Phan Kim Khánh: ‘Tôi đã đọc 600 cuốn sách trong 6 năm tù’

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

27 tháng 3 2023

Phan Kim Khánh

ẢNH: PHAN KIM KHÁNH. Phan Kim Khánh khi vừa được tự do ngày 21/3/2023

Rắn rỏi, cương nghị là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi trò chuyện với Phan Kim Khánh, thủ lĩnh sinh viên ĐH Thái Nguyên một thời, chỉ vài ngày sau khi anh mãn hạn sáu năm tù với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Khánh ra tù khi chuẩn bị bước sang tuổi 30, trông không khác là bao so với sáu năm trước dù Khánh nói tóc đã có sợi bạc.

Trước khi bị bắt vào ngày 21/3/2017, Khánh đang là Ủy viên Ban Thư ký Hội sinh viên ĐH Thái Nguyên, thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), chỉ còn vài tháng nữa là lấy bằng tốt nghiệp khoa Quan hệ Quốc tế.

Tu sỹ từng lãnh án tử Thích Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo GHPGVN Thống Nhất

Ông Đỗ Công Đương chết và câu hỏi về quyền chữa bệnh của tù nhân

Vì sao chính phủ VN vẫn nhìn ‘nhân quyền’ rất khác thế giới?

Tù nhân chết trong giam cầm và tự do tôn giáo ở Việt Nam

Tương lai tươi sáng đang chờ đón chàng thanh niên lúc đó được coi là ‘hạt nhân’ trong các phong trào của Đoàn Thanh niên và ‘hạt giống’ của ĐCS Việt Nam.

Khi ra tòa, Khánh bị cáo buộc thành lập hai trang blog Báo Tham Nhũng, Tuần Việt Nam, và điều hành ba tài khoản Facebook và hai tài khoản khác trên YouTube, đăng tải thông tin ‘chống phá’ nhà nước.

"Hiện sức khỏe của tôi ổn định. Tôi đang cố gắng cân bằng cuộc sống và rất vui vì được trở về với gia đình," Khánh nói với BBC News Tiếng Việt từ quê nhà ở vùng trung du Phú Thọ, nơi anh sống cùng cha mẹ và em gái.

Ngôi nhà này khi Khánh đi tù, chỉ là gian nhà tường gạch mái tranh cũ kỹ.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng sau một lần tới thăm nhà khi Khánh đang ngồi tù đã kể lại rằng, cha mẹ Khánh, gương mặt khắc khổ, đã nói với con trai: "Con chẳng làm gì sai. Con hãy đọc Kinh Thánh và tin vào những điều mình làm."

tù để đọc sách, tĩnh tâm

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Khánh luôn nói rằng anh ‘tin vào những điều mình làm’.

Từ chối nhắc lại những khó khăn gian khổ trong tù, Khánh nói anh thật sự thấy mình được trải nghiệm những điều mà những người không rơi vào hoàn cảnh đó sẽ không bao giờ có được. Anh cũng thấy mình bản lĩnh hơn rất nhiều so với sáu năm trước.

Phan Kim Khánh trước khi đi tù

ẢNH: PHAN KIM KHÁNH. Phan Kim Khánh trước khi đi tù

"Ở trong tù, tôi đã đọc được 600 quyển sách. Nhiều người nói sáu năm ngồi tù là lãng phí. Tôi lại thấy mình học được nhiều.

"Trước đây tôi chưa bao giờ đọc nhiều sách đến thế. Ở trong tù tôi có thời gian tĩnh tâm, chiêm nghiệm. Tôi cũng được gặp và trò chuyện với nhiều anh em trong tù. Tôi trưởng thành hơn, tự chăm sóc mình tốt hơn. Tôi cũng có thời gian nhìn lại con đường mình đã và đang đi để xác định đó thực sự là con đường khó khăn, lâu dài và phải đầu tư nghiêm túc hơn nữa về nền tảng kiến thức."

"Với tôi, không có gì hối tiếc khi phải đi tù. Có thể mình không có một bằng đại học, công việc không, gia đình riêng cũng không, trong khi bạn bè tôi hầu hết đều đã đi làm và có gia đình. Nhưng với tôi, nó như một khóa học để rèn luyện bản thân.

"Tôi nhận ra rằng những thứ như đàn áp hay khủng bố tinh thần mình đã vượt qua được, thì tù đày càng là nơi thanh lọc, để mình nhận thấy con đường đích thực mà mình muốn đi là gì."

Trách nhiệm công dân và với gia đình

Ngay khi được về nhà, Khánh lập tức mở lại Facebook cá nhân. Anh nói rằng vì rất háo hức muốn kết nối với gia đình và những người xung quanh.

Phan Kinh Khánh trước khi đi tù

ẢNH: PHAN KIM KHÁNH. Phan Kinh Khánh trước khi đi tù

Chỉ ba hôm sau khi về nhà, Khánh đã có hai cuộc gặp gỡ với chính quyền. "Nhưng không thấy họ có ý kiến gì về vấn đề Facebook."

"Tôi cũng nói nguyện vọng muốn được đi khám sức khỏe tổng quát một lần. Họ đã hứa sẽ cấp giấy cho đi," Khánh kể lại.

Dù đã mãn hạn tù, Khánh còn trước mắt bốn năm quản chế. Điều này có nghĩa Khánh không được đi đâu ra khỏi địa phương nơi cư trú. Anh nói sẽ coi đây là cơ hội để chăm sóc gia đình và tự học thêm.

"Khi đi tù, tôi đã dở dang việc học tập và chăm lo cho gia đình. Bố mẹ và em gái đã rắt vất vả suốt thời gian tôi ở tù. Nay tôi muốn thực hiện đúng trách nhiệm của một công dân, một người con. Tôi muốn học thêm kiến thức mới, có thể là một khóa học tiếng Anh, hoặc một chương trình đào tạo kỹ năng nào đó sau bốn năm có bằng, có thể đi làm phụ giúp cho gia đình và cho chính mình.

"Tôi cũng nghĩ đến việc start-up một dự án nào đó. Trước đây khi tham gia chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, tôi đã có dịp được đi tập huấn, gặp gỡ nhiều bạn bè, nhiều người làm các dự án cộng đồng rất hay, chẳng hạn như làm phân vi sinh phục vụ sản xuất… Tôi đã học hỏi được rất nhiều."

"Thời gian tới, tôi muốn tham gia trở lại vào các hoạt động của giáo xứ và các hoạt động khác ở địa phương, để góp phần xây dựng chính quê hương của mình."

Nâng cao dân trí

Phan Kim Khánh trước khi đi tù

ẢNH: PHAN KIM KHÁNH. Phan Kim Khánh trước khi đi tù

Trong suốt cuộc trò chuyện, Khánh nói nhiều đến lý tưởng chưa bao giờ nguội tắt: phụng sự xã hội.

"Khi ngồi trong tù, tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến những hoài bão, ước mơ tuổi trẻ đã dẫn lối mình làm những việc mà mình đã và đang làm, đó là điều tôi không bao giờ hối tiếc. Trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng tôi vẫn giữ tư tưởng, lập trường của mình. Lý tưởng của tôi cho tới nay vẫn là làm được gì giúp ích cho đất nước, quê hương, mà theo tôi thì cách giúp tốt nhất là nâng cao dân trí, giúp người dân hiểu hơn về các chính sách, về xã hội."

Mỹ gặp gia đình tù nhân chính trị VN: ‘Lo ngại xu hướng ngày càng nghiêm trọng’

Vì sao Tuyên bố Việt – Trung lần đầu nhắc về ‘nhân quyền, cách mạng màu’?

Khánh cho biết suốt thời gian ngồi tù anh đã mường tượng rất nhiều đến ngày được tự do, đã hình dung tới những khó khăn mà mình phải đối mặt và anh có thể làm gì trong giới hạn của mình. Khánh giải thích về ‘giới hạn’ này:

"Nhưng nếu tôi tiếp tục giúp đỡ quê hương đất nước theo cách tôi làm trước đây, thì tôi sẽ lại vào tù. Cho nên trước mắt tôi sẽ chọn cách tự xây dựng nền tảng kiến thức cho mình trước để lan tỏa tới những người xung quanh.

Khánh cũng nói mình đã làm được 30 bài thơ khi ở trong tù, và chỉ chia sẻ cho tôi đọc ‘cho vui’, chứ chưa muốn công bố.

Bài thơ nào cũng ngổn ngang những trăn trở và khát vọng của một người trẻ trước ‘chân lý’, ‘tự do’, nhưng cũng thi thoảng phảng phất màu sắc tình yêu.

Thế nhưng khi tôi hỏi về đời sống riêng, Khánh chỉ nói ‘từng yêu, nhưng không trọn vẹn.’

Và thêm rằng: "Mẹ nói ‘chắc ế’.

Đôi nét về Phan Kim Khánh

21/3/2017: Phan Kim Khánh, khi mới 24 tuổi, đã bị bắt theo một lệnh bắt và khám xét khẩn cấp để điều tra về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Báo Công an Nhân dân thời điểm đó nói , Phan Kim Khánh lập và quản trị hai blog lấy tên là Báo Tham nhũng và Tuần Việt Nam, ba trang trên Facebook là Báo Tham Nhũng, Tuần Báo Việt Nam và Dân chủ TV; hai kênh YouTube là Việt Báo TV, Việt Nam online, "đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc’ nhằm chống nhà nước".

Các báo trong nước cũng nói Phan Kim Khánh đã móc nối với các ‘đối tượng phản động’ trong và ngoài nước, như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải (tức Hải "Điếu Cày) ở Mỹ, và tổ chức Việt Tân.

10/2017: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Phan Kim Khánh. Giám đốc Châu Á của HRW, Brady Adams tuyên bố "Tội ác duy nhất mà Phan Kim Khánh phạm phải là bày tỏ quan điểm chính trị không được nhà cầm quyền chấp nhận."

3/2019: Tổ chức Freedom Now đã đệ trình một báo cáo nêu chi tiết vụ việc Phan Kim Khánh lên Văn phòng Ủy ban Nhân quyền LHQ.

5/2020: Nhóm Công tác LHQ về Bắt giữ Tùy tiện xác định rằng việc giam giữ Phan Kim Khánh là tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế.

12/2020: Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng của tổ chức Việt Tân được trao cho Phan Kim Khánh tại Úc.

M.H.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-65048305

This entry was posted in tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.