Liên quan đến phát biểu của cựu Đại sứ Grover Joseph Rees về chương trình ROVR

Lê Xuân Khoa

16-3-2023

Mới đây, tôi được một số thân hữu gửi cho Bản tin Mạch Sống ngày 8 tháng 3 năm 2023 của tổ chức BPSOS, cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ mới thành lập chương trình Welcome Corps để cho các nhà hảo tâm tư nhân có thể tiếp tay với chính quyền giúp cho một số người tị nạn trên thế giới được vào Mỹ định cư, và BPSOS đang chuẩn bị tham gia chương trình này hi vọng sẽ đưa được một số người tị nạn Việt Nam còn kẹt ở Thái Lan sang Mỹ.

Tôi đã nghỉ hưu gần ba chục năm nên không còn hoạt động trong lãnh vực giúp người tị nạn, nhưng qua báo chí và trang mạng xã hội mấy tháng qua, công chúng cũng đã được biết các chuyên gia và những nhà hoạt động tình nguyện về tị nạn ở Mỹ, Úc và nhất là ở Canada có kinh nghiệm lâu năm về bảo trợ tư nhân, đã phối hợp với các nhóm tình nguyện ở Thái Lan xúc tiến những việc làm cần thiết để có thể sẵn sàng đưa một con số thực tế người tị nạn từ Bangkok sang Mỹ trong đợt thứ hai (phase #2) của chương trình Welcome Corps vào cuối năm nay.

Tôi rất tin cậy những thông tin khách quan về chương trình bảo lãnh tư nhân mới này do đài VOA phổ biến và một số chi tiết bổ sung được đăng tải trên một số báo chí và trang mạng, như trong mấy đường dẫn điển hình dưới đây: Việt Báo, Saigon Nhỏ, YouTube.

Một điều bất ngờ đối với tôi là Bản tin Mạch Sống ngày 8-3-2023 lại nhắc đến thông tin không đúng sự thật về định cư tị nạn theo chương trình ROVR (Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees) năm 1995, bằng việc trưng dẫn một video mới thu hình cựu Đại sứ Grover Joseph Rees cắt ghép với một đoạn video cũ thu hình DB Christopher Smith 10 năm trước (ngày 11 tháng 4 năm 2013), cho thấy cả hai người đang tuyên dương công trạng của TS Nguyễn Đình Thắng trong việc đưa 18,000 người tị nạn đã bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam sang định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình ROVR 1995.

Đây là lần thứ hai cựu ĐS Rees phát biểu sai lầm về vai trò của TS Thắng trong việc thành lập và thực hiện chương trình ROVR. Lần trước, ông cũng đã tuyên bố như vậy trên một băng video được BPSOS phổ biến ngày 30 tháng 8 năm 2021, ba tháng sau khi Tòa Thượng thẩm California thông báo cho ông Thắng biết là ông bị tôi kiện về tội vu khống và nhục mạ (defamation).

Dù được cựu ĐS Rees cho hay là ông đã làm việc cho BPSOS từ 14 năm qua, tôi không khỏi buồn và ngạc nhiên vì ông đã không quan tâm đến ý kiến của tôi trong lá thư cuối cùng tôi viết cho ông ngày 1 tháng 4 năm 2022, chứng minh đầy đủ bằng sự kiện cụ thể và chứng cứ hiển nhiên để ông ấy thấy rõ chương trình ROVR là kết quả của sáng kiến về định cư tị nạn thuộc thành phần “khu vực xám” do tôi chính thức đề nghị trước Hội nghị Bàn tròn Quốc tế về Tị nạn tại trụ sở LHQ ở New York ngày 9 và ngày 10 tháng 3 năm 1993.

Đề nghị này được Liên Minh InterAction gồm 200 tổ chức nhân đạo của Mỹ bảo trợ và lập một Ban Đặc nhiệm do tôi là đồng chủ tịch để khai triển sáng kiến định cư khu vực xám thành một đề án quy mô và nộp cho Bộ Ngoại giao cứu xét. Đề án Track II  của chúng tôi được chính phủ hoàn chỉnh và chấp thuận vào Tháng Mười Hai 1995 dưới tên chính thức là ROVR, sau hai buổi điều trần tại Hạ Viện vào cuối tháng Bảy 1995 được DB Chris Smith kết luận bằng lời tán thành nhiệt liệt và thúc giục Bộ Ngoại giao sớm chấp thuận.

Sau đó, đại diện Hành pháp đã gặp các đại diện Tiểu ban Nhân quyền Hạ Viện để giải thích rõ lý do tại sao chính phủ chọn giải pháp ROVR. Vì vậy, khi Tổng thống phủ quyết dự luật H.R.1561 vào tháng 4 năm 1996 thì Lưỡng viện Quốc Hội đã không chống đối quyết định của Hành pháp. Khi đó Hoa Kỳ đã thiết lập Đại sứ quán ở Hà Nội, bắt đầu nỗ lực kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và hỗ trợ các nước ASEAN ngăn chặn Bắc Kinh chiếm đoạt Biển Đông và kiểm soát toàn thể khu vực.

Cuối lá thư, tôi đã nhắc nhở Đại sứ Rees không nên binh vực hay che chở cho TS Thắng vì tôi muốn tránh cho thanh danh của ông bị tổn thương trước công luận.

Về việc Dân biểu Christopher Smith ca ngợi TS Thắng trong đoạn video ngày 11 Tháng Tư 2013 được BPSOS hai lần ghép vào video thu hình cựu ĐS Rees vinh danh ông Thắng ngày 30 tháng 8 năm 2021 và ngày 8 tháng 3 năm 2023 như đã nói đến ở trang trên, tôi cần nhấn mạnh rằng tôi đã viết cho DB Smith nhiều lần đính chính thông tin sai lầm của ông và nêu mấy câu hỏi quan trọng về những điều mà TS Thắng dẫn chứng là của ông.

Lá thư đầu tôi viết cho ông ngày 22 tháng 5 năm 1995 liên quan đến dự luật 1561 và mời ông lãnh đạo dự án Track II (tức ROVR) và những thư sau từ 2019 đến 2021 liên quan đến TS Thắng, đều không được hồi âm. Như vậy, tôi hiểu là DB Smith không muốn dính dáng tới vụ ông Nguyễn Đình Thắng bị tôi kiện, và việc ông Thắng lần thứ hai ghép đoạn video của DB Smith mười năm trước (11 tháng 4 năm 2013) vào video mới đây của ĐS Rees (8 tháng 3 năm 2023) là một hành động lạm dụng quan hệ thân cận với DB Smith để vừa tự che chở vừa quảng cáo cho bản thân và BPSOS. Tôi hiểu sự im lặng của DB Smith là ông đồng ý với nội dung những lá thư nói trên của tôi, nhưng ông không thể nói ra.

Vụ Lê Xuân Khoa khởi tố Nguyễn Đình Thắng đã có kết quả sơ khởi được Tòa Thượng thẩm California tại Quận Cam đưa ra thông tin công khai ngày 16 tháng 9 năm 2022, cho hay Tòa bác bỏ kiến nghị của luật sư bên bị cáo Nguyễn Đình Thắng xin vô hiệu hóa đơn kiện của nguyên cáo Lê Xuân Khoa với lý do là bị cáo sử dụng quyền tự do ngôn luận theo tinh thần của Hiến pháp Liên bang và Tiểu bang. Tuy nhiên, Tòa đòi hỏi nguyên cáo phải trưng dẫn trước Tòa đầy đủ lý lẽ và bằng chứng cho thấy bị cáo phạm tội vu khống và nhục mạ. Ông Thắng đã nộp đơn chống án ngày 15/11/2022.

Hiện nay, luật sư của tôi đã có đầy đủ sự kiện và bằng chứng hiển nhiên, chứng tỏ rằng tôi là người khởi xướng sáng kiến định cư tị nạn thuộc thành phần khu vực xám, cốt lõi của chương trình ROVR, đồng thời cho thấy TS Thắng là người kịch liệt chống chương trình này từ đầu đến cuối và đã vu khống và nhục mạ tôi là một kẻ bất lương, hoạt động chính trị thời cơ, phản bội thuyền nhân tị nạn, khai gian bằng cấp để được Bộ Ngoại giao cấp ngân khoản giúp người hồi hương, và dùng tiền giúp người tị nạn để củng cố chế độ độc tài (consolidate a dictatorship) ở Việt Nam.

Những lời vu cáo này gây hoang mang trong công luận, nhất là trong cộng đồng người Việt hải ngoại, phá hoại thanh danh và sự nghiệp của một người suốt đời làm nghề giáo dục và hoạt động bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội.

Tôi tin tưởng những sự kiện và bằng chứng của tôi và những thư từ chứng thực (testimonials) của những nhà lãnh đạo có uy tín trong và ngoài chính phủ, cả Hoa Kỳ và quốc tế, đủ thuyết phục được quý vị Chánh án và bồi thẩm đoàn trong vụ kiện này. Dù sao, mục đích của tôi không chỉ để bảo vệ nhân cách và danh dự cá nhân mà quan trọng hơn nữa là để bảo vệ sự thật lịch sử, vì lịch sử tị nạn 1975 và chính nghĩa của nó cũng là một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ trong hậu bán thế kỷ 20.

Tôi cũng đã công khai nhấn mạnh rằng, giả thử tôi được bồi thường một ngân khoản đủ lớn thì, sau khi thanh toán những chi phí bắt buộc, tôi sẽ tặng hết số tiền còn lại cho những hoạt động từ thiện hay bảo vệ nhân quyền và dân chủ.

Tôi không biết ngày nào thủ tục kháng cáo mới hoàn tất và ngày nào phiên xử được ấn định. Tôi cầu mong có thể đủ mạnh khỏe và tỉnh táo cho đến khi vụ kiện được kết thúc, dù kết quả ra sao.

L.X.K.

Nguồn: baotiengdan.com/2023/03/17

This entry was posted in Định cư tị nạn Hoa Kỳ, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Đình Thắng. Bookmark the permalink.