt Nam phải coi đất liền và biển là hai lĩnh vực bổ sung cho nhau chứ không loại trừ nhau. Vì vậy, “biển và đất liền là một phần của địa hình chiến lược Châu Á”. Ngày nay, vũ khí hiện đại như tên lửa tầm xa, máy bay không người lái, và mật mã máy tính, sẽ làm cho sự khác biệt đó trở nên vô nghĩa.

Nếu Trung Quốc muốn dạy Việt Nam một bài học thì họ có thể phong tỏa hay chiếm một số tiền đồn của Việt Nam ở Biển Đông, phong tỏa các sân bay và hải cảng chính, hay tấn công chính xác một số mục tiêu. Nếu chiến sự leo thang thành chiến tranh tổng lực, họ có thể điều động lực lượng bộ binh, hải quân, vũ trụ, mạng, được phối hợp nhằm đạt mục tiêu chính trị. Tranh luận “đất liền hay biển” không xác định sự lựa chọn chiến lược thực sự cho quốc phòng, và cũng không làm cho các nhà chiến lược Việt Nam thấy nan giải. Giữa “chiến lược quốc phòng” và “đại chiến lược” tuy có mối quan hệ, nhưng không nên máy móc.

Tham khảo

1. Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific, Alexander Vuving chủ biên, APCSS, September 2020

2. China’s Deep-Sea Motivation for Claiming Sovereignty Over the South China Sea, Mark Crescenzi & Stephen Gent, Diplomat, May 6, 2021

3. Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei Asia Review, March 21, 2022

4. Is Vietnam Torn Between Land and Sea in Its Defense? Alexander Vuving, Diplomat, January 06, 2023

5. Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung, Nguyễn Quang Dy, Viet-Studies, 01/11/2021

6. Đài Loan: Cục xương khó nuốt đối với Bắc Kinh? Nguyễn Quang Dy, NCQT, 28/11/2021

N,Q.D.

4/4/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quan hệ Việt - Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.