Cho vay nặng lãi…

Thái Hạo

Tôi có biết khá nhiều người làm "tài chính", tức cho vay tiền lấy lãi. Những chuyện như cho vay cắt cổ, đòi nợ khủng bố thì không nói làm gì nữa, vì cái đó là sai, là xấu rõ ràng. Ở đây chỉ nói đến kiểu cho vay với lãi suất cao hơn ngân hàng nhưng không đến nỗi quá nặng. Ở đây cũng không nói đến kiểu vay mượn để ăn chơi.

Những ai đã từng thật sự "sống trong dân", "sống với dân" thì sẽ hiểu, rằng có rất nhiều người cần tiền vào những mục đích chính đáng mà nếu không có người cho vay thì sẽ vô cùng khó khăn, lâm vào bước đường cùng. Từ những sạp hàng ở chợ, một món tiền đột xuất nào đó, tiền cho con học hành, tiền đau ốm thuốc thang, nói chung là rất nhiều. Những lúc đó, người cho vay trở thành cứu tinh, ít nhất thì cũng là một may mắn. Vì để vay được tiền ngân hàng ở VN thì vô cùng phức tạp nhiêu khê, thậm chí bất khả với người nghèo. Mà oái oăm, chính người nghèo lại mới là người cần được vay nhất!

Và vì thế, tôi cũng không ít lần nhìn thấy sự mang ơn của người vay với người cho vay, dù vẫn là trả lãi.

Ở các nước phát triển, do chính sách an sinh tốt, nên các thành phần xã hội khó khăn sẽ được hỗ trợ, bảo trợ hay được nhà nước cho vay tiền với một cách thức rất thông thoáng, dễ dàng. Học sinh đi học không thành gánh nặng cho cha mẹ, sinh viên đi học được vay tiền, ra trường thì trả dần… Tất cả những chính sách như thế sẽ giúp xã hội vận hành lành mạnh, những cá nhân hay tổ chức cho vay theo kiểu tín dụng đen sẽ không tràn lan như nấm mọc ở ta.

Trong hoàn cảnh và tình cảnh VN hiện tại, "tín dụng đen" là một cách cộng sinh xuất phát từ nhu cầu thực tế, chứ không phải chỉ là một tệ nạn. Vì thế nó mọc lên nhan nhản khắp nơi. Và cũng nên chú ý, khi cho vay không thế chấp, người ta cũng đối mặt với rủi ro cao hơn, thậm chí bị phá sản chứ không phải chỉ ngồi mát ăn bát vàng đâu.

Việc dẹp trừ các tổ chức cho vay theo kiểu xã hội đen như F88 là cần thiết và cấp bách, tuy nhiên như thế không có nghĩa là coi tất cả những đối tượng cho vay khác vốn "lành mạnh" hơn là cùng một bản chất và đáng bị trừ khử hay căm ghét.

Để giải quyết tận gốc nạn tín dụng đen, vấn đề không phải chỉ là bắt bớ hay các mệnh lệnh hành chính, mà là phát triển kinh tế đất nước, xây dựng một hệ thống an sinh tốt. Lúc đó, các hình thức cho vay lãi cao sẽ tự biến mất. Và cũng chỉ lúc ấy nhà nước mới thật sự đang thực hiện vai trò kiến tạo xã hội của mình.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

This entry was posted in Kinh tế xã hội. Bookmark the permalink.