RFA Tiếng Việt
Việt Nam đánh dấu 35 năm ngày diễn ra hải chiến Gạc Ma (Trường Sa) với Trung Quốc vào tuần này bằng một loạt những tưởng niệm cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận trong nước đối với sự kiện lịch sử này.
Những nhà hoạt động hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc tập trung ở Hà Nội năm 2016 tưởng niệm hải chiến ở Gạc Ma (Ảnh: AFP)
Hải chiến Gạc Ma diễn ra vào ngày 14/3/1988 khi hải quân Trung Quốc với ba tàu chiến đã mở cuộc tấn công vào thực thể do Việt Nam kiểm soát và khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam tử trận, hai tàu vận tải của Việt Nam bị đánh chìm, chín người lính khác bị bắt giữ.
Mười ngày sau đó, Trung Quốc đã chiếm thêm một thực thể khác ở Biển Đông là Đá Xu Bi. Đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã chiếm được sáu thực thể và đá ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Kể từ đó, dân chúng Việt Nam đã tổ chức các lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống dù không được Chính phủ cho phép vì Hà Nội lo sợ sẽ làm khuấy động tâm lý chống Trung Quốc và gây mất lòng người láng giềng lớn.
Nhiều cuộc tập trung tưởng niệm trận hải chiến đã bị giới chức chính quyền ngăn chặn và giải tán.
Tuy nhiên, đã có những thay đổi trong thời gian gần đây.
Báo chí Nhà nước trong nhiều năm tránh sử dụng từ “Trung Quốc” trong các bài viết về sự kiện, giờ đây đã sử dụng chữ này một cách thoải mái hơn.
Báo VietnamNet trong một bài xã luận hôm 12/3 đã viết: “Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.”
Trong cùng ngày, một lễ tưởng niệm lớn đã được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, một trong những cảng biển quan trọng của Việt Nam.
Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng dành trang chính để viết về lễ tưởng niệm.
Mặc dù vậy, các quan chức chính phủ và quân đội vẫn cảnh báo mọi người phải bình tĩnh và không để tình cảm lấn át những toan tính chiến lược.
Một sĩ quan hải quân Việt Nam nói với RFA (trong điều kiện giấu tên) rằng: mọi người cần phải tỉnh táo trong việc đối xử với Trung Quốc và mục tiêu chính là đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC) và điều này hiện vẫn còn rất xa vời.
Nguồn: RFA Tiếng Việt