Ngô Huy Cường
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nói với chúng tôi (trong tổ soạn thảo và tổ tư vấn) rằng: Văn phòng Chính phủ không đồng ý trình Dự thảo Bộ luật Dân sự (sau này là BLDS 2015) lên Quốc hội vì chất lượng Dự thảo quá kém, nên ông ta phải gặp riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để xin được trình Dự thảo lên Quốc hội; và Thủ tướng đã đồng ý nhưng nói rõ ông ta phải chịu trách nhiệm về Dự thảo được trình, cho nên chúng tôi phải thật cố gắng sửa Dự thảo cho tốt.
Tôi còn nhớ, trước cuộc gặp riêng này, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 tại Ninh Bình và có mời hai chuyên gia người Đức sang tham dự.
Tôi cũng được mời đến phát biểu ý kiến phản biện Dự thảo. Nhưng do tối hôm hội thảo, tôi phải bay ra nước ngoài, nên xin phép chỉ tới dự buổi sáng hôm đó.
Tôi có nói với TS. Phạm Tuấn Khải và một hai cán bộ của Văn phòng Chính phủ rằng xây dựng một Bộ luật khổng lồ mà dễ dãi hơn cả làm một đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội vì khi làm đề tài khoa học phải luận chứng đầy đủ khả năng, bị buộc phải báo cáo tiến độ, kiểm tra tiến độ, giải trình đầy đủ cách thức làm và sử dụng những người tham gia làm đề tài, rồi nghiệm thu từng phần, và vỡ mặt khi thanh toán vài đồng bạc… Trong khi đó Dự thảo luật thì muốn vẽ hươu vẽ vượn gì cũng được (tất nhiên là tùy từng cơ quan chủ trì soạn thảo).
Một anh bạn tôi trước kia là giáo viên trường tôi, sau đó lên phục vụ Văn phòng Chính phủ và cũng tham gia Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 ngay từ ban đầu, rỉ tai tôi rằng: trước khi em đi Đức học cho đến bây giờ mấy năm sau Dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn giậm chân tại chỗ như thủa ban đầu.
Chúng tôi đoán già đoán non rằng chắc là họ (BTP) dốc lực vào làm cho xong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nên bây giờ nước đến chân thì mới nhảy để hoàn thành Dự thảo Bộ luật Dân sự.
Phải chăng họ theo khuynh hướng “hết nạc mới vạc tới xương”, hay thơm ngon xơi trước, còn xương xẩu, đầu mẩu khó xơi thì kệ nó, để sau?
Chúng ta có một chương trình làm luật rất lạ. Xây nhà từ mái trước rồi móng sau.
Qua sự việc đáng tiếc này, tôi thấy:
+ Thứ nhất, muốn có một chương trình xây dựng luật và pháp luật cho tốt thì phải có mô hình hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hợp lý và thích hợp với hoàn cảnh của đất nước ta.
Vấn đề này chúng ta dễ có được bởi chúng ta là nước đi sau.
+ Thứ hai, phải gắn trách nhiệm đối với dự luật (để thông qua) vào cho cơ quan hay tổ chức chủ trì soạn thảo dự luật đó, không nên để cơ quan hay tổ chức chủ trì soạn thảo không quan tâm hay rũ bỏ trách nhiệm sau khi đã trình dự thảo luật lên Quốc hội.
Tôi cảm thấy có tâm lý xuất hiện ở nhiều nơi thuộc hành pháp rằng mình cứ soạn thảo xong và trả cho Quốc hội là hết trách nhiệm.
Tôi cũng cảm thấy có tâm lý từ những người giúp việc cho các cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật là không mặn mà gì với sự đúng sai của dự luật trước khi trình lên Quốc hội vì nếu trình mà yếu thì thành tích và cái oai của bên trên lớn hơn?
Vì vậy cần phải xem xét và chỉnh sửa lại ít nhất là các Điều 74, Điều 75 và Điều 76 của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
+ Thứ ba, cần phải nghĩ đến chuyện giám sát thi hành Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật để cho ý thức xây dựng một đạo luật phải tốt hơn ý thức làm một đề tài khoa học cấp bộ.
+ Thứ tư, cơ quan hay tổ chức chủ trì soạn thảo dự án luật phải mời chuyên gia có năng lực thực sự và thích hợp để xây dựng dự án luật, và trong hồ sơ xây dựng dự án luật phải có tên của chuyên gia thực tế tham gia xây dựng dự án luật đó cùng các minh chứng thỏa đáng.
Cuối cùng tôi xin mọi người hãy bớt chút thời gian đọc cuốn sách có giá trị tham khảo không nhỏ về vấn đề này của PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ mang tên “Bình luận khoa học Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020): Lý thuyết, thực định và thực tiễn” được xuất bản tại Nxb. Tư pháp.
N.H.C.
Nguồn: FB Cuong Huy Ngo