(Đọc Đá nổi xôn xao của Hoài Tố Hạnh)
Chu Mộng Long
Tôi tuyệt không có ý gì khác, ngoài xem tác phẩm như một sự phản tỉnh, rằng con người là tài nguyên vô giá, nhưng không phải để các nhóm lợi ích vắt kiệt mà để bảo tồn và phát huy vì sự sống của cả cộng đồng, dân tộc. Chu Mộng Long |
Để nhớ người em trai chúng tôi, Nguyễn Tộ Chi, Kỹ sư Thủy lợi, người đảm nhiệm thi công chính công trình thủy điện Trị An từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành, người được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì sự xốc vác lo toan cho toàn bộ công trình thành công, nhưng khi ra đến trung ương thì tấm huân chương trên giấy tờ lặng lẽ biến mất. Em chúng tôi hiện là một cán bộ hưu trí nghèo ở Sài Gòn. Nguyễn Huệ Chi |
Trái tim thác cuộn là của hàng triệu người đã xả thân cho công trường Trị An, cũng là của nữ nhà báo Hoài Tố Hạnh. Sau hơn 30 năm, trái tim ấy vẫn không ngừng đập trong mỗi con người mà chúng ta thường gọi là lòng yêu nước, một thứ tình yêu kết tinh từ bản năng sống và lòng tự trọng của mỗi con người Việt Nam.
Thú thật, chưa đọc Đá nổi xôn xao, tôi chỉ biết hưởng thụ ánh sáng của dòng năng lượng điện đang có. Chỉ khi đọc tập bút ký được viết bằng trái tim thác cuộn của nhà báo Hoài Tố Hạnh, tôi mới hình dung rõ nét cái dòng ánh sáng ấy rực lên từ máu của một đội ngũ trí thức và công nhân đã từng lăn xả trên công trường Trị An vào cái thời kỳ đói khổ nhất của đất nước. "Trước khi phát điện, Trị An đã phát ra một nguồn năng lượng vô giá – đó là lòng yêu nước của nhân dân ta" – Hoài Tố Hạnh đã khái quát như vậy khi gọi đó là "Bức tượng đài dang dở của thế kỷ".
Công trình thủy điện Trị An đúng là bức tượng đài của lòng yêu nước. Chỉ cần một phát động của nhà lãnh đạo có tâm, có tầm là cả nước đến với Trị An, không góp công sức thì cũng góp tiền của. Nhưng lòng yêu nước ấy không đơn thuần là sự hưởng ứng một phong trào. Lòng yêu nước trong thời điểm lịch sử ấy, hiển nhiên, xuất phát từ khao khát cháy bỏng về ánh sáng văn minh để xua tan đi bóng tối của đói nghèo, lạc hậu. Nhưng sâu thẳm bên trong còn là lòng tự trọng của một dân tộc đang định hướng đến một tương lai thiên đường xã hội chủ nghĩa. Hai cuộc chiến tranh đánh đuổi thực dân, đế quốc bằng chồng chất xương máu để thoát đói nghèo, tăm tối, lẽ nào lại xây dựng một cuộc sống mới tăm tối, đói nghèo hơn dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc? – Vậy là dù thiếu cơm ăn áo mặc, người dân vẫn sẵn sàng lấy xương máu mình ra cá cược cho tương lai của mình và con em mình như một bản năng của sự sống và lòng tự trọng. Trải nghiệm từ lăn xả ở công trường Trị An, Hoài Tố Hạnh thấu hiểu sâu sắc sức mạnh của lòng tự trọng trong mỗi con người từng sống và chết nơi rừng thiêng nước độc.
Nhớ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi còn là học sinh rồi lên đường chiến đấu trên chiến trường Cambot, chúng tôi chỉ nghe đài, báo đưa tin nhanh về thành tích của thủy điện Trị An. Khi ấy, tôi làm công tác Đoàn trong quân đội, chỉ biết hò hét thi đua theo phong trào cùng "Trị An – âm vang mùa xuân". Không tận mắt nhìn thấy, ai cũng dễ nhầm tưởng làm thủy điện cũng giống như cái thời học sinh chúng tôi đi đắp đập thủy lợi, chỉ có gánh đất ngăn sông tạo dòng thác để quay tua bin phát điện là xong. Có bài báo nào mô tả cái quy trình thăm dò địa chất, ngăn sông, làm trắng lòng hồ, vượt lũ, xây hầm ngầm, kéo dây…. đầy gian nan mà hàng triệu người phải rút kiệt sinh lực của mình ra, đánh đổi bằng cả sinh mạng để biến thành dòng điện thắp sáng nguồn sinh lực cho cả nước? Chỉ có nữ nhà báo Hoài Tố Hạnh, toàn bộ tuổi thanh xuân "bị đày đọa" nơi rừng thiêng nước độc, đã mang cả trái tim thác cuộn của mình hòa nhập cùng trái tim thác cuộn của hàng triệu người, mới có những trang viết quý giá để chúng ta, mỗi khi bật công tắc điện mới biết được, trong cái dòng năng lượng thắp sáng cuộc sống hàng ngày của chúng ta có mồ hôi, nước mắt và máu xương của hàng triệu người.
Nhưng vì sao lại là "Bức tượng đài dang dở", trong khi Trị An là một kỳ quan lừng lững đã hoàn tất trong mạng lưới điện quốc gia và trong niềm tự hào của đất nước thời kì đổi mới?
Thế hệ chúng tôi đổi máu nơi chiến trường để có hòa bình, và kết cục, không cần ai biết ơn và trả ơn. Cũng trong thời điểm lịch sử đó, hàng triệu người đổi máu của mình để có điện, và kết cục ra sao? Điện được bán giá cao, và những con người ấy vẫn sống lây lất trong tăm tối của sự thất nghiệp, đói nghèo. Trong cái nhìn của Hoài Tố Hạnh, công trình Trị An hoàn tất, nhưng bức tượng đài của lòng yêu nước thì còn dang dở. Lòng yêu nước vô tư của con người Việt Nam là có thật, không ai có thể phủ nhận. Mỗi khi đứng trước hiểm họa, hoặc bị giặc ngoài xâm, hoặc đối mặt với tăm tối, đói nghèo, lòng yêu nước của nhân dân lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả thác lũ, tất nhiên, lòng yêu nước ấy từng được tận dụng tối đa nhưng có được bảo tồn và phát huy bền vững hay không là câu hỏi thắc thỏm, đầy ưu tư trong suốt bản anh hùng ca mà Hoài Tố Hạnh đã viết bằng máu tim của mình? “Trị An là một công trình duy nhất thực hiện được phương châm “Nhà nước với nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm”. Vậy thì tại sao? Tại sao Trị An thì huy động được lòng dân nhưng là hiện tượng độc nhất vô nhị này sẽ khó tái diễn lại?…” Hoài Tố Hạnh đưa ra bằng chứng, những thủy điện sau đó dù cũng kêu gọi nhân dân đóng góp, nhưng nhân dân làm ngơ, thậm chí bị… ăn chửi! “Trị An – lấy dân làm gốc đâu có nghĩa là hô hào nhân dân đóng góp mà không có đáp đền, chủ nghĩa xã hội đâu có nghĩa là lấy con người làm phương tiện thay vì làm mục đích”?
Dám đặt câu hỏi như vậy trong cái thời điểm lịch sử mà mọi góc khuất, mọi bóng tối của cuộc đời đều bị xem là “nhạy cảm”, Hoài Tố Hạnh phải đối mặt với những đe dọa đến mức không thể cất đầu lên được. Nhưng chị vẫn dũng cảm viết, viết bằng trái tim thác cuộn của mình. Tôi cảm phục những anh hùng của thời kì đổi mới như Võ Văn Kiệt, Trần Văn Danh với cái đầu dám nghĩ dám làm, nhưng ấn tượng hơn ở những thân phận, cuộc đời bị đày đọa như bác Ba Minh, anh Nuôi, Đào Huân, Hà Văn Minh,… và vô số những người vô danh khác. Một bác Ba Minh cả đời xây tổ ấm nơi thượng nguồn, chỉ một chốc, cả tài sản thành đống tro tàn, bác phải “tay dao”, “tay súng rượt đuổi đám công an, du kích” nửa đêm đến đốt nhà dân theo lệnh giải phóng mặt bằng, khác nào người nông dân hôm nay phải tiếp tục chiến đấu chỉ vì quyền sở hữu đất đai, nhà cửa của mình? Một anh Nuôi chết vùi trên triền núi, “mỗi lần mưa rừng dội xuống, xác anh Nuôi trong chiếc vạc tre lại bật dậy khỏi mặt đất, mắt mở trừng trừng”, khác nào nỗi oan khuất của những dân oan bây giờ mang đơn khiếu nại bằng thân xác lây lất khắp các công sở? Một kỹ sư tài năng như Đào Huân với những sáng chế phi thường cứu cả Trị An thoát khỏi sự gãy đổ, bế tắc, nhưng cả đời lương không đủ sống, “không có nhà riêng, phương tiện đi lại”, khác nào vô số thân phận trí thức sau đó và hôm nay bị vắt chanh bỏ vỏ? Một Hà Văn Minh từng là "hải quân ngụy" đến công trường Trị An để tận hiến hết mình cho công trình của đất nước, với khao khát được bôi đỏ cái quá khứ bị cho là đen tối của mình, nhưng vẫn bị gièm pha, bị đố kỵ, bị trù dập khác nào những tài năng bị truy xét lý lịch ráo riết ngay cả cho đến khi đã được người đứng đầu chính thức kêu gọi xóa bỏ ranh giới thù địch giữa ta và địch?
Công trình Trị An đúng là một chiến trường. Ở đó là cả một đội ngũ từ trí thức thăm dò địa chất, kỹ sư thiết kế công trình đến công nhân lái xe, đào đất, kéo dây điện, kể cả các chuyên gia Liên Xô, tất cả cùng chiến đấu, cùng vật lộn với thiên nhiên hoang dã. Đói khát, bệnh tật, chết chóc dày vò, kể cả những cái án kỷ luật nghiêm khắc đe dọa sự sống lẫn sinh mệnh chính trị của mỗi người. Trong cái nhìn của một cựu binh như tôi, chiến trường này còn khốc liệt hơn cả chiến trường chống quân xâm lược, bởi người ta phải chiến đấu với tất cả những gì phức tạp nhất của cuộc đời, trong đó có cuộc chiến với chính mình. Nhưng báo chí đương thời chỉ viết như những bài ca thuận theo chiều gió, trừ Hoài Tố Hạnh, bằng trái tim thác cuộn, dám viết thành cái dòng lốc xoáy, ở đó không chỉ cuốn xoáy đi nhiều thân phận đau thương mà cuốn xoáy đi cả cuộc đời chị. Chị nhận lấy nỗi đau, nhận lấy bất hạnh để chia sẻ với nỗi đau và bất hạnh của người khác. Những cuộc đời, những thân phận này đã vượt qua giới hạn về sự hoàn tất của một thiên anh hùng ca để rồi bên trong và đằng sau mỗi cuộc đời, mỗi thân phận lại là cái nằm ngay ở thì hiện tại đang tiếp diễn. Văn chương của Hoài Tố Hạnh ám ảnh và đầy day dứt người đọc, vì cả thiên tùy bút không đơn thuần là những trang thời sự nhất thời.
Đá nổi xôn xao của Hoài Tố Hạnh được Báo Văn nghệ thời Nguyên Ngọc tặng thưởng giải Nhất cùng với Chuyện ông Vua Lốp của Trần Huy Quang, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc… Nhưng có lẽ do cái bi thương của thiên tùy bút của chị không đủ mạnh so với cái âm vang Trị An hào hùng đang được ngợi ca, cho nên ít được dư luận chú ý như Chuyện ông Vua Lốp của Trần Huy Quang hay Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc… Tôi, thời ấy trong quân ngũ, ngày nào cũng đọc báo, nhưng Đá nổi xôn xao thì bây giờ mới biết. Đọc Đá nổi xôn xao, tôi tin tập tùy bút này sẽ sống mãi cùng Trị An hào hùng và bi thương, trong khi nước mắt về Chuyện ông Vua Lốp hay Cái đêm hôm ấy đêm gì rồi sẽ trôi đi theo thời gian.
Tập tùy bút Đá nổi xôn xao do NXB Đồng Nai ấn hành năm 1995, dày gần 300 trang được Hoài Tố Hạnh viết trong và sau thời gian công trình thủy điện Trị An được xây dựng và hoàn thành. Chị cho biết, để viết được tập tùy bút này, ngoài lăn xả vào công trường, chị đã phải đọc và học từ cách viết của Nguyễn Tuân. Nhưng nói thật, đọc Sông Đà của Nguyễn Tuân, tôi chẳng có chút ấn tượng vì lối văn ba hoa, sáo rỗng, toàn bịa đặt mà người ta cho là duy mỹ, lãng mạn. Hoài Tố Hạnh khác, có duy mỹ, lãng mạn, nhưng chân thực đến từng con số, từng milimet ở tinh thần và công sức của hàng triệu người lao động, đến tận đáy trái tim nhiệt huyết của chị. Những hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa của con sông Đồng Nai mà chị đưa vào thiên túy bút thật đáng kinh ngạc, đến mức dân sở tại cũng không hiểu biết nhiều hơn chị. Những con số chính xác, những thân phận cụ thể được biểu đạt bằng một văn phong sống động, vừa thăng hoa bay bổng vừa quặn thắt đớn đau và sâu lắng tình người đã làm nên đặc sắc của tùy bút Hoài Tố Hạnh.
Ban đầu, khi nhận tập tùy bút này, tôi có tâm trạng phát chán, như thể không dưng lại phải mất thời gian đọc lại trang báo cũ về những thông tin của thì quá khứ đã hoàn thành. Nhưng càng đọc, tôi càng say mê, bị cuốn hút vào từng câu văn của tác giả. Mỗi câu văn như chảy ra từ máu tim của chị rồi hòa cùng máu tim tôi, biến thành dòng điện phát sáng trong tim tôi. Cái dòng điện ấy mạnh mẽ nhưng cũng nhói đau theo từng nhịp của con thác ngầm cuồn cuộn bên trong, ở ngay cái cuộc sống đang diễn ra này. Tôi tuyệt không có ý gì khác, ngoài xem tác phẩm như một sự phản tỉnh, rằng không phải thiên nhiên mà con người mới là tài nguyên vô giá, nhưng không phải để vắt kiệt mà để bảo tồn và phát huy vì sự sống của cả cộng đồng, dân tộc.
Tôi xem Đá nổi xôn xao là một cụm công trình trong cái tổng thể công trình Trị An. Nếu con cháu chúng ta tự hào về một Trị An hiện hữu như một kỳ quan của thế kỷ thì Đá nổi xôn xao chính là cái bảo tàng lịch sử chứa đựng hồn cốt của cái kỳ quan ấy. Đá nổi xôn xao xứng đáng đưa vào giáo khoa cho trẻ em học. Trẻ em cần học để hiểu biết lòng yêu nước không là khẩu hiệu hô hào ở đầu môi chót lưỡi mà luôn trả giá bằng máu và nước mắt.
Tình yêu đất nước của hàng triệu con người sống và chết với Trị An đơn giản là lòng tự trọng của một dân tộc đang sống trong tăm tối, đói nghèo muốn vươn đến ánh sáng và sự no đủ. Tình yêu đất nước của nhà báo, nhà văn Hoài Tố Hạnh là tình yêu và lòng kính phục đối với những con người bình dị ấy. Tổ quốc với chị là những dòng sông mang tiềm năng sự sống, văn hóa, văn minh, mà hiện hữu là cái dòng năng lượng mạnh mẽ đang sáng lên trong cuộc sống chúng ta. Dòng năng lượng ấy không chỉ chứa đựng sức mạnh của thiên nhiên mà chứa đựng cả sức mạnh của con người. Đọc văn chị, một trái tim bình thường cũng thành thác cuộn để mỗi con người Việt Nam trở thành một phần của bức tượng đài về tình yêu quê hương, đất nước.
Hàng triệu người anh hùng đã vắt kiệt sức mình để làm nên một Trị An hào hùng. Nữ nhà báo Hoài Tố Hạnh cũng đã vắt kiệt sức mình để dựng nên bức tượng đài bằng chữ nghĩa về cái kỳ quan thế kỷ ấy. Ai sẽ kế thừa chị để tìm lại những thân phận, những cuộc đời đang bị trôi dạt tha phương sau khi đã cống hiến xương máu của mình cho Trị An?
Khi gửi tập Đá nổi xôn xao cho tôi, chị gửi kèm hai viên ngọc trai biển, nói là tặng cho vợ chồng tôi. Chị nhắn gửi: hai viên ngọc ấy sẽ mang lại tài lộc cho gia đình! Tôi thảng thốt, vì tài lộc từ chị gửi cho tôi, tôi không dám nhận. Tôi không tham, không nỡ nhận lấy tài lộc từ máu của người khác, dù đó là máu của con trai nào đó cuộn quánh từ hạt cát đau thương nơi biển sâu. Nhưng rồi tôi hiểu khác, hai viên ngọc trai ấy là một gửi gắm của chị, tượng trưng cho máu tim của chị và hàng triệu người sống và chết cùng dòng điện Trị An. Với tôi, không cần tài lộc. Tôi cần biết lịch sử được viết bằng máu để tôi biết ơn, dẫu biết rằng, ơn máu xương thì không thể trả…
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long