Gạc Ma 35 năm nhìn lại: Với tân Chủ tịch nước, VN có thay đổi gì trong chính sách Biển Đông?

Mỹ Hằng

clip_image002

Người dân tuần hành kỷ niệm sự kiện Gạc Ma tại Hà Nội năm 2016

Ba lăm năm trôi qua kể từ ngày 14/3/1988 với sự kiện Gạc Ma tại Trường Sa khiến 64 chiến sỹ Việt Nam tử trận vì súng đạn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Kể từ đó tới nay, Việt Nam có thay đổi gì trong chính sách biển đảo nói chung và chủ quyền Gạc Ma nói riêng? BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với giảng viên luật quốc tế, ông Hoàng Việt về các vấn đề này.

Ông Hoàng Việt cũng là người tham gia cùng một nhóm các bạn trẻ ở Sài Gòn thành lập một trang web về Hoàng Sa, Trường Sa cách đây nhiều năm để kết nối các cựu binh Gạc Ma và đưa tin về sự kiện lịch sử này.

"Thay đổi trong chính sách dài hạn của Việt Nam thì không nhưng thái độ thì có khác," ông Hoàng Việt nói với BBC từ Sài Gòn.

"Mọi năm báo chí đăng rầm rộ trước thềm kỷ niệm sự kiện Gạc Ma, nhưng năm nay có vẻ im ắng. Có thể Việt Nam đang học cách của Malaysia, làm trên thực tế chứ không nói nhiều."

"Dù vậy, trên thực địa vẫn rất căng thẳng, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động bảo vệ biển đảo của mình. Hình ảnh tàu Trung Quốc – Việt Nam rượt đuổi nhau vẫn luôn xảy ra. Tàu Việt Nam vẫn đeo bám tàu TQ quyết liệt. Vẫn có hình ảnh về tàu Trung phụt nước vào tàu Việt Nam trên Biển Đông."

Dấu ấn tân chủ tịch nước

Về việc Việt Nam có tân chủ tịch nước liệu có dẫn đến việc thay đổi chính sách của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền Biển Đảo, trong đó có Gạc Ma, ông Hoàng Việt nhận định:

‘Tôi cho rằng không có khả năng Việt Nam thay đổi các chính sách hiện nay với Trung Quốc nói chung và sự kiện Gạc Ma nói riêng.

"Tôi đã gặp ông Võ Văn Thưởng một lần tại một hội thảo Quảng Ngãi năm 2012, sau sự kiện Trung Quốc cắt cáp của Việt Nam. Ông Thưởng khi đó là bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi và ông rất nhiệt tình gặp mặt các học giả.

"Tuy nhiên ở Việt Nam, các chính sách đối ngoại không phải do một người quyết định mà là ‘tập thể’, trong đó Bộ Chính trị có tiếng nói quyết định.

"Có những ban bệ với những hoạch định từ rất lâu rồi, bất cứ ai lên thì cũng không thể thay đổi được hướng đi đó. Do đó các chiến lược, chính sách của VN đối với vấn đề Biển Đông hay Gạc Ma cũng nằm trong tổng thể đó."

Bên cạnh đó, ông Hoàng Việt chỉ ra rằng, quan điểm của Việt Nam vẫn là xây dựng thực lực và quốc tế hoá, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với nhiều quốc gia trên thế giới.

clip_image004

Một công trình của Trung Quốc ở Gạc Ma – Ảnh do hải quân Phillipines chụp năm 1999

Giữa lúc dư âm của đại dịch covid và khủng hoảng kinh tế, cùng với cuộc chiến Nga-Ukraine, Việt Nam xác định vấn đề kinh tế là rất quan trọng, và không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

"Trung Quốc có rất nhiều cách để gây áp lực đối với Việt Nam, đặc biệt trong trao đổi thương mại.

"Ví dụ vài năm trước, gần Tết,Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid, đóng cửa biên giới, không chấp nhận hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong đó nông lâm sản, khiến thương lái và nông dân Việt Nam điêu đứng.

Chiến tranh Biên giới 1979: Ý kiến nói ‘cảnh giác’ trong quan hệ với TQ

Lập đài tưởng niệm Gạc Ma và nhìn lại

"Nhưng sau chuyến đi thăm Trung Quốc hồi cuối năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc đã mở cửa cho rất nhiều trái cây và nông sản của Việt Nam."

Về việc Việt Nam có thể kiện Trung Quốc để đòi lại Gạc Ma hay không, ông Hoàng Việt cho rằng "thực tế khó đòi lại Gạc Ma và lúc này, nhất là khi Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và còn đang lấn vào vùng biển của các nước khác. Giữ được chủ quyền hiện có đã khó. Nhưng theo công pháp quốc tế, việc Trung Quốc chiếm giữ các thực thể như Gạc Ma không được quốc tế công nhận về mặt lý thuyết.

"Ngoài ra, về mặt pháp lý, về chủ quyền, muốn kiện ra tòa quốc tế thì phải được sự đồng thuận của cả hai bên, nhưng Trung Quốc không bao giờ chấp thuận thì dù muốn Việt Nam cũng không thể đưa sự việc ra toà được."

Lịch sử cần được tôn trọng

Nhìn lại 35 năm sự kiện Gạc Ma, ông Hoàng Việt nhận định rằng có vài năm Việt Nam lên tiếng mạnh nhưng có những năm lại im lặng. Và điều này có thể những hậu quả nhất định.

"Trong 35 năm qua, nhiều năm chính phủ Việt Nam gần như không nhắc tới sự kiện Gạc Ma. Mãi tới năm 2007, 2009 thì vấn đề Biển Đông mới nhắc tới, tới đỉnh điểm là khi Trung Quốc cắt cáp năm 2011 và đưa giàn khoan dầu tới vùng biển Việt Nam năm 2014, thì đó là những lúc được nói về Trung Quốc và phân tích tình hình Biển Đông rất thoải mái

"Nhưng sau này lại rất im lặng. Chẳng hạn như năm 2019 với sự kiện Bãi Tư Chính. Nhiều người thắc mắc nhưng báo chí chính thống không nhắc hoặc có nhắc thì cũng rất muộn.

"Tôi đi dạy học mà thấy có rất nhiều sự kiện học trò không biết tới. Những câu chuyện chiến sỹ hi sinh bảo vệ biển đảo tổ quốc gần như giới trẻ không biết. Như vậy thì khó giáo dục được tinh thần yêu nước trong giới trẻ.

"Từ mẫu giáo tới tiểu học, phổ thông, Việt Nam đã thấy đưa vào vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, nhưng lại chỉ nói chung và hô khẩu hiệu ‘Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam’.

"Chẳng hạn như Gạc Ma, lẽ ra phải đưa vào giảng dạy, nói rõ ràng sự kiện đã xảy ra như thế nào, bao nhiêu người hi sinh vì sao. Khi lịch sử được hiểu một cách sâu sắc thì tình yêu với đất nước, biển đảo mới bền vững và lâu dài.

"Tôi đồng ý rằng cần thiết giữ hoà khí với Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay. Tuy nhiên, việc nói rõ về lịch sử cũng cần thiết phải là và rất quan trọng.

"Im lặng đôi khi khiến dư luận trong nước và nước ngoài có cái nhìn không tốt về đảng và nhà nước."

Cựu binh Gạc Ma và cuộc sống ‘khốc liệt’

Nhắc tới các cựu binh Gạc Ma – những người may mắn sống sót sau sự kiện đẫm máu cách đây 35 năm, ông Hoàng Việt cho hay qua một số lần gặp gỡ, điều đau xót đọng lại trong ông là ‘họ rất nghèo. Cuộc sống thực sự rất khốc liệt.’

clip_image006

Cựu binh Lê Văn Đông cùng các đồng đội trong ngày họp mặt tại Sài Gòn

"Trên thực tế, họ đã bị lãng quên suốt một thời gian dài. Trong thời gian đó, nhiều người sống trong nghèo túng, bệnh tật, rất đáng thương.

"Mãi sau này báo chí mới nhớ ra họ, khui lại. Cuộc sống của họ sau này vì thế có thể tốt lên đôi chút.

"Tuy nhiên tôi cho rằng những hỗ trợ về vật chất chỉ là một phần. Nếu nhà nước chỉ lo cho các cựu binh này thì có thể lại bất công với các cựu binh khác, trong khi cả nước có rất nhiều cựu binh.

"Điều quan trọng là họ và sự kiện họ hy sinh xương máu để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc phải được nhớ tới và nhắc đến một cách trang trọng. Và phải được đưa vào chương trình giáo dục cho các thế hệ học sinh.

"Nói hải chiến là không đúng, Việt Nam chỉ đưa bộ đội công binh ra để cắm mốc chủ quyền, chứ không mang súng đạn ra chiến đấu mà chỉ mang theo lưỡi lê trong người. Trung Quốc đã sử dụng pháo trên chiến hạm bắn vào bộ đội Việt Nam. Đây là cuộc thảm sát, phải nói để giới trẻ hiểu được giá trị biển đảo quê hương."

M.H.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.