Phạm Trần
Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh giác về tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" của một bộ phận Thanh niên, nhưng 6 năm sau vấn đề suy thoái tư tưởng mới được “khắc phục một bước”. Tại sao lại chậm rùa bò như thế ?
Ngày ấy, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017-2022 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Trọng than phiền: ”Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.”
Ông nói: ”Tình trạng tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, trong khi đó Đoàn còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu đề xuất giải pháp, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi. Công tác giáo dục của Đoàn rộng nhưng chưa sâu.”
Tuy nhiên người đứng đầu đảng không cho biết “một bộ phận” là bao nhiêu trong số gần 24 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 25, nhưng ông kêu gọi “tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ… tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị".
Vậy, sau 6 năm tiêu phí hàng ngàn tỷ bạc, đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã làm nên cơm cháo gì hay mọi chuyện vẫn nguyên như cũ? (ngân sách năm 2023 là 154,050 tỷ đồng)
Bằng chứng tiến bộ rất chậm đã được ông Trọng nêu lên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, ngày 15/12/2022.
Ông nói: ”Ở Đại hội lần trước, tôi có đến dự, phát biểu và lưu ý khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Bây giờ cũng đã được khắc phục một bước.”
Tuy nhiên, “một bước” này không bao nhiêu, vì theo lời ông Trọng: ”Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều thứ hấp dẫn dễ đi vào chủ nghĩa cá nhân cho nên càng đòi hỏi thanh niên lấy vai trò tiên phong, gương mẫu, xung kích, có trình độ hiểu biết rất rộng ngày càng cao, ngày càng sâu.”
Ông cảnh giác: ”Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng những biểu hiện đó rất cần được quan tâm để khắc phục, nếu không, sẽ là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hoá với rất nhiều hệ luỵ cho thế hệ tương lai.” (theo VTC News, ngày 15/12/2022)
Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng về suy thoái trong Thanh niên, đội ngũ dự bị của đảng, có ảnh hưởng gì đối với ngày kỷ niệm 92 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 / 26-3-2023) ?
Tất nhiên là báo hiệu xấu nên ít lâu nay đảng đã đề xướng phương pháp “ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên và đảng viên trẻ.”
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã nhìn nhận có một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. (báo QĐND, ngày 18/08/2022)
Vì vậy, báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã phải công nhận rằng:”Không thể phủ nhận biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” là thực tế tồn tại ở một bộ phận đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiện nay.” (QĐND, ngày 20/03/2023)
Tuy nhiên, báo này lại biện bạch rằng: ”Trên thực tế, một số bạn trẻ non kém bản lĩnh, nhẹ dạ cả tin, ăn phải thứ “bánh vẽ” ảo tưởng đã tha hóa về nhân cách, vô hình trung trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch lợi dụng. Đó cũng chính là hệ quả của tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Thế nhưng, cần phải khẳng định, đó chỉ là thiểu số, là hiện tượng chứ không phải bản chất.”
Bài viết còn tỏ dấu lạc quan: ”Thực tiễn là lời khẳng định rõ ràng, một bộ phận thanh niên phai nhạt lý tưởng, có lối sống lệch lạc chỉ là vết chấm nhỏ trầm mặc trong bức tranh tổng thể rực sáng tinh thần tận hiến của tuổi trẻ.”
TẠI SAO VÀ TẠI SAO?
Nhưng tại sao “vết chấm nhỏ” này đã làm cho đảng mất ăn mất ngủ đến độ phải tuyên bố: ”Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên là vấn đề sống còn đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa”?
Bởi vì: ”Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình, lo lắng.” (báo Đảng bộ Tỉnh Bình Phước, ngày 10/12/2022)
Nên biết, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII năm 2016 đảng đã đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Bước qua Hội nghị Trung ương 4 khóa đảng XIII năm 2021, đảng lại thừa nhận:“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.
Trước đó 9 năm, Nghị quyết Trung ương 4 khóa đảng XI năm 2012 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã nhìn nhận: ”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Với suy thoái liên tục như thế, Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã lên tiếng báo động: ”Sự tha hóa đạo đức, lối sống là vấn đề ngày càng nổi cộm trong đời sống xã hội chúng ta. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra ở các đối tượng khác nhau, từ những trẻ đến già, từ những đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý – đảng viên thường, đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cao cấp. Sự suy thoái đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa ứng xử của mỗi người trong xã hội.” (Bài viết đề ngày 02/04/2021)
BẠO LỰC TRẺ
Đó là suy thoái đạo đức lối sống ở Đảng viên, vậy còn đối với giới trẻ? Tự hỏi như thế rồi Bài viết thông tin: ”Hiện nay đang có một thực tế báo động về việc suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ.
“Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận giới trẻ hiện nay là: Thiếu lý tưởng, không có động lực phấn đấu cụ thể và rõ ràng cho bản thân. Thói dối trá, không trung thực, không tuân theo những chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định. Không chuyên tâm vào việc nâng cao năng lực trình độ bản thân, có ý ỷ lại người khác. Không chịu rèn luyện, cống hiến, lao động mà chỉ muốn sung sướng.”
Chi tiết hơn, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch kể ra: ”Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức: Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng tăng, lôi kéo bè cánh để đánh nhau, thậm trí hành hung cả thầy cô giáo rồi con giết cha, anh giết em; trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng…., nhưng thực tế thì còn nhiều hơn nữa. Tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt hiện tượng nữ sinh đánh nhau cũng có xu hướng gia tăng. Tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao. Thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại: khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm ở độ tuổi 15-19. Một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”.”
Tại diễn đàn Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã phản ảnh: "Một bộ phận lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức v.v… đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Nếu chúng ta phát huy những mặt tích cực triệt tiêu các mặt tiêu cực, các xu thế sẽ là những dòng thác không gì ngăn cản nổi." (báo Quốc hội, ngày 12/10/2018) .
VẪN NHƯ THẾ
Đó là bức tranh toàn cảnh về Thanh niên trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhưng trước mắt đảng thì chỉ có một số nhỏ đã thiếu phấn đấu nên bị sa ngã. Vì vậy, đảng đã đổ cho các “thế lực thù địch” chủ động đánh phá Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 20/03/2023 nói rằng những chống phá chỉ muốn: ”Đào rộng, khoét sâu, ngụy tạo chứng cứ gây nhiễu thông tin, nội công ngoại kích, lèo lái dư luận theo ý đồ, kịch bản được vạch sẵn.
Một sự quy chụp kệch cỡm khi những kẻ cơ hội chính trị ngụy biện cho rằng, Đoàn chỉ là cái vỏ bọc hình thức, không còn phù hợp với tuổi trẻ thời hội nhập quốc tế. Từ luận điệu xuyên tạc ấy, trên cơ sở “dẫn chứng” và cổ xúy một vài thanh niên có lối sống lệch lạc, vi phạm pháp luật, chúng lồng ghép thông tin, bình luận, ngụy biện nhằm phủ nhận vai trò của Đoàn đối với thanh niên, phủ nhận vai trò lãnh đạo.” (QĐND, ngày 20/03/2023)
Thực tế trái lại. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, đặc biệt trong giới sinh viên và du học sinh đã không còn muốn học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của đảng. Họ bị buộc phải học Chủ nghĩa Cộng sản để được tốt nghiệp. Trong khi những sinh viên có cơ hội ra nước ngoài học tập thì hầu hết không muốn quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Số sinh viên muốn ở lại đã chiềm 90% ở Úc.
Trả lời các cuộc phỏng vấn, hầu hết sinh viên nói họ ở lại vì về Việt Nam sẽ không tìm được việc làm phù hợp, ngoài ra họ cũng không có “quan hệ” và “tiền bạc” để chạy việc làm.
Thêm vào đó là những gương xấu trong lớp cha anh, những người đã phạm tội tham nhũng, chạy chức chạy quyền đã làm cho Thanh niên mất niềm tin vào chế độ.
Đó chính là lý do tại sao Thanh niên Việt Nam đã “nhạt đảng khô đoàn”. -/-
P.T.
(03/023)
Tác giả gửi BVN